[E-magazine] Thích ứng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Vương quốc Anh
27/12/2022 lúc 16:00 (GMT)

[E-magazine] Thích ứng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Vương quốc Anh

 

Hàng Việt gia tăng hiện diện tại thị trường Anh

Đi vào thực thi từ đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả ở Việt Nam và Vương quốc Anh, tuy nhiên Hiệp định UKVFTAđã nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực đối với thương mại song phương. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, trở lại mức tăng trưởng trước khi bùng phát dịch Covid-19 năm 2019.

Sau 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,14 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ này dự kiến cả năm 2022 chúng ta có thể đạt được một đỉnh mới trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh.

Với nhiều biện pháp khuyến khích phát triển thương mại song phương, đặc biệt lộ trình thuế nhập khẩu Vương quốc Anh được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm đã tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ..., thông qua Hiệp định, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng.

Anh là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 5 của Việt Nam năm 2021

xuất khẩu giày dép Anh

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt sang Vương quốc Anh trong thời gian qua có thể kể đến như: Dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, đồ gỗ, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc… cũng ghi nhận mức tăng cao về kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, hàng dệt, may xuất khẩu sang Anh năm 2021 tăng 6,7% so với năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2022 đạt 687 triệu USD, tăng 46,6% so với cùng kỳ; con số tương tự của giày dép lần lượt là 9,2% và 44,9%. Mặt hàng rau quả năm 2021 xuất khẩu sang Anh đạt 19,4 triệu USD, tăng 66,9% so với năm 2020; 10 tháng năm 2022 đạt 17,5 triệu USD, tăng 14,9%. Cà phê ghi nhận xuất khẩu tăng 16,8% trong năm 2021 và 22,5% trong 10 tháng năm 2022. Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Anh cũng ghi nhận tăng cao, cụ thể năm 2021 đạt 623 triệu USD, tăng 16,4%; 10 tháng năm 2022 đạt 711 triệu USD, tăng 36,6%.

cà phê
giày dép
cá tra
dệt may

Cà phê xuất khẩu sang Anh qua các tháng giai đoạn 2020 – 2022

(ĐVT: tấn; nguồn: Tổng cục Hải quan)

cà phê

Anh cũng nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, chiếm 3% giá trị xuất khẩu của ngành. Trong 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu thuỷ sản sang Anh tăng 3,5% đạt 213 triệu USD; trong đó riêng kim ngạch cá tra sang Anh đạt gần 47 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng thuận lợi như vậy, dự báo xuất khẩu cá tra sang Anh sẽ đạt khoảng 67 triệu USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.

thủy sản

Hiện nay, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều ở các hệ thống siêu thị tại Anh. Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Anh. Trong khi đó, hạt điều Việt Nam cũng đang chiếm tới 90% lượng hạt điều tiêu thụ tại Anh.

Bên cạnh ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, có được kết quả khả quan còn nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác các cơ hội mới, khi nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trước so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brazil... vì những nước này chưa ký Hiệp định thương mại tự do với Anh.

Mặt khác, với sự hiện diện nhiều hơn của nhà đầu tư Anh tại Việt Nam, thị trường Anh cũng nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm Việt Nam. Sự tham gia hợp tác, liên kết của doanh nghiệp hai nước trong chuỗi giá trị gắn với những nguyên phụ liệu đầu vào trong lĩnh vực dệt may, da giày… cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bước đầu tạo dựng được hình ảnh về khai thác lợi thế trong chuỗi cung ứng.

Đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường

Vương quốc Anh và Bắc Ailen là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 4 thế giới với khoảng 600 triệu USD hàng hóa mỗi năm, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh và Bắc Ailen mới chiếm khoảng 0,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu này.

Như vậy với dung lượng thị trường còn nhiều dư địa, mức thuế nhập khẩu được xoá bỏ về cơ bản theo cam kết UKVFTA, cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ailen là rất lớn. 

Bên cạnh đó, do cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau nên thị trường Anh còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam có thể khai thác.

Một trong những nguyên nhân khiến thị phần hàng hóa của Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Anh được cho là tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh cao, thường xuyên cập nhật; tư duy đối với môi trường, đối với lao động có sự khác biệt với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng, cũng như cần có các biện pháp quyết liệt thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của doanh nghiệp để mạnh dạn hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh.

