Tính hai mặt của FDI ở Việt Nam

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (2010/2011) vừa qua, thứ hạng cạnh tranh quốc gia GCI của Việt Nam đã tăng 16 bậc, đạt thứ 59 trong 137 quốc gia được so sánh, tức là xếp ở nửa hạng trê
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình hơn 20 năm, bên cạnh những thành công to lớn rất đáng trân trọng, Việt Nam cũng đang đối diện với một số thách thức, khó khăn và yếu kém, cũng như từ đó cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết những tác động hai mặt của FDI trước yêu cầu phát triển bền vững và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, mà nổi bật là: 

Bổ sung nguồn vốn đầu tư xã hội, nhưng còn nhiều hạn chế về chất lượng tăng trưởng
Vốn FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng trong tổng nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn khởi động nền kinh tế. Những năm gần đây, vốn FDI thực hiện ở Việt Nam đã đạt mức trên 10 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư cả nước và tạo ra đến 45% giá trị sản lượng sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, các nguồn vốn này thường được dành cho đầu tư các dự án thuộc loại “gia công”, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực FDI trong công nghiệp lại chỉ đạt 40% MVA, chưa tạo nên hiệu quả vượt trội tương ứng, trong khi khu vực kinh tế nhà nước tạo ra 18,5% giá trị sản lượng công nghiệp (giá thực tế), nhưng đã tạo ra tới 28% giá trị gia tăng ngành công nghiệp. Đó là do nhiều DNNN đã nắm các lĩnh vực công nghiệp quan trọng và có hiệu quả khá cao như dầu khí, điện, than, xi măng. 

Mở rộng xuất khẩu, những cũng làm tăng dòng nhập siêu
Các doanh nghiệp FDI đã tạo nên giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, các doanh nghiệp FDI mới tạo ra được nhiều bán thành phẩm, như lắp ráp máy tính, trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI ngày càng hướng vào khai thác thị trường gần 100 triệu dân có dung lượng đang ngày càng mở rộng của Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI cũng góp phần vào việc tăng nhập siêu, do cơ chế “gia công” còn lớn, tỷ lệ “nội địa hóa” như với công nghiệp ô tô còn thấp, mà cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính những năm 2008 - nay đang cho thấy rõ điều đó. 

Tạo thêm công ăn việc làm, nhưng cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống và chưa coi trọng đào tạo người lao động
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động trong các khâu gián tiếp khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động của các dự án có FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất và tạo thêm áp lực xã hội cho nhiều địa phương có liên quan; Đặc biệt, thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp và có thể gây các bệnh nghề nghiệp (như lệch mắt khi chuyên trách kiểm tra chất lượng bằng thiết bị điện tử tự động của nhà máy sản xuất máy tính và linh kiện điện tử). 

Không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên
Trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI đã chú trọng khai thác nhiều tài nguyên tự nhiên (nhất là tài nguyên không tái tạo như khai thác khoáng sản), gây tàn phá môi trường tự nhiên. Bài học của doanh nghiệp Vedan cũng chỉ là một ví dụ mới nhất, mà hệ quả chưa nhìn thấy hồi kết. Đó là chưa kể ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, v.v... thậm chí phá hoại đa dạng sinh học, cũng cần được quản lý chặt chẽ. 

Tăng đóng góp tài chính quốc gia, nhưng còn nhiều hành vi tiêu cực, trốn tránh nghĩa vụ tài chính và tạo cạnh tranh không lành mạnh
Các doanh nghiệp FDI đóng góp nguồn vốn không nhỏ cho ngân sách Nhà nước xét về tổng thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp có FDI liên tục khai kinh doanh bị lỗ, và phần lớn các liên doanh đã chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài là hiện tượng không bình thường, cho thấy có hiện tượng lạm dụng chính sách ưu đãi và cơ chế “chuyển giá”, gây thiệt hại cho NSNN và tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tình trạng đầu cơ đất, “bán” dự án khá phổ biến, khiến công tác quản lý tài nguyên và đất đai thêm khó khăn, thậm chí có dự án vốn tới 4,1 tỷ USD, nhưng vốn tự có (vốn pháp định hay vốn điều lệ) của chủ dự án chỉ 100 triệu USD. Nhiều dự án ảo, chậm triển khai đã bị các địa phương rút giấy phép đầu tư cũng là hiện tượng rất đáng lo ngại. 

