Bánh trung thu "3 không" ồ ạt vào thị trường nội địa

Trên thị trường hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của người dân tăng cao trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt khi mùa Trung thu đang đến gần, bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã nhập lậu một lượng lớn bánh trung thu do nước ngoài sản xuất vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường, trong những ngày qua lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã đồng loạt triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng phục vụ mùa Trung thu như các loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, hoặc đồ chơi Trung thu...

Thành phố Hà Nội có lẽ là địa bàn “nóng” về nguồn gốc, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng bánh kẹo phục vụ dịp lễ Trung thu, bởi gần đây, lực lượng QLTT thành phố liên tiếp phát hiện, thu giữ chục hàng ngàn chiếc bánh trung thu "3 không", không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

bánh trung thu

bánh trung thu
Những ngày gần đây, lực lượng QLTT cả nước liên tiếp kiểm tra, phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ

Mới đây nhất, sáng 24/8, Đội QLTT số 13, Cục QLTT Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an TP kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ sở hữu số hàng trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Cũng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ngày 15/8, Đội QLTT số 24 bất ngờ kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức. Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Giá niêm yết tại cửa hàng là 2.500 đồng/chiếc. Trị giá hàng hóa là 27 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Dũng - chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu, đồng thời khai nhận, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân.

Không chỉ ở Hà Nội, tại các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Tiền Giang... lực lượng QLTT cũng phát hiện thu giữ nhiều hàng hóa là bánh trung thu các loại không có nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử, tại Bắc Giang, ngày 18/8, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an tỉnh khám xe ô tô tải biển kiểm soát 98C-092.62. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển 5.720 chiếc bánh trung thu vị hoa quả nhãn hiệu JZYUKANG do Trung Quốc sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1993, địa chỉ tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh trung thu, là hàng hóa nhập lậu. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số bánh trung thu để tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc.

Tương tự, tại Tiền Giang, trong hai ngày 23 và 24/8/2022, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề Tết Trung thu tại 02 cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Kết quả, các cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ tự công bố sản phẩm và đảm bảo các điều kiện sản xuất bánh trung thu như nguồn nước, trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất bánh, tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất...

Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện các cơ sở này có hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu. Cụ thể, người trực tiếp sản xuất không có ủng, giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, ngày 15/8, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu công nghiệp Châu Sơn, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên. Đội QLTT số 3 đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cá nhân về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền xử phạt 8 triệu đồng, đồng thời buộc các chủ cơ sở tự tiêu hủy 2.711 chiếc bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm đồ chơi bạo lực

Bên cạnh các mặt hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ , lực lượng chức năng còn kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa là đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, được nhập trôi nổi về bán kiếm lời.

Đơn cử như tại Lạng Sơn, ngày 24/8/2022, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh chủ trì và phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh) kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng, địa chỉ kinh doanh tại số 61 Đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại. Tại thời điểm kiểm tra, bên cạnh sản phẩm bánh trung thu các loại, lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 1.000 khẩu súng nhựa đồ chơi trẻ em không đảm bảo an toàn sử dụng. Toàn bộ số hàng hoá nêu trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp; tổng trị giá hàng hóa theo niêm yết tại cửa hàng là gần 20 triệu đồng.

Bánh trung thu
Chủ hộ kinh doanh tiêu huỷ hàng hoá vi phạm trước sự giám sát của lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn
bánh trung thu
Sản phẩm đồ chơi có in hình lưỡi bò vừa được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Hay như tại Bắc Ninh, trong qua trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện một cửa hàng bày bán 101 khẩu súng nhựa và 17 cái kiếm nhựa là đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 23/8/2022, Đội số 15, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Hoàng Mai kiểm tra hộ kinh doanh tại HH3 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh trên đang bày bán, kinh doanh hàng hóa là đồ chơi trẻ em các loại. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện: 07 chiếc ống nhòm đồ chơi trẻ em, nhãn chữ tượng hình “made in china”, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên sản phẩm có gắn hình ảnh bản đồ và "hình lưỡi bò". Toàn bộ số hàng hóa trên chưa qua sử dụng, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Chú trọng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Trung thu

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, trong dịp cao điểm Tết Trung thu, lực lượng QLTT cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Song song đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... Đồng thời, lực lượng QLTT cả nước cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.

Đáng chú ý, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa đã chủ động các phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Song song với đó, tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường…