Thực trạng mô hình sinh kế của các dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Kon Tum từ năm 2010 đến năm 2020

TS. DƯƠNG THỊ NGỌC BÍCH (Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên) - THS. TRẦN THỊ THANH THỦY (Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên) - THS. VŨ THỊ TUYẾT LAN (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Hiện nay, hoạt động sinh kế của các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới tỉnh Kon Tum về cơ bản sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Ngoài nông nghiệp, một số mô hình gắn với du lịch, gắn với sinh kế phi nông nghiệp và gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS cũng mang lại hiệu quả cao. Bài viết sẽ phân tích một số mô hình sinh kế điển hình của các DTTS vùng biên giới tỉnh Kon Tum, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy mô hình sinh kế cho vùng biên giới tỉnh Kon Tum phát triển bền vững.

Từ khóa: mô hình sinh kế, dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum, biên giới.

1. Đặt vấn đề

Từ năm 2010 đến nay, kinh tế tỉnh Kon Tum có những chuyển biến rõ rệt. Đến năm 2020, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và rõ nét; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 19,75%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên và chiếm 26,83%; ngành dịch vụ tăng lên 44,8%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng năm 2010 lên 28,5 triệu đồng/người năm 2020[1]. Điều này cho thấy, đời sống kinh tế của người dân có sự chuyển biến tốt. Sự phát triển kinh tế chung đã có tác động tích cực đến hoạt động sinh kế của các dân tộc thiểu số DTTS tỉnh Kon Tum, đặc biệt là các DTTS vùng biên giới. Từ năm 2010 đến nay, về cơ bản sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo với các DTTS, theo đó, các mô hình sinh kế của họ chủ yếu gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới tác động của các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung trên toàn tỉnh cũng như những chính sách riêng, các mô hình sinh kế có sự khác biệt về hình thức, quy mô trong sản xuất nông nghiệp, một số mô hình gắn với du lịch, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS đã mang lại hiệu quả cao. Từ thực tiễn khảo sát, chúng tôi sẽ phân tích một số mô hình sinh kế điển hình của các DTTS vùng biên giới tỉnh Kon Tum.

2. Một số mô hình sinh kế điển hình của các dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Kon Tum từ năm 2010 đến năm 2020

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới gồm: Huyện Sa Thầy có 2 xã là Mô Rai, Rờ Kơi; huyện Ia H'Drai có 3 xã Ia Tơ, Ia Dal, Ia Dom giáp với Campuchia, huyện Ngọc Hồi có 5 xã Sa Loong, Pờ Y, Đăk Xu, Đăk Dục, Đăk Nông; huyện Đăk Glei có 3 xã Đăk Nhoong, Đăk Lang, Đăk Blô giáp với Lào. Nghiên cứu tiến hành khảo sát ở 4 huyện biên giới và tìm hiểu các mô hình sinh kế đang được triển khai để đánh giá được hiệu quả của các hoạt động sản xuất đối với phát triển kinh tế của các hộ DTTS.

2.1. Mô hình trồng trọt

Mô hình trồng lúa

Đối với các DTTS vùng biên giới tỉnh Kon Tum, lúa là một trong những cây lương thực chính yếu trong 10 năm qua. Hiện nay, diện tích lúa nước ở xã Pờ Y là 344 ha, ở xã Mô Rai, diện tích lúa nước là 56,8 ha, lúa rẫy là 265 ha. Như vậy, bên cạnh lúa nước, một số DTTS vẫn duy trì lúa rẫy theo phương thức truyền thống như người Rơ Măm, Gia Rai ở xã Mô Rai. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền việc trồng lúa nước của các DTTS chủ yếu phục vụ nhu cầu lương thực của gia đình, giá trị hàng hóa thấp. Một số giống lúa rẫy của các DTTS tại chỗ có giá trị kinh tế cao như giống nếp than của người Xơ Đăng. Tuy nhiên, chủ yếu phục vụ nhu cầu lễ hội, nấu rượu cần. Một số xã đã lựa chọn và đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Trong những năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, UBND xã Pờ Y đã vận động, hướng dẫn 92 hộ dân chuyển đổi được 40 ha ruộng trồng lúa thường sang thâm canh các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25[2]. Do đó, năng suất chất lượng từng bước được nâng cao hơn so với trước.

