[E-magazine] Hiểu rõ thị trường EU để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA
25/11/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Hiểu rõ thị trường EU để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA

Sau hơn 02 năm thực thi, tác động của EVFTA đối với xuất, nhập khẩu và đóng góp vào GDP của Việt Nam rất tích cực. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa chủ lực của Việt Nam vào thị trường lớn này như: nông – thủy sản, da giày, may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ…

Tuy nhiên, những ưu đãi, lợi thế do Hiệp định EVFTA mang lại chỉ đóng vai trò động lực, đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Để tăng trưởng bền vững và tham gia chuỗi cung ứng, gia tăng thị phần hàng Việt tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần có sự chủ động nắm bắt, hiểu biết về thị trường và đối tác EU.

Xu hướng tiêu dùng xanh

Liên minh châu Âu (EU) có 27 quốc gia thành viên với dân số gần 500 triệu người, do đó nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu các loại hàng hóa cao hàng đầu thế giới. Năm 2021, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR/năm.

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên là khá đồng đều cho nên người dân thuộc khối EU có đặc điểm chung về sở thích, thói quen tiêu dùng và những yêu cầu trong tiêu dùng của người dân cũng tương đối cao.

thị trường EU 1
thị trường EU 2
thị trường EU 3

Hàng hoá được nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã, vệ sinh an toàn cao. Người tiêu dùng châu Âu thường có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới vì họ cho rằng những nhãn hiệu nổi tiếng này gắn với chất lượng sảm phẩm và có uy tín lâu đời, cho nên dùng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất an toàn về chất lượng và an tâm cho người sử dụng.

Các tiêu chí lựa chọn sản phẩm thủy sản tiêu thụ ở EU thường theo thứ tự, đa số ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản có xuất xứ ở Châu Âu, sau đó những sản phẩm thủy sản đảm bảo rõ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, thân thiện với môi trường, dễ sử dụng, giá của sản phẩm thủy sản đó so với những sản phẩm có tính chất tương đồng trong bữa ăn và địa điểm sử dụng. Người dân EU thường xuyên ăn thủy sản tươi sống ở nhà hàng vì họ cho rằng thủy sản tươi sống sẽ ngon hơn khi biết cách chế biến và các nhà hàng sẽ chế biến thủy sản tươi sống tốt hơn ở nhà. Trong khi những sản phẩm thủy sản đông lạnh, sơ chế, dễ chế biến sẽ được dùng nhiều hơn ở nhà, bếp ăn tập thể. Những sản phẩm thủy sản đóng hộp luôn được lựa chọn cho những chuyến du lịch ngắn ngày.

Khi mua sắm hàng hóa, đặc biệt là mua sắm các sản phẩm sử dụng lâu dài, người tiêu dùng EU thường tìm hiểu kỹ càng về tính năng, xuất xứ, và các sản phẩm cạnh tranh tương tự thay vì chỉ quan tâm đến giá cả. Họ sẵn sàng chi trả với mức giá cao hơn để nhận được sản phẩm với chất lượng tốt hơn. Đối với các loại sản phẩm này, người tiêu dùng sẽ thích đến tận cửa hàng để kiểm tra và thử sản phẩm, hơn là mua sắm trên website. Ngược lại, đối với các hàng hóa sử dụng hàng ngày, người dân có thể sẽ quan tâm nhiều hơn về giá, và họ thường mua sắm trực tuyến, do đó có thể dễ dàng so sánh giá bán…

Thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua khiến người tiêu dùng EU ngày càng chú trọng hơn đến tiêu dùng bền vững, nguồn gốc sản phẩm và tính thân thiện môi trường của sản phẩm. Họ hướng tới sử dụng nhiều hơn các sản phẩm có tính nhân văn (như sản phẩm được làm bởi người khuyết tật, các doanh nghiệp xã hội…), hoặc sản phẩm hữu cơ, từ các nguyên liệu tự nhiên, sử dụng ít năng lượng, phương pháp sản xuất ít tác động tới môi trường…. đặc biệt là đối với thực phẩm và quần áo.

Một điểm cần lưu ý, thị trường EU là thị trường khối 27 quốc gia thành viên, do đó ngoài những yếu tố thị hiếu chung thì những yếu tố liên quan tới văn hóa, mức thu nhập của người dân, cộng đồng người nhập cư… ở từng quốc gia, khu vực sẽ tác động mạnh tới đặc điểm tiêu dùng của thị trường này.

tiêu dùng Đức

Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới, chuẩn bị kế hoạch bài bản và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; gia tăng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh tiếp tục củng cố, phát triển thị phần tại các thị trường lớn, thị trường cửa ngõ tại EU, doanh nghiệp nên quan tâm đầu tư mở rộng tìm hiểu khảo sát, khai thác các thị trường mới, thị trường ngách tại khu vực, điển hình như tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu.

          

Thương vụ Thụy Điển

Người tiêu dùng Bắc Âu thậm chí quan tâm đến bao bì, nhãn mác còn hơn chính sản phẩm, xem sản phẩm có thân thiện môi trường hay không, có phải là sản phẩm hữu cơ hay không. Do đó, những sản phẩm dán nhãn sinh thái sẽ được đón nhận rất tích cực ở Bắc Âu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Latvia và Iceland

          

 

Tìm hiểu đối tác, cách thức giao thương phù hợp

Hàng hoá Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần tại châu Âu, tuy nhiên để tận dụng được lợi thế đang có, cùng với việc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng việc tiếp cận hệ thống phân phối tại từng thị trường đích.

Về cơ bản, hệ thống phân phối của EU cũng giống như hệ thống phân phối của một quốc gia, bao gồm mạng lưới bán buôn và mạng lưới bán lẻ; tham gia vào hệ thống phân phối này là các công ty xuyên quốc gia, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các công ty bán lẻ độc lập…, trong đó hình thức tổ chức phổ biến nhất của các kênh phân phối trên thị trường EU là theo tập đoàn và không theo tập đoàn.

Kênh phân phối theo tập đoàn nghĩa là các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu của một tập đoàn chỉ cung cấp hàng hóa cho hệ thống cửa hàng và siêu thị của tập đoàn này mà không cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của tập đoàn khác. Ngược lại, đối với kênh phân phối không theo tập đoàn thì các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu của một tập đoàn không chỉ cung cấp hàng hóa cho hệ thống cửa hàng và siêu thị của tập đoàn này mà còn cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của tập đoàn khác và các công ty bán lẻ độc lập. Đặc biệt, rất ít trường hợp các siêu thị lớn hoặc các công ty bán lẻ độc lập mua hàng trực tiếp từ nhà xuất khẩu.

Các nhà bán buôn và bán lẻ trong hệ thống phân phối của EU thường có quan hệ làm ăn lâu đời và rất ít khi mua hàng của những nhà cung cấp không quen biết cho dù giá hàng có rẻ hơn nhiều, vì uy tín kinh doanh với khách hàng được họ đặt lên hàng đầu mà muốn giữ được điều này thì hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và nguồn cung cấp ổn định. Họ liên kết với nhau chặt chẽ thành một chuỗi trong kinh doanh bằng các hợp đồng kinh tế. Các cam kết trong hợp đồng được giám sát nghiêm ngặt bởi các quy định của pháp luật kinh tế. Vì vậy mà các nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu rất cao về việc tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng, đặc biệt là chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng.

 

Hiền - Âu Mỹ

Việc kết nối trực tiếp với các hệ thống phân phối tại châu Âu là kênh ngắn nhất giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, qua đó kết nối trực tiếp với thị trường để nắm bắt rõ nhất biến động thị trường, biến động thị hiếu tiêu dùng, xu hướng sản phẩm…

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương

 

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước khi tiếp cận các nhà phân phối Châu Âu thì doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng có đủ năng lực tài chính, nhân lực cũng như kiến thức về thị trường. Doanh nghiệp phải tiếp cận thị trường với tư duy xuất khẩu bền vững thay vì “ăn xổi”. Bởi nếu với tư duy xuất khẩu ngắn hạn thì khó mà trụ vững tại châu Âu khi mà các nhà nhập khẩu thường ưu ái tìm kiếm đối tác lâu dài.

Do đó, để tiếp cận hệ thống phân phối tại EU, doanh nghiệp cần có sự đầu tư kế hoạch và chiến lược marketing hiệu quả và dài hạn, đồng thời cần có chiến lược phát triển tập trung vào từng thị trường thành viên cụ thể trong khu vực EU và sử dụng hiệu quả các kênh phân phối tại những thị trường này thông qua việc kết nối với các nhà phân phối đưa hàng vào các siêu thị lớn và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp.

Tương tự như xu hướng tiêu dùng, bên cạnh những đặc điểm chung của hệ thống phân phối toàn EU, mạng lưới phân phối của mỗi thị trường thành viên trong khối lại có những đặc điểm riêng.

 

Siết chặt các quy định, tiêu chuẩn hướng tới phát triển bền vững

EU có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nếu doanh nghiệp không chú ý sẽ gặp nhiều rủi ro. Hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; bảo đảm nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)... Cùng với đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những quy định trong các Công ước quốc tế mà EU tham gia như: Công ước CITES nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU…

Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng SPS Việt Nam, 02 năm kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực (tháng 08/2020 - 08/2022), EU đã công bố khoảng 71 dự thảo và điều chỉnh khoảng 146 quy định liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban Châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM(2021)706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn…

Trước đó, EU cũng đã ban hành chương trình phối hợp kiểm soát việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Với quy định này, các quốc gia thành viên EU sẽ lấy và phân tích mẫu ngẫu nhiên sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Ngoài kiểm tra tại cửa khẩu, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước EU còn lấy mẫu kiểm tra trên thị trường. Với hàng dệt may, EU hướng tới mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm đưa vào thị trường có tuổi thọ cao, có thể tái chế, không chứa chất độc hại, quy trình sản xuất đảm bảo các quyền xã hội và môi trường…

Trước khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần định vị danh mục các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu phù hợp với năng lực cạnh tranh, với quy định, nhu cầu của thị trường và tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu hiệu quả.

hàng Việt EU
hàng Việt EU 2

Cần đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và quảng bá sản phẩm phù hợp với thị trường

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP  (Hapro) chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc thâm nhập, xuất khẩu hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn thị trường EU.

Tuấn Hapro
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP  (Hapro)

PV: EU giữ vị trí như thế nào trong định hướng phát triển thị trường xuất khẩu của Hapro? Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Hapro xác định tận dụng cơ hội từ Hiệp định này như thế nào để có thể gia tăng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường châu Âu, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Hapro có thị trường hơn 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm xuất khẩu trên 100 triệu USD, trong đó EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm của Hapro xuất khẩu được lợi thế ưu đãi hơn về thuế. Đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm lâu nay phải cạnh tranh về giá và chất lượng với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thực sự có lợi thế hơn và khách hàng cũng quan tâm hơn nhiều.

PV: Ông có thể chia sẻ câu chuyện của Hapro về những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng thương hiệu Hapro và cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài nói chung cũng như thị trường EU nói riêng?

Ông Lê Anh Tuấn: Đây cũng là vấn đề nhiều khó khăn cho những doanh nghiệp muốn tìm hiểu xuất khẩu vào EU.

Thứ nhất, muốn bán hàng được trước mắt ta phải có hàng đảm bảo chất lượng; muốn xuất khẩu hàng vào Châu Âu ta phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng của họ. Thị trường EU yêu cầu đầu tiên là chuẩn bị từ khâu nguyên liệu, không thể có một nguyên liệu xấu mà chế biến ra được sản phẩm chất lượng tốt được. Vậy thì khâu nguyên liệu lựa chọn như thế nào và nó xuất phát từ đâu.

Sau nguyên liệu, người Châu Âu quan tâm đến sức khỏe, đất đai trồng trọt ra sản phẩm có bị nhiễm hóa học không? bảo quản sau thu hoạch rồi đưa vào khâu nhà máy chế biến như thế nào, có an toàn không? các nhà máy khi sản xuất có được cấp chứng chỉ không?... Thậm chí không chỉ nghiên cứu văn hóa tiêu dùng theo từng đất nước, theo khẩu vị của từng đất nước mà còn theo vùng miền trong mỗi đất nước nữa. Đấy là điều doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn nhất.

Vấn đề thứ hai ta phải tính PR sản phẩm; phải xác định quan trọng là ta bán cái gì để thị trường chấp nhận, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; chưa kể vấn đề bao bì có phù hợp với văn hóa, bao bì, nhãn mác có phù hợp với văn hóa địa phương không?... Chúng ta phải nghiên cứu thiết kế ra những điểm phù hợp với khả năng của chúng ta chứ không thể nói một doanh nghiệp nào dài hơi đi nghiên cứu tất cả các thị trường. Doanh nghiệp phải chịu đầu đầu tư thì mới có thể xâm nhập được thị trường thành công.

          

Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí