Ngành Công Thương Bắc Kạn: Tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng
11/01/2023 lúc 15:50 (GMT)

Ngành Công Thương Bắc Kạn: Tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng

Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.
Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn

 

Năm 2022, nhờ đồng bộ các giải pháp, ngành Công Thương Bắc Kạn tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Để hiểu rõ thêm những kết quả đạt được của ngành Công Thương Bắc Kạn. Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.

PV: Xin ông cho biết các kết quả nổi bật mà ngành Công Thương Bắc Kạn đã đạt được trong năm 2022.

Ông Hoàng Hà Bắc:

Có thể thấy, năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có sản xuất công nghiệp đã từng bước ổn định và phát triển, đặc biệt phát triển mạnh từ quý II/2022, so cùng kỳ năm trước ngành công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng khá, các nhóm ngành vẫn duy trì và đi vào hoạt động tương đối ổn định. Thị trường hàng hóa ổn định, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Cụ thể, về phát triển công nghiệp, tổng giá trị tăng thêm (giá so sánh năm 2010) ngành công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp tiếp tục có sự thay đổi và chuyển dịch theo chiều hướng tăng từ 6,88% năm 2021 lên 7,69% năm 2022. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng 8,81% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2022 ước đạt 1.586,397 tỷ đồng, tăng 10,09% so với năm 2021. Tỷ lệ số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia tính đến thời điểm báo cáo đạt 97,66%.

Cùng với đó, về phát triển thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.760 tỷ đồng, tăng 5,79% so với năm 2021, đạt 107,3% so với kế hoạch 2022. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 0,45% so với cùng kỳ 2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả khá, là điểm sáng trong phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ước đạt 34,410 triệu USD (trong đó xuất khẩu đạt 22,003 triệu USD, nhập khẩu đạt 12,407 triệu USD), đạt 137,64% kế hoạch năm, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu là đũa gỗ, gỗ dán ép, kim loại chì thỏi thô, hoa quả chế biến, kẽm Sunfat… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như Vener nguyên liệu, máy móc thiết bị, tinh quặng kẽm, hợp kim chì atim, chế phẩm hóa học, quặng chì nguyên khai, than cốc, chế phẩm hóa học…

PV: Được biết năm 2021, nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính, Sở Công Thương được tỉnh đánh giá 90,01/100 điểm, đạt xuất sắc, xếp thứ 2/19 các sở, ngành thuộc tỉnh. Vậy xin ông cho biết, năm 2022 Sở Công Thương đã thực hiện công tác cải cách hành chính như thế nào?

Ông Hoàng Hà Bắc:

Năm 2021, Sở Công Thương được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Sở trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện công tác CCHC thời gian qua.

Hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, công tác CCHC luôn được Sở Công Thương xác định là nhiệm vụ quan trọng, công việc thường xuyên và liên tục để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ngành. Cùng với nhận thực rõ tầm quan trọng của công tác CCHC. Năm 2022, Sở Công Thương  đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-SCT ngày 27/01/2022 về việc ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022, theo đó Sở đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác CCHC tập trung với 7 nội dung và 45 nhiệm vụ cụ thể, hiện nay đơn vị đã hoàn thành được 45/45 nội dung (đạt 100%) kế hoạch đề ra.

Sở Công Thương Bắc Kạn
Công chức ngành Công thương hướng dẫn và tiếp nhận TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 67/KH-SCT ngày 25/7/2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở Công Thương; Kế hoạch số 69/KH-SCT ngày 25/7/2022 về khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021, nâng cao Chỉ số năm 2022 và những năm tiếp theo của Sở Công Thương; Kế hoạch số 70/KH-SCT ngày 26/7/2022 về khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2021, nâng cao Chỉ số năm 2022 và những năm tiếp theo của Sở Công Thương.

Trong năm, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 bãi bỏ Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh về một số thủ tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND ngày 16/6/2022 ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương; Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh; Dự thảo Quyết định ban hành Quy định về khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (hiện nay Sở đã trình UBND tỉnh xem xét).

công thương

Thực hiện rà soát, đánh giá 33 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, trong đó kiến nghị phương án đơn giản hóa đối với 9 thủ tục hành chính, đến nay cả 9 TTHC đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC trên địa bàn tỉnh, số tiền tiết kiệm được thông qua đơn giản hóa là 119.430.400 đồng, tỷ lệ chi phí tiết kiệm 11,32%.

Tại thời điểm báo cáo, đơn vị có 83/133 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở phục vụ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; có 50 TTHC/133 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Năm 2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã tiếp nhận và trả kết quả được 13.126 hồ sơ, trong đó: 13.116 hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn theo quy định, hồ sơ chưa giải quyết trong hạn 07 hồ sơ; chờ bổ sung 01 hồ sơ; trả lại 02 hồ sơ.

Ngoài ra, năm 2022, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao cho Sở Công Thương 454 nhiệm vụ, đến ngày 30/12/2022 đơn vị đã hoàn thành trước và hoàn thành đúng hạn 454 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 100%).

PV: Năm 2023, dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Vậy thưa ông, ngành Công Thương Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu, giải pháp gì trong năm 2023?

Ông Hoàng Hà Bắc:

Năm 2023 ngành Công Thương Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu, giải pháp như:

Về phát triển công nghiệp, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở công nghiệp để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Đôn đốc các nhà máy công nghiệp đã tạm dừng hoạt động có thể tái đầu tư, thực hiện sản xuất, nhất là các nhà máy chế biến sâu khoáng sản.

Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để sớm tạo ra quỹ đất sạch phục vụ thu hút các dự án đầu tư. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập mới một số cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Triển khai các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh góp phần đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện trên địa bàn tỉnh để nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh theo kế hoạch.

Ngoài ra, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thu hút vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh để có mặt bằng sạch phục vụ mời gọi các nhà đầu tư.

Về phát triển thương mại, dịch vụ, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh.

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Về giải pháp thực hiện các mặt công tác khác, với vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh về công tác Hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2023 tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai tốt các hoạt động về công tác Hội nhập kinh tế quốc tế.

Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế một cửa; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các thủ tục hành chính theo quy định; nâng cao hệ thống quản lý chất lượng ISO theo tiêu chuẩn 9001:2015 trong hoạt động của cơ quan.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Bài: Hoàng Dương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí