Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự buổi làm việc, về phía Việt Nam, có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than, Văn phòng Bộ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tháp tùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào có đại diện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Cục Quản lý Mỏ và Văn phòng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp, làm việc với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa chúc mừng ông Phoxay Sayasone đã được bổ nhiệm Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào tại kỳ họp thường kỳ tháng 1/2023 của Ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự tin tưởng ở cương vị mới, đồng chí Bộ trưởng Phoxay Sayasone sẽ có những đóng góp tích cực vào sự phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nói riêng.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phoxay Sayasone đã điểm lại những kết quả đạt được đáng chú ý trong hợp tác năng lượng - mỏ, khoáng sản giữa hai nước và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Về hợp tác mua bán điện giữa hai nước, hai Bên đang thực hiện tốt Biên bản ghi nhớ ngày 05 tháng 10/2016 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào. Tiến độ ký kết các hợp đồng mua bán điện cơ bản đảm bảo theo kế hoạch cam kết giữa hai Bên về công suất mua bán điện đến năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tiếp tục triển khai việc mua điện từ Lào về Việt Nam, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Chủ đầu tư các dự án điện phía Lào triển khai đầu tư 5 đường dây liên kết bao gồm: Liên kết 220kV Cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) - Nông Cống (Thanh Hóa, Việt Nam), Liên kết 220kV Cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (Nghệ An, Việt Nam), Liên kết 220kV Nhà máy thủy điện Nậm Emoun (Lào) - Trạm cắt 220kV Đăk Ooc (Quảng Nam, Việt Nam), Liên kết 220kV Cụm nhà máy thủy điện Nậm Kong (Lào) - Trạm cắt 220kV Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam), Liên kết 500kV Monsoon (Lào) - Thạch Mỹ (Quảng Nam, Việt Nam).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào giới thiệu cho phía Việt Nam những dự án điện vận hành ổn định, ưu tiên nhập khẩu từ các dự án thủy điện. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Bộ Năng lượng và Mỏ Lào chỉ đạo các Chủ đầu tư dự án điện của Lào nghiên cứu kỹ lưỡng và chia sẻ các thông tin kỹ thuật và kinh tế cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để EVN có đánh giá chi tiết trước khi báo cáo Bộ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án của Lào.

Về hợp tác trong lĩnh vực khai thác, quản lý mỏ, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cho biết hiện nay phía Lào đã tiến hành khảo sát thực địa một số dự án than đá tại tỉnh Sekong và Saravane. Kết quả khảo sát cho thấy trữ lượng than đá của hai tỉnh này lên tới 500 triệu tấn, thậm chí có thể đạt trữ lượng lớn hơn nữa nếu mở rộng khảo sát. Để khai thác nguồn trữ lượng dồi dào này, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào đề nghị phía Bộ Công Thương Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp Lào xuất khẩu than đá sang Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone

Trước đề nghị của Bộ trưởng Phoxay Sayasone, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam tới năm 2030. Hiện nay có 4 tập đoàn/doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu than đá rất lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Đông Bắc.

Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh than Việt Nam mong muốn nhập khẩu than từ Lào. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu than của Lào và nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng kết nối thông tin giữa các Tập đoàn/doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn/doanh nghiệp xuất khẩu than của Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa hai nước.

Cũng tại buổi làm việc trên, trao đổi về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản giữa Việt Nam và Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai Bên tăng cường hơn nữa hợp tác chế biến và khai thác khoáng sản giữa hai nước.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới việc đầu tư vào các dự án khai thác, chế biến quặng thiếc tại Lào, từ đó xuất khẩu đi Việt Nam hoặc xuất khẩu sang các nước khác. Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Lào chia sẻ các thông tin về trữ lượng thiếc tại Lào cũng như giới thiệu các doanh nghiệp Lào hoạt động trong lĩnh vực để kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với dự án khảo sát, thăm dò sắt tại tỉnh Xiangkhouang, Lào của TKV, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Lào quan tâm để hỗ trợ Tập đoàn giải quyết một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc chồng lấn cấp phép khai thác dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp, làm việc với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào

Trước những đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Phoxay Sayasone khẳng định sẽ giao các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các Vụ/Cục chuyên ngành của phía Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc cũng như khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mua bán điện, quản lý mỏ và khai thác khoáng sản.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa bày tỏ sự vui mừng được gặp và làm việc với Bộ trưởng Phoxay Sayasone nhân chuyến thăm của Bộ trưởng tới Việt Nam. Hai Bộ trưởng khẳng định sẽ phối hợp hết sức chặt chẽ, sát sao để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực năng lượng, mỏ, khoáng sản; đóng góp và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.