[E-magazine] UKVFTA - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Anh
25/12/2022 lúc 12:00 (GMT)

[E-magazine] UKVFTA - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Anh

 

Sau khi rời Liên minh Châu Âu, cùng với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua, Vương quốc Anh có xu hướng mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại với các đối tác trên toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm kết nối với những nền kinh tế có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.

Việt Nam với Hiệp định UKVFTA với Vương quốc Anh (UK) đang cho thấy những lợi thế thu hút đầu tư, thúc đẩy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Anh.

Đầu tư từ Vương quốc Anh tăng trưởng mạnh mẽ

Trong lĩnh vực đầu tư, đến năm 2020 trước khi hai nước kí Hiệp định UKVFTA, UK có khoảng 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 17 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đến năm 2020 mới chỉ có khoảng gần 10 dự án đầu tư tại Anh. Hai nước có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

Việc thực hiện Hiệp định UKVFTA trong hơn 01 năm qua đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy đầu tư giữa hai nước với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Anh quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào  Việt Nam và ngược lại.

Năm 2021, năm đầu thực thi Hiệp định, UK đã cải thiện từ vị trí thứ 17 vươn lên vị trí đối tác thứ 12 đầu tư vào Việt Nam, với vốn đăng ký cấp mới đạt 53 triệu USD, tăng 157%; số dự án cấp mới tăng 14%; tổng vốn đầu tư tăng 18% lên con số 4 tỷ USD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, UK có 485 dự án đầu tư FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đạt gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 12 trên tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tình hình đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam năm 2021

chuỗi cung ứng Anh

Các doanh nghiệp UK đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với khoảng 40% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực khai khoáng. Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực khác như: bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; cấp nước và xử lý chất thải; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo...

Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, nhiều doanh nghiệp Anh hiện đang quan tâm tìm hiểu hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản xuất các thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo... của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, tính đến 4 tháng năm 2022, Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Vương quốc Anh với tổng vốn đầu tư đạt 13,92 triệu USD, thuộc 4 lĩnh vực: lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 7,2 triệu USD chiếm 52% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là dịch vụ lưu trú và ăn uống với  vốn đầu tư đăng ký đạt 5 triệu USD, chiếm 36% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc các lĩnh vực như hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, vận tải kho bãi...

cung ứng
công nghiệp
sản xuất
năng lượng

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Anh

Việt Nam đang vươn lên trở thành nhà sản xuất và cung cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới về sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp điện, điện tử, viễn thông... thu hút đầu tư sản xuất của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Việt Nam có nhiều lợi thế để sản xuất và phát triển các sản phẩm này như lực lượng lao động dồi dào, đã qua đào tạo, có tay nghề và kinh nghiệm và các nhà máy phụ trợ của các ngành công nghiệp. Ngoài ra, chi phí sản xuất tại Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, để đón đầu những cơ hội từ hội nhập FTA, các doanh nghiệp, địa phương đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, bao gồm chính sách thuận lợi về đất đai, nhân lực, ưu đãi thuế….

Trong khi đó, UK là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, đặc biệt là công nghệ chế tạo, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, tiết kiệm năng lượng. Với việc quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước được đưa lên mức cao nhất trong thời gian gần đây với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao, các hợp đồng kinh tế hàng tỷ đô được ký kết và việc đầu tư kinh doanh lớn, bài bản của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA.

          

 

Lãnh sự Anh

Các doanh nghiệp Vương quốc Anh có chuyên môn cao và năng lực kỹ thuật đã được cả thế giới công nhận. Doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác không chỉ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà còn trong lĩnh vực giải pháp công nghệ cao hỗ trợ năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số.

Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM,

Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam

          

 

Trong số đó, theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), lĩnh vực công nghiệp chế tạo được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hiện nay với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới đã tham gia hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Với riêng thị trường UK, dây cáp điện và linh kiện phát thanh truyền hình hiện là những mặt hàng chế tạo mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Anh tăng liên tục trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với các nước khác. Do đó, các doanh nghiệp Anh có thể đẩy mạnh hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực này.

chế tạo

(Nguồn: VASI/ITC, 2021)

Bên cạnh đó, việc lắp ráp cụm linh kiện hoàn chỉnh của Việt Nam hiện còn rất yếu, do đó, các doanh nghiệp trong nước mong muốn sự hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Anh. Theo đó, doanh nghiệp Anh đầu tư vào lắp ráp cụm linh kiện hoàn chỉnh tại Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển.

Theo các chuyên gia tư vấn quốc tế, Việt Nam có ưu thế về kinh tế chính trị ổn định để doanh nghiệp yên tâm yên tâm lâu dài. Nhà đầu tư nước ngoài cũng chú ý về khả năng cạnh tranh chi phí lao động, chính sách thu hút và sự thân thiện của môi trường đầu tư, điều này Việt Nam đang làm khá tốt. Do đó ngày càng nhiều nhà đầu tư UK quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào các ngành chủ lực của Việt Nam như hạ tầng, công nghiệp chế tạo, năng lượng, thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại…

Gia tăng thị phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa vào thị trường Anh

Với UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp UK bởi cơ cấu ngành hàng đầu tư, xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau. Trong khi UK có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế tạo, dược phẩm, các hoạt động nghiên cứu phát triển, công nghệ cao thì Việt Nam đang dần trở thành nhà cung ứng lớn và uy tín cho các sản phẩm tiêu dùng, nông, lâm và thuỷ sản của khu vực cũng như thế giới.

Trước khi có Hiệp định UKVFTA, hàng hóa “made in Vietnam” đã có lợi thế về giá và uy tín nhất định trên thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến và có thể đáp ứng sản phẩm mà các nước nhập khẩu có nhu cầu.

Sau khi có Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam càng có thêm lợi thế để gia tăng sự hiện diện trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường UK.

Lợi thế đầu tiên chính là lợi thế về thuế. Theo cam kết của Hiệp định, mức cắt giảm thuế của Vương quốc Anh cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam rất tốt, tương đương EU trên 88% cắt giảm ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, tối đa lộ trình khoảng 7 năm nên lợi thế của chúng ta về thuế rất tốt so với nhiều đối tác khác trong khu vực.

Lợi thế thứ hai chính là với tư duy mở rộng hiện nay của Vương quốc Anh sau Brexit “Global Britian”, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu “made in United Kingdom” thì UK cũng tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung.

Trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung, tái cấu trúc chuỗi cung ứng thì UK đang hướng đến các thị trường có FTA, trong đó Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các chuỗi cung ứng nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa tại UK.

 

Rõ ràng đã có một tư duy của các nhà nhập khẩu Anh hướng đến Việt Nam vì có UKVFTA để tìm thêm nguồn cung, đa dạng nguồn cung và những số liệu về xuất khẩu của mặt hàng thế mạnh chúng ta tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gần 100% cho thấy xu hướng đấy đang là một thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

 

Một điểm thuận lợi nữa, UK là một thị trường lớn, sức mua cao. Mặc dù hiện nay đang có những khó khăn nhất định nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng, đặc biệt xuất khẩu của chúng ta sang UK đạt kết quả tích cực và thặng dư chúng ta có với Vương quốc Anh so với các thị trường khác thời gian qua đã cho thấy lợi thế đó.

Hiện nay, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều ở các hệ thống siêu thị tại Anh. Không chỉ nông sản, thuỷ sản mà các sản phẩm lâm sản, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Anh cũng đang tăng trưởng tốt.

Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đã hỗ trợ cắt giảm rất nhiều dòng thuế quan cho các sản phẩm xuất khẩu của hai bên vào thị trường của nhau; trong đó, các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt điều đã tận dụng khá tốt các ưu đãi này. Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Anh, trong khi đó, hạt điều Việt Nam hiện chiếm tới 90% lượng hạt điều tiêu thụ tại Anh.

Với vị thế đối tác thương mại quan trọng của UK tại khu vực Đông Nam Á, nhiều ngành hàng, sản phẩm Việt Nam được kỳ vọng có thể thay thế các nước khác để trở thành nhà cung ứng mới trong chuỗi nhập khẩu, phân phối của UK.

Làm gì để đón đầu những cơ hội?

Như đã đề cập, hiện nay UK đang có tư duy mở rộng, thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” (Nước Anh toàn cầu) nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của UK đi các nước trên thế giới. Đồng thời UK cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. 

Ngoài ra, UK cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc UK sẵn sàng mở của thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường UK sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại.

hàng Việt tại Anh
hàng Việt tại Anh 2

Để tận dụng hiệu quả những lợi thế từ UKVFTA, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng nững tiêu chuẩn khá khắt khe của thị trường Anh. Sản phẩm muốn tiếp cận thị trường Anh phải đáp ứng các điều kiện về tính minh bạch thông tin, đảm bảo được sản xuất trên quy trình phát triẻn bền vững, người tiêu dùng Anh cũng rất quan tâm đến các giá trị về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, khi sản phẩm đã đủ điều kiện vào UK thì doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất khẩu đi hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm chất lượng không chỉ tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA mà còn có thể mở rộng thị trường tiêu thụ rất hiệu quả.