Mô hình trồng cây công nghiệp dài ngày

Trong số các cây công nghiệp dài ngày, cao su và cà phê là hai loại cây trồng phổ biến, trong đó, cao su là cây trồng chủ đạo ở các huyện Đăk Glei, Ia H'Drai, Sa Thầy và Ngọc Hồi. Có những thời điểm cây cao su được ví như “vàng trắng”. Kết quả khảo sát tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), những hộ không phá, vẫn duy trì và khai thác cao su thì hiện nay có cuộc sống ổn định khi giá cao su có dấu hiệu tăng trở lại và bình ổn hơn. Theo đánh giá của dân, giá mủ tạp hiện nay dao động từ 12.000 đồng - 13.000 đồng, so với giá 5.000 đồng trước đây là khởi sắc. Cũng theo đó, trung bình 1 ha cao su trồng khoảng 500 - 512 cây, nếu mỗi nhà chỉ cần có 1 ha cao su chăm sóc tốt và tự cạo mủ đang thời kỳ kinh doanh có thể thu từ 14-15 triệu đồng/tháng. So với thời kỳ đỉnh cao, giá mủ cao su hiện tại chỉ bằng 1/3, nhưng so với các cây trồng qua đời sống của người dân trồng cao su vẫn ổn định hơn. Đối với người Brâu, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) cũng cho rằng, do địa hình đất đồi núi dốc, việc trồng cà phê thực sự rất vất vả, bên cạnh đó, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng khó hơn nhiều, đến mùa hạn hán không đủ tưới, chủ yếu phụ thuộc thiên nhiên nên cây cà phê không hiệu quả, trong đó trồng cao su đơn giản hơn nên người dân có mong muốn được hỗ trợ giống cây cao su, kỹ thuật chăm sóc và cạo mủ cao su để chuyển đổi.

Mô hình trồng sắn

Kết quả khảo sát tại làng Le, nơi người Rơ Măm sinh sống cho thấy, người dân chủ yếu trồng sắn, nhà nào cũng có khoảng ít nhất là 1ha sắn, kể cả có những cây trồng khác như cao su, điều, lúa rẫy nhưng sắn vẫn là cây trồng được người dân trồng nhiều nhất từ trước đến nay. Trưởng thôn A Thái là người làm ăn kinh tế giỏi ở làng Le, nhờ chăm chỉ học hỏi thêm kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà đến nay gia đình anh có 4ha sắn và 3,7ha điều. Mỗi năm, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng và là mô hình được người dân trong làng học tập, nhân rộng. Để thúc đẩy việc hình thành vùng nguyên liệu sắn gắn với liên kết theo chuỗi, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tại địa bàn 2 huyện biên giới là Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh đã xây dựng 2 dự án trồng sắn, kết quả thực hiện tại huyện Ngọc Hồi cho thấy, mô hình trồng sắn gắn với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chương trình sản xuất theo chuỗi giá trị tại địa bàn các xã, tiến hành lập 5 điểm thu mua tập trung[3]. Bên cạnh các điểm thu mua, tại một số thôn, chị em phụ nữ thành lập các tổ hợp tác trồng sắn chẳng hạn, tổ hợp tác trồng sắn của chị em phụ nữ dân tộc Mường tại thôn Măng Tôn. Qua mô hình này, chị em hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất như giống, kỹ thuật đến việc liên kết để tiêu thụ.

hình trồng cây ăn quả

Những năm gần đây, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su xuống thấp nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi dần các diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng. Ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), năm 2015, HTX Đoàn Kết bắt đầu đặt nền móng đầu tiên trồng các loại cây cam, quýt, bưởi, ổi, mít, chôm chôm, sầu riêng... với tổng diện tích 15ha.  Đến năm 2020, diện tích đã tăng lên 33,2ha cây ăn quả trên toàn xã. Một số hộ thành viên của HTX đã chuyển đổi trên diện tích nhà mình và đạt những kết quả nhất định. HTX Đoàn Kết là đơn vị thu mua cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) đã quyết định thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả cho chị em người dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế gồm 23 thành viên. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả và giao hơn 2.000 cây giống bơ, sầu riêng, mít thái, xoài cho các thành viên trong Tổ hợp tác[4]. Trong thời gian gần đây, cây mắc ca là một trong những sản phẩm tiềm năng của huyện Ngọc Hồi, trong đó, xã Pờ Y đã phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương. Cây mắc ca ở Pờ Y đã được trồng với diện tích khoảng 40,7 ha và mỗi năm tăng lên khoảng 15 -20 ha. Hiện nay, cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, giá thu mua 1kg tươi từ 100 - 120.000 đồng. Đối với các hộ DTTS trên địa bàn, nhận thấy giá trị kinh tế của các giống cây ăn trái, các hộ đã trồng xen canh trong vườn cà phê hoặc các loại cây trồng khác.

2.2. Mô hình chăn nuôi

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là hoạt động thường xuyên đối với các DTTS, chăn nuôi khá đa dạng, phong phú về loại hình như gia súc, gia cầm, thủy sản,…

Về mô hình chăn nuôi heo bản địa, năm 2019, huyện Ngọc Hồi đã hỗ trợ 8 hộ tại các xã Đắk Ang, Đắk Dục, Đắk Nông, Sa Loong với tổng kinh phí thực hiện 80 triệu đồng. Năm 2020, huyện tiếp tục hỗ trợ cho 10 hộ tham gia, trong đó, xã Đắk Dục có 2 hộ, xã Đắk Nông có 2 hộ, xã Sa Loong có 2 hộ, thị trấn Plei Kần có 4 hộ với tổng kinh phí thực hiện 171 triệu đồng[5].

Cũng như xã Đắk Dục, Hội LHPN xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) trong năm 2021, cũng đã thành lập mô hình nuôi heo sọc dưa và hỗ trợ 5 con heo giống cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 25 triệu đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, từ 5 con heo giống ban đầu đã phát triển lên 33 con và đã có 1 hội viên thoát nghèo. Hiện, Hội LHPN xã đã hỗ trợ thêm heo giống cho 3 hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế[6]. Việc nuôi lợn đen, lợn sọc dưa của các hộ dân vùng DTTS, phù hợp với điều kiện, khí hậu vùng biên giới. Bên cạnh mô hình nuôi heo, huyện Ngọc Hồi còn chú trọng mô hình nuôi cá. Chẳng hạn, năm 2020, có 4 xã (Đắk Ang, Đắk Xú, Đắk Kan, Pờ Y) tham gia mô hình nuôi cá với tổng diện tích 6000 m2/6 hộ, tổng kinh phí thực hiện là 160 triệu đồng[7].

2.3. Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp

Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, việc trồng cây ngắn ngày và cây dài ngày hoặc xen canh giữa các loại cây trồng tạo nên sự đa dạng hóa nguồn thu nhập là mô hình thường thấy. Tuy nhiên, để có thể trở thành các mô hình hiệu quả kinh tế cao vẫn khá hạn chế. Nổi bật ở thôn Đắk Mế có thể kể đến mô hình kinh tế của hộ gia đình ông Thao La, dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế. Ông là một trong những tấm gương sáng, đi đầu trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, để vươn lên thoát nghèo và hướng đến làm giàu. Ông Thao La cho biết, với sự vận động tích cực của chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pờ Y, gia đình ông đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái; vay vốn đầu tư nuôi cá, bò, heo và gieo trồng hơn 1ha lúa ST24 với thu nhập khoảng 100 triệu đồng một năm. Đây là số tiền lớn đối với gia đình và là động lực để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao kinh tế gia đình.

Nhìn chung, các mô hình sinh kế nông nghiệp tổng hợp mang lại giá trị kinh tế cao vì đa dạng hóa nguồn thu nhập. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình sinh kế tổng hợp cần có nguồn lực con người và vốn tài chính, do đó, các DTTS vẫn hạn chế các mô hình sinh kế hiệu quả.

2.4. Mô hình sinh kế từ nghề/văn hóa truyền trống

Những mô hình sinh kế gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực truyền thống, các giá trị văn hóa dân gian phục vụ du lịch cộng đồng đang dần hình thành tại các xã biên giới. Rượu cần men lá của dân tộc Brâu: Tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, hầu hết người phụ nữ dân tộc Brâu đều biết làm rượu cần men lá, có sự truyền nghề qua các thế hệ phụ nữ. Bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi có thời gian rảnh rỗi họ sẽ lên rừng hái lá, rễ cây để làm men ủ rượu. Rượu cần men lá hiện nay đã được chuyển hướng hàng hóa để kiếm thêm thu nhập, các hộ gia đình sẽ bán cho khách du lịch hoặc người dân địa phương trong các ngày lễ, tết. Giá bán các ché rượu cần tùy thuộc vào thể tích rượu, với các kích cỡ như 3 lít có giá khoảng 100.000 đồng… Thấy được giá trị của rượu cần men lá đối với dân tộc Brâu, năm 2020, xã Pờ Y đã thành lập Tổ hợp rượu cần men lá Brâu với sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm OCOP của xã và đạt 3 sao cấp tỉnh.

3. Hiệu quả từ các mô hình sinh kế các DTTS vùng biên giới tỉnh Kon Tum

Từ năm 2010 đến nay, các chính sách của Nhà nước tập trung hỗ trợ các DTTS ở nhiều khía cạnh khác nhau, tạo điều kiện để các hộ chủ động phát triển kinh tế. Như Chương trình 135 hỗ trợ cây con giống, vật tư nông nghiệp ở các xã nghèo; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ đối với dân tộc rất ít người (Brâu, Rơ Măm) theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg; Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 755/QĐ-TTg; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn,… Các hỗ trợ tập trung vào cung cấp cây, con giống, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ tham quan mô hình, hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị/chuỗi sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ thị trường tiêu thụ/xúc tiến, nhãn hiệu, thương hiệu,… và đã có nhiều kết quả triển vọng.

Thứ nhất, sự đa dạng các mô hình, đảm bảo đa dạng hóa sinh kế. Đó là các mô hình trồng trọt tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã hay các mô hình chăn nuôi giống heo bản địa có giá trị kinh tế cao...

Thứ hai, các DTTS tham gia vào mô hình sinh kế liên kết, gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Thứ ba, mô hình sinh kế hỗn hợp gia tăng.

Thứ tư, sinh kế gắn với văn hóa truyền thống có xu hướng phát triển tốt. Đây là một trong hướng đi vừa có ý nghĩa kinh tế vừa gắn với chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. 

Thứ năm, các mô hình sinh kế gắn với rừng trở thành kinh tế hàng hóa. Các sản phẩm OCOP măng khô, măng chua, sản phẩm như rượu cần (ghè) men lá thì nguyên liệu làm men lá cũng được lấy từ các sản phẩm như lá cây, rễ cây trong rừng.

Hiệu quả từ các chương trình, dự án trên đã góp phần giúp đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, thu nhập; cải thiện việc sử dụng vốn vay hiệu quả, tránh xa các nguồn vốn tín dụng đen; củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

4. Kết luận và kiến nghị

Từ sự hỗ trợ của các chính sách Nhà nước đã tạo điều kiện để các dân tộc vùng biên giới Kon Tum phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển mô hình sinh kế, nguyên nhân dẫn chủ yếu là do: Thứ nhất, nhận thức của người DTTS còn hạn chế; Thứ hai, nguồn lực sinh kế các hộ DTTS vẫn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động theo các mô hình sinh kế mới. Thứ ba, từ phía các chính sách hỗ trợ dàn trải, chồng chéo, nguồn lực thấp, việc giải ngân có lúc còn chậm.

Với mong muốn phát triển mô hình sinh kế DTTS vùng biên giới Kon Tum theo hướng bền vững, về cơ chế, chính sách cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG): Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 2085/QĐ-TTg); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 135) và Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người (Brâu và Rơ Măm) tại địa bàn các huyện biên giới (Quyết định 2086/QĐ-TTg). Phân bổ nguồn lực chính sách cần hợp lý giữa các địa phương gắn với các dự án, đề án phát triển sinh kế phù hợp với lợi thế, tiềm năng của địa phương và khả năng vận dụng của các DTTS. Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ DTTS, nên tập trung mở các lớp tập huấn, phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Song song với việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm chủ lực, thương hiệu chủ lực của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm theo chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP...

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. UBND tỉnh Kon Tum (2021), Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2010 và năm 2020.
  2. Kết quả khảo sát tại xã Pờ Y (2022).
  3. UBND huyện Ngọc Hồi (2020), Báo cáo số 980/BC-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2020.UBND huyện Ngọc Hồi (2020), Báo cáo số 980/BC-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2020, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tr.1.
  1. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pờ Y (2022).
  2. UBND huyện Ngọc Hồi, Báo cáo số 980/BC-UBND, tlđd, tr.1.
  3. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pờ Y (2022).
  4. UBND huyện Ngọc Hồi, Báo cáo số 980/BC-UBND, tlđd, tr.1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum (2020), Kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020.
  2. UBND huyện Ngọc Hồi (2020), Báo cáo số 980/BC-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2020, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
  3. UBND tỉnh Kon Tum (2021), Báo cáo số 84/BC-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2021, về Kết quả thực hiện một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc.

Livelihood models of ethnic minorities living in border areas of Kon Tum province in the period from 2010 to 2020

Ph.D. Duong Thi Ngoc Bich1

Master. Tran Thi Thanh Thuy1

Master. Vu Thi Tuyet Lan2

1 Institute of Social Sciences of Central Highlands

2 Lecturer, Da Nang College of Culture and Arts

ABSTRACT:

Currently, the livelihoods of ethnic minorities in the border areas of Kon Tum province are mainly relying on agricultural production. In addition to agricultural activities, some livelihood models based on tourism, non-agricultural activities and preservation of local traditional cultural values are highly effective for local people. This study analyzes some typical livelihood models of ethnic minorities in border areas of Kon Tum province, and makes some recommendations to promote sustainable development of livelihood models for local people living in the province’s border areas.

Keywords: livelihood model, ethnic minorities, Kon Tum province, border.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]