[E-magazine] Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ EVFTA
20/10/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ EVFTA

 

Nhiều thuận lợi từ ưu đãi thuế quan

Là một Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, EVFTA có cam kết mạnh về ưu đãi thuế nhập khẩu, cụ thể là loại bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào EU và ngược lại.

          

ông Khanh - Đa biên

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường tiền năng này. Từ đó sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

          

 

Về cơ bản, cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA được chia thành các nhóm.

Thứ nhất, nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Thứ hai, nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% (từ mức thuế cơ sở) sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Theo Hiệp định EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa là 10 năm. Cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm, Việt Nam đạt được lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm.

Thứ ba, nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ được xóa bỏ hoặc cắt giảm đối với một khối lượng hàng hóa nhất định (lượng hàng hóa trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Thứ tư, nhóm hàng hóa không cam kết: Đây là nhóm hàng không cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế nhập khẩu sẽ theo quy định trong nước của mỗi bên.

thuế quan EVFTA -1
thuế quan EVFTA-2
thuế quan EVFTA-3

Về mức độ cam kết ưu đãi thuế quan của EU dành cho hàng hóa Việt Nam, Biểu cam kết thuế quan của EU được quy định tại Phụ lục 2c-i Chương 2 của Hiệp định EVFTA. Trong tổng thể, EU cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa từ Việt Nam theo lộ trình xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam theo lộ trình xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của EU sang Việt Nam. Sau 7 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Sau 10 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).

Đáng chú ý, Biểu cam kết thuế của Việt Nam không áp dụng đối với phương tiện động cơ đã qua sử dụng có mã HS 8702, 8703 và 8704.

Ưu đãi thuế quan của EVFTA dành cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam

thuế quan EVFTA

Điều kiện hưởng thuế ưu đãi đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU

Điều kiện hưởng thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được quy định tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022 do Chính phủ ban hành ngày 18/9/2020 (gọi tắt là Nghị định số 111/2020/NĐ-CP).

Trong đó, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với từng mã hàng.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

* Được nhập khẩu vào các lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (chỉ áp dụng với hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam vào trong giai đoạn từ 01/8 - 31/12/2020).

* Có chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là các lãnh thổ nêu trên

* Có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định nêu trên (bản sao và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải tiếng Anh).

Điều kiện hưởng thuế ưu đãi đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước) đối với từng mã hàng.

Hàng hóa nhập khẩu từ EU được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

* Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP.

* Được nhập khẩu vào Việt Nam từ: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu quy định tại phụ lục III; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (chỉ áp dụng với hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn từ 01/8 - 31/12/2020); Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).

* Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ CNXX hàng hóa theo quy định của Hiệp định EVFTA. Cụ thể là chứng từ tự CNXX của nhà xuất khẩu đã đăng ký tại EU.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Hiệp định EVFTA giai đoạn 2022 - 2027, thay thế cho Nghị định số 111/2020/NĐ-CP với một số thay đổi, bổ sung.

Về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVFTA là hiệp định thứ hai sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cam kết cắt giảm/xoá bỏ thuế xuất khẩu. Hiệp định này không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại Nghị định theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có bản sao chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc các lãnh thổ quy định tại Nghị định.

Về thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA, theo quy định hiện hành, người khai hải quan thực hiện khai hải quan theo quy định tại mục V của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo dự thảo Nghị định chỉ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu có điểm đến là các lãnh thổ quy định tại Nghị định nên cần bổ sung 02 loại hồ sơ (bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu) để tránh các trường hợp gian lận thương mại. Việc bổ sung này không phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ phát sinh thêm giấy tờ cần nộp để chứng minh lô hàng đủ điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Việc bổ sung bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai nhập khẩu phù hợp với quy định của Điều 71 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Khi được ban hành và có hiệu lực, Nghị định mới sẽ thay thế cho Nghị định số 111/2020/NĐ-CP.

Lưu ý về chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu theo EVFTA

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU theo EVFTA cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định liên quan, trong đó có quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá.

          

Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vì được xây dựng dựa trên quy tắc xuất xứ hàng hoá trong GSP, là cơ chế ưu đãi đơn phương mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Tuy nhiên, so với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy tắc xuất xứ hàng hoá tại EVFTA có nhiều điểm mới hơn hẳn về cách xác định xuất xứ, về cách diễn đạt tiêu chí xuất xứ, về cơ chế chứng nhận xuất xứ và cơ chế xác minh xuất xứ.

          

 

Quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA được hướng dẫn tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, cơ chế chứng nhận xuất xứ (CNXX) chủ yếu được áp dụng là cơ chế cấp C/O mẫu EUR.1. C/O mẫu EUR.1 được cấp tại thời điểm xuất khẩu hàng hóa hoặc không quá 03 ngày làm việc kể từ sau ngày này.

Nếu được cấp sau thời gian này, C/O mẫu EUR.1 được coi là cấp sau và phải thể hiện dòng chữ “Issued Retrospectively” trên C/O. Trong trường hợp C/O bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu có thể đề nghị cấp lại C/O mẫu EUR.1 và thể hiện cụm từ “Duplicate” trên C/O. Hiện nay, Việt Nam có 20 cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1, bao gồm Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước.

Hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 có thể nộp theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử khai báo trên Hệ thống khai báo và CNXX điện tử (eCoSys) của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hiện nay C/O mẫu EUR.1 vẫn ở hình thức bản giấy, chưa được điện tử hoá như C/O mẫu D theo Hiệp định ATIGA khi xuất khẩu đi các nước ASEAN hay ở hình thức điện tử như một số FTA khác.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 euro, doanh nghiệp có thể lựa chọn xin cấp C/O mẫu EUR.1 hoặc tự CNXX cho lô hàng đó.

Chứng từ tự CNXX có thể là hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác (như phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói) có đủ thông tin về hàng hóa và phải thể hiện nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa.

Khi thực hiện tự CNXX, doanh nghiệp cần lưu ý chế độ báo cáo. Theo đó, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự CNXX, doanh nghiệp cần đăng tải chứng từ tự CNXX và các chứng từ liên quan trên Hệ thống quản lý và cấp CNXX điện tử của Bộ Công Thương (eCoSys).

xuất xứ ưu đãi thuế quan
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo GSP, đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Công văn số 1056/XNK-XXHH ngày 22/9/2020, đối với lô hàng xuất khẩu tối đa 24 tháng trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 01/8/2020), các cơ quan, tổ chức cấp C/O vẫn có thể xem xét cấp sau C/O mẫu EUR.1 dựa trên đề nghị của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần kê khai đầy đủ và có chứng từ để chứng minh các thông tin: tên phương tiện vận chuyển, số chuyến hoặc số hiệu chuyến bay và ngày khởi hành; số hiệu container và niêm phong (nếu có).

nông sản-1
nông sản-2
nông sản -3
sản xuất - cụm 5
tôm EU - cụm 5

Chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá nhập khẩu từ EU theo EVFTA

Theo thông báo chính thức của EU gửi Việt Nam vào ngày 08/4/2020, EU áp dụng cơ chế tự CNXX bởi nhà xuất khẩu đăng ký trên hệ thống dữ liệu điện tử của EU theo quy định của EU. Tại EU, việc đăng ký tự CNXX của nhà xuất khẩu trên hệ thống dữ liệu điện tử (hay Registered Exporter System - REX) được quy định tại Điều 68, Luật Hải quan của EU.

Dữ liệu đăng ký của nhà xuất khẩu tại hệ thống REX có giá trị trong lãnh thổ hải quan của EU theo quy định tại Điều 26, Luật Hải quan của EU và do đó, mã số REX của nhà xuất khẩu có thể được sử dụng mà không cần xét đến nơi hàng hoá được khai báo xuất khẩu và nơi xuất khẩu thực sự. Điều này có nghĩa là mã số REX có thể được sử dụng cho hàng hoá xuất khẩu từ bất kỳ nước thành viên EU nào, không nhất thiết là nước thành viên mà mã số REX đó được đăng ký.

Tương tự như tự CNXX cho hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, nhà xuất khẩu đăng ký có mã số REX của EU thực hiện tự CNXX trên chứng từ thương mại như hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác (như phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói) có đủ thông tin về hàng hóa và phải thể hiện nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa.

Thời điểm nộp chứng từ CNXX hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan được quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, chứng từ CNXX hàng hóa nhập khẩu phải được nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc khai chậm nộp chứng từ CNXX trên tờ khai hải quan nhập khẩu và khai bổ sung, nộp chứng từ CNXX hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ CNXX hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi thuế quan theo EVFTA

Chia sẻ của một số doanh nghiệp về kinh nghiệm tận dụng tốt ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU trong thời gian qua.

gạo Trung An
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An

Các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU là hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè và gạo đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong 2 năm vừa qua, doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế từ EVFTA như nào, thưa ông?

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Kể từ tháng 8/2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu những lô hàng sang thị trường EU để hưởng thuế suất 0%, và qua 2 năm, mỗi thời gian sau doanh nghiệp lại tăng trưởng thêm nhiều container hàng xuất sang thị trường này.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới 68%, trong đó thị trường châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, bởi gạo thơm chất lượng cao là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp đồng thời là thế mạnh xuất sang thị trường này.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp gạo khác tận dụng được cơ hội từ Hiệp định này để tăng cường xuất khẩu gạo và cho đến nay đã có được bước tăng trưởng tương đối tốt.

Ngoài gạo, Công ty chúng tôi cũng đang tập trung phát triển các sản phẩm sau gạo như bún khô, phở khô tiếp tục được nhập khẩu vào thị trường châu Âu và được thị trường đón nhận rất tích cực.

Tiềm năng của gạo và các sản phẩm sau gạo của Việt Nam rất có điều kiện và cơ hội, nhưng vấn đề tăng trưởng nhanh hay chậm, nhiều hay ít là do các doanh nghiệp Việt Nam còn Hiệp định EVFTA đã rất mở rộng.

bà Hằng VASEP

Bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Như các mặt hàng rau, củ, quả, thủy sản cũng có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Cụ thể có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình. Thưa bà, doanh nghiệp đã tận dụng việc cắt giảm ưu đãi thuế quan này như thế nào?

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: Có thể nói, EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó bị rơi xuống vị trí thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Xuất khẩu cá tra liên tục bị sụt giảm, mặt hàng tôm, hải sản khác cũng liên tục bị sụt giảm bởi thẻ vàng IUU.

Tuy nhiên, từ 1/8/2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, bao gồm các nhóm thuỷ sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thuỷ sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ và xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021.

Năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, nhu cầu thuỷ sản hồi phục rõ nét cộng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA nên xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản sang thị trường này đều tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% (trừ mặt hàng cá tra).

Đến năm 2022, tính đến hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Do nhu cầu phục hồi mạnh và trong bối cảnh lạm phát, lợi thế của thuế quan ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm 2022 tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các sản phẩm chính kể cả cá tra tăng 30-39%, trong đó cá tra tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Những kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp thủy sản tận dụng cơ hội từ thị trường cũng như các cơ hội thuế quan của EU để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí