TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu tìm hiểu vai trò của hệ thống quản lý học tập (LMS) trong việc cải thiện kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (OU) ở các lớp học ngành Kế toán - Kiểm toán. Từ đó đưa ra một số hàm ý cho sinh viên, nhà giáo dục và bộ phận xây dựng hệ thống LMS và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại.

Từ khóa: hệ thống quản lý học tập, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, sự hài lòng của người dùng.

1. Đặt vấn đề

Học tập trực tuyến cung cấp cho người học cách học linh hoạt, cho phép học theo nhu cầu và giảm thiểu chi phí học tập. Sự ra đời của các công nghệ mới đã giúp cho việc thiết kế và triển khai các hệ thống học tập điện tử được mở rộng và phù hợp hơn. Trong đó, LMS là công cụ được sử dụng rất phổ biến cho các lớp học trực tuyến. Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) là phương pháp học tập dựa trên trang web tích hợp nhiều công nghệ và quy trình để quản lý việc học. Sự phổ biến và mở rộng quyền vào các thiết bị để truy cập mạng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính đã giúp cho việc học LMS mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới (Alraimi và cộng sự, 2015; Chauhan, 2014).

Tại Việt Nam, nhiều trường đại học cũng đã đưa vào ứng dụng LMS cho mục đích đào tạo của mình. Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (OU) cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hệ thống LMS-OU được xây dựng từ tháng 10/2015 và đi vào áp dụng từ năm 2016. Sau 3 năm triển khai áp dụng, LMS đã luôn được cải thiện và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, OU cũng mở nhiều lớp tập huấn để giảng viên, cán bộ nhân viên có thể thao tác trên LMS quen thuộc như những thao tác cơ bản trong word, excel... Như vậy, việc kết hợp LMS trong chương trình đào tạo là một trong những mục tiêu hoạt động của OU. Để thực hiện mục tiêu trên, tại Khoa Kế toán - OU, nhiều giảng viên đã kết hợp giảng dạy truyền thống với giảng dạy LMS trong môn học mình đảm nhận. Đến nay, Khoa Kế toán đã nhận được những phản hồi từ phía sinh viên, tuy nhiên sự phản hồi này chưa được rõ ràng.

Do đó, mục đích nghiên cứu này là đạt được sự hiểu biết tốt hơn về sự hài lòng, mức độ sử dụng và thành công của việc học tập điện tử thông qua LMS của sinh viên OU các lớp ngành Kế toán - Kiểm toán.

2. Mô hình nghiên cứu

Từ các nghiên cứu trước đây và mục tiêu của bài nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

hệ thống quản lý học tập

Các giả thuyết nghiên cứu:

H1: Chất lượng hợp tác ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của người dùng (SHL) đối với LMS.

H2: Chất lượng dịch vụ ảnh hưởng tích cực đến SHL đối với LMS.

H3: Chất lượng thông tin ảnh hưởng tích cực đến SHL dùng đối với LMS.

H4: Chất lượng hệ thống ảnh hưởng tích cực đến SHL đối với LMS.

H5: Lo lắng của người học về máy tính ảnh hưởng tiêu cực đến SHL đối với LMS.

H6: Thái độ của giảng viên đối với hệ thống LMS ảnh hưởng tích cực đến SHL đối với LMS.

H7: Sự đa dạng trong đánh giá ảnh hưởng tích cực đến SHL đối với LMS.

H8: Sự tương tác của người học ảnh hưởng tích cực đến SHL đối với LMS.

H9: SHL ảnh hưởng tích cực đến mức độ người học sử dụng LMS.

H10: Mức độ người học sử dụng hệ thống LMS ảnh hưởng tích cực đến tác động hệ thống LMS lên người học.

H11: SHL ảnh hưởng tích cực đến tác động hệ thống LMS lên người học.

3. hương pháp nghiên cứu

3.1. Thiết kế nghiên cứu - mẫu

Để kiểm định 11 giả thuyết được đưa ra trong mô hình nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp định lượng với đơn vị phân tích ở cấp độ cá nhân là người dùng hệ thống LMS. Một mẫu gồm 310 sinh viên đang học ở Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh được thu thập. Sau khi lọc bỏ một số mẫu chưa hoàn thành bảng khảo sát hoặc thời gian trả lời các câu hỏi quá ngắn, phản hồi của 286 sinh viên được sử dụng để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

Đa phần các sinh viên này thuộc hệ chính quy (chiếm 65.31%), hệ vừa học vừa làm (24.2%). Khoảng hơn 1/3 sinh viên được khảo sát đang học năm thứ 3, 1/3 khác học năm thứ 7.

Vì khảo sát được thực hiện ở ngành Kế toán với đặc trưng giới tính nữ luôn cao hơn nam, mẫu khảo sát này thể hiện rõ ràng đặc điểm này với 85.02% là nữ, chỉ có 14.98% là nam.

Đáng chú ý là, OU là trường kinh tế trọng điểm phía Nam, nên bao gồm không chỉ các bạn sinh viên TP. Hồ Chí Minh, mà cả những bạn sinh viên từ các tỉnh thành khác đến học tập và nghiên cứu. Đối tượng thu thập dữ liệu là các sinh viên ngành Kế toán, bao gồm tất cả các hệ đào tạo, đang học tập tại OU.

3.2. Thang đo

Thang đo được lựa chọn dựa trên các nghiên cứu trước có cùng bối cảnh. Cụ thể, nghiên cứu này chọn thang đo chất lượng hợp tác, chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống của Urbach và cộng sự (2010), sự lo lắng của người học về máy tính, thái độ của giáo viên đối với LMS, tính đa dạng trong đánh giá của, và sự tương tác của người học của Sun và cộng sự (2008), sự hài lòng của người học đối với LMS, mức độ người học sử dụng hệ thống và ảnh hưởng của LMS lên người học của Urbach và cộng sự (2010).

Để đảm bảo giá trị nội dung các đo lường trong bối cảnh nghiên cứu tại Viêt Nam, trước khi tiến hành thu thập dữ liệu, tác giả sử dụng một ban chuyên gia gồm 3 chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, đó là những người đã trực tiếp trải nghiệm việc sử dụng và kinh nghiệm quản lý hệ thống LMS, để đánh giá sơ bộ thang đo. Kết quả cho thấy sự đồng thuận cao của ban chuyên gia về các bộ thang đo được chọn để đo lường các khái niệm trong mô hình nghiên cứu. Tiếp đó, bảng câu hỏi được thử nghiệm với 3 bạn sinh viên, với một vài điều chỉnh nhỏ trong bảng câu hỏi để giúp các câu hỏi được thiết kế rõ ràng, súc tích và dễ hiểu. Harman's Test được thực hiện và kết quả chỉ ra rằng vấn đề bias (độ chệch) không phải là vấn đề nghiêm trọng trong mẫu này.

3.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích PLS-SEM thay vì phương pháp truyền thống covariance-based SEM, bởi vì PLS-SEM có xu hướng đạt được mức công suất thống kê cao hơn trong các điều kiện tương tự (Reinartz, Haenlein, & Henseler, 2009). Tác giả sử dụng phần mềm Smart PLS 3.2.8 để đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc của mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ kiểm tra tính đáng tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của chúng (Hair Jr, Sarstedt, Hopkins, & G. Kuppelwieser, 2014).

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Kết quả phân tích tính đáng tin cậy và giá trị hội tụ

hệ thống quản lý học tập

Kiểm định độ tin cậy và giá trị hội tụ: Bảng 1 chỉ ra các khái niệm trong mô hình đều thỏa mãn tính đáng tin cậy và giá trị hội tụ, mặc dù giá trị outer loading của biến đo lường Use5 hơi thấp. Việc loại bỏ biến quan sát này không giúp các giá trị CR và AVE của khái niệm đo lường Use tăng nhiều, trái lại, gây tác động xấu đến giá trị nội dung của khái niệm Use. Vì lý do này, Use5 được giữ lại (Hair Jr et al., 2014).

Bảng 2. Giá trị khác biệt (Fornell-Larcker)

hệ thống quản lý học tập

Kiểm định giá trị phân biệt: Bảng 2 cho thấy căn bậc hai của AVE của tất cả các khái niệm đo lường đều nằm trong khoảng 0.777 đến 1, cao hơn nhiều so với các mối tương quan tương tứng giữa các biến này, do đó, cho thấy giá trị phân biệt của các khái niệm (Hair Jr et al., 2014).

Kiểm định mô hình cấu trúc:

Mô hình nghiên cứu không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyết vì các biến độc lập đều có giá trị VIF < 2 so với biến phụ thuộc tương ứng (Hair Jr et al., 2014).

Bảng 3. Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu

hệ thống quản lý học tập

Kết quả mô hình cấu trúc tại Bảng 3 cung cấp khả năng giải thích đầy đủ, từ 50.5% đến 75.6%. Chỉ có mối quan hệ giữa chất lượng hệ thống và SHL, giữa sự tương tác giữa người học và SHL, giữa SHL và việc sử dụng, giữa việc sử dụng và thành quả học tập, giữa sự hài lòng và thành quả học tập có hệ số đường dẫn khá cao ở mức ý nghĩa (p < 0.05 và p < 0.001). Điều này thể hiện rằng chất lượng hệ thống cũng như sự tương tác giữa người học thật sự tác động tích cực đến SHL đối với hệ thống LMS.

5. Kết luận

Nghiên cứu điều tra tác động một số yếu tố (chất lượng hợp tác, chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống, sự lo lắng về máy tính của người học, thái độ của giảng viên, tính đa dạng trong đánh giá, sự tương tác của người học) đến SHL đối với LMS, mức độ người học sử dụng hệ thống và ảnh hưởng của LMS lên người học. Đối tượng khảo sát trong nghiên cứu là sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy người học/người sử dụng hệ thống LMS nhận ra chất lượng hệ thống và sự tương tác giữa người học khi sử dụng hệ thống LMS càng rõ ràng, sinh viên càng hài lòng về việc sử dụng hệ thống LMS trong việc học của họ. Do đó, người học sẽ có xu hướng sử dụng hệ thống LMS nhiều hơn, chuyên sâu hơn cho việc học, kéo theo kết quả học tập cũng được cải thiện đáng kể.

