WTO: Xung đột Nga - Ukraine làm giảm mạnh tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu

Ngày 11/4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu. Đồng thời, các nền kinh tế lớn có thể “phân tách” thành các khối riêng biệt dựa trên các yếu tố địa chính trị
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bà Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng trên toàn cầu khi nguồn cung nhiều loại nguyên liệu thô, hàng hoá bị đứt gãy (Ảnh: Atlantic Council)

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay giảm 0,7% - 1,3% xuống còn 3,1% - 3,75%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm xuống còn khoảng 2,4% - 3%, giảm gần 50% so với mức dự báo tăng 4,7% đưa ra hồi tháng 10/2021.

Theo WTO, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã đẩy giá các loại lương thực, đặc biệt là giá ngũ cốc, và giá năng lượng tăng mạnh; đồng thời, làm giảm nguồn cung hàng hoá từ Nga và Ukraine. Mặc dù tổng hoạt động thương mại của Nga và Ukraine chỉ chiếm 2,5% tổng thương mại quốc tế nhưng hai quốc gia này lại chiếm vị trí rất quan trọng trong một số lĩnh vực.

Nga và Ukraine cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% sản phẩm hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu vào năm 2019. Riêng Nga đã chiếm 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.

Nga cũng là một trong những quốc gia cung ứng palladium và rhodium lớn nhất thế giới; đây là những nguyên tố quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô. Trong khi đó, sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung khí neon từ Ukraine. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau giai đoạn thiếu hụt chất bán dẫn.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine còn gây gián đoạn nguồn cung nhiều loại nguyên liệu như hoá chất phân bón, ngũ cốc, thép… của các quốc gia quanh khu vực Biển Đen.   

WTO cảnh báo Liên minh châu Âu – đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Ukraine có thể sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô, hàng hoá từ hai quốc gia này. Điển hình, giá lương thực, thực phẩm đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Châu Phi và Trung Đông được WTO nhận định là hai khu vực dễ tổn thương nhất do hai khu vực này phụ thuộc hơn 50% vào nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine và Nga. Thống kê cho thấy có đến 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc từ cả hai nước. Giá lúa mì tại một số quốc gia châu Phi đã tăng từ 50% - 85% kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát.

Do đó WTO cảnh báo việc đứt gãy nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực mới trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm đã ở mức cao trong lịch sử dưới tác động của đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác.

Trong dài hạn, WTO cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine thậm chí có thể châm ngòi cho việc phân tách nền kinh tế toan cầu thành các khối riêng biệt. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm đến nền kinh tế Nga gây xáo trộn dòng chảy nhiều loại hàng hoá quan trọng có thể khiến các nền kinh tế lớn tiến tới "chia tách" dựa trên các cân nhắc địa chính trị, với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại.

Ví dụ, các quốc gia phương Tây sẽ tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào Nga; trong khi đó, Nga sẽ tích cực bán năng lượng cho Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn tại châu Á.

Các tổ chức tư nhân cũng có thể quyết định giảm thiểu rủi ro bằng cách định hướng lại chuỗi cung ứng. WTO cảnh báo rằng thiệt hại đối với thu nhập từ sự phát triển theo chiều hướng như vậy "sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển". Ở cấp độ toàn cầu, xu hướng này có thể làm giảm khoảng 5% GDP trong dài hạn thông qua việc hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới, dẫn tới việc GDP có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn.

Duy Quang