Thị trường nhiều cơ hội, ít cạnh tranh

Khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, khu vực thị trường được đánh giá không phải khu vực thị trường xuất khẩu giày dép trọng điểm của Việt Nam (trong số các nước thành viên thì Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất cũng chỉ chiếm xấp xỉ 5,2% kim ngạch xuất khẩu). Hơn nữa, ở nhiều thị trường trong CPTPP Việt Nam đã hưởng thuế quan ưu đãi ở mức tốt hơn CPTPP theo các FTA đã có trước đó.

Mặc dù vậy, các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác CPTPP đối với giày dép vẫn được kỳ vọng sẽ giúp nhóm hàng hóa này có thêm cơ hội tiếp cận bằng con đường ưu tiên các thị trường này, đặc biệt khi khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong CPTPP linh hoạt hơn nhiều FTA khác do CPTPP có nhiều thành viên hơn. Riêng với các thị trường Canada, Mexico, Peru, nơi Việt Nam chưa từng có ưu đãi thuế quan theo FTA nào trước CPTPP, cơ hội mở ra rất đáng kể cho ngành da giày Việt Nam.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP đối với giày dép

xuất xứ da giày

(Nguồn: VCCI tổng hợp)

Trong thị phần nhập khẩu giày dép của đa số các đối tác CPTPP, Việt Nam hiện là nguồn cung chiếm khoảng 15-20%, riêng Mexico thời điểm năm 2018 trước khi đi vào thực thi CPTPP thì Việt Nam chiếm tới gần 30% thị phần nhập khẩu. Chỉ duy nhất Brunei là thị trường mà giày dép Việt Nam chưa có thị phần đáng kể, mới chỉ chiếm trên 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Thị phần giày dép Việt Nam tại các nước thành viên CPTPP trước khi Hiệp định có hiệu lực

giày dép

Do vậy, dư địa để tiếp tục tăng thị phần ở các thị trường CPTPP còn tương đối lớn. Mặc dù cạnh tranh với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị phần trên các thị trường này không dễ dàng, Việt Nam cũng có lợi thế nhất định trong việc cung cấp dòng sản phẩm trung cấp trở lên.

Về cơ hội của ngành da giày, CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mexico và Canada. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn.

giày 1
giày 2

Về áp lực cạnh tranh, cơ bản CPTPP không tạo thêm áp lực cạnh tranh nào quá lớn cho ngành Da giày Việt Nam bởi trong số các nước thành viên CPTPP, không có nước nào mạnh về xuất khẩu giày dép. Mặc dù vậy, doanh nghiệp xuất khẩu giày dép Việt Nam sang khu vực thị trường này vẫn có một số thách thức:

* Khả năng hưởng ưu đãi thuế quan trong CPTPP phụ thuộc vào khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm giày dép

* Xu thế gia tăng bảo hộ trên thế giới dưới nhiều dạng thức khác nhau, đặc biệt là nguy cơ lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp, cũng bắt đầu xuất hiện ở các nước CPTPP và giày dép nằm trong nhóm các sản phẩm thường bị áp dụng các biện pháp này.

Cú hích tăng trưởng xuất khẩu da giày

Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 20,78 tỷ USD (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 17,77 tỷ USD (tăng 6,1%); xuất khẩu valy, túi, cặp đạt gần 3,01 tỷ USD (giảm 3,2%) so với năm 2020. Đây là mức tăng thấp của ngành dưới tác động không mong muốn của đại dịch.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 21 tỷ USD, cao hơn so với cả năm 2021 (20,78 tỷ USD). Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra.

Trong những kết quả tích cực đó có đóng góp không nhỏ từ thị trường các nước thành viên CPTPP. Ước tính đến hết tháng 9/2022 xuất khẩu giày dép các loại sang một số thị trường trong khối Hiệp định CPTPP tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada đạt 407,2 triệu USD (tăng khoảng 52% so với cùng kỳ 2021), vượt kết quả thực hiện 678 triệu USD của năm 2021. Xuất khẩu sang Mexico cũng tăng gần bằng mức 315,03 triệu USD của cả năm 2021.

Có thể nói, khối thị trường thành viên Hiệp định CPTPP là một trong những động lực nâng đỡ cho xuất khẩu ngành da giày những tháng cuối năm nay. Tác động từ những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng giảm, lạm phát tăng cao đã khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành giảm mạnh dẫn tới kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2022 giảm tới 30% so với tháng 8/2022, tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường trong khối CPTPP vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng khả quan.

Theo tính toán, trước khi có Hiệp định CPTPP, xuất khẩu sang khối thị trường này chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đến nay đã chiếm hơn 14%.

Việc thực hiện Hiệp định cũng tạo động lực phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, điều này giúp tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi cao hơn so với nhiều nhóm hàng hóa khác xuất khẩu sang các nước CPTPP.

Giải pháp gia tăng tận dụng cơ hội từ CPTPP

Báo cáo “Nghiên cứu Ngành Da giày Việt Nam 2022-2031” do Research and Markets, một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới công bố tháng 7/2022 nhận định, Việt Nam là một trong những nhà sản xuất giày dép hàng đầu thế giới, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày sau Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu của Research and Markets cho rằng, một cơ sở quan trọng cho đà tăng xuất khẩu giày dép của Việt Nam, đó là Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho xuất khẩu với nhiều đối tác. Trong đó, Hiệp định CPTPP giúp xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada và Mexico tăng mạnh.

Dự báo, sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2031. Đối với các công ty liên quan đến chuỗi ngành giày dép quốc tế, tiếp theo hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chính sẽ còn nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong những năm tới.

Không thể phủ nhận những cam kết thuận lợi của CPTPP và dư địa thị trường lớn đã tạo thêm cơ hội cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm giày dép. Tuy nhiên, để có thể gia tăng tận dụng những lợi thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng các nội dung liên quan của CPTPP để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định.

anh Hải XNK

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Cần lưu ý là các cam kết trong CPTPP là cam kết tối thiểu của các nước thành viên. Trên thực tế, các nước có thể cắt giảm thuế quan cao hơn cam kết tùy nhu cầu. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan của một nước thành viên CPTPP áp dụng đối với từng mặt hàng giày dép Việt Nam thì doanh nghiệp cần kiểm tra biểu thuế quan ưu đãi theo CPTPP của nước đó áp dụng cho từng năm cụ thể.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng với nhiều thị trường riêng lẻ trong khối CPTPP, Việt Nam đã có một hoặc một số FTA khác ngoài CPTPP. Do đó bên cạnh CPTPP, doanh nghiệp cần tìm hiểu cả các cam kết thuế quan trong các FTA khác liên quan để lựa chọn FTA có lợi nhất về thuế quan cho mình (cùng với điều kiện về xuất xứ thích hợp nhất).

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP. Các cam kết này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP. Đồng thời tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Hải quan và tạo thuận lợi thương mại; phòng vệ thương mại... để tận dụng các quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước liên quan ở các thị trường CPTPP; hoặc các vấn đề về Lao động, Môi trường… để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với định hướng chung.

Một giải pháp khác cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp chính là công tác xúc tiến thương mại. Theo các chuyên gia, khi ký được Hiệp định như CPTPP là một thuận lợi hết sức lớn, nhưng không phải ký được hiệp định thì tự nhiên các cơ hội sẽ đến, nếu chúng ta không tiếp cận được bạn hàng và có những đối tượng khác quan tâm ở các quốc gia thành viên. Đây là khâu mà chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Trong hai năm vừa qua, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thương, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp bạn. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối, kể cả Việt Nam cũng như các quốc gia khác, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, làm sao đi vào hiệu quả, chiều sâu hơn nữa và đặc biệt có tính chủ động hơn nữa. Doanh nghiệp cần có tính chủ động trong việc kết nối và tìm kiếm cũng như giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, thay vì chỉ đợi doanh nghiệp nước ngoài tìm đến, tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam.

 

Mặc dù hiện nay có thể nói kết quả đang rất tốt, nhưng tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Trong hoạt động xuất khẩu gắn với việc tận dụng Hiệp định CPTPP, đặc biệt ở những thị trường mới như châu Mỹ, doanh nghiệp càng phải thận trọng hơn và có sự tham khảo, kết nối. Do đó, nếu giữa các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau tốt hơn, đặc biệt thông qua những hiệp hội chuyên ngành thì các doanh nghiệp sẽ có được lợi thế rất lớn trong việc có thông tin đầy đủ, thậm chí có thể cùng hợp tác kinh doanh để thực hiện những đơn hàng lớn, yêu cầu về thời gian ngắn. Đặc biệt, cùng nhau ứng phó với các nguy cơ trong xu thế bảo hộ gia tăng, những biến động, sự cố trong thương mại thế giới ngày càng nhiều.

Về lâu dài, tăng cường năng lực cạnh tranh là giải pháp bền vững để ngành da giày Việt Nam tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh những yếu tố như lực lượng lao động dồi dào, giá lao động rẻ đã không còn là lợi thế của Việt Nam và các FTA đang tạo thêm nhiều lợi thế về thuế quan, nhưng đều gắn với điều kiện về quy tắc xuất xứ.

 

bà Trang VCCI

 

CPTPP hay các hiệp định thương mại tự do chỉ mang lại một số những lợi thế về cạnh tranh, chủ yếu là lợi thế về giá thông qua ưu đãi thuế, còn nó không giải quyết những câu chuyện khác. Vì thế, doanh nghiệp tận dụng được hiệp định không chỉ nghĩ câu chuyện này, mà phải nghĩ đến những câu chuyện có liên quan về thị trường, nâng cao chất lượng và nhiều yếu tố khác để thu hút khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc

Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI

 

Đối với ngành da giày, mặc dù có được ưu đãi về thuế quan thì giá trị thật sự mà các doanh nghiệp da giày của Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường mới trong CPTPP như Mexico, Canada từ trước đến nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giày đến từ các quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giày của Việt Nam.

Muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng.

Việc này cần có thời gian và nguồn lực về tài chính, con người chứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà còn trong tất cả các FTA đang và sắp có hiệu lực.

giày 3
giày 4
giày 5

 

CPTPP tạo ra những thay đổi rất lớn đối với ngành Da giày

Chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam về những cơ hội và thách thức đối với ngành Da giày trong việc tận dụng lợi thế của Hiệp định CPTPP.

bà Xuân - Da giày
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

PV: Thời gian qua, ngành da giày là một trong những ngành đã tận dụng rất tốt những hiệp định thương mại tự do nói chung cũng như CPTPP nói riêng. Bà có thể cho biết các doanh nghiệp da giày đánh giá như thế nào về cơ hội xuất khẩu sang CPPPP các doanh nghiệp trong ngành đã có những hoạt động như thế nào để tận dụng tốt nhất những cơ hội này?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Ngành da giày hội nhập từ rất sớm. Hầu như là các hiệp định thương mại ngành da giày đã tận dụng được cơ hội, chiếm khoảng 95% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành và các thị trường mà có đã ký kết FTA.

Riêng với CPTPP, chúng tôi đánh giá có ba điểm đã tạo ra được những thay đổi rất  lớn đối với ngành da giày.

Đầu tiên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ, đấy là tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.  Đến nay, con số này đã chiếm hơn 14%, điều đó cho thấy mức độ tăng trưởng.

Thứ hai, khi tham gia Hiệp định CPTPP có yêu cầu về quy định đáp ứng quy tắc xuất xứ.  Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất.  Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm vừa qua.

Thứ ba, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu đã giúp doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư phát triển trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đón nhận Hiệp định CPTPP cũng phải có quá trình chuẩn bị, đầu tư để mà có thể tận dụng được.

Cơ hội đối với doanh nghiệp FDI hoặc là các doanh nghiệp lớn, đã từng xuất khẩu thành công hầu như không gặp trở ngại gì nhiều, qua đó gia tăng thêm hoạt động xuất nhập khẩu vào các thị trường trong khối CPTPP.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điểm đầu tiên là họ đã tăng cường năng lực kết nối tham gia mạng lưới để tiếp nhận các thông tin. Ví dụ, hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp nhận thông tin từ các tổ chức như là hiệp hội, hoạt động của trung tâm xúc tiến thương mại. Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã kết nối thành mạng lưới, cùng tham gia hoạt động về xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.

Trước đây, hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu làm đơn lẻ thì nay họ đã liên kết rất mạnh mẽ trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Doanh nghiệp đã đầu tư về chuyển đổi số để nhằm đáp ứng năng lực nội tại. Bên cạnh đó, đảm bảo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng để có thể xuất khẩu được thành công.

Cuối cùng, doanh nghiệp đã chú trọng rất nhiều vào đầu tư chất lượng nguồn nhân lực, không những đối với lực lượng lao động trực tiếp mà đối với cả hệ thống quản lý cấp trung. Doanh nghiệp cũng đã chú trọng nâng cao ứng dụng hệ thống quản lý mới, tiếp cận và lấy các chứng nhận quốc tế, đảm bảo điều kiện xuất khẩu được thành công.

PV: Trong bối cảnh tác động của tình hình quốc tế hiện nay, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành da dày chúng ta đã sụt giảm tiêu dùng một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức mua, trong khi các doanh nghiệp của chúng ta vẫn gặp khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu.

Vậy thì ngành da giày có những giải pháp như thế nào trong thời gian tới, đặc biệt là ở góc độ tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và ở góc độ doanh nghiệp. Ở góc độ hiệp hội, các doanh nghiệp cần có trợ lực như thế nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước, từ chính sách, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Như chúng ta đã biết, tình hình chung hiện nay tác động rất lớn đối với những ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi nhìn nhận thấy có những sự tác động giảm đơn hàng, cũng như tỷ trọng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với những thị trường có các FTA thì mức độ suy giảm nhẹ hơn so với thị trường khác, đấy cũng là một trong những ưu điểm.

Thứ hai, chúng ta thấy nguyên phụ liệu luôn là một trong những chủ đề nóng không chỉ ở ngành da giày mà đối với các ngành khác nữa bởi vì đây là động lực gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Về những giải pháp phát triển nguyên phụ liệu, chúng tôi đã có những kiến nghị rất cụ thể trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về về phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm sao mở rộng sản phẩm để được hưởng ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Thứ hai, đối hoạt động xuất nhập khẩu, nếu như chúng ta muốn mở rộng thêm xuất khẩu, đặc biệt khích lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần phải có một chính sách rất cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp, làm sao hỗ trợ họ có thể tiếp cận thị trường và đặc biệt nâng cao được khả năng, tính tuân thủ trong điều kiện để gia nhập thị trường, chính sách cần phải tập trung hỗ trợ sâu hơn nữa.

Về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy trong thời gian tới, chúng tôi thấy nên tập trung vào ba vấn đề.

Thứ nhất là chính sách hỗ trợ về phát triển nguyên phụ liệu, chúng ta cần tiếp tục làm, cải thiện, phối hợp cùng với các địa phương để tạo những quỹ đất, lực lượng lao động để phục vụ cho ngành.

Thứ hai, chúng ta cần phải hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư chuyển đổi số. Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh vừa đáp ứng cho phát triển bền vững, vừa giúp doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng một cách sâu rộng và minh bạch hóa.

Thứ ba, cần có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành da giày. Ở đây chúng ta không chỉ nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải nâng cao nguồn nhân lực lao động trực tiếp, những công nhân có kỹ năng, có tay nghề cao, cải thiện được năng suất, năng lực cạnh tranh của toàn ngành da giày nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thực hiện: Việt Hằng

Ảnh bìa: Duy Kiên