Tư lệnh các Ngành hiến kế gì để phát triển thị trường xuất khẩu?

Để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng cần có chiến lược bài bản hơn, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin và huy động sự tham gia xúc tiến của nhiều Ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Phát huy vai trò thông tin của hệ thống Thương vụ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trong các thành tích nổi bật của kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương - xuất khẩu, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến động mạnh, các Thương vụ cần chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật, đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Đi cùng nhau sẽ tạo không gian xúc tiến lớn hơn 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Thời gian qua giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, bởi chúng tôi luôn tư duy rằng phải lấy thị trường để kích hoạt sản xuất, chứ không phải sản xuất rồi mới tìm kiếm thông tin thị trường. 

Để khai thác tối đa thị trường, chúng ta cần xúc tiến thành lập liên minh các nhà xuất khẩu theo từng khối thị trường khác nhau, thì mới bàn được chiến lược xuất khẩu lâu dài, chứ không phải trong ngắn hạn. Các đồng chí tham tán thương mại, ngoài vấn đề tiềm năng của thị trường, cần đánh giá rủi ro, cung cấp thông tin về tín hiệu, đặc tính của thị trường, quan trọng hơn nữa là phải xem đối tượng cạnh tranh của chúng ta vào thị trường đó như thế nào. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Cần có chiến lược xuất khẩu để điều hành bài bản

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Trước hết, cần phải có chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó cần xây dựng chiến lược (trung và dài hạn) ngay từ bây giờ với những địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung để có sự điều hành tốt nhất, thống nhất nhận thức chung cho doanh nghiệp cùng phối hợp, tạo ra sự bài bản, tạo ra chuỗi liên kết trong xuất khẩu.

Thứ hai, cần phải tiếp tục khẳng định vai trò của lãnh đạo cấp cao trong chỉ đạo, trao đổi với các đối tác thị trường, trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cho các cơ quan đại diện, hệ thống thương vụ tại nước ngoài. Lúc này, vai trò của các cơ quan đại diện, các đồng chí tham tán thương mại tại nước ngoài là vô cùng quan trọng, không chỉ thông tin về biến động thị trường, mà cả về nhu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,… để kiến nghị tham mưu về nhà xuất khẩu đúng hướng.

Thứ ba, cần tiếp tục khai thác tối đa các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Nâng cao nhận thức về hoạt động thanh toán và chính sách tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá gắn chặt với hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại. 

Nông nghiệp của chúng ta rất có tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông nghiệp mới chiếm khoảng 10%, nếu chúng ta phát triển được hoạt động chế biến nông sản sau đó kết nối và xúc tiến thương mại thì rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sẽ được thúc đẩy xuất khẩu, góp phần cân đối xuất khẩu của nhóm trong nước, giúp chủ động trong vấn đề điều hành tỷ giá và lãi suất hơn. 

Hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng đang tập trung vào một số thị trường lớn, rất rủi ro khi các thị trường này có biến động. Nếu chúng ta đa dạng hóa được thị trường thì  hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đa dạng và vững chắc hơn, như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, góp phần tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. 

Ngoài ra, đối với một số thị trường mới như Trung Đông và châu Phi, việc thanh toán còn gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị các thương vụ ở khu vực này nên thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối trực tuyến, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn về hoạt động thanh toán cho doanh nghiệp, tránh gặp rủi ro.

Trong bối cảnh khó khăn và thách thức đan xen, Bộ Công Thương đưa ra 5 nhóm giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm:

Thứ nhất, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030; thúc đẩy xuất khẩu chuyển từ hình thức tiểu ngạch sang hình thức chính ngạch.

Thứ hai, đẩy mạnh tận dụng các FTA. Theo dõi, bám sát việc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các Kế hoạch thực thi FTA đã được Chính phủ ban hành. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về cơ hội và cách thức tận dụng các cơ hội từ cắt giảm thuế quan trong các FTA.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan. Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thứ tư, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ năm, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin đến doanh nghiệp về các Hiệp định FTA, các thị trường xuất khẩu. Phối hợp với các Bộ ngành trong công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản.

Khánh Thy