[E-magazine] Đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo EVFTA
28/10/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo EVFTA

 

Tăng cơ hội cạnh tranh cho thực phẩm Việt Nam

Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ nhóm hàng thực phẩm lớn nhất trên thế giới, trong khi Việt Nam được đánh giá là có nguồn cung thực phẩm có nhiều lợi thế bởi có nguồn nguyên liệu nguồn gốc từ nông sản trong nước phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ cũng góp phần giúp các doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU, trong đó có các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, đó là nhờ vào lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn được miễn kiểm tra cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình được công nhận về sản phẩm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) của Liên minh châu Âu.

Hiệp định EVFTA còn có các cam kết của EU trong việc hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tuân thủ các biện pháp về vệ sinh dịch tễ, tạo thành cơ hội được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế trong công nghệ sản xuất, bảo quản và đang gặp khó khăn trong vấn đề đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ của EU.

Ngoài ra, tại EVFTA, cam kết mới về quy tắc xuất xứ cởi mở hơn về hàng hóa xuất xứ không thuần túy và quy tắc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu phần nào giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp chế biến sản xuất nhằm xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tạo cơ hội để có nhiều hơn thực phẩm và đồ uống Việt Nam có thể được cấp chứng nhận xuất xứ và hưởng ưu đãi theo EVFTA.

Theo Cao ủy Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do song phương, từ năm 2020 đến năm 2021, thương mại Việt Nam – EU trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ Euro. Những con số này thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam. Một vài trong số những sản phẩm này được “bảo hộ chỉ dẫn địa lý” theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải Lục Ngạn.

Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất 0%.

          

 

cao ủy châu Âu

Do lợi ích của EVFTA mà giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới.

Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của Liên minh Châu Âu

          

 

Tiêu chuẩn khắt khe và thường xuyên cập nhật

EU luôn được biết đến là thị trường tiêu chuẩn cao về nhiều phương diện, đặc biệt là về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường khu vực này.

Năm 1994, Châu Âu thông qua Chỉ thị 93/43 về vệ sinh an toàn - văn bản pháp lý chung đầu tiên, yêu cầu các chủ thể tham gia vào sản xuất kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm các sản phẩm của mình. Đây là tiền đề cho Luật Thực phẩm chung “General Food Law” (Quy định (EC) 178/2002) - “kim chỉ nam” trong quy định an toàn thực phẩm của EU được ban hành sau đó 8 năm, ngày 28/01/2002.

Với cách tiếp cận an toàn thực phẩm của EU “từ trang trại đến bàn ăn” bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, Luật Thực phẩm chung Châu Âu được cập nhật lần gần đây nhất vào ngày 26/5/2021 là một văn bản pháp lý mà các nước thành viên phải triệt để tuân thủ, không có ngoại lệ.

Luật Thực phẩm chung quy định các nền tảng pháp lý cho vấn đề an toàn thực phẩm của EU, là văn bản khung quy định tất cả các nguyên tắc chung, bao gồm cả nguyên tắc phòng ngừa, các yêu cầu và thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm và quản lý khủng hoảng. Các nước thành viên chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát thực phẩm để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có tuân thủ các quy định về thực phẩm của EU. Mục tiêu chính là đảm bảo việc lưu hành tự do của thực phẩm và thức ăn chăn nuôi an toàn tại EU vì sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.

Nhìn tổng quan, Luật Thực phẩm chung thiết kế hệ thống an toàn thực phẩm của EU dựa trên 3 trụ cột, đó là:

  • Phân tích mối nguy
  • Kiểm tra – giám sát
  • Trách nhiệm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh

Luật Thực phẩm chung cũng khai sinh Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), tách rời việc đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm khỏi việc quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm. EFSA được thành lập trên cơ sở hoàn toàn độc lập, không bị các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm giám sát, áp đặt quan điểm. Chính phủ các nước thành viên và của EU bảo vệ tuyệt đối sự trung lập trong việc đánh giá nguy cơ dựa trên cơ sở khoa học, không để công việc này bị các lợi ích kinh tế chi phối và can thiệp.

