Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được tỉnh bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ công các công trình, dự án trọng điểm

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm. Dự án triển khai trên tổng diện tích gần 84 ha thuộc địa bàn thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Cuối tháng 12/2021, giai đoạn I gồm các hạng mục: Trung tâm phân phối; khu ngoại quan và ICD; khu kho hàng logistics; đường giao thông; khu vực kết nối với đường sắt quy hoạch; hệ thống cây xanh đã chính thức được khởi công trên diện tích 15 ha. Chỉ sau hơn 9 tháng triển khai thi công, nhà thầu đã cơ bản hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, kho vận hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế cùng hệ thống bãi đỗ xe, đường giao thông được xây dựng khoa học, kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông của tỉnh.

dự án trọng điểm
Trung tâm Logicstics ICD Vĩnh Phúc là một trong những dự án trọng điểm của Tỉnh Vĩnh Phúc

Giám đốc dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc chia sẻ, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, từ ban lãnh đạo đến công nhân đều xác định đây là dự án đặc biệt quan trọng, không chỉ đặt nền móng cho các hoạt động logistics của tỉnh mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các công ty của Singapore với tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, trong quá trình thi công, mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, có thời điểm phải dừng thi công gần 1 tháng nhưng ngay khi hoạt động trở lại, nhà thầu đã chủ động huy động thêm nhân lực, chia 3 ca ngày đêm làm việc liên tục, quyết tâm hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng vượt kế hoạch.

Đến thời điểm này, các hạng mục quan trọng như: Bãi tập kết hàng hóa container, kho hàng logistics, hạ tầng phụ trợ đã cơ bản hoàn thành 100% khối lượng. Dự kiến giai đoạn I sẽ được khánh thành vào trung tuần tháng 11/2022 ngay sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục hành chính. Khi đi vào hoạt động, trong giai đoạn I, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ đạt công suất khoảng 400 tấn/ngày, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa container trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới có tổng nguồn vốn 220 triệu USD, trong đó, vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh làm chủ đầu tư.

Đây là dự án đầu tư công có tổng diện tích đất thu hồi, giải phóng mặt bằng trên 527 ha với 15 gói thầu xây lắp trải dài trên địa bàn các huyện, thành phố: Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Vĩnh Yên và Phúc Yên. Trong thời gian triển khai thực hiện, nhiều gói thầu gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng song xác định dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống cho hơn nửa triệu người dân sinh sống xung quanh khu vực dự án nên từ chính quyền địa phương đến nhà thầu, người lao động đều tập trung khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đến nay, có 1 gói thầu đã hoàn thành, đang làm thủ tục bàn giao; 3 gói thầu sắp hoàn thành; 11 gói thầu ký hợp đồng trong năm 2022 đã và đang bước vào giai đoạn thi công.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh, mới đây, trong cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư, nhà thầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước đã yêu cầu các đơn vị chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu; có mặt bằng đến đâu tập trung huy động nhân lực, máy móc, tăng ca kíp triển khai thi công các hạng mục đến đó.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại tiến độ thực hiện các hạng mục của dự án; các nhà thầu tăng cường trách nhiệm, thực hiện đúng hợp đồng đáp ứng yêu cầu chủ đầu tư. UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện; UBND các huyện, thành phố thực hiện bảo vệ thi công đối với trường hợp cố tình không chấp hành quy định của Nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Không chỉ các dự án trọng điểm, công trình kể trên, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được tỉnh bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022. Để các dự án, công trình triển khai thi công đạt kế hoạch, ngay những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, đã thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cấp tỉnh, cấp huyện; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các dự án trọng điểm; quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành giải ngân vốn đối với từng dự án; giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư. Đồng thời, rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để dự án sớm triển khai thi công; yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư định kỳ báo cáo tiến độ triển khai dự án…

Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được hơn 4.286 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 61,8% so với vốn kế hoạch Trung ương giao. Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án trọng điểm về kinh tế, an sinh xã hội đã được khánh thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm và còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục… Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công một số công trình, dự án trọng điểm.

Quyết tâm đến hết ngày 31/12/2022 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/1/2023 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Trước mắt, phải tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đất triển khai các dự án, công trình.

Đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết và các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán bảo đảm phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định, bao gồm cả phần vốn được phép chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân. Đối với các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.