[Tọa đàm trực tuyến] Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA

Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 22/9/2022.

ngành logistics

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Trong đó, dịch vụ logistics có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với các hiệp định thương mại khác.

Thông qua việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU, EVFTA giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.

Ngoài ra, những cam kết mở của Hiệp định là động lực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư EU tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu.

Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại. Sự chênh lệch về năng lực khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics của EU, vốn rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong đó hiện nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group,  Kuehne + Nagel, DB Schenker của Đức, tập đoàn Maersk của Đan Mạch....... 

Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển dẫn đến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước.

Bên cạnh đó, hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế của EU; các mặt hàng xuất nhập khẩu cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là những nhóm hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường....

Sau hai năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã có tác động như thế nào đến ngành logistics? Làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn những cơ hội cũng như thích ứng với những thách thức từ việc thực thi EVFTA?

Nhằm cung cấp góc nhìn đa dạng và phân tích chuyên sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời:

- Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương.

- Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

- Ông Lê Hoành Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng.

- Ông Mai Trần Thuật - Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group.

Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề: (i) Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU và sự đóng góp của các doanh nghiệp logistics trong kết quả xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA; (ii) Cơ hội và thách thức cũng như những chuyển biến của ngành logistics Việt Nam trong điều kiện thực hiện Hiệp định EVFTA; (ii) Những đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, đồng thời nâng cao năng lực cạnh của ngành logistics Việt Nam ngay trên “sân nhà”.

Thông qua những trao đổi và đề xuất của các khách mời tham dự Tọa đàm sẽ gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp logistics Việt Nam có những định hướng, giải pháp phù hợp để ứng phó với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội từ thực thi Hiệp định EVFTA, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics nói chung.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương

http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương

https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655.

Tạp chí Công Thương