Tích hợp kế toán môi trường trong vai trò công cụ quản lý môi trường ở các công ty xây dựng tại Việt Nam

TRẦN THỊ THANH HUYỀN (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) - HOÀNG BẮC AN (Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việc tích hợp kế toán môi trường (KTMT) vào Hệ thống quản lý môi trường (EMS) sẽ được coi là sự tuân thủ tự điều chỉnh đối với yêu cầu pháp lý và quy định, nhằm giảm các chi phí liên quan đến vấn đề môi trường, tạo được sản phẩm xanh phù hợp với xu hướng phát triển trong xây dựng hiện nay. Nghiên cứu nhấn mạnh vào việc sử dụng KTMT để cải tiến liên tục các chính sách và quy trình của công ty thông qua việc tích hợp các quy định, tiêu chuẩn trong xây dựng, phát triển khoa học vào EMS cùng với các lĩnh vực chức năng khác trên góc độ của các công ty xây dựng tại Việt Nam.

Từ khóa: hệ thống quản lý môi trường, kế toán môi trường, công ty xây dựng.

1. Đặt vấn đề

Hệ thống quản lý môi trường (EMS) được ra đời với các tiêu chuẩn ISO 14001 đã trở thành một trong những công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp (DN) quản lý, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và minh chứng cho các yêu cầu về pháp lý có liên quan. Các công ty xây dựng (CTXD) khi thực hiện các dự án luôn đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải hoàn thành dự án trong tiến độ và ngân sách chủ sở hữu yêu cầu vừa phải thực hiện giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường (Hendrickson và Horvath 2000), như: phá dỡ, san lấp mặt bằng tạo ra lượng lớn tiếng ồn và bụi ô nhiễm; việc xây dựng các công trình ảnh hưởng đến đất và mạch nước ngầm cũng như không khí xung quanh nơi dự án công trình xây dựng triển khai; việc hoàn thiện dự án cũng gây không ít các bụi khí làm ô nhiễm môi trường xung quanh;… Khi các vấn đề gây ô nhiễm môi trường xảy ra, CTXD sẽ phải đối mặt với các chi phí giải quyết hậu quả tốn kém và mất thời gian nếu không thực hiện giám sát các hoạt động này ngay khi bắt đầu thực hiện các dự án.

Chính vì vậy, bài viết nghiên cứu “Tích hợp kế toán môi trường trong vai trò công cụ quản lý môi trường ở các công ty xây dựng tại Việt Nam” như một giải pháp quản lý trong EMS và tiêu chuẩn ISO 14001 nhằm mục đích tóm tắt các yếu tố cần thiết của EMS, các lợi ích và chi phí tiềm năng cũng như tầm quan trọng của các CTXD trong việc triển khai các hệ thống đó được tích hợp thông qua việc vận dụng chúng trong các chính sách về kế toán môi trường của các CTXD.

2. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên các nghiên cứu của Patrick de Beer, Francois Friend (2005) về chi phí môi trường và Lucila M.S. Campos (2012) về Hệ thống EMS cũng như đặc thù của ngành Xây dựng đối với các dự án xây dựng, tác giả hướng tới việc tích hợp KTMT như một công cụ của hệ thống EMS thông qua các chính sách môi trường theo dõi, đo lường, giám sát và cải tiến các thông số môi trường trong dự án xây dựng. Việc tích hợp này sẽ được dùng để giám sát và đo lường tác động môi trường tạo ra trong tất cả các quá trình liên quan của dự án. Từ đó, hệ thống dữ liệu môi trường sẽ cung cấp cho DN cơ hội xem xét các hoạt động cải tiến của mình thông qua việc phân bổ nguồn lực phù hợp cho các sáng kiến về môi trường nhằm giảm áp lực về chi phí cũng như các vấn đề luật pháp có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.

