Vùng mỏ Quảng Ninh được hình thành thế nào?

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, trong khoảng chưa đầy 4 chục năm, Vùng mỏ Quảng Ninh đã hình thành và trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương.
Mỏ than Kế Bào
Mỏ than Kế Bào

Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010, và Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020 (2 tập) vừa được Bộ Công Thương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc; trong đó, chứa đựng nhiều thông tin mới mẻ với bạn đọc. Theo sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010, khi thực dân Pháp bình định được xứ Bắc Kỳ, buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Quý Mùi vào tháng 8/1883, hoạt động khai khoáng thực sự bắt đầu với quy mô lớn. Công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là hoạt động khai thác than, là nguồn thu ngân sách quan trọng đối với chính quyền thuộc địa tại Việt Nam.

Năm 1888, Công ty Than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnages du Tonkin) được thành lập, với quyền khai thác một khu vực rộng lớn trải dài từ Mông Dương, Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh và Mạo Khê (Quảng Ninh).

Đây là công ty khai mỏ đầu tiên tại Đông Dương và được xem là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động khai thác mỏ chủ yếu dựa vào sức người, phương tiện thủ công.

Dưới sự khuyến khích của chính quyền thuộc địa, hàng loạt công ty khai thác than mới được thành lập trong những năm sau đó, chủ yếu tập trung tại xứ Bắc Kỳ như Công ty Than Đông Triều (1916), Công ty Than Kế Bào (1912), Công ty Pannier & CIE (1917), Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng (1924), Công ty Than Ninh Bình (1926)…

Như vậy, trong khoảng thời gian tương đối ngắn, chưa đầy 4 chục năm, từ 1888 với dấu mốc ra đời của công ty khai mỏ đầu tiên tại Đông Dương (Công ty Than Bắc Kỳ), đến sự khai sinh của Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng (1924), Vùng mỏ Quảng Ninh đã hình thành trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương.

Vùng mỏ Quảng Ninh
Bến tàu Hòn Gai vào năm 1903

Chính quyền thuộc địa cũng đưa ra các quy định chặt chẽ về thể lệ thăm dò, xin khai thác, xin nhượng mỏ… nhằm tạo thế độc quyền cho các nhà khai thác người Pháp. Tuy nhiên, một số người Việt như thương nhân Nguyễn Văn Nhân hoặc nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi cũng đã thâm nhập được hoạt động khai thác than thông qua việc mua lại mỏ từ người Pháp.

Sản lượng khai thác than hàng năm gia tăng nhanh chóng từ khoảng 3.000 tấn trong năm 1890 lên hơn 500.000 tấn trong năm 1913 và đạt mức cao nhất 2.615.000 tấn vào năm 1939.

Trong đó, Công ty Than Bắc Kỳ và Công ty Than Đông Triều đóng góp đến 90% tổng sản lượng than khai thác trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) bùng nổ. Số lượng công nhân khai thác than cũng tăng mạnh lên đến hơn 55.000 người vào năm 1939. Vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương.

Phần lớn lượng than khai thác được dùng để xuất khẩu. Lượng than xuất khẩu của Việt Nam trong năm 1900 chỉ ở mức 194.288 tấn đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.782.007 tấn vào năm 19395, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới thời kỳ này. Doanh thu xuất khẩu than chiếm trên dưới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khai khoáng của Việt Nam trong giai đoạn 1908 - 1940.

Các thị trường xuất khẩu than chính gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Lượng than được chở về Pháp chiếm tỷ trọng nhỏ, từ 1% - 17% trong tổng sản lượng than khai thác được, tùy theo từng năm. Đến năm 1940, tỷ lệ than xuất khẩu vẫn chiếm tới trên 60% tổng sản lượng than khai thác được tại Việt Nam. Các hoạt động trong nước như sản xuất điện, vận tải đường sắt, đường thủy,… chỉ tiêu thụ khoảng 30% tổng sản lượng than khai thác hàng năm.

Hoài Sơn