Tóm tắt quy định, nguyên tắc chung của Luật Thực phẩm chung Châu Âu

An toàn thực phẩm EU

Ngoài Luật Thực phẩm chung (EC) 178/2002, một số quy định chi tiết về an toàn vệ sinh được Luật triển khai để tăng cường sự nhất quán trong chuỗi thực phẩm:

  • Quy định (EC) 852/2004 được ban hành năm 2004 về vệ sinh thực phẩm (yêu cầu chung về vệ sinh đối với sản xuất thực phẩm);
  • Quy định (EC) 853/2004 được ban hành năm 2004 về vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật (quy định các quy tắc vệ sinh cụ thể đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật và các nguyên tắc vệ sinh cơ bản cho các doanh nghiệp ở tất cả các giai đoạn trong chuỗi thực phẩm của các sản phẩm động vật);
  • Quy định (EC) 625/2017 được ban hành năm 2017 về các biện pháp kiểm soát chính thức và các hoạt động chính thức khác được thực hiện để đảm bảo áp dụng Luật Thực phẩm và thức ăn gia súc, các quy tắc về sức khỏe và phúc lợi động vật, sức khỏe thực vật và các sản phẩm bảo vệ thực vật, từ đó thiết lập các nguyên tắc kiểm soát đối với các thành viên EU và các nước thứ ba. Quy định này sửa đổi và đơn giản hóa các quy định liên quan trước đó của EU.

Bên cạnh các quy định chính nêu trên, cơ sở pháp lý cho an toàn thực phẩm của EU còn được điều chỉnh bởi các quy định về các ngưỡng an toàn cho phép, đó là: Quy định (EC) 2073/2005 về các chỉ tiêu vi sinh vật cho thực phẩm; Quy định (EC) 396/2005 về ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm và thức ăn gia súc có nguồn gốc từ động thực vật; Quy định (EC) 1881/2006 về hàm lượng tối đa cho phép đối với một số chất gây ô nhiễm trong thực phẩm; Quy định (EC) 1169/2011 về việc cung cấp thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng….

Các quy định trong Luật Thực phẩm chung, các quy định về kiểm soát và vệ sinh thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tạo nên toàn bộ hệ thống Luật thực phẩm EU. Trên cơ sở những quy định khung đó, EU thường xuyên có sự cập nhật, bổ sung những quy định, tiêu chuẩn mới. Trải qua hơn 02 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những quy định, tiêu chuẩn của EU về an toàn thực phẩm còn được nâng cao, cập nhật chặt chẽ hơn.

Đan Mạch
nông sản xk
thủy sản EU
nông sản EU

Một số cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm

Mặc dù có nhiều tiềm năng, cơ hội với động lực từ Hiệp định EVFTA nhưng đến nay thị phần hàng thực phẩm của Việt Nam tại EU còn rất khiêm tốn.

Các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam vẫn hạn chế ở quy mô sản xuất nhỏ hẹp, nguồn vốn hạn chế. Hệ thống cung cấp nguyên liệu trong nước thủ công và thô sơ, nhiều khâu phân tán dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu. Sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng tìm hiểu về những cam kết trong Hệp định EVFTA cũng như cập nhật những tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước thành viên.

Từ năm 2021 đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam thường xuyên nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên EU vì có chứa chất cấm vượt ngưỡng quy định của EU. Trong đó, Đức gửi cảnh báo mỳ ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu vì có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU. Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen… Những vụ việc này dẫn đến từ đầu năm 2022, mỳ ăn liền, bún, miến, phở khô… của Việt Nam xuất sang châu Âu bị giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật EO với tỷ lệ kiểm tra là 20%.

Từ ngày 13/6/2022, EU bỏ các loại bún, miến, phở dạng khô không có gia vị đi kèm ra khỏi danh mục sản phẩm chịu kiểm soát đặc biệt về EO. Tuy nhiên, mỳ ăn liền từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia vẫn chịu tần suất kiểm tra 20% và phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi xuất sang thị trường này. Nhiều nông sản khác của Việt Nam như rau quả tươi, gạo… cũng là nhóm hàng chịu kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào EU.

Chỉ tính riêng trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha về phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh/chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU, bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô xoài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo và bột cà ri, do đó phía bạn đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại.

 

Việc duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha vẫn đang là một thách thức không nhỏ cần phải lưu ý.

Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại,

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha

 
 

Có thể thấy, các tiêu chuẩn SPS và quy định về an toàn thực phẩm của EU được đặt ra cao hơn so với nhiều quốc gia và khu vực khác. Ngoài các biện pháp SPS được EU ban hành thì các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng của EU cũng có những yêu cầu khắt khe hơn.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đang phải đối mặt với không ít thách thức từ các quy định, tiêu chuẩn cao, đặc biệt về an toàn thực phẩm.

Để thích ứng với những tiêu chuẩn mới của thị trường, cũng như người tiêu dùng EU và tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường EU.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng cần lưu ý về việc EU đang tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu (MR).

Theo quy định EC 741/2022 mới được ban hành, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, để tránh vi phạm quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.

          

ông Tấn - Vụ KHCN

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

          

 

Đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về các hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (SPS) của các quốc gia nhập khẩu. Thông tin kịp thời sự thay đổi trong các quy định về ATTP của các nước tới doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

mỳ ăn liền
mỳ ăn liền 2

Từ câu chuyện của mỳ ăn liền: Linh hoạt thích ứng thị trường

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm uy tín của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường quốc tế nói chung, thị trường EU nói riêng. Câu chuyện sản phẩm mỳ ăn liền Việt Nam liên tục bị cảnh báo tại thị trường EU thời gian qua và những tác động của nó là bài học cho các doanh nghiệp của chúng ta.

Sản phẩm nhập khẩu vào EU phải kiểm soát chất EO

Tháng 8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông tin một số lô sản phẩm mì ăn liền Good và mỳ ăn liền Hảo Hảo của Việt Nam bị thu hồi vì dư lượng chất ethylene oxide (EO). Cuối năm 2021, Cơ quan chức năng của Pháp thông báo về việc thu hồi một số lô mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam do có chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt mức cho phép của EU, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Đến đầu năm 2022, mỳ ăn liền Việt Nam xuất khẩu sang Đức tiếp tục bị cảnh báo có chỉ tiêu chất EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Điều đó dẫn tới, trong quy định mới ban hành đầu tháng 01/2022, mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng được Ủy ban châu Âu (EC) bổ sung vào danh mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, từ tháng 01/2022, EU tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm. Đối tượng kiểm soát EO bao gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với 3 nhóm chính: Nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; Nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.

Theo yêu cầu từ phía EU, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kiểm soát trong chuỗi cung ứng thực phẩm như: Chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra các dây chuyền sản xuất và giám sát chủ động trên diện rộng với 33 nhóm sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam bao gồm: Nhóm sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu.

Trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra xuất khẩu vào EU vì theo quy định 6 tháng, EU sẽ họp một lần để xem xét mức độ vi phạm của các quốc gia để đưa ra biện pháp tăng hoặc giảm kiểm tra. Vì vậy, việc một số doanh nghiệp vi phạm quy định vào thị trường EU sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU và tận dụng Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi.

Để tránh lặp lại những cảnh báo như trên, những doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền vào EU phải đặc biệt lưu ý kiểm soát tốt chỉ tiêu EO, đồng nghĩa phải giám sát chặt từ nguyên liệu đầu vào để đáp ứng yêu cầu.

Linh hoạt đáp ứng quy định của EU

Việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Ethylene Oxide là hợp chất hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm giúp khử trùng, hun trùng hiệu quả cao. Chất này được phép sử dụng ở nhiều quốc gia, nhằm mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm. EO cũng được dùng để tiệt trùng các thiết bị y tế.

Riêng với trường hợp chất EO trong thực phẩm, hiện nay Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Trên thế giới, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng có sự chênh lệch rất lớn. 

quy định EO của EU

Quy định về dư lượng Etylen Oxide trong thực phẩm tại một số quốc gia và khu vực. Nguồn: Bộ Công Thương

Mỗi quốc gia quy định về giới hạn hàm lượng EO trong thực phẩm khác nhau. Ví dụ Hoa Kỳ, Canada với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7mg/kg, riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2mg/kg.

Thống kê của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (Rapid Alert System for Food and Feed, viết tắt là RASFF), trong năm 2021 có đến hàng trăm cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý xuất khẩu sang thị trường nào cần tuân thủ quy định của thị trường đó. Đơn cử như EU không chấp nhận tồn dư EO (mức độ cho phép rất thấp) thì doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ hơi nước hoặc phương pháp bảo quản khác được EU cho phép. Còn thị trường Hoa Kỳ chấp nhận phương pháp EO, doanh nghiệp có thể sử dụng và xác định mức tồn dư nằm trong ngưỡng cho phép của Hoa Kỳ.

Việc doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU sẽ giúp tận dụng tốt những cơ hội từ EVFTA, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.

          

Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí