Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong việc thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Bình Thuận

NGUYỄN THỊ THIÊN LÝ (Cục Thuế tỉnh Bình Thuận)

TÓM TẮT:

FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển và cùng với quá trình hội nhập sâu, rộng, nền kinh tế thế giới tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa liên thông”, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư ngoài nước,… đã thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Thuận. Bài viết đánh giá những thành tựu trong thu hút doanh nghiệp FDI tỉnh Bình Thuận, từ đó đề ra những giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả thu hút các doanh nghiệp FDI với quy mô lớn và công nghệ hiện đại phục vụ cho mục tiêu phát triển - xã hội của tỉnh trong những năm tới.

Từ khóa: thu hút doanh nghiệp FDI, quản lý các doanh nghiệp FDI, tỉnh Bình Thuận.

1. Thành tựu đạt được trong thu hút doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bình Thuận

Trong những năm qua, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hoạt động thu hút FDI trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2021 có 117 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 3,39 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,59 tỷ USD, lĩnh vực du lịch - dịch vụ có 60 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,74 tỷ USD và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có 11 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,06 tỷ USD. Như vậy, tính bình quân vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 28,95 triệu USD/dự án và số lượng các dự án đầu tư tăng dần qua các năm nhưng đến năm 2020 và năm 2021, do tác động dịch Covid-19, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị ảnh hưởng dẫn đến việc thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh bị chững lại và giảm mạnh, cụ thể như năm 2020 có 6 dự án, giảm 3 dự án so với năm 2019 và sang năm 2021 có 1, giảm 5 dự án so với năm 2020.

FDI góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh, năm 2021, quy mô GRDP đạt 86.723 tỷ đồng, bằng gấp 3,83 lần năm 2010, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đứng thứ 4/8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2020 đạt 7,34%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (tăng 0,43%), mặc dù năm 2020 - 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt năm 2020 là 4,55% cao hơn mức bình quân của cả nước (tăng 2,97%) và năm 2021 là 2,77% (tăng 0,19%). Trong đó, khu vực kinh tế có sự tăng trưởng mạnh nhất trong cả giai đoạn 2011 - 2021 là ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt bình quân 15,76%/năm, tiếp đến ngành Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản đạt bình quân 12,22%/năm và ngành Dịch vụ đạt bình quân 10,37%/năm. (Biểu đồ 1)

Trong giai đoạn 2011 - 2021, các khu vực kinh tế góp phần vào sự phát triển của tỉnh không có sự thay đổi nhiều, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu từ kinh tế ngoài nhà nước, trong đó khu vực FDI chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế (từ 1,05% năm 2010 lên 3,4% năm 2015, đến năm 2020 giảm còn 2,71% và năm 2021 là 2,75%), song cũng có tốc độ tăng trưởng ở mức khá, đạt bình quân 22,81%/năm trong cả giai đoạn 2011 - 2021. (Biểu đồ 2)

FDI góp phần trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư của tỉnh hiệu quả với tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2021 đạt 244.846 tỷ đồng, bình quân đạt 22.259 tỷ đồng/năm. Trong đó, khu vực FDI giai đoạn 2011 - 2021: 15.071 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2015: 1.366 tỷ đồng, giai đoạn 2016 -2020: 11.652 tỷ đồng và năm 2021: 2.053 tỷ đồng); cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2011 - 2021: 6,16% (giai đoạn 2011-2015: 1,82%, giai đoạn 2016 - 2020: 8,87% và đến năm 2021: 5,5%) và tốc độ tăng vốn đầu tư nước ngoài (giá so sánh năm 2010) giai giai đoạn 2011 - 2015: (9,12%); giai đoạn 2016 - 2020: 87,61% và đến năm 2021: 22,82%. (Biểu đồ 3)

2. Một số vấn đề đặt ra trong thu hút doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bình Thuận

Trong cơ chế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất - kinh doanh trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận. Các nhà đầu tư luôn tính toán để đưa ra lựa chọn tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc lựa chọn địa điểm đầu tư, ngành nghề đầu tư (nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ). Việc chưa xác định chính thức quy hoạch phát triển đối với một số ngành chủ lực của tỉnh dẫn đến các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ so với ngành nông nghiệp, ngoài ra một số ngành có sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư thì gần như bão hòa với nhu cầu đầu tư trên thị trường.

Qua cơ cấu khu vực kinh tế của tỉnh cho thấy khu vực FDI có tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Điều này cho thấy môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của địa phương chưa hiệu quả, chưa có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Một số dự án FDI trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung ở một vài công đoạn đối với những ngành sử dụng lao động để gia công, lắp ráp, chế biến, chưa có đầu tư của khu vực FDI vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI “gia công” mặc dù làm tăng giá trị xuất khẩu, nhưng cũng dẫn đến việc gia tăng được giá trị nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp FDI vẫn còn diễn ra hành vì trốn tránh nghĩa vụ tài chính, lợi dụng khe hở chính sách để được hưởng ưu đãi, chuyển giá để gian lận, trốn thuế gây thất thoát cho nguồn ngân sách nhà nước.

3. Giải pháp thu hút các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Để thu hút các doanh nghiệp FDI tỉnh Bình Thuận nói riêng và tại Việt Nam nói chung đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến công tác quản lý nhà nước về FDI. Trong điều kiện hợp tác, cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay, công tác quản lý nhà nước về FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng giai đoạn đề ra. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với thu hút và sử dụng FDI, thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu như sau:

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đến các đối tác nước ngoài; đẩy mạnh xúc tiến việc quảng bá tạo cơ hội thu hút đầu tư, trọng tâm là tuyên truyền, quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh như cải tiến các website để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tinh, trang xúc tiến đầu tư và hợp tác,…

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách khuyến khích của tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển mạnh các loại hình du lịch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu… Tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện các thủ tục đơn giản, nhanh chóng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoàn thiện công tác quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch quốc gia.

Tăng cường thu hút FDI từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bởi đây là yếu tố quan trọng để tiếp cận được công nghệ hiện đại, nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI cố tình sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; hợp tác với nhau để làm giá, chuyển giá gây thoát thoát ngân sách nhà nước. Để làm được điều này, tỉnh cần phải đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, kiểm soát có trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất để kịp thời phát hiện những sai phạm.

4. Kết luận

Trong những năm qua, với những thành tựu đạt được trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp thu được kinh nghiệm quản lý, tiếp nhận, vận hành các trang thiết bị, dây truyền sản xuất công nghệ tiên tiến, hiện đại. Điều này đã góp phần làm cho quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận được nâng lên, tính tự chủ và chất lượng nền kinh tế từng bước cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn.

Trước tình hình dịch Covid-19 có quy mô tính chất toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định do ảnh hưởng xung đột chính trị, trong khi Bình Thuận cũng như các phần lớn các địa phương trong cả nước có khả năng tích lũy đầu tư còn hạn chế. Thực tiễn cho thấy, Bình Thuận còn chưa tự cân đối được ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển từ ngân sách còn rất hạn chế. Để đầu tư phát triển, nguồn lực huy động chủ yếu là từ khu vực ngoài nhà nước trong tỉnh cũng như ngoại tỉnh. Vì vậy, sự quan tâm và thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực hiện các quy định pháp lý và luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án FDI, đa dạng hóa, tích cực, linh hoạt xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm yêu cầu lựa chọn, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê Bình Thuận (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.
  2. Cục Thống kê Bình Thuận (2022). Niêm giám thống kê tỉnh Bình Thuận năm 2021.
  3. Phạm Tuyên (2018). Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong thu hút FDI vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tạp chí Công Thương, số 12, tháng 9/2018.
  4. Trần Minh Hoàng và Lê Thế Anh (2021). Tăng cường quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, tháng 4/2021.
  5. Sở Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Achievements and issues of Binh Thuan province in attracting foreign direct investment

Nguyen Thi Thien Ly

Tax Department of Binh Thuan Province

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) is an important additional source of capital to the total development investment capital, and FDI is considered a driving force for the socio-economic development process. Binh Thuan province has made great efforts in improving provincial infrastructure, adjusting and supplementing a number of preferential policies, reforming administrative procedures through the “one-stop shop” mechanism, organizing foreign investment promotion conferences and seminars, etc. to attract more FDI into the province. This paper evaluates Binh Thuan province’s FDI attraction achievements. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help the province better attract large-scale and modern technology FDI projects in the coming time.

Keywords: attract FDI enterprises, management of FDI enterprises, Binh Thuan Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]