Xây dựng chính quyền đô thị trong công cuộc cải cách thể chế hành chính

LÂM QUANG SINH (NCS. Khoa Luật - Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

Đô thị là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của một địa phương, vùng, miền, của cả nước, làm động lực cho sự phát triển đối với địa phương, vùng, miền đó hoặc cả nước. Do đó, xây dựng chính quyền đô thị trong công cuộc cải cách thể chế hành chính là một trong những nội dung vô cùng quan trọng. Bài viết bàn về đặc điểm của đô thị và vấn đề xây dựng chính quyền đô thị trong công cuộc cải cách thể chế hành chính.

Từ khóa: chính quyền đô thị, thể chế hành chính, cải cách thể chế, hành chính nhà nước.

1. Đặc điểm của đô thị và yêu cầu quản lý nhà nước đối với thể chế hành chính nhà nước ở đô thị

Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định như sau: Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ rất cao, lực lượng sản xuất tập trung cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn.

Đô thị có những đặc điểm sau đây:

-  Là nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển có tính liên thông, đồng bộ;

- Là nơi tập trung dân cư với mật độ rất cao, tối thiểu phải đạt một mức nhất định tùy vào các quy ước mang tính chủ quan mà Nhà nước đặt ra;

- Là nơi lực lượng sản xuất phát triển và tập trung rất cao;

- Là nơi có nếp sống, văn hóa của thị dân gắn liền với đặc điểm sinh hoạt, giao tiếp rất đặc thù khác với nông thôn;

- Là nơi dễ tập trung, phát sinh các tệ nạn xã hội là thử thách đối với công tác quản lý;

- Có địa giới hành chính và điều kiện sinh sống của người dân khá chật hẹp so với địa bàn nông thôn.

Xuất phát từ những đặc điểm đó, yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị cần đảm bảo:

- Tính thống nhất, đồng bộ và liên thông: vì đô thị có tính tập trung rất cao với các điều kiện sinh sống đa dạng và phức tạp, nên quản lý nhà nước ở đô thị phải phù hợp với tính chất này, cũng như phù hợp đặc thù về cơ sở hạ tầng đô thị. Đô thị càng lớn, phạm vi khối lượng công việc giải quyết càng nhiều, xu hướng ngày càng tăng, nhịp độ, mức độ phức tạp của công việc càng cao, việc tuân thủ quy trình, quy chuẩn, quy hoạch, kế hoạch, pháp luật càng phải triệt để, chính xác, kịp thời. Do đó, việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải bảo đảm việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao. 

- Chính quyền đô thị phải cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cung ứng các loại phúc lợi công cộng gắn với đặc điểm đô thị và đặc điểm của không gian đô thị. Chính quyền đô thị phải quản lý hạ tầng kỹ thuật thống nhất về cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, giáo dục, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể dục thể thao, ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội,...

2. Xây dựng chính quyền đô thị đáp ứng công cuộc cải cách thể chế hành chính

Quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ nhanh, nên việc xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi tất yếu. Vì thế, lộ trình, cách thức triển khai phải được nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện, để hướng tới xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước ở các đô thị đã được tăng cường một bước. Tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị cũng như hoạt động quản lý nhà nước tại đô thị đã có những bước phát triển mới. Trong bối cảnh cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, chính quyền đô thị ở nước ta có những tiến bộ nhất định về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Kết quả tích cực cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của chính quyền đô thị có những điểm khác biệt với chính quyền nông thôn. Chính quyền ở thành phố thuộc tỉnh, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương giống như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị,… Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở cấp quận và phường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị. Với các mức độ khác nhau, các cấp chính quyền đô thị đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm các dịch vụ công cộng cơ bản, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư, như dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, giao thông, thông tin liên lạc), giáo dục, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường,… góp phần phục vụ các nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân.

Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được sắp xếp, điều chỉnh theo các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019) và của chính quyền thành phố, phù hợp hơn với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị. Hội đồng nhân dân các thành phố, thị xã, thị trấn ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện tốt hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đô thị và chức năng giám sát các hoạt động của bộ máy hành chính đô thị. Ủy ban nhân dân các cấp ở đô thị ngày càng có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa nền hành chính. Với các mức độ khác nhau, các cấp chính quyền đô thị đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm các dịch vụ công cộng cơ bản, thiết yếu cho người dân. Trong hoạt động của mình, Ủy ban nhân dân thực hiện ngày càng có hiệu lực, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền đô thị, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư đô thị, giải quyết được một phần những bức xúc trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thứ ba, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân từng bước được đổi mới, hoàn thiện theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền đô thị.

Thứ tư, trình độ, năng lực, trách nhiệm, phong cách, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền đô thị đã có những tiến bộ đáng kể. Kết quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công từng bước được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các tổ chức và người dân.

Như vậy, những tiến bộ, đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị trong những năm gần đây đã góp phần nhất định vào việc nâng cao năng lực của cả bộ máy chính quyền đô thị nói chung cũng như của mỗi cơ quan, đơn vị trong bộ máy đó nói riêng. Tổ chức chính quyền địa phương được quy định tại Điều 111 Hiến pháp năm 2013 như sau:

   “1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  1. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Với quy định này, Hiến pháp đã công nhận sự khác nhau giữa chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiệm kỳ khóa XIV, trong năm 2019 và năm 2020, Quốc hội đã lần lượt ban hành 3 Nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại 3 thành phố lớn, trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó, 2 Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng được ban hành dưới hình thức thí điểm, do tại thời điểm ban hành các Nghị quyết này, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực pháp luật). Thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền quy định chi tiết tại các nghị quyết và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành 3 Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố nêu trên.

Mặc dù đều quy định về chính quyền đô thị, tuy nhiên, tổ chức chính quyền đô thị tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh không phải là một mô hình rập khuôn, đồng nhất, mà có sự khác biệt nhất định xuất phát từ đặc điểm địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương[1]. Việc áp dụng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đối với các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thực hiện ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố, xây dựng mô hình chính quyền đô thị tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, thích ứng hội nhập để đáp ứng công cuộc cải cách thể chế hành chính hiện nay,... Theo đó, tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu, trước mắt sau:

Thứ nhất, về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Việc thực hiện quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đã quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; hoàn thiện thêm một bước cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị cũng làm phát sinh những khác biệt so với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (các luật, nghị định, thông tư,…). Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành) trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương và chính quyền đô thị, để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả.

Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy chính quyền và của mỗi cấp hành chính theo mô hình chính quyền đô thị (như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng,… cũng như các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo hướng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch. 

Rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện nay có quy định về chính quyền đô thị, góp phần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản để phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Bộ, ngành với chính quyền thành phố; giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã. Chủ động ban hành các quy định, cơ chế theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm tiền đề để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thứ hai, về cải cách tổ chức bộ máy chính quyền.

Việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền sẽ làm cho bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính ở cấp huyện và cấp xã sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc sắp xếp lại tinh gọn; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Do vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền đô thị sẽ được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn bảo đảm cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn, an ninh phi truyền thống, như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh,… Tuy nhiên, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị cần có bước đi thận trọng, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa giữ được ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã; cần có một số điều chỉnh nhất định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và Ủy ban hành chính cấp phường sao cho phù hợp với đặc điểm của quản lý chính quyền đô thị, tạo được sự đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính (phường, xã, thị trấn).

Thứ ba, về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc bị giải thể sẽ dẫn đến một số cán bộ, công chức phải chuyển đổi công tác hoặc bị dôi dư. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức này. Do vậy, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp đồng bộ để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức này. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế,…

Thứ tư, đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị.

Trong trường hợp thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường, xã thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung, cũng như chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức Hội đồng nhân dân. 

Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. 

Cần phải hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố và giữa thành phố với Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Tài liệu trích dẫn:

1 UBND TP. Hồ Chí Minh, (2008). Báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền các cấp (Phục vụ cho đề án chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (2015). Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
  3. Thái Thị Tuyết Dung (2014). Tổ chức chính quyền địa phương đô thị, nông thôn theo Hiến pháp năm 2013. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 19(275), tháng 10/2014.
  4. UBND Hồ Chí Minh (2008). Báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền các cấp (Phục vụ cho đề án chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh).

 

DEVELOPING THE URBAN AREA IN THE  ADMINISTRATIVE REFORM PROCESS

LAM QUANG SINH

Ph.D student, Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

An urban area is a political, administrative, economic, cultural, scientific and technological center of a locality, region or country. Urban areas serve as a driving force for the local development. Therefore, developing the urban government is one of the most important tasks in the process of administrative institutional reform in Vietnam. This paper discusses the characteristics of an urban area and the development of urban area in the administrative reform process.

Keywords: urban government, administrative institution, institutional reform, state administration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 4, tháng 3 năm 2022]