Tăng áp lực cạnh tranh, nhưng chưa có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý
Chấp nhận cạnh tranh trên thị trường sân nhà trong khi thu hút vốn FDI, nhiều nhà hoạch định chính sách, nhiều ngành và địa phương hy vọng, cùng với tăng nguồn vốn, mở mang thị trường, các doanh nghiệp FDI sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho người Việt Nam. Tuy nhiên, thành quả trong lĩnh vực này rất khiêm tốn. Do cách thức sản xuất theo công đoạn trong mạng lưới toàn cầu, mà nhà đầu tư còn giữ phần lớn bí quyết công nghệ, nên việc chuyển giao công nghệ rất ít và việc truyền bá kinh nghiệm quản lý cũng gần như không có gì. Đây là vấn đề đòi hỏi nỗ lực của cả các nhà khoa học và quản lý Việt Nam phải vươn lên để học hỏi trong công việc, từng bước vươn lên. Kinh nghiệm trong xây dựng các công trình lớn, khai thác dầu khí, điện, than,... đáng để mở rộng, trong khi các kinh nghiệm trong gia công hàng hóa còn rất khiêm tốn. 

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó phải kể đến tình trạng phân cấp đến chia cắt “cát cứ” và trình độ quản lý, thẩm định dự án chưa tương xứng, sàng lọc kém các dự án, nên đã thu hút các dự án chưa được chuẩn bị kỹ... Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ trong nước kém phát triển, giá trị gia tăng của FDI kém là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các doanh nghiệp FDI liên tục nhập siêu (nếu bỏ dầu thô ra khỏi kim ngạch xuất khẩu của khối này), góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kinh niên của Việt Nam. 

Kết luận:
Cần nhấn mạnh rằng, tất cả những tác động 2 mặt trên đây của FDI cần được các cấp nhận thức đầy đủ, ghi nhận, theo dõi để có thể có những giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và của các nhà đầu tư FDI chân chính, làm ăn đứng đắn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. 

Trong thời gian tới, trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, cần thúc đẩy và tận dụng được việc hấp thu chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý (cả trực tiếp và gián tiếp), thúc đẩy mở mang thị trường cả trong và ngoài nước, tạo ra sự lan tỏa mạnh và tích cực của khu vực FDI trong các lĩnh vực lao động (đào tạo nguồn nhân lực), chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường, bảo vệ môi trường... 

Đặc biệt, cần tăng cường quản lý Nhà nước, nhất là vai trò bảo đảm lợi ích quốc gia của các cấp ngành Trung ương, khắc phục tình trạng chia cắt, thiếu phối hợp và sự đồng bộ trong quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường… để nâng cao chất lượng khu vực FDI theo hướng phát triển bền vững. 

Cần nhấn mạnh rằng, Chiến lược FDI cần mang tính quốc gia, không nên để tình trạng mỗi tỉnh, mỗi địa phương có kế hoạch FDI của riêng mình, vì lợi ích cục bộ và ngắn hạn, dẫn tới tình trạng nguồn vốn FDI được phân bổ và sử dụng kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đưa đầu tư nước ngoài vào thực hiện theo hình thức Công - Tư kết hợp (PPP – Public Private Partnership), với mục tiêu thu hút FDI vào những ngành, lĩnh vực mà phía Việt Nam chưa làm được. Điều này yêu cầu Việt Nam phải đẩy mạnh việc phát triển khu vực tư nhân năng động, có khả năng hấp thụ công nghệ và kinh nghiệm quản lý và tích hợp vào hệ thống cung ứng rộng lớn hơn, trên cơ sở cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính hiệu quả. Việc trở thành các nhà cung ứng tại chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân kết nối được vào mạng lưới cung ứng toàn cầu, đồng thời, có cơ hội được làm việc với những tiêu chuẩn chất lượng và môi trường kinh doanh quốc tế. Đồng thời, sự tồn tại của một mạng lưới dầy đặc các nhà cung ứng địa phương cũng là một nhân tố thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Tóm lại, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam; thu hút FDI với mục tiêu quan trọng nhất không phải là số lượng vốn thu nhận được, mà phải là hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, hài hòa lợi ích của nước chủ nhà với lợi ích của nhà đầu tư…