VEAM lãi ròng 4.673 tỷ đồng nửa đầu năm 2022

Nửa đầu năm 2022, VEAM ghi nhận khoản lãi ròng đạt 4.673 tỷ đồng, về đích trước thời hạn 6 tháng với tỷ lệ vượt đạt 4%.

Ngày 21/7, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Nửa đầu năm, nhờ sự góp sức của hoạt động liên kết nội bộ và nhiều giải pháp tích cực khác, VEAM ghi nhận khoản lãi ròng đạt 4.673 tỷ đồng, về đích trước thời hạn 6 tháng với tỷ lệ vượt đạt 4%.

Đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư có hiệu quả bền vững

Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) nêu rõ, nửa đầu năm 2022, hoạt động của VEAM chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với nhiều biến chủng mới. Bên cạnh đó, xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây khiến kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng mới, lạm phát toàn cầu tăng cao…

Đối với VEAM, công ty mẹ cũng như các công ty có vốn góp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do người lao động phải nghỉ việc để điều trị do Covid-19 khiến tình trạng thiếu lao động tạm thời đã xảy ra. Giá cả vật tư và xăng dầu tăng cao khiến chi phí đầu vào của nhiều đơn vị tăng mạnh.

Tuy nhiên, với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khiến nhiều đơn vị thành viên của VEAM như VF, DISOCO, FUTU 1, FOMECO đã nhận được thêm một số đơn hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nửa đầu năm doanh thu tài chính VEAM đạt 4.777 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.673 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, công ty mẹ VEAM đã đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có hiệu quả bền vững, từng bước cải thiện các chỉ tiêu tồn kho, phải thu, nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn; Thận trọng xem xét đánh giá tính khả thi của các dự án đầu tư mới và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị của VEAM và các đơn vị có vốn góp của VEAM.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các mặt quản trị đối với công ty đại chúng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt chú trọng về quản trị nhân sự theo định hướng quản lý công việc có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy chế quản trị nội bộ. Nâng cao vai trò định hướng, quản trị, quản lý của công ty mẹ đối với các công ty còn nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty mẹ và các công ty con có hiệu quả bền vững.

Công ty cũng tổ chức kết nối các đơn vị thành viên của VEAM trong việc hợp tác sản xuất giữa các đơn vị trên cơ sở đánh giá năng lực thiết bị, lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của VEAM.

Tận dụng uy tín năng lực của VEAM trong đàm phán giao dịch với các đối tác lớn nhất là các đối tác nước ngoài trong việc tìm kiếm các hợp đồng sản xuất, cung ứng phụ tùng, cụm linh kiện cho công nghiệp hỗ trợ của các đơn vị. Tập trung triển khai giải quyết các vấn đề tồn tại, sai sót và vướng mắc của VEAM trong thời gian trước đây như hàng tồn kho tạ Chi nhánh Nhà máy ô tô VEAM, kinh doanh xe ô tô Changan, máy kéo ISEKI, công nợ, đầu tư.

Tiếp đà tăng trưởng trong quý I, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và ước đạt trên 50% kế hoạch năm.

Kết quả, nửa đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của VEAM đạt 284,2 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 322,4 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 4.777 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 4.673 tỷ đồng.

Nhìn chung, tiếp đà tăng trưởng trong quý I, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và ước đạt trên 50% kế hoạch năm. Tuy nhiên, doanh thu thương mại thực hiện đang khá thấp do công ty mẹ chưa triển khai được nhiều hoạt động kinh doanh vật tư với các khách hàng trong và ngoài VEAM. Ngoài ra, việc tiêu thụ xe Changan và máy kéo ISEKI cũng thực hiện ít so với kế hoach. Lợi nhuận sau thuế tạm thời vượt 4% so với kế hoạch.

Các mục tiêu kế hoạch năm 2022 của công ty mẹ vẫn là tập trung vào việc tìm cách tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho, công nợ…;tìm kiếm đối tác, đưa ra các giải pháp phù hợp với các chi nhánh và kinh doanh thương mại của văn phòng công ty mẹ.

Đối với nhóm các công ty con, các công ty con chỉ có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu tăng trưởng lần lượt khoảng 13% và 11% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt khoảng 54% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế gần tương đương 6 tháng năm 2021 và ước đạt 55% kế hoạch năm 2022.