Chủ động nắm bắt những cơ hội

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) chia sẻ về xu hướng và những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp UK.

Dương CIEM
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)

PV: Với những kết quả ban đầu sau hơn một năm chúng ta thực thi UKVFTA, ông đánh giá như thế nào về mức độ tận dụng của các doanh nghiệp Việt Nam với những ưu đãi từ thị trường này trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Dương: Có thể thấy một xu hướng rất rõ là hai bên đều khai thác rất tốt lợi thế của nhau. Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Anh mặc dù quy mô của Việt Nam vào Anh còn tương đối nhỏ nhưng nhìn chung ở góc độ cơ cấu rõ ràng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đáp ứng rất tốt nhu cầu của phía Anh và ngược lại ở phía Anh cũng đáp ứng rất tốt nhu cầu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với sự hiện diện nhiều hơn của nhà đầu tư Anh tại Việt Nam thì thị trường Anh nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm Việt Nam và đấy là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được trong thời gian tới.

Sự tham gia hợp tác của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị gắn với những nguyên phụ liệu đầu vào trong lĩnh vực dệt may, da giày… cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bước đầu tạo dựng được hình ảnh về khai thác lợi thế trong chuỗi cung ứng. Bởi lẽ gắn với chuỗi cung ứng không chỉ là câu chuyện cạnh tranh về giá, về chất lượng mà còn là những yếu tố về quản lý chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng, năng lực thực hiện các đơn hàng theo yêu cầu của đối tác, đấy là những thứ đặc biệt trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện được và sẽ còn có nhiều tiềm năng để cải thiện.

PV: Việc Vương quốc Anh đang gia tăng hợp tác thương mại sau khi hoàn tất Brexit đang tạo ra rất nhiều cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc lợi thế cạnh tranh của chúng ta có thể sẽ sớm đi qua nếu như chúng ta không kịp thời nắm bắt, nếu như Vương quốc Anh có những hiệp định khác với những quốc gia khác trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới cũng như chiến lược phát triển của các nước hiện nay tác động mạnh mẽ tới việc thực thi các FTA.

Theo ông, những tác động này thể hiện như thế nào và chúng ta có cần thêm những giải pháp gì tiếp theo để thúc đẩy quá trình thực thi UKVFTA, nâng cao khả năng tận dụng cơ hội từ Hiệp định này trong bối cảnh như vậy?

Ông Nguyễn Anh Dương: Bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay có những yếu tố phức tạp và khó lường, ảnh hưởng tương đối nhiều đến việc thực hiện các FTA của Việt Nam, trong đó có Hiệp định UKVFTA.

Câu chuyện về giá năng lượng cao, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng là những yếu tố chịu ảnh hưởng từ bối cảnh cạnh tranh địa chính trị có thể làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng hàng của Việt Nam với mức giá cả cạnh tranh. Khả năng cung ứng một cách liền mạch vào thị trường Anh cũng là những yếu tố ảnh hưởng và những yếu tố này sẽ khó có thể giải quyết được trong thời gian từ ngắn đến trung hạn.

Tuy nhiên, với UKVFTA, Việt Nam lại có một số lợi thế ít nhất trong ngắn hạn để khai thác. Ví dụ như thời gian vừa qua trong bối cảnh do lệnh cấm xuất khẩu từ Nga và cá tra của Việt Nam là nguồn cá thịt trắng tương ứng đáp ứng được yêu cầu giúp khai thác được thị trường Anh.

Một xu hướng khác là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài có sự dịch chuyển, so với các nhà đầu tư nước ngoài ở các nền kinh tế khác chuyển về các cơ sở gần nước họ thì nhà đầu tư Anh lại có xu hướng đa dạng hóa các địa điểm và đặc biệt sang các nước như Đông Nam Á cũng là một thuận lợi cho Việt Nam có thể cùng hợp tác với các đối tác Anh.

Đấy là những lợi thế mà chúng ta có thể tận dụng được và những lợi thế sẽ không thể tận dụng được nếu như doanh nghiệp không chủ động theo dõi tình hình; mặt khác nếu doanh nghiệp vẫn quá thận trọng và thiếu tìm hiểu về thị trường, không mạnh dạn tìm hiểu những cơ hội mới với những Hiệp định như UKVFTA khi tình hình thay đổi, doanh nghiệp có thể bỏ lỡ những cơ hội.


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí