Thái Bình: Phát triển công nghiệp gắn với ưu tiên phát triển cụm công nghiệp

Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX (nhiệm kỳ 2021 -2025) xác định, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng với mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021- 2025 khoảng 15,9%/năm.

Để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hiện hữu, ngành Công Thương Thái Bình đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp, hình thành hệ thống cụm công nghiệp (CCN) thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy thành quả gắn với tận dụng tốt thời cơ

Thái Bình là một tỉnh đồng bằng nằm ở khu vực phía Nam Sông Hồng, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của cả vùng; nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong những năm qua, Thái Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế phát triển chủ yếu trong lĩnh vực  nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và dịch vụ có sự dịch chuyển, nhưng chưa chiếm tỉ trọng lớn 

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 của Thái Bình ước đạt 68.873 tỷ đồng (theo so sánh 2010), tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm 2016-2020 ước đạt 285.975 tỷ đồng, tăng bình quân 14,3%/năm, cao hơn so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX là 13,5%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 1.459,2 triệu USD; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2016-2020 ước đạt 7.413,3 triệu USD, tăng bình quân 2,7%/năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 1.245,6 triệu USD; tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm 2016-2020 ước đạt 6.649,6 triệu USD, tăng bình quân 1,6%/năm. Thị trường xuất khẩu ổn định, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, EU, Mỹ... Mặt hàng chủ lực của Thái Bình chủ yếu là dệt may, xơ, sợi bông, da giày...

Một số dự án quy mô lớn hoàn thành đầu tư đúng tiến độ, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định (Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy sản xuất Amonitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ...). Năng lực sản xuất của hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng mạnh so với trước. Thu hút đầu tư tăng nhanh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 1.060 dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 130,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, có trên 850 dự án đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 115 nghìn lao động. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã thu hồi tại các khu công nghiệp đạt 85,5%, cụm công nghiệp đạt 72,4%.

Các ngành công nghiệp của Thái Bình ưu tiên đều tăng trưởng khá và ổn định, sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới có sản lượng lớn... Một số ngành công nghiệp có lợi thế được duy trì phát triển nhanh, đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí, linh kiện điện tử các loại; dây cáp viễn thông, thép hình... có tốc độ tăng trưởng khá vẫn được coi là những ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Bình.

Khu vực sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn tại khu công nghiệp Vũ Quý, huyện Kiến Xương 

Nhằm đón đầu các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng vào Việt Nam thông qua những ưu thế mà hiệp định CPTPP, EVFTA, IPA, RCEP mang lại và kịp thời đón làn sóng đầu tư mới sau dịch Covid-19 có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung mọi nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại đưa Thái Bình trở thành tỉnh công nghiệp.

Trước mắt, để hoàn thành mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra, Thái Bình đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió theo quy hoạch; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản lý. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu, có năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai và lao động. 

Cụm công nghiệp tăng cả chất và lượng

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển công nghiệp, ngành Công Thương Thái Bình xác định mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp (CCN) phải đạt gần 35.987,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 364 triệu USD; đến năm 2030 giá trị tương ứng là gần 63.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30% và kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu USD. Các Cụm công nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động.

Theo đó, để cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Thái Bình hoạt động hiệu quả, bền vững, ngành Công Thương Thái Bình đã xây dựng phương án phát triển CCN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 gồm 61 CCN với hơn 3.700ha, đã được phân bổ phù hợp với không gian các địa phương, tích cực thu hút đầu tư, phát triển tập trung, hạn chế sự phân tán không theo quy hoạch.

Theo đó, xây dựng và quản lý tốt các CCN, có chính sách đầu tư và thu hút đầu tư về hạ tầng, dự án thứ cấp vào CCN đủ hấp dẫn. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và các địa phương; nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết để phát triển và có định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu tuyển dụng tại chỗ của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc quy hoạch vị trí, diện tích và tính chất ngành nghề của mỗi CCN cần phải nghiên cứu kỹ về tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn của các địa phương trong khu vực quy hoạch nhằm khắc phục quy hoạch xong không có nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Đặc biệt, các CCN phải tạo được sự liên kết với nhau và liên kết vùng vừa giúp cho các dự án khi vào sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị và thuận lợi cho công tác quản lý môi trường.

Hơn nữa, công tác quy hoạch thực hiện song song với thu hút nhà đầu tư hạ tầng để dự án sớm được triển khai thực hiện. Việc này cũng đòi hỏi nhà đầu tư hạ tầng phải có năng lực cả về tài chính, kinh nghiệm quản lý và xúc tiến thu hút các dự án thứ cấp lớn vào hoạt động trong CCN.

Song song với đó, ngành Công Thương Thái Bình ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nói chung, vào CCN nói riêng, góp phần hạn chế tình trạng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của CCN thấp như thời gian qua.

Đồng thời, ngành Công Thương Thái Bình cũng chú trọng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và làng nghề vào hoạt động trong CCN. Việc quy hoạch CCN cũng cần quan tâm đến hạ tầng xã hội như nhà ở cho công nhân đang làm việc trong CCN bảo đảm chính sách an sinh xã hội và tạo ra sự ổn định nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Thăng Long