Nghiên cứu có một số hàm ý cho sinh viên, nhà giáo dục và bộ phận xây dựng hệ thống LMS (phòng công nghệ thông tin). Đối với sinh viên, nhận thức được ảnh hưởng của LMS lên kết quả học tập sẽ giúp sinh viên gia tăng mức độ sử dụng hệ thống, tương tác nhiều hơn với hệ thống thông qua các nguồn tài liệu, giảng viên và các bạn trong lớp. Sự tương tác càng nhiều, nhận thức sẽ càng nâng cao và kết quả học tập sẽ càng được cải thiện. Đối với nhà giáo dục, khi thiết kế trang học LMS, cần tăng cường tính tương tác của người học, thông qua việc thiết kế trang học hấp dẫn, dễ tiếp cận, nguồn tài liệu hữu ích và các biện pháp kiểm soát sự tham gia của người học... Theo kết quả kiểm định cho thấy chất lượng hệ thống (dễ thao tác, dễ dàng tìm kiếm thông tin, dễ sử dụng, hệ thống được thiết kế - xây dựng tốt) có ảnh hưởng quan trọng đến SHL. Hiểu được mối quan hệ này sẽ giúp cho bộ phận xây dựng hệ thống LMS, đặc biệt là Phòng Công nghệ thông tin sẽ đưa ra nhiều biện pháp cải thiện chất lượng hệ thống để đem lại SHL tốt nhất cho người dùng.

Nghiên cứu còn một số hạn chế về mẫu khảo sát. Thứ nhất, đối tượng tham gia khảo sát trong nghiên cứu tập trung chủ yếu vào sinh viên đại học chính quy năm thứ ba, các môn học ngành chưa nhiều, đa phần các môn sinh viên chưa thi hoặc đã thi và chưa có kết quả. Thứ hai, đối tượng mẫu thuộc các hệ học không tập trung như liên thông, văn bằng 2 và vừa học - vừa làm không nhiều. Như vậy, kết quả đưa ra không giải thích được cho nhóm sinh viên này. Thứ ba, nghiên cứu này chỉ thực hiện trong phạm vi nhỏ là sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán mà không mở rộng sang toàn bộ sinh viên OU. Mặc dù mẫu được thu thập trong giai đoạn sinh viên chưa thi và chưa có kết quả, tuy nhiên thang đo khảo sát về tác động hệ thống LMS lên người học không dựa trên kết quả thi. Như vậy, mặc dù với những hạn chế về mẫu nêu trên, tuy nhiên nghiên cứu vẫn đạt được sự hiểu biết tốt hơn về việc ảnh hưởng các nhân tố lên sự hài lòng của người dùng LMS, để từ đó các bên liên quan sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong thời đại kỹ thuật số. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra cơ sở lý thuyết để có thể mở rộng sang sinh viên ngành khác, hoặc sinh viên OU nói chung, tùy theo mục tiêu của các nghiên cứu tương lai.

* Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2022-2023” của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alraimi, K. M., Zo, H., & Ciganek, A. P. (2015). Understanding the MOOCs continuance: The role of openness and reputation. Computers & Education, 80, 28-38.
  2. Chauhan, A. (2014). Massive open online courses (MOOCS): Emerging trends in assessment and accreditation. Digital Education Review, 25, 7-17.
  3. Hair Jr, J. F., Sarstedt, M., Hopkins, L., & G. Kuppelwieser, V. (2014). Partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM). European Business Review, 26(2), 106-121.
  4. Reinartz, W., Haenlein, M., & Henseler, J. (2009). An empirical comparison of the efficacy of covariance-based and variance-based SEM. International Journal of research in Marketing, 26(4), 332-344.
  5. Sun, P. C., Tsai, R. J., Finger, G., Chen, Y. Y., & Yeh, D. (2008). What drives a successful e- learning? An empirical investigation of the critical factors influencing learner satisfaction. Computers and Education, 50(4), 1183-1202.
  6. Urbach, N., & Ahlemann, F. (2010). Structural equation modeling in information systems research using partial least squares. Journal of Information Technology Theory and Application, 11(2), 5-40.

THE ROLE OF THE LEARNING MANAGEMENT SYSTEM

IN LEARNING OUTCOME IMPROVEMENT

OF HO CHI MINH CITY OPEN UNIVERSITY’S

ACCOUNTING AND AUDITING STUDENTS

Senior Lecturer, Ph.D VU QUOC THONG1

• BUI MAI TUYET NGAN2

• VU THI LIEN2

• HUYNH THI NHU QUYNH2

1Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University

2School of Advanced Study, Department of Auditing,

Ho Chi Minh City Open University   

ABSTRACT:

This study is to explore the role of the Learning Management System (LMS) in the learning outcome improvement of Ho Chi Minh City Open University’s accounting and auditing students. The study also points out some limitations of the university’s LMS. Based on the study’s findings, the study proposes some implications to students, lecturers and developers of the university’s LMS.

Keywords: Learning Management System (LMS), Ho Chi Minh City Open University, learner satisfaction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]