Mô hình nghiên cứu kế toán môi trường trong ngành Xây dựng được sử dụng để xác định và thiết lập hệ thống giám sát và đo lường cho hệ thống KTMT trong vai trò chính sách của Hệ thống EMS. Do đặc thù ngành Xây dựng tác động chủ yếu đến môi trường thông qua các tác động về phát thải không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất và tiếng ồn. Như vậy, các chi phí phát sinh chủ yếu trong các dự án xây dựng liên quan đến môi trường phần lớn sẽ tác động trên 4 thông số trên. Quá trình này được phản ánh xuyên suốt từ giai đoạn lập dự án, triển khai thi công và hoàn thiện dự án. Theo đó, Hệ thống EMS được xây dựng dựa trên chu trình PDCA thực hiện theo một vòng tròn Lập kế hoạch - Triển khai - Kiểm tra - Đánh giá và hệ thống chính sách kế toán môi trường sẽ tham gia trong 3 giai đoạn Lập kế hoạch - Triển khai - Kiểm tra. Tiếp theo đó Kiểm toán nội bộ sẽ đóng vai trò là người kiểm tra, đánh giá các rủi ro trong quá trình triển khai, thực hiện từ đó đưa ra các cải tiến về mặt chính sách cho giai đoạn đầu vào quy trình và đầu ra, giúp hệ thống chính sách KTMT hoàn thiện hơn và Hệ thống EMS sẽ đạt được hiệu quả về mặt kiểm soát chi phí cũng như tuân thủ các nguyên tắc về môi trường tại các CTXD. (Hình 1)

Hệ thống KTMT: Khi quản lý môi trường trong kinh doanh đã phát triển theo thời gian, mối quan tâm ngày càng tăng trong việc phát triển sự hiểu biết tốt hơn về các chi phí và lợi ích tài chính liên quan đến môi trường làm đầu vào cho kế toán quản trị thông thường. Kích thích chính là bằng chứng ngày càng tăng tập trung vào các yếu tố có thể nâng cao lợi nhuận và vị thế tài chính của doanh nghiệp. KTMT được sử dụng để đánh giá toàn bộ chi phí môi trường liên quan đến các hoạt động và/hoặc sản phẩm.

KTMT cũng có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động môi trường của các tổ chức theo cách thức dễ đo lường hơn. Các lĩnh vực quan trọng để giám sát là tổng phát thải vào không khí, xả nước thải, ô nhiễm đất và mức ồn biên như được chỉ ra trong Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu KTMT trong hệ thống EMS

kế toán môi trường

Trước đây, hệ thống kế toán môi trường được sử dụng như một công cụ để đánh giá và công bố các tác động giảm thiểu tác động môi trường đến chi phí bảo tồn môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, EMS trong kinh doanh đã phát triển, mối quan tâm đã tăng lên trong việc phát triển sự hiểu biết tốt hơn về các chi phí và lợi ích tài chính liên quan đến môi trường như một đầu vào cho kế toán quản trị thông thường. Ví dụ, các chi phí nội bộ liên quan đến phát thải không khí ra môi trường thường không được xác định trong các thực hành quản lý thông thường. Kết quả là, tiết kiệm chi phí liên quan đến áp lực môi trường thường xuyên bị che giấu. Cái gọi là chi phí ẩn này rất khó phát hiện, tuy nhiên những chi phí này thường có tính chất kinh niên và có thể đáng kể (Pernilla, 2001). Ngoài ra, nhiều lý do thuyết phục khác khiến các tổ chức cần thiết lập và áp dụng KTMT, như: Cơ quan quản lý pháp luật, lực lượng quản lý thị trường, các ngân hàng, chứng nhận doanh nghiệp tốt, cộng đồng, cộng đồng sống xanh, ban giám đốc, người lao động và các bên liên quan (Medley, 1997).

Hầu hết các công ty đã nhận ra tính ưu việt trong nguyên tắc ngăn ngừa ô nhiễm (Theyel, 2000) tại nguồn so với giải pháp cuối đường ống. Các công ty  đang tìm cách ngăn ngừa ô nhiễm bằng cách tích hợp EMS vào các quy trình ra quyết định về môi trường phức tạp của họ (Pernilla, 2001), cuối cùng dẫn đến quản lý bền vững. Tuy nhiên, công cụ này là cần thiết để đo lường và đánh giá nội bộ lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh và môi trường tác động phù hợp với quy mô kinh doanh của tổ chức. Như thể hiện trong Hình 1, cần phải đo lường và xác định tác động chi phí môi trường tạo ra trong tất cả các quá trình liên quan (tiềm năng tác động môi trường) như phát thải không khí, xử lý chất thải, chất thải.

3. Đánh giá thực trạng áp dụng EMS ở các công ty xây dựng tại Việt Nam

Xây dựng là một trong những ngành kinh tế khai thác, sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, bảo gồm tài nguyên không thể tái tạo được như: đất, khoáng sản, cát, đá, sỏi; tài nguyên có thể tái tạo được như: thực vật (khai thác gỗ của rừng), tài nguyên nước và tiêu thụ năng lượng điện rất lớn. Theo các định luật bảo toàn vật chất và bảo toàn năng lượng, ngành nào sử dụng nhiều nguyên vật liệu, tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, trách nhiệm và vai trò của ngành đó trong sự nghiệp bảo vệ môi trường quốc gia càng lớn. Vì vậy, các tác động môi trường và quản lý bảo vệ môi trường (BVMT) cần tập trung vào một số hoạt động chính của ngành Xây dựng sau đây:

- Tác động môi trường và quản lý BVMT đối với hoạt động sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng, đặc biệt là các ngành sản xuất vật liệu như sản xuất xi măng, đá xây dựng, gạch ngói nung, gốm sứ xây dựng,…

Đây là một trong các hoạt động sản xuất công nghiệp thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường không khí nhất: bụi lơ lửng, bụi PM10, các khí độc hại SO2, NOx, CO; đồng thời cũng thải ra một lượng nước thải và chất thải rắn đáng kể. Nhiều số liệu thực tế đã chứng minh khí thải của các lò gạch thủ công, lò gạch kiểu đứng, kiểu hop-man làm thiệt hại mùa màng và sức khỏe cộng đồng xung quanh. Đây cũng là một ngành gây ra sự suy thoái và phá hoại cảnh quan thiên nhiên nhiều nhất.

- Tác động môi trường và quản lý BVMT đối với các thiết kế quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch các khu kinh tế và các khu công nghiệp

Rất nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc về môi trường đô thị và công nghiệp hiện nay đều có nguyên nhân bắt nguồn từ các giải pháp quy hoạch không phù hợp về mặt môi trường. Tình hình ô nhiễm môi trường nước, không khí, ô nhiễm chất thải rắn và tình trạng úng ngập trầm trọng khi mưa lớn ở nhiều đô thị nước ta hiện nay đều có nguyên nhân trực tiếp từ công tác thiết kế quy hoạch, công tác quản lý xây dựng, quản lý đô thị yếu kém của nước ta. Các sai lầm, thiếu sót của quy hoạch về mặt bảo vệ môi trường có thể sửa chữa điều chỉnh được nhưng rất tốn kém, hoặc không thể sửa chữa, điều chỉnh được. Tuy vậy, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn của Việt Nam hiện nay vẫn chưa theo kịp với xu thế hiện đại hóa công tác xây dựng quy hoạch của thế giới. Đó là theo phương pháp tiếp cận sinh thái môi trường, lồng ghép xem xét các vấn đề môi trường trong suốt quá trình làm quy hoạch xây dựng đô thị, tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với quy hoạch đô thị, công khai và tham vấn cộng đồng có liên quan trong quá trình quy hoạch...

- Xem xét đầy đủ các tác động môi trường và áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng.

Tại Việt Nam, các công trình xây dựng luôn tiêu thụ vật liệu và năng lượng rất lớn. Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng của công trình xây dựng trong đô thị thường chiếm tới 40 - 70% tổng lượng tiêu thụ của toàn thành phố. Tiêu thụ càng nhiều vật liệu và năng lượng thì sẽ dẫn đến lượng phát thải “khí nhà kính” càng lớn và gây ra biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn thiết kế, xây dựng các “công trình xanh”. 4 tiêu chí về công trình xanh là: (1) Tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng, (2) Tiết kiệm và tái sử dụng vật liệu xây dựng, (3) Tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước, (4) Bảo tồn sinh thái và môi trường đất. Ngành Xây dựng Việt Nam cần nhanh chóng hòa nhập với xu thế này.

- Đẩy mạnh thực thi các giải pháp quản lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật dưới luật thì Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ đặc trách về quản lý chất thải rắn đô thị, công nghiệp và nông thôn. Hiện nay, trong công tác quản lý chất thải rắn có nhiều vấn đề tồn tại, trước hết là chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh ngày càng nhiều, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị trung bình mới đạt khoảng 70%, còn lại 30% sẽ bị thải ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí,

môi trường đất và mất mỹ quan đô thị. Chỉ khoảng 30 - 50% khối lượng chất thải rắn thu gom được xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường. Vì vậy trên thực tế, các công ty xây dựng tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định về mặt pháp luật trong quá trình lập và thực hiện các dự án xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, các hệ thống tiêu chuẩn, các thông tư, nghị định…. Cụ thể:

Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 59/2015 quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình định nghĩa Quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó giai đoạn quản lý thực hiện dự án là giai đoạn quan trọng có mức độ tác động đến môi trường nhiều nhất thông qua các nhân tố tác động đến quá trình thực hiện dự án như yếu tố chi phí, yếu tố về tiến độ, yếu tố về chất lượng công trình và yếu tố về an toàn, môi trường.

Thông tư số 02/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng cho thấy các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường trong xây dựng.

Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng".

Cùng với các quy định và chính sách liên quan đến quản lý môi trường trong ngành xây dựng thì trên thực tế, các công ty xây dựng tại Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng sản phẩm xanh nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp tới các bên liên quan. Vì vậy, các công ty xây dựng hướng tới việc áp dụng EMS nhằm giảm thiểu rủi ro về mặt pháp lý khi xảy ra sự cố như là một trong những hình thức đáp ứng các tiêu chuẩn trong xây dựng. Theo khảo sát tại Việt Nam, Hệ thống quản lý Chất lượng ISO 9001:2015, Hệ thống quản lý Môi trường ISO 14001:2015, ngành Xây dựng được cấp giấy chứng nhận nhiều nhất, với tổng 53.978 chứng chỉ hợp lệ được cấp tại Việt Nam (Theo Ủy ban Tiêu chuẩn hóa ISO).

4. Kết luận và giải pháp đề xuất

Từ các nghiên cứu trước và thực trạng việc áp dụng EMS tại các CTXD ở Việt Nam cho thấy, mặc dù trên thực tế đã có sự quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường nhưng cho tới nay, Nhà nước vẫn chưa có các chính sách cụ thể và nhất quán để hỗ trợ/ưu đãi các DN trong nước áp dụng hệ thống EMS theo tiêu chuẩn ISO 14001 mà chủ yếu do áp lực từ phía khách hàng. Bên cạnh đó, do áp lực của hiệu quả kinh doanh nên nhiều khi các công ty áp dụng hệ thống EMS còn mang tính hình thức và đối phó. Ngoài ra, việc tốn kém trong đầu tư cải thiện và duy trì cơ sở vật chất, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đối với các CTXD. Các chi phí cho việc vận hành của các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng gây không ít tốn kém cho DN trong quá trình duy trì. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số DN mặc dù có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng không vận hành thường xuyên mà chỉ vận hành khi có đợt kiểm tra của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó việc xây dựng chính sách môi trường đến nay vẫn còn chung chung, đôi khi sử dụng luôn ý tưởng của chuyên gia tư vấn khiến chính sách môi trường không nhất quán với chính sách phát triển dài hạn của DN. Có nhiều tổ chức áp dụng ISO 14001 nhưng cán bộ và công nhân không hiểu, thậm chí không biết đến chính sách môi trường nên không phát huy được sự tham gia của mọi người trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó, giải pháp cần phải đặt ra đối với các bên liên quan được đề cập đến như sau:

Đối với các cơ quan quản lý, cần phải có các quy định, chính sách phù hợp, rõ ràng và không chồng chéo để các DN có thể xây dựng được mục tiêu và các chính sách quản lý môi trường một cách cụ thể trong từng giai đoạn của dự án.

Đối với các DN, Ban giám đốc, ban quản lý dự án cần có sự quan tâm đầy đủ và sâu sát. Xây dựng các chính sách cụ thể rõ ràng trong quy trình làm việc.

Đối với các nhân viên, cần được đào tạo và đánh giá một cách thường xuyên về năng lực và hiệu quả làm việc để tránh các tâm lý cả nể trong quá trình đánh giá và lập báo cáo đánh giá hay việc đánh giá mang tính hình thức, lấy lệ. Việc xây dựng đánh giá nội bộ được coi là một hoạt động quan trọng, cần được triển khai định kỳ nhằm xác định hiệu lực cũng như tìm ra các cơ hội để cải tiến hiệu quả của hệ thống Quản lý môi trường và cần phải được đánh giá dựa trên các chính sách, quy định rõ ràng trong các tiêu chí của hệ thống EMS.

Ghi chú: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Banarjee, S.B. (2001). Corporate environmental strategies and actions. Management Decision, 39(1), 36-44.
  2. Campos, Lucila M.S. (2012). Environmental management systems (EMS) for small companies: A study in Southern Brazil. Journal of Cleaner Production, 32, 141-148.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2007). Chỉ thị số 26/2007/CT-TTg ngày 26/11/2007 về việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững.
  4. De Beer, P., & Friend, F. (2006).Environmental accounting: A management tool for enhancing corporate environmental and economic performance. Ecological Economics, 58, 548-560.
  5. Gray, R. (2001). Thirty years of social accounting, reporting and auditing: what (if anything) have we learnt?. Business Ethics: A European Review, 10(1), 9-15.
  6. Heras-Saizarbitoria, I., Landín, G.A., Molina-Azorín, J.F. (2011). Do drivers matter for the benefits of ISO 14001? International Journal of Operations & Production Management, 32(2), 192e215.
  7. Letmathe, P. and Doost, R.K. (2000). Environmental cost accounting and auditing. Managerial Auditing Journal, 15(8), 424-430.
  8. Medley, Patrick. (1997). Environmental accounting-what does it mean to professional accountants? Accounting, Auditing & Accountability Journal, 10(4), 594-600.
  9. Rezaee, Z. and Elam, R. (2000). Emerging ISO 14000 environmental standards: a step-by-step implementation guide. Managerial Auditing Journal, 15(1-2), 60-67.
  10. Bộ Xây Dựng (2018). Thông tư số 02/2018/TT-BXD Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.
  11. Thủ tướng Chính phủ (2003). Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22//4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng".
  12. Khoa học Công nghệ ngành Công Thương (2020), Khảo sát số lượng chứng chỉ tiêu chuẩn ISO đã cấp tại Việt Nam theo ngành (2020), Trang tin Năng suất Chất lượng ngành Công Thương, https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t7279/khao-sat-so-luong-chung-chi-tieu-chuan-iso-da-cap-tai-viet-nam-theo-nganh.html

THE INTEGRATION OF ENVIRONMENTAL ACCOUNTING INTO

THE ENVIRONMENTAL MANAGEMENT SYSTEM (EMS)

IN VIETNAMESE CONTRUCTION COMPANIES

• TRAN THI THANH HUYEN1

• HOANG BAC AN2

1Nguyen Tat Thanh University

2University of Architecture Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The integration of environmental accounting into the Environmental Management System (EMS) will be seen as a self-regulating compliance of construction companies with legal requirements in order to reduce the costs associated with environmental problems, and make green works in line with current development trends in the construction field. This study emphasizes the use of environmental accounting to continuously improve the policies and procedures of Vietnamese construction companies through the integration of construction regulations and standards, scientific development, and other functions into the EMS.

Keywords: environmental management system, environmental accounting, construction company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]