Xác lập điều kiện pháp lý để doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp kháctrong hoạt động kinh doanh

BÙI NGỌC TUYỀN (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Như các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là loại hình doanh nghiệp được luật thừa nhận là chủ thể kinh doanh độc lập, nhưng trong thực tiễn kinh doanh đang có nhiều khó khăn, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại doanh nghiệp khác đến từ việc pháp luật chưa thừa nhận doanh nghiệp tư nhân là một pháp nhân. Bài viết trình bày cơ sở thực tiễn và lý luận về việc cần thiết xác lập tư cách pháp nhân đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Từ khóa: doanh nghiệp tư nhân, pháp nhân, bình đẳng trong kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Sự hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh chỉ thật sự phát triển một cách lành mạnh khi có sự bình đẳng trước pháp luật giữa các chủ thể kinh doanh.

Thông qua Luật Doanh nghiệp, Nhà nước hướng tới việc xây dựng môi trường pháp lý tự do kinh doanh và bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Nhưng với cơ sở pháp lý hiện nay thì giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp là công ty vẫn còn những khoảng cách về sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Từ văn bản Luật Doanh nghiệp 1999 cho đến Luật Doanh nghiệp 2020 hiện nay đều khẳng định doanh nhiệp tư nhân là một doanh nghiệp. Vì vậy, giống như các loại hình doanh nghiệp khác như: các công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty TNHH 1 thành viên, công ty cổ phần và công ty hợp danh, DNTN cũng được thừa nhận có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Điều này trao cho doanh nghiệp tư nhân quyền được tham gia vào các hoạt động kinh doanh với tư cách là một chủ thể kinh doanh độc lập. Pháp luật không chỉ thừa nhận sự tồn tại và phát triển của loại hình doanh nghiệp tư nhân, mà còn xem đây là chủ thể độc lập về mặt pháp lý như các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần, công ty TNHH,…

Tuy nhiên, tính chất bình đẳng về mặt pháp lý giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình công ty (cũng được pháp luật xem là doanh nghiệp) chỉ được thể hiện ở quy định chung về các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp (được quy định tại điều 7, 8 Luật Doanh nghiệp 2020), nếu xét các quy định pháp luật cụ thể về DNTN thì có thể nhận diện được nhiều hạn chế về hoạt động kinh doanh của DNTN so với các loại hình công ty.

2. Quy định pháp luật về doanh nghiệp tư nhân và những hạn chế trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân

Luật Doanh nghiệp 2020 xác định doanh nghiệp tư nhân do cá nhân thành lập và làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh  nghiệp 2020). Và giới hạn mỗi cá nhân chỉ được thành lập một DNTN. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân (Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020). Cơ sở pháp lý này tạo thuận lợi cho việc tổ chức quản lý đối với hoạt động kinh doanh của DNTN tương đối đơn giản, giảm thiểu các khó khăn trong quản lý doanh nghiệp hoặc ra quyết định trong kinh doanh vì có những ý kiến khác nhau giữa các thành viên cùng làm chủ như các mô hình công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhưng ngược lại hạn chế đối với chủ doanh nghiệp là chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nên nếu gặp rủi ro trong kinh doanh, thua lỗ, vỡ nợ thì chẳng những tác động đến tài sản riêng của chủ doanh nghiệp, mà còn cả tài sản gia đình của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính chất trách nhiệm tài sản trong hoạt động kinh doanh là thuộc tính cơ bản của các thể kinh doanh (về mặt pháp lý chủ thể kinh doanh chịu trách nhiệm tài sản đối với hoạt động kinh doanh của mình hoặc ở dạng trách nhiệm hữu hạn (trách nhiệm trong phạm vi vốn đã đăng ký của chủ) hoặc trách nhiệm vô hạn (trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ)). Nhưng với các quy định cụ thể của Luật Doanh nghiệp về doanh nghiệp tư nhân, từ Điều 188 đến Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020, đã hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân so với các loại doanh nghiệp khác (công ty), mặc dù pháp luật luôn xác định và bảo đảm các doanh nghiệp bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong những năm vừa qua, chúng ta có thể nhận diện được một số hạn chế gây bất lợi cho DNTN so với các loại doanh nghiệp khác trong hoạt động kinh doanh như sau:

Căn cứ các quy định tại Điều 188, 189 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, có thể nhận biết được DNTN là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Tài sản của DNTN là tài sản của chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp không cần chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vào DNTN. Bản thân DNTN là sản nghiệp của người chủ doanh nghiệp, Điều 191, 192 Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép chủ doanh nghiệp có thể đem bán hay cho thuê DNTN (sản nghiệp của chủ). DNTN không có sản nghiệp riêng của mình, toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đều xem là tài sản của chủ doanh nghiệp. Vì không có tư cách pháp nhân nên DNTN bị hạn chế trong việc thành lập doanh nghiệp khác để kinh doanh hay mở rộng hệ thống kinh doanh của mình hoặc góp vốn, mua cổ phần tham gia vào doanh nghiệp khác. Điều này làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của DNTN.

Căn cứ điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, DNTN không được xem là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự thông qua người đại diện. Điều này ảnh hưởng đến việc vay vốn sản xuất - kinh doanh của DNTN tại các ngân hàng thương mại. Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về DNTN mở tài khoản tại ngân hàng thông qua tài khoản cá nhân chủ doanh nghiệp. Bản thân DNTN không được tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh. Thực tế, trong một khoảng thời gian dài, DNTN còn bị đồng loạt các ngân hàng thương mại từ chối cho vay vốn nhất là sau khi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ra đời. DNTN không đáp ứng được điều kiện cho vay theo quy định tại điều 7 của Thông tư này. Mặc dù pháp luật thừa nhận DNTN là một doanh nghiệp nhưng việc vay vốn để sản xuất - kinh doanh tại các ngân hàng thương mại theo mục tiêu hoạt động kinh doanh đã đăng ký trong giai đoạn này lại không được thừa nhận. DNTN muốn vay vốn phải chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác hoặc chủ DNTN phải lập văn bản xác nhận tài sản của doanh nghiệp tư nhân là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp. Trên thực tế, trong giai đoạn này không phải ngân hàng thương mại nào cũng chấp nhận cho vay bằng cam kết xác lập văn bản này cho đến khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân vay. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích kinh doanh của DNTN. Đây thật sự là những thiệt thòi trong kinh doanh rất lớn mà DNTN phải chịu so với các loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân như công ty.

Sự chồng chéo của pháp luật trong các quy định liên quan đến doanh nghiệp tư nhân. Các quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 xác định DNTN là một doanh nghiệp, nghĩa là một tổ chức có đầy đủ các điều kiện pháp lý để gọi doanh nghiệp. Và có các quyền và nghĩa vụ như các loại doanh nghiệp khác được quy định tại các Điều 7, 8 Luật Doanh nghiệp 2020. Các doanh nghiệp khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ đều thông qua người đại diện theo pháp luật (hay đại diện hợp pháp) của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của DNTN giống như người đại diện theo pháp luật trong các loại hình công ty, chủ doanh nghiệp nhân danh DNTN khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà luật pháp trao cho DNTN. Nhưng trong Khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho DNTN với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho DNTN thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Quy định chủ doanh nghiệp đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn... có thể để phù hợp với quy định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, điều này tạo nên sự nhập nhằng không rõ ràng về tư cách chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. DNTN (là doanh nghiệp, là một chủ thể quan hệ pháp luật) và cá nhân người chủ doanh nghiệp (là chủ thể quan hệ pháp luật) là 2 chủ thể quan hệ pháp luật độc lập. Không thể đồng hóa hoạt động của hai chủ thể quan hệ pháp luật độc lập làm một. Ví dụ: việc vay vốn tại ngân hàng thương mại để phục vụ sản xuất - kinh doanh cho DNTN không thể lấy tư cách cá nhân chủ doanh nghiệp để vay vốn, cũng như chủ doanh nghiệp vay vốn để sửa chữa nhà cửa, giải quyết nhu cầu cá nhân không thể sử dụng tư cách DNTN để vay vốn. Pháp luật cần phải có sự phân biệt rạch ròi các quan hệ pháp luật dân sự được chủ thực hiện với các quan hệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DNTN. Cần xác định rõ ràng các nguồn lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp mới có thể tính đến hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sự nhập nhằng không rõ ràng về tư cách pháp lý của chủ doanh nghiệp với tư cách của DNTN không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh của DNTN mà còn ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước có liên quan đến DNTN. Chẳng hạn, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân ra tòa với tư cách nguyên đơn hay bị đơn hoặc là người có quyền và nghĩa vụ liên quan về việc liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNTN theo luật phải được xem là tư cách cá nhân của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp là cá nhân thuộc các trường hợp được miễn, giảm án phí theo Nghị quyết số 326/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có được áp dụng miễn án phí không? Hay cho rằng vụ việc phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DNTN, một tổ chức hoạt động nhằm mục đích sinh lợi thì không được miễn, giảm án phí? Điều này nếu không được quy định rõ có thể dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các Tòa án khi giải quyết các vụ việc tranh chấp phát sinh liên quan đến DNTN trong thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án.

Sự bất bình đẳng giữa DNTN với các loại doanh nghiệp khác còn được thể hiện dưới góc độ trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực hình sự. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 xác định tội phạm ngoài cá nhân còn có pháp nhân thương mại. DNTN không được xem là pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Vì vậy, nếu bản thân DNTN trong quá trình kinh doanh có hành vi tội phạm thì không bị xử lý hình sự như các loại hình doanh nghiệp khác: công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh, vì không có cơ sở pháp lý để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với DNTN.

3. Đề xuất pháp lý để doanh nghiệp tư nhân bình đẳng trong hoạt động kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác

DNTN cùng với các chủ thể kinh doanh khác đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ, có cơ cấu tổ chức đơn giản đã giúp cho doanh nghiệp tư nhân ra quyết định nhanh chóng, có khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời và ứng phó với sự thay đổi của mội trường kinh doanh một cách linh hoạt. Là loại hình ưa chuộng được các cá nhân chọn lựa thành lập để kinh doanh, tuy nhiên hầu hết DNTN chỉ được thành lập hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, cho nên sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của loại hình kinh doanh này còn khiêm tốn, giới hạn. Vì những hạn chế như đã phân tích ở mục 2, để khuyến khích DNTN mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh, tham gia đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước. Pháp luật cần tạo điều kiện để bảo đảm vị thế bình đẳng, tự do trong hoạt động kinh doanh giữa DNTN với các loại hình doanh nghiệp khác.

Từ những phân tích trên có thể nhận thấy rằng nếu pháp luật công nhận DNTN là tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân thì quyền tự do kinh doanh của DNTN được thừa nhận như các loại doanh nghiệp khác. DNTN sẽ có quyền thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn, mua cổ phần tham gia vào doanh nghiệp khác; bảo đảm được quyền tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng của DNTN. Tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của DNTN cũng được thể hiện rõ ràng trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, nghĩa là DNTN có quyền nhân danh chính mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách chủ động. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật được ghi nhận trong các văn bản luật khác nhau liên quan đến DNTN. Và, DNTN cũng phải chịu trách nhiệm hình sự như các loại doanh nghiệp khác khi vi phạm pháp luật hình sự.

Về mặt pháp lý, từ Luật Doanh nghiệp 2005, pháp luật đã thừa nhận loại hình công ty hợp danh loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, mặc dù đây là công ty mà trong đó các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Để đáp ứng các điều kiện được xem là pháp nhân theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp tách bạch tài sản của công ty hợp danh với thành viên công ty bằng quy định buộc thành viên công ty chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn vào công ty hợp danh. Tính độc lập về tài sản của công ty hợp danh vẫn bảo đảm cho công ty chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ nần của công ty, tài sản riêng của thành viên hợp danh chỉ bị áp dụng chịu trách nhiệm tài sản khi tài sản của công ty hợp danh không đủ để chịu trách nhiệm.

Cũng tương đồng về tính chất trách nhiệm tài sản trong kinh doanh với công ty hợp danh. DNTN là doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DNTN. Như vậy, để pháp luật thừa nhận doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân thì cũng có thể áp dụng như cách đã thừa nhận cho công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Tách bạch tài sản của DNTN với tài sản của chủ doanh nghiệp bằng quy định pháp luật buộc chủ doanh nghiệp thành lập DNTN phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn vào DNTN.

Trên những cơ sở thực tiễn và lý luận về mặt pháp lý đã phân tích, pháp luật hoàn toàn thừa nhận DNTN là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, để tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này phát triển hơn nữa, tham gia đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  2. Quốc hội (2020). Luật số 59/2020/QH14: Luật Doanh nghiệp, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  3. Quốc hội (2015). Luật số 100/2015/QH13: Bộ luật Hình sự, ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
  4. Quốc hội (2017). Luật số 12/2017/QH14: Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  5. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 32/2016/ TT-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định sửa đổi, bổ sung môt số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
  6. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

ESTABLISHING A LEGAL STATUS FOR PRIVATE

ENTERPRISES TO ENSURE THE EQUALITY IN DOING BUSINESS

 FOR PRIVATE ENTERPRISES

• BUI NGOC TUYEN

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Like other types of enterprises which are regulated under the provisions of the Law on Enterprises 2020, the private enterprise is an official recognized enterprise type as an independent business entity. However, the fact shows that comparing to other types of enterprises, private enterprises are facing many difficulties and barriers which negatively affect their performance. This inequality in doing business for private enterprises stems from the fact that laws have not yet recognized the private enterprise as a legal entity. This paper presents the practical and theoretical basis for the necessity of establishing a legal status for private enterprises.

Keywords: private enterprise, legal entity, equality in doing business.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]