Bình Liêu (Quảng Ninh) có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số (51,27%), Dao (28,21%), Sán Chay (nhóm Sán Chỉ, 15,26%), Kinh (5,07%), Hoa (0,42%)...

Miến dong Bình Liêu là một sản phẩm truyền thống đặc trưng của bà con dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Miến được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng - Cây dong riềng được trồng trên những thửa nương, rẫy và ruộng bậc thang vùng đất Bình Liêu từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm.

Nét ẩm thực riêng vùng Đông Bắc

Miến dong Bình Liêu là sản phẩm chỉ dẫn địa lý của huyện vùng cao Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 218279, theo Quyết định 2393/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Miến dong Bình Liêu có hương vị thơm ngon đặc trưng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong số ít nông sản có chỉ dẫn địa lý của Quảng Ninh.

Dong riềng Bình Liêu được trồng trên những thửa nương, rẫy, ruộng bậc thang. Bắt đầu khi thu hoạch xong mùa lúa, bà con đồng bào các dân tộc bắt tay vào thu hoạch củ dong riềng - nguyên liệu chính để sản xuất miến dong Bình Liêu.

mien dong

 

Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng trồng tại Bình Liêu cho chất lượng khá tốt, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Để củ dong riềng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từ nhiều năm nay, người dân ở đây  đều trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ truyền thống.

Trước đây, người dân huyện thường tráng miến bằng tay, sản xuất miến theo kiểu hộ gia đình. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đến nay toàn huyện Bình Liêu đã có 8 cơ sở lớn chế biến miến dong tại xã Đồng Tâm, xã Húc Động và thị trấn Bình Liêu.

Các cơ sở chế biến đã mạnh dạn đưa một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống, bởi vậy sản phẩm vẫn giữ được chất lượng đặc trưng, tăng thêm giá trị thẩm mỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

mien dong 2
          

Quy trình sản xuất miến dong phải qua nhiều bước, gồm: Làm sạch củ dong, nghiền bột dong, lọc bột dong, tráng miến, phơi miến, thái miến. Miến dong Bình Liêu có vị thơm, ngọt dịu đặc trưng bởi được làm hoàn toàn từ củ dong riềng, không có phụ gia, hoá chất.

Miến dong Bình Liêu gây ấn tượng với màu xanh lá cây nhạt. Đây cũng là màu sắc thuần khi chế biến nguyên chất củ dong riềng. Màu sắc này đã tạo nên sự khác biệt của miến dong Bình Liêu.

          

 

Là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện, miến dong Bình Liêu hiện có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đóng gói, có tem nhãn mác với đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

mien

 

Thị trường miến dong Bình Liêu ngày càng được mở rộng. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu, thời gian tới, UBND huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng dong riềng. Đồng thời, gắn kết người sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Bình Liêu bền vững.

mien dong 7

Đặc điểm của miến dong bình liêu

  • Sản xuất bằng 100% tinh bột củ dong riềng sạch có nguồn gốc từ Bình Liêu
  • Sợi miến khi nấu chín ăn thơm, tơi giòn, không nát, không dính
  • Miến được dùng để nấu canh hoặc xào (món xào miến các loại) và nhiều món ăn khác

Chỉ tiêu hàm lượng

  • Năng lượng: 345- 360 kcal/100g
  • Độ ẩm: ≤ 14%
  • Hàm lượng Clucid (cacbohrate): 80- 85g/100g
  • Hàm lượng Cenllucoza (Fiber): 1,5- 2g/100g
  • Hàm lượng Protein: 0,6- 0,8g/100g
  • Hàm lượng Lipit: 1- 2g/100g

Cách sử dụng

  • Dùng để chế biến các món ăn cùng với rau, gia vị và các loại thịt, hải sản
  • Nấu canh: Trước khi nấu ngâm miến trong nước ấm từ 3 đến 5 phút. Khi nấu để canh sôi ít nhất 3 phút cho sợi miến không bị cứng (miến có thể nấu lại 2, 3 lần mà sợi miến không bị nát)
  • Xào miến: Trước khi xào cần ngâm miến trong nước sôi tối thiểu 2 phút cho sợi miến miềm rồi xào như các thực phẩm khác.

 

mien dong 3
mien dong 4
mien dong 5

 

Ông Giám đốc quyết giữ nghề
MIẾN DONG BÌNH LIÊU

 

 

Từ ký ức tuổi thơ gắn với sợi miến dong đã thôi thúc anh La A Nồng, dân tộc Sán Dìu, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) nuôi quyết tâm giữ nghề làm miến khi tuổi của bố ngày càng cao. Bố anh đã dạy cho anh lọc những mẻ bột dong, thái những sợi miến dong đầu tiên. 

 

Anh La A Nồng, dân tộc Sán Dìu, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) từ lâu khá có tiếng trong làng sản xuất miến dong Bình Liêu. Anh học ngành sư phạm, nhưng công việc anh gắn bó kể từ khi ra trường đến nay lại là nghề làm miến dong.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Ếch, trung tâm nghề sản xuất miến dong xã Húc Động, cũng là nơi sản xuất tập trung miến dong của huyện Bình Liêu, từ nhỏ La A Nồng đã được thưởng thức những bát miến dong thơm nóng, mịn giòn, ngọt vị bột dong; đã quen với các thao tác làm ra sợi miến thủ công. Bố anh đã dạy cho anh lọc những mẻ bột dong, thái những sợi miến dong đầu tiên. Từ ký ức tuổi thơ gắn với sợi miến dong đã thôi thúc anh nuôi quyết tâm giữ nghề làm miến dong khi bố tuổi ngày càng cao.

mien dong 8

Năm 2006, La A Nồng cùng với một vài người trong thôn Nà Ếch triển khai mô hình Tổ sản xuất miến dong. Chất lượng và số lượng sản phẩm miến dong của Tổ khi đó vượt quy mô sản xuất nhỏ lẻ, có cơ hội tiếp cận với các đầu mối khách hàng miến dong lớn trong tỉnh. 8 năm sau, anh thành lập HTX Phát triển Đình Trung, tạo một thương hiệu sản phẩm miến dong để giao thương với các bạn hàng trong và ngoài tỉnh. 

HTX Phát triển Đình Trung hiện có 7 thành viên. Giám đốc La A Nồng chủ yếu chịu trách nhiệm khâu sản phẩm đầu ra và thương mại; các thành viên lo khâu nguyên liệu và trực tiếp sản xuất. Mỗi năm HTX sử dụng khoảng 600-800 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất khoảng 20-25 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10-15% doanh thu.

dinh trung 1
dinh trung 2

Nhờ nguồn nguyên liệu củ dong địa phương có tỷ lệ bột thấp hơn các giống mới, song độ mềm, mịn, vị ngọt mát cao hơn, kết hợp quy trình sản xuất ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại, song vẫn giữ lại một số khâu sản xuất thủ công, nên HTX đã tạo ra sản phẩm miến dong có sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại khác.

Anh La A Nồng cho biết: Miến dong Đình Trung có sợi bóng mịn, mềm, giòn, nấu lại nhiều lần không nát, đặc biệt đậm vị bột củ dong Bình Liêu. Bởi vậy, dù chế biến theo kiểu nào thì sợi miến dong Đình Trung đều hợp miệng người thưởng thức. Có lẽ sự khác biệt này nên miến dong Đình Trung thường không có hàng tồn, ngay cả thời điểm bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 vừa qua.

mien

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm miến dong, HTX Phát triển Đình Trung có kế hoạch đầu tư thêm thiết bị sấy trữ bột dong. Theo anh La A Nồng, việc này giúp HTX khắc phục nhược điểm sản xuất theo mùa vụ, thường là chỉ 3 tháng trong năm do phụ thuộc vào vụ thu hoạch dong củ. Đồng thời, các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm được thắt chặt hơn, khâu mẫu mã, bao bì sản phẩm được quan tâm làm mới hơn. HTX đang tính mở rộng nhà xưởng sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

mien dong

 

Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết