Xây dựng chính quyền số ở các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay

NCS. THS. VŨ THỊ LAN (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đưa: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương (TTTW), xây dựng chính quyền số (CQS) là một trong những trụ cột (cùng với xây dựng xã hội số, kinh tế số) nhằm thực hiện tốt các hoạt động chuyển đổi số ở địa phương; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát tiêu chí về xây dựng CQS, phân tích những thuận lợi, khó khăn của các thành phố TTTW trong xây dựng CQS, tác giả đề xuất một số giải pháp xây dựng CQS ở các thành phố TTTW trong thời gian tới.

Từ khóa: chính quyền số, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan hành chính.

1. Đặt vấn đề

Là đầu tàu phát triển của các vùng kinh tế và cả nước, các thành phố TTTW là những địa phương đi đầu trong xây dựng CQS, thúc đẩy việc chuyển đổi số theo định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, các thành phố TTTW đã tích cực triển khai xây dựng CQS với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đối chiếu với những tiêu chí về xây dựng CQS, hoạt động xây dựng CQS ở các thành phố TTTW còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc này, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời trong tình hình hiện nay là việc làm cần thiết.

2. Nhận thức về chính quyền số

“Chính quyền số là chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã)” [1]. CQS là mô hình chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Đây là quá trình chuyển đổi số của chính quyền các địa phương. CQS giúp cho chính quyền các địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Điển hình như việc chuyển hoạt động của chính quyền lên môi trường số, bao hàm cả việc chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp theo cách truyền thống, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra trực tuyến, thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối.

Trụ cột CQS của các tỉnh (thành phố) TTTW gồm 7 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh và Hoạt động CQS [5]. Trong đó, hoạt động của CQS phải có cổng Thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; triển khai Cổng dữ liệu mở, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định. Triển khai kênh số khác (ngoài Cổng Thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công) để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến và phục vụ tương tác trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh/thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước. Triển khai nền tảng họp trực tuyến đến các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc tỉnh/thành phố và đến từng thiết bị cá nhân. Triển khai nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước. Triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức; ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của CQS. Triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung. Bên cạnh đó, CQS còn phải bảo đảm các tỷ lệ về ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh/thành phố; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoặc toàn trình; dịch vụ công trực tuyến được điền sẵn thông tin; dịch vụ công trực tuyến được cá thể hóa;… bảo đảm được mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai xây dựng CQS phải bảo đảm thiết lập một nền quản trị tốt, thỏa mãn các nguyên tắc cơ bản, như: 1, tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền cũng như tính hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực công. 2, bảo đảm nguyên tắc thúc đẩy sự bình đẳng và sự tham gia của các chủ thể, nhất là người dân vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý sự phát triển bền vững xã hội. 3, dung nạp sự khác biệt về văn hóa, đưa văn hóa trở thành mục tiêu, hệ điều tiết và là động lực của tăng trưởng; 4, tôn trọng pháp quyền, thúc đẩy việc bảo vệ các quyền con người và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

CQS tạo nên sự thay đổi căn bản khi xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất cho cơ quan nhà nước là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là môi trường pháp lý để triển khai và các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ.

3. Thực trạng xây dựng chính quyền số ở các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay

Việc triển khai xây dựng CQS ở các thành phố TTTW hiện nay, về cơ bản diễn ra thuận lợi và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các thành phố đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số, trong đó xây dựng CQS được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các thành phố được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Nền móng phát triển CQS như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển nền tảng số, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, an toàn thông tin cũng đã được chú trọng. Theo bảng xếp hạng về CQS năm 2021, Đà Nẵng là thành phố dẫn đầu cả nước; tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (xếp thứ 3); các thành phố TTTW khác lần lượt xếp hạng: Cần Thơ (thứ 21); Hải Phòng (thứ 25), Hà Nội (thứ 36) trên tổng số 63 tỉnh/thành phố trong cả nước [2]. Thành phố Đà Nẵng là địa phương có tốc độ Internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây (thành phố Cần Thơ xếp thứ 2, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng xếp vị trí thứ 3). Theo Báo cáo của Cục An toàn thông tin, trong năm 2020, 2021, Đà Nẵng liên tiếp xếp hạng A, dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin. Đặc biệt, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Ngoài các dịch vụ hành chính công, thành phố đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa lên cung cấp trực tuyến mức 4 và chuẩn bị đưa dịch vụ sự nghiệp công lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố. Đà Nẵng đã hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, nhân khẩu, hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức,... và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các sở, ngành, quận, huyện đã triển khai Phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động và hình thành dữ liệu dùng chung trong từng cơ quan [6]. Kết quả xây dựng CQS của các thành phố TTTW đã góp triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng CQS ở các thành phố TTTW, đó là:

Thứ nhất, kết quả xây dựng CQS chưa đồng đều giữa các thành phố TTTW. Trong khi Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước, thì Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ còn xếp thứ hạng thấp. Sau một thời gian quyết tâm và nỗ lực triển khai, hiện tại, xếp hạng CQS của Hải Phòng vẫn đang ở thứ hạng 21- đây là một kết quả thấp, chưa tương xứng với tầm vóc là thành phố đang vươn lên mạnh mẽ trong mọi mặt kinh tế - xã hội và cải cách. Hải Phòng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng CQS, như: Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến của thành phố còn ở mức thấp; Tỷ lệ hồ sơ quá hạn phát sinh nhiều ở một số lĩnh vực, đơn vị của thành phố,… Cùng với đó, hạ tầng số còn chưa đạt yêu cầu, dữ liệu số còn ít, dịch vụ công trực tuyến chưa được người dân sử dụng nhiều, thương mại điện tử còn chưa phổ biến...[7] Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; việc ứng dụng những công nghệ số tiên tiến trong các cơ quan nhà nước để thay đổi mô hình, cách thức làm việc chưa được thực hiện nhiều (ví dụ hệ thống trợ lý ảo; sử dụng AI để hỗ trợ ra quyết định;...).

Thứ hai, việc hoàn thiện môi trường pháp lý phục vụ cho quá trình xây dựng CQS ở các địa phương hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo,... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình xây dựng CQS ở các địa phương. Hành lang pháp lý trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chưa đầy đủ, chậm ban hành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia (như: dân cư, đất đai), tạo nền tảng xây dựng CQS chậm được triển khai. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đây là khó khăn chung của các thành phố TTTW, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ thành lực cản của CQS.

Thứ ba, hạ tầng cần thiết cho việc xây dựng CQS ở các thành phố TTTW còn nhiều bất cập. Là những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các thành phố TTTW vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm hạ tầng kết nối internet tốc độ cao, bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà các thành phố TTTW phải đối mặt. Việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế, còn tình trạng “cát cứ thông tin”, làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển CQS. Vấn đề trách nhiệm, phân cấp quản lý dữ liệu; vấn đề kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu; quản lý chất lượng dữ liệu; quản lý kiến trúc dữ liệu; quản lý vận hành dữ liệu; quản lý an ninh dữ liệu; quản lý đặc tả dữ liệu còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, trình độ nhân lực phục vụ cho xây dựng CQS ở các thành phố TTTW còn nhiều hạn chế. Đây là hạn chế lớn của các thành phố TTTW khi triển khai xây dựng CQS. Theo Sở Nội vụ Hà Nội, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc mà có sự chuyển biến mạnh về tư duy, phong cách làm việc,… Song, chất lượng nhân lực vẫn chưa đồng đều, chưa thực sự thành thạo các kỹ năng sử dụng phần mềm, việc duy trì cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục. Không riêng Hà Nội, các thành phố TTTW đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng CQS, khi “Trình độ, năng lực đội ngũ đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” [3]. “Chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với yêu cầu đề ra” [4].

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về sự cấp thiết xây dựng CQS gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các thành phố TTTW. Cần triển khai đồng bộ hiệu quả các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng CQS trên địa bàn, như: tăng cường tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước với chủ đề từ tổng quan đến chuyên sâu về CQS. Tổ chức các chương trình tập huấn/tọa đàm về xây dựng CQS cho cán bộ, viên chức; cử cán bộ đi học các khóa ngắn hạn tại nước ngoài/tham gia trải nghiệm hoạt động xây dựng CQS để nâng cao kiến thức thực tiễn. Thực hiện tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương, giải pháp xây dựng CQS, những tiện ích mà CQS mang lại cho người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng CQS.

Hai là, thông qua thực tiễn xây dựng CQS, các thành phố TTTW tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật liên quan đến việc xây dựng Chính phủ số, CQS và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển CQS trong giai đoạn mới. Kiến nghị Chính phủ ban hành một số Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng CQS như: Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bảo đảm môi trường pháp lý để mọi người dân, doanh nghiệp tham gia bình đẳng vào quá trình chuyển đổi số, được bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu riêng tư, được sử dụng mã số điện tử gắn với QR code thuận lợi. Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể: Rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến với các thủ tục hành chính đủ điều kiện; Giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả (như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến); Nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ba là, đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của CQS. Chú trọng bảo đảm hạ tầng để kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ, của các tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu 1 lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết nối, đồng bộ dữ liệu giám sát đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống giám sát, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển Chính phủ số. Các nền tảng được triển khai phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không trùng lặp, tuân thủ pháp luật về quản lý đầu tư.

Bốn là, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hoạt động của CQS. Các thành phố cần chủ động triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bốn lớp theo chiều sâu với việc kiện toàn lực lượng tại chỗ; thuê lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá; kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ động tham gia có hiệu quả vào các chiến dịch bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động; tham gia vào Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối... từ đó tạo sự tin cậy cần thiết cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động của CQS.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho xây dựng CQS. Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, các thành phố TTTW cần chú trọng việc tuyển dụng nguồn cán bộ, công chức, viên chức có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin để phục vụ cho các hoạt động xây dựng CQS. Tiến hành có nền nếp việc bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng về tin học cơ bản, kỹ năng vận hành, quản lý dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng tham gia, điều hành họp trực tuyến, chữ ký số,… cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những công chức ở các vị trí công việc mang tính chất chuyên gia cần làm chủ các kiến thức liên quan tới vị trí của mình như: thiết kế, quản trị hệ thống mạng, quản lý cổng thông tin điện tử, bảo đảm an ninh mạng,…

5. Kết luận

Xây dựng CQS là nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở các thành phố TTTW hiện nay. Hoạt động này hướng tới mục tiêu chuyển đổi cách thức phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các cấp; tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân; để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng CQS còn chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Thực tiễn xây dựng CQS ở các thành phố TTTW thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền các thành phố TTTW phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng CQS hiện đại, vững chắc trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số (Tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021). Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Thông tin xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2021. Truy cập tại: https://dti.gov.vn/
  3. Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 25/9/2020.
  1. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (2020). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 15/10/2020.
  2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Quyết định số 922/QĐ-BTTTT, ngày 20/5/2022 ban hành Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.
  3. Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Truy cập tại: https://www.danang.gov.vn.
  4. Trương Quốc Cường (2022). Hải Phòng tăng tốc chuyển đổi số để tương xứng với tầm vóc. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/hai-phong-tang-toc-chuyen-doi-so-de-tuong-xung-voi-tam-voc.htm.

The current digital government development of centrally-managed cities in Vietnam

Ph.D student, Master. Vu Thi Lan

National Academy of Public Administration

Abstract:

The National Digital Transformation Program through 2025 and orientations towards 2030 of Vietnam was issued together with the Decision 794/QD-TTg of the Prime Minister on June 3, 2020. Vietnam’s development goal is to become a digital, stable and prosperous nation, pioneer in adopting new technologies and models, fundamentally and comprehensively renovate management and administration activities of the Government, production and business activities of enterprises, people's way of life and work, and develop a safe and humane digital environment. For centrally-managed cities, along with the development of digital society and digital economy, the development of digital government is considered a pillar to well implement digital transformation activities locally, and contribute to the realization of the national digital transformation goal. This paper is to provide an overview of criteria for developing a digital government, analyze the advantages and disadvantages of centrally-managed cities in the digital government development, and proposes some solutions for the digital government development of centrally-managed cities in the coming time.

Keywords: digital government, centrally-managed cities, state administrative agencies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10  năm 2022]