Nhóm 4 công ty DISCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp trên 80% doanh thu. Chưa kể, việc giá các mặt hàng năng lượng tăng cao kéo theo hầu hết chi phí đầu vào tăng khiến cho nhiều đơn vị mặc dù có doanh thu tăng cao nhưng chưa thể đẩy được lợi nhuận tăng tương ứng.

Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về việc phân công hợp tác nội khối

Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về việc phân công hợp tác nội khối. Theo đó, kết quả hợp tác nội khối của VEAM trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Nhiều đơn vị đang có hoạt động hợp tác, trao đổi, giao dịch lớn với các đơn vị khác trong VEAM như VF, DISOCO, SVEAM, TAMAC, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Viện Công nghệ, FUTU1, FOMECO và Cơ khí chính xác số 1. Trong đó, DISOCO, FUTU1, FOMECO là các đơn vị có giao dịch 2 chiều với nhau.

Hội đồng quản trị của VEAM đã có nghị quyết thông qua chủ trương về Đề án hợp tác sản xuất nội bộ VEAM. Tổng giám đốc VEAM đã có quyết định thành lập tiểu ban hợp tác sản xuất nội bộ và lấy ý kiến về các kế hoạch, chính sách hợp tác nội bộ trong tháng 6/2022.

Thúc đẩy liên kết nội khối, hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2022

Để đạt mục tiêu này, công ty mẹ sẽ tiếp tục tìm giải pháp về quản lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại VM, xe Changan và máy kéo ISEKI. Bên cạnh đó, đảm bảo việc mua bán, cung cấp vật tư cho các nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ được hiệu quả nhất. Tìm kiếm các nhà sản xuất mới, khách hàng mới để thúc đẩy việc kinh doanh thương mại.

Nửa cuối năm 2022, VEAM đặt ra nhiều mục tiêu cho hoạt động sản xuất kinh doanh như doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 319,4 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 563 tỷ đồng.

Ban Kinh doanh và phát triển thị trường VEAM tiếp tục tiếp tục xây dựng phương án bán hàng tồn kho. VF tiếp tục triển khai đồng bộ các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục khó khăn liên quan đến máy móc, con người. VM cần đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác hợp tác lắp thuê và phát triển mảng cơ khí phụ trợ trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Khắc Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM đánh giá, qua nửa đầu năm, chúng ta thấy rằng VEAM đã đạt được một số kết quả rất tích cực khi đạt được tăng trưởng so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế 4.673 tỷ đồng. Các chi nhánh, các công ty con đều có lãi, góp phần đưa tổng công ty đạt mục tiêu đề ra. Một số đơn vị dù còn lỗ song số lỗ đã giảm dần so với các năm trước. Đây là điểm sáng rất đáng ghi nhận của Tổng công ty.

Ông Nguyễn Khắc Hải cũng chỉ đạo, nửa cuối năm, các đơn vị thành viên cần có sự quan tâm đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây đang là hạn chế của nhiều công ty trong hành trình nâng cao sức cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tiểu Ban hợp tác sản xuất tại VEAM cũng cần có những hoạt động cụ thể và bám sát thực tiễn để đảm bảo các chương trình hợp tác đi vào thực chất tránh lại trở thành gánh nặng cho các đơn vị khác. 6 tháng cuối năm, đề nghị Ban điều hành, các nhà quản lý, đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM tiếp tục với tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo, điều hành các đơn vị để thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã được đề ra”, ông Nguyễn Khắc Hải nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương biểu dương những kết quả đạt được của Tổng Công ty VEAM trong 6 tháng đầu năm

Thay mặt Bộ Công Thương, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương nêu rõ, qua các báo cáo và các nội dung được trao đổi, có thể nhận thấy là còn rất nhiều khó khăn trong nội tại và của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các đơn vị của Tổng công ty đã khắc phục khó khăn để đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Đây là thành quả bước đầu đáng được biểu dương.

“Thời gian tới, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tinh thần đoàn kết và hợp tác của các công đoàn viên tổng công ty là rất quan trọng. Để phát huy được tinh thần hợp tác của các công đoàn viên thành viên, Tổng công ty cần tiếp tục quan tâm đến đội ngũ cán bộ người lao động. Cần đặt ra mục tiêu thời gian tới là tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để từ đó tăng tiền lương, thu nhập của người lao động” - ông Trần Quang Huy nhấn mạnh.

Ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM cam kết tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo từ đại diện Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị VEAM, thay mặt cho Ban điều hành, ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM đã cam kết tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra và từng bước cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động của VEAM trong thời gian tới.

[Quảng cáo]

 

Hưng Nguyên