Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Ngày 9/2/2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các lãnh đạo, thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; cùng các chuyên gia, doanh nghiệp...

Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Luật có phạm vi tác động, ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn doanh, cung đối với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan tổ chức có liên quan.

Bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó quan trọng nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học và Ban soạn thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan sẽ có thông tin đầy đủ hơn, nhiều chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; vai trò của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp...

Ông Trần Mạnh Hùng - Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam
Ông Trần Mạnh Hùng - Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam

Ông Trần Mạnh Hùng - Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam nêu quan điểm, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và sự hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần xem xét loại bỏ các quy định trong dự án Luật về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng (nếu có), chỉ nên quy định dưới dạng dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bởi điều này là phù hợp với chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một khung khổ pháp lý chung, thống nhất trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu của cá nhân.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI

Đề cập quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56 quy định: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thương lượng. Việc này có nghĩa là người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ. Việc thương lượng diễn ra rất nhiều trên thực tế; kết quả thương lượng do các bên thiện chí thực hiện mà không có giá trị pháp lý bắt buộc; vai trò tham gia của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. Vì vậy, không cần thiết yêu cầu cùng một lúc cả 2 tổ chức này tham gia hỗ trợ trong mọi trường hợp.

Theo ông Trương Thanh Đức, cần xem xét chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định. Các khoản 5 và 6, Điều 56 quy định về thời hạn báo cáo kết quả cho cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội dựa vào “thời điểm kết thúc thương lượng”. Tuy nhiên, không xác định được khi nào là thời điểm kết thúc thương lượng. Do vậy, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng đồng thời cần ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.

Bà Tạ Dịu Thương - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam
Bà Tạ Dịu Thương - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp, bà Tạ Dịu Thương - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, quy định của hợp đồng bán hàng đa cấp, cũng như định nghĩa về bán hàng đa cấp tại Khoản 7 Điều 3 dự án Luật, người tham gia bán hàng đa cấp được doanh nghiệp trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của những người khác trong mạng lưới. Người tham gia bán hàng đa cấp không phải là nhân viên của doanh nghiệp cũng như không đại diện cho doanh nghiệp trong giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng.

Với cách tiếp cận xuyên suốt như vậy, việc quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp” tại điểm đ Khoản 1 Điều 45 dự án Luật là chưa phù hợp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không nên và không thể chịu trách nhiệm cho hành vi của một chủ thể khác trong mối quan hệ của chủ thể đó với người tiêu dùng.

Mối quan hệ bán hàng của cá nhân bán hàng đa cấp cho người tiêu dùng có liên quan tới hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do đó, doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được người tham gia bán hàng đa cấp bán cho người tiêu dùng. Trách nhiệm sản phẩm được quy định tại các pháp luật liên quan như Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cũng đã được quy định tại Khoản 2 Điều 33 Dự thảo Luật.

Ông Vũ Tú Thành - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
Ông Vũ Tú Thành - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Đề cập về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi các nền tảng số, dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng đa dạng, ông Vũ Tú Thành - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, một số phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc bắt buộc phải cài đặt cùng với nền tảng là để đảm bảo nền tảng hoạt động bình thường, đúng như được thiết kế. Nếu gỡ bỏ hoặc không cài đặt các phần mềm, ứng dụng đó, nền tảng sẽ không hoạt động bình thường, không cung cấp được đầy đủ các tính năng như được thiết kế (như đã cam kết với người tiêu dùng).

Các nền tảng số thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng của mình thông qua cập nhật, bổ sung các phần mềm, ứng dụng. Người dùng có thể chọn không dùng các tính năng này nhưng không thể gỡ hoặc không cài đặt các ứng dụng này khi cập nhật các bản nâng cấp nền tảng. Các nền tảng số, nhất là nền tảng khởi nghiệp cần nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này có thể yêu cầu cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng của họ trên nền tảng và ứng dụng này không thể gỡ bỏ bởi người dùng. Nếu điều kiện này không được đáp ứng thì họ sẽ không đầu tư.

Mô hình chia sẻ doanh thu giữa nền tảng và các ứng dụng rất phổ biến (ví dụ ứng dụng tìm kiếm của Google được cài đặt sẵn trên nhiều nền tảng, thiết bị). Cốc Cốc cũng có thể hợp tác với B-Phone để cài sẵn Cốc Cốc trên điện thoại này. Nếu bị cấm, cơ hội phát triển của Cốc Cốc sẽ bị ảnh hưởng. Với lý lẽ nêu trên, ông Vũ Tú Thành đề nghị bỏ quy định này khi đóng góp vào Điều 10.3 về Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số bị cấm.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến việc bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh công nghệ số, công nghệ thông tin phát triển; bảo vệ thông tin dữ liệu của người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật.

Những ý kiến, đề xuất của dự án Luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các doanh nghiệp đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Để dự án Luật trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới đạt hiệu quả, chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác; tránh sự chồng chéo để đảm bảo luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đánh giá tác động qua quá trình thực hiện luật Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp, các bên liên quan đến người tiêu dùng. Mặt khác, cũng cần đề cập rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trọng tài trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn có thể tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đầy đủ của các vùng, miền đối với các nội dung trong dự án Luật. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các cuộc họp, hội thảo đã và sẽ tiếp tục triển khai, các cơ quan tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Khánh Hương