Hàng hóa Việt Nam tại các siêu thị của Vương quốc Anh

hàng Việt tại Anh
hàng Việt tại Anh 2

Tiêu chuẩn hàng hoá của thị trường Anh khá khắt khe, sản phẩm muốn tiếp cận thị trường Anh phải đáp ứng các điều kiện về tính minh bạch thông tin, đảm bảo được sản xuất trên quy trình phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn kỹ thuật thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

Những tiêu chuẩn này có thể thể hiện cụ thể qua các biện pháp TBT (hàng rào kỹ thuật trong thương mại) của Anh. Trước năm 2021 Anh là thành viên của EU và các quy định của Anh liên quan đến TBT bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, những biện pháp bắt buộc áp dụng và thủ tục đánh giá sự phù hợp, những quy định liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa hài hòa sẽ thực hiện theo quy định của EU. Tuy nhiên sau năm 2021 khi Anh rời khỏi EU, có những quy định mới của Anh được ban hành liên quan đến tiêu chuẩn TBT cho sản phẩm hàng hóa nói chung, trong đó có hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

Thông tin từ Văn phòng TBT Việt Nam cho biết, từ tháng 3/2021 đến nay, tức là sau thời điểm Anh rời khỏi EU trong vòng gần hai năm Anh đã thông báo xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung khoảng 34 quy định về TBT và số lượng này chiếm khoảng 35% tổng số những quy định về TBT mà Anh đã xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung từ năm 1997 tới nay. Cụ thể, hiện Anh đang tiến hành xây dựng và ban hành những quy định về TBT, tức là liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp mới cho thị trường của riêng thị trường Anh.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Anh thường quan tâm tới sự minh bạch và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa.

          

Lãnh sự Anh

Ở Anh, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm cao cấp phát triển bền vững với môi trường, Trái đất… Trong năm tới, các nhà nhập khẩu Anh có quá trình thẩm định cẩn thận, sâu sát để đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của Anh quốc và thỏa mãn mong đợi của người tiêu dùng. Vì vậy, khi xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng theo hướng phát triển bền vững thì sản phẩm của Việt Nam sẽ ngày càng được yêu thích.

Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam

          

 

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng và thủ tục xuất khẩu sang thị trường Anh để có thể kịp thời thích ứng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngay cả trong quá trình các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh xây dựng, ban hành các quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp sau khi rời EU, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể chủ động góp ý dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản chưa hình thành, còn là dự thảo.

Bởi Việt Nam đã tham gia cam kết về TBT trong WTO cũng như trong tất cả các FTA hiện nay, bao gồm cả CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Hiện nay theo quy định những cam kết về TBT này, các nước phải tiến hành thông báo các dự thảo của biện pháp TBT cho các nước khác đóng góp ý kiến bao gồm cả Việt Nam. Trong trường hợp biện pháp mới gây cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc quy định khắt khe hơn hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như cam kết TBT đã đưa ra thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đóng góp ý kiến ngay từ đầu, từ khi biện pháp đó còn đang ở giai đoạn dự thảo.

          

Uyên TBT

Doanh nghiệp có thể chủ động tham gia dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản đấy chưa hình thành. Đây là một quyền lợi rất lớn đối với doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần lưu ý tận dụng.

Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc

Văn phòng TBT Việt Nam,

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

          

Bên cạnh gia tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh, khi các doanh nghiệp sản phẩm đã đủ điều kiện vào Anh và được thị trường, người tiêu dùng Anh tin tưởng lựa chọn thì doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam cũng có thể dễ dàng xuất khẩu đi hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm chất lượng không chỉ tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA mà còn có thể mở rộng thị trường quốc tế rất hiệu quả.

Để tận dụng hiệu quả hơn Hiệp định UKVFTA, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Anh, các doanh nghiệp cần chú trọng đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định của thị trường, đối tác Anh, trong đó cần tập trung vào 3 vấn đề.

Thứ nhất, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào thị trường Vương quốc Anh. Theo đó, kế hoạch càng chi tiết, càng gắn với phát huy lợi thế cam kết UKVFTA, đặc biệt là điều chỉnh kế hoạch mua nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá, chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng thị trường này.

Thứ hai, tăng cường cập nhật thông tin thị trường, chính sách; chủ động tìm hiểu, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục xuất khẩu cần thiết sang thị trường Anh. Đặc biệt, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về Hiệp định UKVFTA để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo trên website, email... để nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến xuất khẩu tại thị trường Anh.

Hàng hóa, thương hiệu Việt nhiều cơ hội để tăng hiện diện tại Anh

Chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh về xu hướng, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh.

ông Cường - UK
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh

PV: UKVFTA bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực đối với tăng trưởng kim ngạch về xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường Anh. Tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm đến chưa đến 1% trong tổng nhu cầu nhập khẩu hơn 600 tỷ USD hàng hóa mỗi năm của thị trường này.

Ông đánh giá như thế nào về sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi chúng ta đã bắt đầu thực thi Hiệp định UKVFTA?

Ông Nguyễn Cảnh Cường: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chuỗi cung ứng đứt gãy do Covid-19 thì thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng rất đáng kể.

Nếu không có Hiệp định UKVFTA thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh trong thời gian vừa qua sẽ còn giảm sút nhiều, giảm sút hơn mức 2019 rất nhiều.

Trở lại câu hỏi của Tạp chí Công Thương về sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh thì tôi nghĩ số liệu nói lên tất cả. Tăng trưởng là từ tùy theo nhóm hàng đều đạt từ 12-19% và có một logic rất đơn giản. Thế giảm thì cái ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có có xuất xứ từ các nước khác là hơn hẳn thì ảnh hưởng của Hiệp định đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh là là không thể phủ nhận.

Ngoài ra, tôi nghĩ có một hiệu ứng rất đáng kể và có thể coi như một hiệu ứng tương ứng nền cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quốc Anh. Đấy là thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu nền kinh tế Việt Nam rồi thành tích chống dịch và nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất tại Việt Nam sau dịch cũng tạo nên một hiệu ứng cộng hưởng rất tốt đối với các doanh nghiệp Anh và đối với người tiêu dùng Anh.

Nếu như trước đây người Anh cũng như doanh nghiệp Anh ít nghe đến Việt Nam hoặc là ít nghe đến sản phẩm Việt Nam thì ngày nay khi tôi tất cả các sự kiện ở đây mà họ biết tôi là tham tán thương mại của Việt Nam tại Anh, họ đều rất hứng thú hỏi chuyện và tìm các cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam sang Anh để phân phối cho thị trường Anh.

Từ góc độ của thương vụ có thể nói chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như ngày hôm nay và trên nền tảng đó thì các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh mà phải nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa trong khi Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác thì thời điểm hiện nay là một thời điểm rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm Việt Nam ghi được cái dấu ấn của mình vào trong tâm trí của người tiêu dùng Anh, vào trong tâm trí của các doanh nghiệp cho một kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn.

Thương vụ rất sẵn lòng đồng hành với các doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cũng như tư vấn cho từng doanh nghiệp cụ thể cho việc tiếp cận thị trường Anh.

PV: Rõ ràng đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Anh sẽ mở ra những cánh cửa cho những thị trường khác đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Vậy ông có thể phân tích rõ hơn về những đặc điểm của thị trường Anh, những điều kiện mà thị trường Anh đưa ra các doanh nghiệp của chúng ta cần phải lưu ý là gì, thưa ông?   

Ông Nguyễn Cảnh Cường: Tôi cho rằng về phương diện kỹ thuật, các biện pháp tiêu chuẩn, quy chuẩn có hai mục tiêu. Một là để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và mục tiêu thứ hai - mục tiêu ẩn là bảo hộ sản xuất trong nước của nước sở tại.

Bảo hộ sản xuất trong nước hầu như nước nào cũng có. Tuy nhiên, so với EU thì sau khi Anh rời EU, tôi đánh giá mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước của Anh thấp hơn, ít hơn. Trên cơ sở so sánh như vậy, tôi thấy việc thâm nhập thị trường Anh đối với nhiều sản phẩm Việt Nam sau thời điểm Brexit so với trước đây không khó khăn hơn, nếu có khó khăn hơn chủ yếu mang tính thủ tục.

Do cơ cấu sản xuất của nền kinh tế Anh thì Chính phủ Anh sẽ không có thêm những chính sách hay quy định gây cản trở cho thương mại giữa Anh với các nước khác. Dù có những mong muốn hay tư duy về mặt chính sách thương mại khác với EU trước đây nhưng trước khi ban hành những chính sách mới, quy định mới Chính phủ Anh sẽ phải tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp để không gây khó khăn cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; và những tiêu chuẩn này cũng phải phù hợp với quy định của WTO mà Anh là một thành viên.

Về sản phẩm, hiện nay chất lượng nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh không hề thua kém sản phẩm của hai "đối thủ" cạnh tranh lớn là Trung Quốc và Thái Lan. Thậm chí hàng hóa Việt Nam còn có lợi thế hơn bởi chúng ta đã có UKVFTA. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, thị trường phù hợp và chủ động học hỏi kinh nghiệm chính từ các "đối thủ" cạnh tranh tại thị trường Anh.

Mặt khác, tôi vẫn nhấn mạnh hiệu ứng về marketing và hiệu ứng về tâm lý của người mua hàng đối với các tiêu chuẩn của của Anh trên các thị trường Anh là rất lớn. Do đó, nếu doanh nghiệp chủ động, tự tin nghiên cứu các tiêu chuẩn Anh ứng dụng vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của thị trường, người tiêu dùng Anh sẽ tận dụng được lợi thế và những hiệu ứng này.

Đặc biệt các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực chiến lược, năng lực logistics và hệ thống tài chính để cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các nguồn cung khác và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh.

          

Thực hiện: Thanh Hà

          

 

 

 

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí