[E-magazine] Tận dụng EVFTA thu hút nguồn lực, tăng sức cạnh tranh
15/12/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Tận dụng EVFTA thu hút nguồn lực, tăng sức cạnh tranh

Chuyển biến tích cực của dòng vốn đầu tư từ EU

 

Tình hình thu hút đầu tư và cơ hội cho Việt Nam từ EVFTA đang diễn biến tương đối tích cực. Các số liệu cho thấy đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.

Sự gia tăng này thể hiện không phải chỉ ở tổng số vốn mà còn thể hiện được quy mô trung bình của các dự án, những thống kê cho thấy là quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây và khoảng trên dưới 12 triệu USD/dự án là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA.

          

anh Dương CIEM

Bước đầu Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về các định hướng mới thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc sàng lọc và tập trung thu hút các dự án có chất lượng.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM

          

 

Theo Báo cáo đánh giá FDI vào Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện và công bố ngày 25/10/2022, số lượng dự án đăng ký đầu tư, có thể thấy xu hướng gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp EU trong suốt giai đoạn từ 2010 đến nay.

Mặc dù từ năm 2020, số lượng và giá trị các dự án FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm do Vương quốc Anh chính thức rút khỏi EU, cũng như những ảnh hưởng từ đại dịch nhưng kể từ năm 2021, số lượng các dự án FDI từ EU vào Việt Nam lại trên đà tăng trở lại và đã gần đạt được đỉnh cũ trong năm 2019. Lũy kế đến tháng 8/2022, EU27 có tổng cộng 2.378 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng giá trị 27,59 tỷ USD. Sự phục hồi này cho thấy những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế sau khi đại dịch Covid-19, bất chấp những bất ổn tại khu vực châu Âu giữa Nga và Ukraine. Trong đó, phần lớn dòng FDI này đến từ Hà Lan.

Xét về quy mô vốn đăng ký trung bình của các dự án, giai đoạn năm 2021, quy mô trung bình 1 dự án FDI sụt giảm còn xấp xỉ 9,87 triệu USD, nhưng tính đến tháng 8/2022 quy mô vốn đăng ký đã tăng mạnh mẽ trở lại, đạt mức xấp xỉ 11,6 triệu USD/dự án. Đây là dấu hiệu tích cực cho việc các dự án giá trị cao, quy mô lớn của EU đã xuất hiện tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân vào Việt Nam. Ba lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều chính là công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.

Gần đây các doanh nghiệp EU có xu hướng quan tâm tới các ngành dịch vụ (như logistics, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), hay lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bức tranh thu hút FDI của Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư EU ngày càng quan tâm đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên quan trọng.

Số lượng các đối tác thuộc EU tham gia đầu tư vào Việt Nam nhìn chung có xu hướng tăng qua các năm. Tính tới tháng 8/2022, hiện có 25 quốc gia thuộc EU27 tham gia vào đầu tư tại Việt Nam. Trong đó 6 nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam (Hà Lan, Pháp, Luxembourge, Đức, Đan Mạch và Bỉ) chiếm tới hơn 91% tổng vốn FDI của EU vào Việt Nam. Luỹ kế đến tháng 8/2022, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với 401 dự án; 13,6 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Pháp đứng ở vị trí thứ 2 với 658 dự án, 3,71 tỷ USD chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp sau đó là các nước Luxembourg (57 dự án, 2,6 tỷ USD), Đức (431 dự án, 2,31 tỷ USD), Đan Mạch (154 dự án, 1,79 tỷ USD) và Bỉ (82 dự án, 1,1 tỷ USD).

cạnh tranh EU
cạn tranh EU

Một điểm đáng lưu ý là sự chênh lệch về quy mô dự án của các đối tác trong khối EU khá rõ rệt. Số lượng các dự án của Đức vào Việt Nam tương đối nhiều nhưng giá trị mỗi dự án là không lớn; trong khi đó, Luxembourg chỉ có 57 dự án nhưng tổng vốn đầu tư lại cao hơn. Tính tới tháng 8/2022, quy mô dự án lớn nhất là của một số quốc gia như Luxembourg (trung bình 45,49 triệu USD/dự án), Hà Lan (33,91 triệu USD/dự án), Síp (19,54 triệu USD/dự án). Còn lại hầu hết đều các dự án có quy mô nhỏ từ 1-6 triệu USD như Pháp (5,64 triệu USD), Đức (5,37 triệu USD) hoặc dưới 1 triệu USD. Điều này cho thấy có một sự đa dạng về mặt quy mô của từng dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời, vẫn còn dư địa để để thu hút vốn FDI trên quy mô lớn hơn trong tương lai.

Việt Nam đang tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư triển vọng của EU tại các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành năng lượng sạch,...

Tận dụng nguồn nguyên liệu, công nghệ chất lượng để tăng sức cạnh tranh

Bên cạnh động lực tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu, EVFTA còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA về nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ EU để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này

Theo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong thời gian hai năm qua, việc nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam từ khu vực Châu Âu tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu như máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu sản xuất...

Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Bên cạnh đó nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng trên 18%. Các nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của Việt Nam cũng đạt trên 10%, trong đó 8% đã là nhóm hàng các sản phẩm hóa chất.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTAđể nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước Châu Âu và những thiết bị máy móc này, những nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho chính quá trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

          

Hưng - Âu Mỹ

Từ những thiết bị, máy móc chất lượng tốt và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm tăng được giá trị gia tăng và từ đó chúng ta cũng đã tăng được kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

          

 

Từ góc độ cơ quan quản lý triển khai thực hiện Hiệp định, hoạt động hỗ trợ kết nối các nhà thu mua của châu Âu và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nhằm tận dụng được nguồn lực của các nước Châu Âu, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam cũng được đẩy mạnh.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai tốt những cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Âu. Bên cạnh đó, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và các cơ quan nước sở tại để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực Châu Âu. Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội thảo, chương trình tập huấn. Tổ chức các sự kiện xúc tiến, đẩy mạnh kết nối các nhà thu mua của châu Âu và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Đặc biệt, để tận dụng được nguồn lực của các nước Châu Âu nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, những chương trình, hoạt động hỗ trợ đầu tư bài bản từ tất cả các khâu như thiết kế bao bì, ứng dụng máy móc thiế bị, quy trình sản xuất… đều phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật của Châu Âu. Trong đó, hoạt động phối hợp với các kênh phân phối nước ngoài để tổ chức các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia từ các kênh phân phối ở khu vực Châu Âu và Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.

Một số hạn chế

Về thu hút đầu tư từ EU, tuy đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong thời gian qua, khu vực FDI từ EU vẫn cho thấy một số hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp thu hút nguồn lực và chuyển dịch phù hợp hơn.

Thứ nhất, tuy số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Điều này cho thấy dòng FDI vào Việt Nam từ EU chưa tương xứng với tiềm năng mà các nhà đầu tư EU có thể mang lại. Tính trên tổng FDI của EU, Việt Nam mới chỉ nhận được một lượng vốn đầu tư vô cùng khiêm tốn. Tính toán theo số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục thống kê, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam thường chỉ dao động từ 2-5% so với tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới. Ngoài ra, trong tương quan so sánh với các nước ASEAN, vai trò của Việt Nam với các nước EU như là điểm đến đầu tư còn rất hạn chế. Đối với Việt Nam, tỉ trọng vốn đầu tư của EU trong tổng FDI của cả nước cũng còn rất khiêm tốn.

Thứ hai, quy mô của các dự án do EU đầu tư vẫn còn rất chênh lệch. Bên cạnh những dự án quy mô lớn, giá trị cao, đại đa số các dự án có giá trị trung bình nhỏ.

Thứ ba, xét về lĩnh vực đầu tư, có thể thấy rằng chất lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp trong tương quan so sánh với các nước ASEAN khác. Lĩnh vực đầu tư của EU vào Việt Nam tương đối khác so với xu hướng đầu tư chung của EU vào các nước ASEAN.

Thứ tư, số lượng dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực là lợi thế của các nước EU, đồng thời là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút, như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng... còn khiêm tốn.

Thứ năm, FDI từ EU chưa khai thác được hết tiềm năng của những địa bàn có quỹ đất rộng.

Việc tận dụng Hiệp định EVFTA để nhập khẩu, hấp thu nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị hiện đại qua đó nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế.

Hiện nay cả Việt Nam và các nước EU đều đang quan tâm rất nhiều đến vấn đề mới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, đây là những lĩnh vực các nước EU có thế mạnh và cũng phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã tận dụng tương đối tốt những lợi ích, lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường xã hội của EU.

Có thể nói đây là những thách thức đối với tiến trình nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đồng thời là cơ hội nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Cơ hội nâng cao năng lực sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa

Theo các chuyên gia, những năm gần đây có 3 xu hướng nổi bật nhất trong đầu tư từ EU ra nước ngoài.

Xu hướng đầu tiên là đa dạng hóa các địa điểm đầu tư do những nguyên nhân liên quan đến xung đột địa chính trị, những vấn đề liên quan đến môi trường khí hậu, rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào một số địa điểm đầu tư nào đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng của đầu tư EU. Vì vậy phía EU, kể cả từ cấp Chính phủ cũng như cấp doanh nghiệp hiện đều có xu hướng thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Trong đó sự chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một xu hướng lớn.

Xu hướng thứ hai là EU và nhà đầu tư EU đánh giá cao giá trị của các hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Do dó khi tìm đến một địa điểm đầu tư mới thì các địa điểm thị trường có nhiều mạng lưới FTA với các đối tác khác là một điểm cộng để nhà đầu tư EU quan tâm để có thể tận dụng các ưu đãi thuế, quy tắc xuất xứ từ đó sản xuất xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác.

Xu hướng thứ ba là xu hướng đầu tư gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững. EU không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp mà họ nhìn nhận hơn câu chuyện đáp ứng yêu cầu của khách hàng gắn với ý thức của nhà sản xuất về phát triển bền vững, tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Câu chuyện về Thỏa thuận xanh của Liên minh EU hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU đang nghiên cứu áp dụng cũng là những nhân tố có thể ảnh hưởng đến “cuộc chơi” thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi vì một mặt chúng ta phải tìm cách bảo đảm các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không gắn với phát thải nhiều. Mặt khác chúng ta và phía EU đều không muốn các nhà đầu tư nước khác ở những nơi phát thải nhiều đầu tư sản xuất tại Việt Nam chỉ vì ở Việt Nam dễ xuất khẩu vào EU hơn.

 

Đấy là câu chuyện để chúng ta nhìn nhận rộng hơn tiêu chuẩn làm thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng được tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với sản phẩm của đối tác mà Việt Nam đang phục vụ.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp,

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để tận dụng nguồn đầu tư của Châu Âu, tận dụng nguồn máy móc, nguyên liệu và công nghệ từ Châu Âu để thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường EU và những thị trường xuất khẩu khác.

Để làm được điều đó thì câu chuyện ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Bởi vì nếu như ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với câu chuyện phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn sử dụng lao động mà chỉ cần một vài doanh nghiệp không đáp ứng thì sẽ tạo một hình ảnh không tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư châu Âu, nhà đầu tư Đức yên tâm đầu tư ở Việt Nam lâu dài, cần tăng cường hiệu quả công tác thực thi Hiệp định EVFTA - một điểm nhấn thu hút đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Doanh nghiệp Đức sẵn sàng hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ theo EVFTA, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

Doanh nghiệp cần sẵn sàng hành trang tận dụng lợi thế từ EVFTA

Chia sẻ của ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC về kinh nghiệm tận dụng ưu đãi của EVFTA để đổi mới thiết bị, máy móc chất lượng từ EU phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

ông Hiến DN
Ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC

 

PV: Là một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị máy móc từ EU để phục vụ sản xuất kinh doanh, xin ông chia sẻ về việc thực thi Hiệp định EVFTA đã tạo ra những cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa, thiết bị từ EU và DKNEC Group đã tận dụng được những ưu đãi này như thế nào trong hai năm vừa qua, thưa ông?

Ông Đinh Văn Hiến: Trong hai năm dịch Covid diễn biến phức tạp, hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, công nghệ, máy móc dạng CKD và IKD vào Việt Nam có những lúc lắng xuống. Tuy nhiên trong giai đoạn chuẩn bị cho hậu Covid và phát huy vai trò của Hiệp định EVFTA một số doanh nghiệp đã chuẩn bị việc đầu tư dưới dạng đầu tư FDI hoặc liên doanh, tự đầu tư trong nước.

Là doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu những thiết bị từ châu Âu, Tập đoàn DKNEC chúng tôi làm việc với khá nhiều hãng nổi tiếng của Đức và một số quốc gia khác như Ý, Đan Mạch. Trước khi có EVFTA thông thường giữa thuế nhập khẩu CKD và IKD thì mức IKD cao, chênh lệch tùy theo thiết bị như với hệ thống tự động hóa thì một hệ thống PLC điều khiển phân tán có những phần thuế 5%, phần thì 10% và phần thì 12-15%.

Khi có EVFTA với lộ trình giảm thuế trong 5 năm từ 2022 đến 2027 từ 10,2% đến 1% thuế trung bình nhập khẩu, phần thuế với thiết bị máy móc IKD cũng sẽ giảm xuống. Hiện tại thuế nhập khẩu những máy móc, thiết bị hiện đại CKD đã là 0%, nhưng với thiết bị IKD vẫn có khá nhiều mức thuế khác nhau thì hy vọng với Hiệp định EVFTA các doanh nghiệp vừa cung cấp cũng như ứng dụng giải pháp để nâng cao sản xuất sẽ có điều kiện tốt hơn để giảm giá thành đầu tư và cũng tạo môi trường để doanh nghiệp Việt Nam giao lưu với 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu. Đồng thời kết nối vai trò của nhà cung cấp, lắp đặt cũng như thu hút đầu tư để phát huy năng lực sản xuất trong nước với các quốc gia EU thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên EVIPA cho thấy doanh nghiệp của chúng ta đã có những bước chuyển mình sẵn sàng cho việc hòa nhập với Liên minh Châu Âu để phát huy hiệu hiệu quả kinh doanh.

PV: Theo ông, việc doanh nghiệp EU mở rộng đầu tư tại Việt Nam tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào với DKNEC Group và trong thời gian tới cần có thêm những lực đẩy như thế nào từ cơ chế chính sách và các giải pháp về nhân lực, công nghệ để tận dụng tốt hơn các cơ hội từ Hiệp định EVFTA?   

Ông Đinh Văn Hiến: Việt Nam là quốc gia đang phát triển mà ký được Hiệp định EVFTA với EU là một cơ hội rất lớn. Đặc biệt với khu vực doanh nghiệp thì cơ hội là chúng ta hòa nhập được với cộng đồng thế giới nói chung, Liên minh Châu Âu nói riêng là những quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Qua đó chúng ta thu nhập được những công nghệ tiến bộ và phát huy được những giá trị sản phẩm ở trong nước để vừa nhập khẩu nhưng vừa xuất khẩu hàng hóa.

Riêng DKNEC cũng chuẩn bị cho mình tâm thế đối với EVFTA. Thứ nhất, tiếp biến văn hóa, du nhập văn hóa của châu Âu đồng hành cùng với văn hóa Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết về văn hóa giữa các quốc gia châu Âu với Việt Nam.

Thứ hai, chuẩn bị tất cả những hành trang và môi trường để doanh nghiệp vừa liên kết, hợp tác, chia sẻ với các đối tác EU, đặc biệt DKNEC có một may mắn và thuận lợi là có 23 đối tác ở nhiều nước châu Âu: Đức, có Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch...

Trước đây chúng tôi nhập khẩu thiết bị IKD với thuế khá cao nhưng khi có EVFTA đón đầu thuế linh kiện và thiết bị IKD giảm, do đó chúng tôi cũng có những khâu chuẩn bị chế tạo những sản phẩm mà có thể xuất ngược sang sang một số quốc gia khác, khi mà linh kiện đầu vào giá rẻ đi.

Thứ ba, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên hoàn hảo hơn. Bên cạnh cơ hội là chúng ta có thị trường toàn cầu và khi có “cuộc chơi” lớn chúng ta không bị đứt gãy nguồn cung sẽ có thêm những công nghệ tiên tiến kết hợp với năng lực sản xuất trong nước thì chúng ta sẽ có những sản phẩm vừa xuất khẩu sang Châu Âu nhưng cũng như đáp ứng xuất khẩu sang một số quốc gia, khu vực khác.

Tôi nghĩ rằng, EVFTA là một điều kiện rất tuyệt vời nếu tất cả doanh nghiệp của chúng ta biết đón đầu và nghiên cứu thật kỹ để chuẩn bị những hành trang tận dụng.

Để phát triển đồng hành với doanh nghiệp cũng cần có những chính sách tốt hơn, phục vụ tất cả những điều khoản mà hiệp định đã ký kết sẽ khuyến khích được phát triển kinh tế trong nước, thậm chí là có thể sản xuất xuất khẩu những sản phẩm mà xưa nay Việt Nam chưa từng nghĩ tới.

Thực hiện: Việt Hằng

Trình bày: Hoàng Phương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí