Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và hàm ý chính sách

NGUYỄN MẠNH HIẾN (Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Vĩnh Phúc. Từ số liệu của Ban quản lý các KCN tỉnh từ năm 2016 đến nay, tác giả đã chỉ ra những thành công và hạn chế, đồng thời đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm tăng cường thu hút vốn FDI vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thời gian tới.

Từ khóa: khu công nghiệp, FDI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Đặt vấn đề

Các KCN đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh nói chung và thu hút FDI vào các KCN nói riêng. Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh có kết quả thu hút FDI vào các KCN với nguồn vốn lớn, mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trở thành một mô hình được nhiều địa phương trong cả nước học tập. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào các KCN ở Vĩnh Phúc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, vẫn còn những khó khăn, thách thức đối với địa phương trong việc duy trì và đẩy mạnh thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI vào các KCN. Do đó, cần đánh giá đúng thực trạng để có những chính sách nhằm tằng cường thu hút vốn FDI vào các KCN của tỉnh thời gian tới.

2. Thực trạng thu hút vốn FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc

Về số lượng các dự án FDI đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Việc thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và đầu tư FDI vào KCN của Tỉnh nói riêng đã được Tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được kết quả khá tốt. Tính đến tháng 6/2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 339 dự án FDI đầu tư vào các KCN, với tổng vốn đầu tư 5.605,0 triệu USD. (Xem Bảng)

Bảng. Tổng số các dự án FDI đầu tư vào KCN Vĩnh Phúc

Năm

Số lượng

Tổng số vốn đăng ký đầu tư

(triệu USD)

2016

159

2.536,42

2017

191

2.835,29

2018

236

3.205,3

2019

291

3.989

2020

312

4.464,19

6/2022

339

5.605,0

                                             Nguồn: Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Qua Bảng thống kê cho thấy số lượng các dự án FDI đầu tư vào các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng tăng lên từ năm 2016 - tháng 6/2022 (tăng 180 dự án, số vốn đăng ký tăng 3.068,58 triệu USD).

Về lĩnh vực đầu tư FDI vào các KCN

Với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh “lấy công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh”. Năm 2016, các dự án thu hút FDI vào KCN tỉnh Vĩnh Phúc chủ yếu là các dự án thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, với 16/26 dự án sản xuất điện tử, linh kiện điện tử, còn lại là các dự án sản xuất dệt may, vật liệu xây dựng và lĩnh vực công nghiệp khác, đầu tư vào các KCN Khai Quang, Bình Xuyên II, Bá Thiện II. Đến năm 2020 các dự án thu hút mới đều thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó có: 13/30 dự án sản xuất điện tử, linh kiện điện tử; 4/30 dự án sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; 1/30 dự án sản xuất vật liệu xây dựng và 12 dự án sản xuất lĩnh vực công nghiệp khác. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Vĩnh Phúc đạt được như sau:

- Lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN: có 3 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 212,53 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư FDI.

 - Lĩnh vực công nghiệp: có 333 dự án FDI với số vốn đầu tư 5.343,28 triệu USD, chiếm 95% tổng vốn đầu tư FDI. Tập trung vào các nhóm ngành chính: sản xuất ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính; sản xuất hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến các sản phẩm công nghiệp khác.

 - Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: có 3 dự án FDI, chiếm 0,7% tổng số dự án đầu tư, với số vốn đầu tư 49,2 triệu USD, chiếm 1% tổng vốn đầu tư FDI. [3]

Đối tác đầu tư FDI vào các KCN

Các dự án FDI vào các KCN tỉnh năm 2016 chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN tỉnh, đứng đầu bảng thu hút về vốn đầu tư là Hàn Quốc với 173 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.226,04 triệu USD, chiếm 40% tổng VĐT; đứng thứ hai là Đài Loan có 36 dự án, vốn đầu tư 965,83 triệu USD, chiếm 17% tổng VĐT; Nhật Bản đứng thứ 3 với 45 dự án, vốn đầu tư 932,54 triệu USD, chiếm 16,6% tổng VĐT; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,49 triệu USD, chiếm 13% tổng VĐT; Trung Quốc đứng thứ 5 với 40 dự án, vốn đầu tư 323,75 triệu USD, chiếm 6% tổng VĐT. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Singapore, Italia, Samoa, CH Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, British Virgin Islands, Ấn Độ, Belize, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp [3].

Phân bố đầu tư các dự án FDI tại các KCN và tỷ lệ lấp đầy các KCN

Đến tháng 6/2022, có 339 dự án FDI đầu tư vào các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc. Các dự án được phân theo từng KCN như sau:

- KCN Khai Quang thu hút được 76 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.217,43 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 96%.

- KCN Bình Xuyên thu hút được 86 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.280,38 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 98%.

- KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 1) thu hút được 58 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 319,79 triệu USD; đã có 57 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 100%.

- KCN Bá Thiện thu hút được 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 894,14 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 75%.

- KCN Bá Thiện II thu hút được 58 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 925,38 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 68%.

- KCN Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 811,27 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 82%.

- KCN Sơn Lôi thu hút 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 26%.

Như vậy, các dự án FDI đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu ở KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên, KCN Bình Xuyên II (giai đoạn I), KCN Bá Thiện, KCN Bá Thiện II, các KCN khác thu hút được ít có dự án FDI do mới đi vào hoạt động đăng trong quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN cao nhất là KCN Bình Xuyên II 100%, thấp nhất là KCN Sơn Lôi 26%.

Tuy nhiên, thu hút FDI vào các KCN còn những hạn chế nhất định. Cụ thể:

Một là, việc thu hút vốn FDI vào các KCN mới chỉ tập trung vào các KCN có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện như KCN Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Thăng Long. Các KCN khác thu hút được ít dự án FDI, đặc biệt có KCN chưa thu hút được dự án FDI nào như KCN Tam Dương I - KV3, Tam Dương II - Khu A, B, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (KVII- Giai đoạn 1),… gây lãng phí đất đai.

Hai là, các dự án FDI đầu tư vào KCN tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN, công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa có các dự án FDI đầu tư vào chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ba là, một số KCN đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo môi trường KCN, như: KCN Tam Dương II - khu A (chưa đầu tư xây dựng hệ thống trạm xử lý nước thải, chưa thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ); KCN Sơn Lôi (đang thực hiện BT-GPMB để xây dựng nhà máy xử lý nước thải). Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A đã hết hạn theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, do đó chủ đầu tư gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục giao đất thực hiện dự án.

3. Hàm ý chính sách

Hiện nay nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina đã ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu, trong đó có vốn FDI. Do đó, để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI vào các KCN đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp, thời gian tới cần thực hiện tốt một số chính sách sau:

Một là, làm tốt công tác quy hoạch phát triển các KCN của Tỉnh để thu hút vốn FDI.

Quy hoạch phát triển các KCN của Tỉnh phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu công nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quy hoạch và phân bố hợp lý các KCN nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của Tỉnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn từ bên ngoài. Đồng thời, phải phù hợp với chiến lược phát triển và phân bố lực lượng sản xuất, phát triển công nghiệp, phân bố dân cư của Tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; có mối quan hệ hợp tác và phân công hài hòa giữa các KCN của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng trong một thể thống nhất và gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Mặt khác, quy hoạch các KCN, cần tập trung phát triển mạnh sản phẩm công nghiệp mà Vĩnh Phúc có thế mạnh như sản xuất, lắp giáp ô tô, xe máy, điện tử.

Hai là, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN.

Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra trong phát triển các KCN mà nó còn có ý nghĩa quan trọng để thu hút vốn FDI vào các KCN. UBND, Ban quản lý các KCN tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường - giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các KCN: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - Khu vực 2 (Giai đoạn 1) để thực hiện khởi công xây dựng như tiến độ cam kết; đôn đốc triển khai dự án KCN: Sông I, Sông Lô II và Tam Dương I - khu vực 2; Phúc Yên, Đồng Sóc, Tam Dương II - Khu A và Chấn Hưng; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường - giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, tạo quỹ đất sạch thu hút FDI vào các KCN trong thời gian tới.

UBND tỉnh có kế hoạch huy động vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu, nhất là hạ tầng về giao thông nối liền giữa các KCN với hệ thống giao thông của Tỉnh, kết nối giữa tỉnh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống điện hiện có, đáp ứng nhu cầu về điện sản xuất cho các KCN. Mở rộng và nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn Tỉnh, cải tạo, nâng cấp hệ thống viễn thông tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện, nâng cấp các trạm bưu điện khu vực, đặc biệt là ở các KCN và khu dân cư mới. Phát triển công nghệ thông tin - viễn thông đồng bộ cả về hạ tầng, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là, làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI vào các KCN.

Tiến hành ra soát lại hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư vào các KCN nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quan của hệ thống văn bản pháp. Đẩy mạnh cải cách hành chính đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với FDI, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư. Phát huy vai trò của Ban quản lý các KCN trong việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật (việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư); phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN để có cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp FDI.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho thu hút đầu tư FDI; Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN; thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng lao động chất lượng cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano; các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh gồm có cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới, đầu tư phát triển bất động sản KCN.

4. Kết luận

Với cơ chế, chính sách phù hợp, những năm qua thu hút vốn FDI vào các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng tăng cả về quy mô vốn, đối tác đầu tư, và lĩnh vực đầu tư... Bên cạnh những thành công, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như tình trạng mất cân đối đầu tư giữa các KCN, lĩnh vực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KCN. Vì vậy, để tăng cường thu hút FDI vào các KCN cần thực hiện có hiệu quả một số chính sách cơ bản trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021.
  2. Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (2022). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
  3. Đinh Thị Thủy (2021). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 5/2021.
  4. Nguyễn Quang Vinh (2020). Hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tạp chí Công Thương, số 10, tháng 5/2020, tr.15-18.

Attracting foreign direct investment into Vinh Phuc province’s industrial parks: Current situation and policy implications

Nguyen Manh Hien

Tank and Armored Officer School

Abstract:

This paper analyzes the current foreign direct investment (FDI) flows into industrial zones in Vinh Phuc province. Based on the Provincial Industrial Parks Management Board’s data from 2016 to now, the paper points out the successes and limitations  of Vinh Phuc provincee’s FDI attraction. The paper also proposes some policy implications to help the province attract more FDI into its industrial parks in the coming time.

Keywords: industrial park, FDI, foreign direct investment, Vinh Phuc province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022]