WEF: Thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm nay

Khảo sát mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đối với các nhà kinh tế cấp cao thuộc cả khu vực công và khu vực tư cho thấy phần lớn các chuyên gia đều lo ngại một cuộc suy thoái kinh tế có thể diễn ra trên quy mô toàn cầu trong năm nay.
Suy thoái kinh tế toàn cầu
Khoảng 18% số chuyên gia kinh tế cấp cao tham gia khảo sát của WEF nhận định suy thoái kinh tế thế giới "rất có thể xảy ra" (Ảnh: WEF)

Khoảng 18% số người tham gia khảo sát nhận định suy thoái kinh tế thế giới “rất có thể xảy ra”. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với một cuộc khảo sát tương tự được WEF thực hiện hồi tháng 9/2022. Chỉ có 1/3 số người được hỏi cho rằng suy thoái kinh tế khó có thể xảy ra trong năm nay. Cuộc khảo sát của WEF bao gồm 22 câu trả lời đến từ các nhà kinh tế cấp cao đang làm việc tại các cơ quan quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia và các công ty tái bảo hiểm.

Phát biểu về kết quả khảo sát, Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết “Môi trường lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ cao và phân hóa cao hiện nay làm giảm động lực cho các khoản đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho những người dễ bị tổn thương nhất.”

Kết quả khảo sát của WEF được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần trước đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống còn 1,7%. Nếu không tính tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2009) và năm đại dịch COVID-19 lập đỉnh (năm 2020), 2023 có thể sẽ là năm tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 1993.

Đồng thời, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của hàng loạt quốc gia xuống mức gần với suy thoái kinh tế trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn có thể tiếp tục tăng lãi suất, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khó có thể sớm kết thúc, và các động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu rõ rệt.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về sự suy thoái kinh tế nhưng nhìn chung đều bao gồm quy mô nền kinh tế bị thu hẹp, có thể kèm theo tình trạng lạm phát cao tạo ra tình trạng đình lạm. Phần lớn các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của WEF nhận định châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ và lo ngại các nền kinh tế lớn có thể bị mắc kẹt giữa rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức cần thiệt hoặc chưa đủ.

Cuộc khảo sát của WEF còn cho thấy 90% số người được hỏi cho rằng sự suy giảm nhu cầu đi kèm việc chi phí đi vay tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp chịu áp lực lớn hơn, và 60% chuyên gia cho rằng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp sẽ tăng lên. Những yếu tố này sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia phải cắt giảm chi phí từ chi phí vận hành đến chi phí nhân công.

Trước đó, trong ngày 16/1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo tăng trưởng việc làm toàn cầu trong năm 2023 có thể chỉ ở mức 1%, bằng một nửa mức tăng trưởng năm 2022 (2%) và thấp hơn mức dự báo 1,5% do ILO đưa ra trước đó. Theo ILO, tỉ lệ thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2023 là 5,8% và những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra sẽ không thể được bù đắp trước năm 2025.

Bên cạnh đó, báo cáo của ILO cũng cho biết lạm phát leo thang đã khiến tiền lương thực tế suy giảm nhanh chóng. Kinh tế đi xuống cũng khiến nhiều lao động sẽ buộc phải chấp nhận các công việc chất lượng thấp, thu nhập kém trong năm 2023.

Tuy nhiên, điểm sáng là giới phân tích nhận định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ không còn tác động quá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm nay. Đồng thời, 68% số nhà kinh tế tham gia khảo sát của WEF cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay có thể sắp đạt đỉnh và áp lực gia tăng các loại hàng hoá, sản phẩm tiêu dùng sẽ bớt nghiêm trọng hơn vào cuối năm 2023.

Duy Quang