[Truyền thống Công Thương] Chuyện chưa kể phía sau Phòng Truyền thống

Bỗng một ngày, chúng tôi không còn “ôm” nhau thức đêm làm Phòng Truyền thống...

Năm 2021, Tạp chí Công Thương nhận nhiệm vụ chủ trì thực hiện xây dựng Phòng Truyền thống ngành Công Thương từ lãnh đạo Bộ. Khi ấy, tôi ngơ ngác hỏi Tổng Biên tập: "Thế là mình phải làm những gì ạ? Mình bắt đầu từ đâu"?

Với đứa phóng viên ít tuổi đời và tuổi nghề nhất Tạp chí như tôi, thật khó để hình dung hết lượng công việc: lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng nội dung, thi công hiện trường, sưu tập hiện vật,... Tất cả hướng đến mục tiêu hoàn thành trong thời gian chưa tới 12 tháng.

Giờ ngồi tổng kết lại, nếu ai hỏi tôi đã làm gì trong danh sách dài ấy, tôi cũng không thể nhớ hết.

Tôi chỉ nhớ, Phòng Truyền thống với tôi, là những ngày ngồi lì hàng mấy tiếng đồng hồ ở phòng ảnh tư liệu bên Thông tấn xã Việt Nam, lật giở những quyển sách ảnh từ năm 1945 để lần theo sợi dây lịch sử Ngành. Từng trang giấy màu “xi măng” xưa đã nát, nhiều trang bị rách, ảnh đánh theo mã số và chú thích đều được viết tay. Để có được một bức ảnh đúng yêu cầu, chúng tôi có lúc phải tìm đọc từng dòng của hàng chục quyển sách ảnh khác nhau. Ấy là lúc tôi ý thức rõ rằng Ngành Công Thương rộng đến thế nào, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhiều sự kiện thế nào, và đặc biệt là Ngành gắn bó mật thiết ra sao với những thăng trầm của đất nước.

Phòng truyền thống ngành Công Thương

Phòng Truyền thông với tôi, là những ngày “ôm” nhau ở cơ quan đến 11-12 giờ đêm để cùng xây dựng nội dung cho 5 giai đoạn của ngành. Chọn sự kiện nào cho tiêu biểu, ảnh nào cho đẹp và đầy đủ ý nghĩa, câu chữ ra sao cho chuẩn, thông tin nào phản ánh đúng từng giai đoạn… rồi lại chia nhau đi kiểm chứng lại hết tất cả. Việc đi làm thứ bảy, chủ nhật, hay cả ngày lễ, trở nên cực… bình thường. Việc “đập đi làm lại” cũng không còn lạ lẫm. Trong laptop tôi giờ vẫn lưu khoảng 20 phiên bản khác nhau của phóng sự giới thiệu về Phòng Truyền thống, và chắc phải hàng trăm phiên bản khác nhau của nội dung trưng bày trên các vách.

Phòng truyền thống với tôi, là những ngày thi công ròng rã với áp lực tiến độ. Các nội dung trưng bày cứ đính lên lại gỡ xuống, sửa đổi không dưới chục lần để có được bản cuối hoàn thiện nhất, mà quan trọng hơn cả là đúng nhất khi phản ánh lịch sử hàng mấy chục năm phát triển của Ngành. Sẵn sàng xắn tay áo, ngồi nền đất bóc từng đoạn băng dính, dán từng chữ cái cùng đội thi công để kịp tiến độ hoàn thiện. Đóng gói, vận chuyển các hiện vật từ trụ sở Tạp chí ở Phạm Văn Đồng lên Ngô Quyền, rồi lại cẩn thận sắp từng hiện vật vào vị trí. 

Những ngày thi công không ngừng nghỉ
Những ngày thi công không ngừng nghỉ

Ngày mai (17/6), Phòng Truyền thống sẽ chính thức được khánh thành. Nhìn lại, tôi đã nghĩ hành trình đến với cái kết này thật dài. Nhưng bỗng một ngày, chúng tôi không còn “ôm nhau” làm Phòng Truyền thống, hình như có hơi hụt hẫng, bởi bên cạnh công việc thường nhật, Phòng Truyền thống đã trở thành một phần quan trọng trong suốt gần một năm qua của chúng tôi. Và câu chuyện của tôi lại chỉ là một mảnh ghép nhỏ của những nỗ lực phía sau thành quả cuối cùng, còn nhiều nữa những câu chuyện rong ruổi khắp các chặng đường tìm kiếm hiện vật, liên hệ hàng tháng trời với các chứng nhân lịch sử để ghi lại dòng ký ức về Ngành năm xưa,… 

Nếu hỏi là làm vậy có lúc nào nản không? Có chứ. Có những lúc mệt mỏi, lúc chán nản, lúc bất lực đến rụng rời. Cạn ý tưởng, cạn sức lực khi vì nhiều lý do mà tưởng như công việc đã kết thúc lại trở về điểm xuất phát. Đến cơ quan gặp nhau chỉ biết cười trừ, bảo dạo này chúng ta “ôm” nhau hình như còn nhiều hơn gia đình, ở “đồn mang cá” còn nhiều hơn ở nhà. Thế mà cùng nhau, chúng tôi đã vượt qua.

Song, hai chữ “chúng tôi” ấy, không chỉ là các thành viên Tạp chí Công Thương.

Phòng truyền thống hoàn thiện là kết quả được ấp ủ và góp sức thực hiện của biết bao con người, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm; những cán bộ, người lao động trong Ngành suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm và rất nhiều các đơn vị trong và ngoài ngành, các chuyên gia, bạn đồng nghiệp.

Những trang sử sẽ còn được viết tiếp, những chứng nhân sẽ còn được vinh danh, những hiện vật sẽ còn được đưa về quy tụ. Dòng chảy ngành Công Thương sẽ tiếp tục mạnh mẽ, trở thành động lực và cảm hứng cho thế hệ sau này. Và Phòng Truyền thống, đúng như mong muốn của đội ngũ thực hiện, sẽ là nơi những người con ngành Công Thương được tìm về, được sống lại trong dòng chảy lịch sử, và tự hào được thấy mình là một phần trong kho tàng đồ sộ ấy.

Phòng truyền thống ngành Công Thương sẽ chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng từ 17/6/2022
Phòng truyền thống ngành Công Thương sẽ chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng từ 17/6/2022

Nhìn lại quá trình thi công Phòng Truyền thống:

 anh 1

anh 2

anh 3

anh 4

anh 5

anh 6

anh 7

[Quảng cáo]

 

Thy Thảo