TÓM TẮT:

Những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới theo hướng có lợi cho các nền kinh tế “thâm dụng” công nghệ và làm giảm vị thế của các nền kinh tế “thâm dụng” tài nguyên khoáng sản, hay “thâm dụng” lao động. Sự xuất hiện của những tiến bộ vượt bậc như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D,... của CMCN 4.0 đã tạo nên làn sóng chuyển đổi số và đưa kinh tế số lan tỏa khắp các thành phần kinh tế. Do vậy, “kinh tế số” chính là đích mà Việt Nam phải đến và sẽ phải đến trước các quốc gia khác. Bài viết đề cập đến thực trạng và giải pháp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế số, công nghệ số, Internet, di động, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khóa cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tại Trung Quốc, từ năm 2008, kinh tế số đã chiếm 15% GDP, đến năm 2019 chiếm đến 37% GDP. Nhiều doanh nghiệp kinh tế số Trung Quốc đã trở thành những “gã khổng lồ” công nghệ, với năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP, đến 2019 đã chiếm tới 25% GDP.  Còn tại Việt Nam năm 2021, kinh tế số chiếm khoảng 8,2% GDP, với khoảng 163 tỷ USD. Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số đang rất lớn. Khơi thông được nguồn lực này sẽ góp phần vào tăng tưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020 đã đưa ra mục tiêu: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Tương tự, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP; đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

2. Thực trạng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện nhấn mạnh những xu hướng nổi bật nhất của ngành Công nghiệp số được ghi nhận trong năm 2019, phân tích tiềm năng hiện tại và tương lai của nền kinh tế số Đông Nam Á tại 6 thị trường lớn nhất bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Số liệu cho thấy, nền kinh tế số của khu vực vừa đạt một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào 2020, tăng 72 tỷ USD so với năm 2019. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% hằng năm. Trong khu vực ASEAN, theo Báo cáo e-Conomy SEA 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng năm 2020 đã đạt khoảng 105 tỷ USD (tăng 5% so với năm 2019) và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 309 tỷ USD. Indonesia là nước có doanh thu kinh tế số Internet/nền tảng cao nhất với 44 tỷ USD năm 2020, tiếp theo là Thái Lan với 18 tỷ USD và Việt Nam với 14 tỷ USD.

Hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/1 năm. Đến năm 2025, nền kinh tế số trong khu vực dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, chạm mức 300 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP. Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, nước có mức tăng cao tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan 7%. Báo cáo này cũng dự báo đến năm 2025, kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Riêng năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/VT đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. (Hình 1)

Theo báo cáo của Worldbank đưa ra năm 2021, Việt Nam đạt kết quả tốt về kết nối, với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, mặc dù tốc độ kết nối vẫn chưa bằng các quốc gia đi trước. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ số mới của doanh nghiệp và Chính phủ, mặc dù mới chủ yếu cho các chức năng cơ bản. Cụ thể, với khả năng kết nối internet tốc độ cao, Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc mở rộng kết nối internet từ mức gần như bằng 0 từ cuối thập niên 1990, đến bao phủ được 64% dân số như hiện nay. Năm 2021, Việt Nam sở hữu 68,72 triệu người dùng Internet,  chiếm 70,3% dân số, theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam. Trung bình, người Việt dành 3 giờ 12 phút mỗi ngày sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone) và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông tin liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc. Theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 30%. Cụ thể, tổng lưu lượng Internet băng rộng tháng 12/2020 là hơn 5.234 petabyte, nhưng đến tháng 10 năm 2021 đã đạt 6.977 petabyte. Cao điểm vào tháng 8 năm 2021, tổng lưu lượng Internet băng rộng đạt 7.824 petabyte, cao nhất từ trước đến nay. (Hình 2)

