Xuất khẩu sắn sang Nhật Bản tăng trưởng hơn 3.300%

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản về lượng đã tăng hơn 3.300% và về trị giá hơn 1.700% ghi nhận tại cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,16 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 445,5 triệu USD, giảm lần lượt 2,4% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 4/2023 Việt Nam xuất khẩu 189.821 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 76,03 triệu USD, giảm 30,8% về lượng và 27,6% về trị giá so với tháng 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam giảm lần lượt 19,5% và 27,4%.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn ở mức 400,6 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng trước nhưng lại giảm 9,9% so với tháng 4/2022.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,9% tổng lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1,05 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 397,37 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

xuất khẩu sắn
Nhật Bản đang nổi lên là một thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn từ Việt Nam

Hàn Quốc và Đài Loan là hai thị trường lớn thứ hai và thứ ba nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, chiếm 3,8% và 2,3% tổng lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến tại hai thị trường này có sự khác biệt.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường Hàn Quốc là 45.455 tấn, đạt 16,58 triệu USD, giảm 27,5% về lượng và 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đài Loan 20.381 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 9,9 triệu USD, tăng 100% về lượng và 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, Nhật Bản đang nổi lên là một thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường này là 2.282 tấn, đạt 1,16 triệu USD. Số liệu cùng kỳ năm 2022 khiêm tốn khi tổng lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang Nhật Bản là 66 tấn sắn, đạt 63.025 USD. 

Số liệu cho thấy, lượng xuất khẩu đã tăng hơn 3.300% và trị giá tăng hơn 1.700% ghi nhận tại cùng kỳ năm 2022.

Dự đoán, trong năm 2023, Nhật Bản sẽ là một điểm đến tiềm năng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần. Trong khi đó, nguồn cung và giá của ngô và lúa mì đều bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu sắn đã đạt trị giá tỷ USD trong đó tinh bột sắn chiếm tỉ trọng lớn, còn lại là sắn lát. Sắn và các sản phẩm từ sắn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mì ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo.

Hiện nay, xuất khẩu sắn của Việt Nam gặp cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.

Ngọc Châm