Nền kinh tế số cũng đòi hỏi phải có hệ thống thanh toán điện tử bảo mật và hiệu suất cao. Hầu hết các giao dịch thanh toán ở Việt Nam hiện đang thực hiện bằng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện còn chậm. Chỉ có 22% người Việt Nam thực hiện hoặc nhận thanh toán số vào năm 2017 và chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2019. Khả năng tiếp cận và phát triển tài chính toàn diện đặc biệt hạn chế ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự phổ biến của điện thoại di động và internet giá rẻ tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của ngân hàng số nếu Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách trong phát triển tài chính toàn diện. Trong những năm gần đây, ngành Dịch vụ tài chính đã khởi động một số đề án mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của thanh toán số, các kênh cung cấp dịch vụ tài chính mới, mở rộng các mô hình cho vay và dữ liệu báo cáo tín dụng, các giải pháp thanh toán từ chính quyền đến người dân (G2P) và thương mại điện tử. Hiện nay, có khoảng 32 nhà cung cấp dịch vụ tư nhân đang cung cấp các dịch vụ thanh toán số thông qua tài khoản ngân hàng, bao gồm các dịch vụ thanh toán điện tử, thu ngân, tiền điện tử và ví điện tử. Chương trình thí điểm tiền di động của Chính phủ, được triển khai qua Quyết định số 316 vào tháng 3/2021 đã hỗ trợ củng cố cho xu hướng này bằng cách nhằm đến một bộ phận lớn người dân Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Nhờ có nền kinh tế số, các ngành nghề kinh doanh sôi động hẳn lên, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee),... Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD. Nước ta cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia phát triển nền kinh tế số nước ta còn không ít hạn chế, có phần tự phát. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ kinh tế số. So với các quốc gia so sánh, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông và kỹ năng số của bộ phận dân số tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội ở Việt Nam còn thấp. Chỉ có 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để duy trì và khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ và mức độ thiếu hụt kỹ năng được dự báo sẽ lên đến 1 triệu lao động ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông vào năm 2023. Tình trạng thiếu hụt nhân tài còn trầm trọng hơn do chảy máu chất xám khi nhiều người lao động có kỹ năng trong nước đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.

3. Giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Nâng cấp kỹ năng số bằng cách tăng cường giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở các cấp, đặc biệt thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề (TVET), đang trở thành cấp thiết với Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải cải cách nền móng hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, bao gồm mô hình hoạt động (ví dụ, cấp vốn dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, đối tác công - tư), thiết kế chương trình học (ví dụ, ngành khoa học và phân tích dữ liệu), kết nối hiệu quả với giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng, đại học. Cải cách hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cũng hết sức quan trọng để phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Việt Nam cũng cần cải thiện kỹ năng mềm cho người lao động, qua đó củng cố khả năng thích ứng của họ trong một môi trường mà bản chất công việc và việc làm cụ thể đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều kỹ năng nghề nghiệp truyền thống đang trở nên lỗi thời. Cùng lúc đó, những cơ hội mới đang xuất hiện thông qua các hoạt động và mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn ngày càng có nhiều cơ hội về việc làm cộng tác dựa trên CNTT&TT trên các mạng xã hội, về tạo dựng thương hiệu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử và phân tích dữ liệu thu thập từ các trang web.

Xây dựng một khung pháp lý hợp nhất về công nghệ số để quy định về mức phí tiếp cận các bộ dữ liệu khác nhau, như dữ liệu đất đai, môi trường, dữ liệu cảm biến từ xa, hoặc dữ liệu bản đồ. Trong thời đại số, thời đại mà những dữ liệu như bản đồ số và hình ảnh vệ tinh được coi như yếu tố sản xuất mới, việc đưa yếu tố sản xuất mới này vào diện bí mật là biện pháp hạn chế không cần thiết và sẽ cản trở dòng lưu chuyển dữ liệu số thông suốt giữa các cơ quan nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ban hành các quyết định kịp thời và có căn cứ của chính quyền các cấp, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị hóa và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần phải triển khai thực hiện chính sách về phát triển kinh tế số quyết liệt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Google, Temasek và Bain (2019), Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" .
  2. World Bank. (2021). “Capturing the impacts of digitalization on jobs through a CGE model - an application to Vietnam.”
  3. World Bank, Washington, DC, July. World Bank Group. (2021). World Development Report 2021: Data for Better Lives. Washington, DC: World Bank.

 Current situation and solutions for the development of digital economy in Vietnam

Master. Phung Thi Hien

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In recent years, the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) is reshaping the global economy and it is in favor of technology-intensive economies and reducing the role of labor and natural resource-intensive economies. The emergence of breakthrough technologies such as the Internet of Things (IoT), artificial intelligence (AI), 3D printing, etc.  has created a digital transformation trend and has facilitated the development of digital economies. For Vietnam, developing a digital economy is also one of the top national economic development priorities. This paper presents the current digital economic development in Vietnam and  proposes some solutions to support its growth.

Keywords: digital economy, digital technology, the Internet, mobile, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]