Tập trung “gỡ khó” để phát triển cụm công nghiệp

Theo thống kê của Cục Công Thương địa phương, nhiều địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trong 2 năm 2022 -2023, Bộ Công Thương đã có 4 cuộc hội nghị lấy kiến về công quản lý cụm công nghiệp. Tại 2 Hội nghị về "Cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp" lần này được tổ chức tại Bà Rịa Vũng Tàu ngày 21/4 và tại Nam Định ngày 24/4, Cục Công Thương địa phương, sẽ giới thiệu Nghị định thay thế cho những nghị định đã ban hành trước đó.

Cụm công nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới

Theo Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương, hiện nay, công tác quản lý cụm công nghiệp (CCN) đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và pháp luật liên quan.

Việc ban hành, tổ chức thực hiện các Nghị định nêu trên thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong CCN. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển CCN tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào CCN. Công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Cục Công Thương địa phương, nhiều địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ CCN trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển CCN đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.

 Các CCN trên cả nước thu hút được trên 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 770.000 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; các CCN còn góp phần tích cực trong việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Những bất cập trong quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp

Hiện, công tác quản lý, phát triển CCN còn một số khó khăn, tồn tại, như: Tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các CCN nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN chưa được cải cách đáng kể gây tốn kém thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp; cơ quan đầu mối quản lý CCN trên địa bàn (Sở Công Thương, phòng chuyên môn quản lý công thương cấp huyện) chưa phát huy tốt vai trò, hiệu quả quản lý; một số nội dung quản lý còn thiếu đồng bộ với pháp luật mới ban hành thời gian gần đây (như: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,…), hoặc một số nội dung chưa có quy định hướng dẫn rõ…

Báo cáo của một số địa phương tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Khối Công Thương địa phương mới đây, một số địa phương nêu khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP.

Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN; quy hoạch chi tiết đã phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư do Luật đầu tư số 2020 quy định; đối với dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là UBND cấp tỉnh…

Khó khăn nữa là, vướng mắc liên quan đến áp dụng pháp luật đất đai. Cụ thể, theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành (Luật Đất đai, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai), đối với tổ chức sự nghiệp công lập, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng,..

Trên thực tế, tại các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN đa số chưa tự chủ được tài chính (không được thuê đất, cho thuê lại đất).

Vì vậy, các địa phương gặp khó khăn do pháp luật đất đai không quy định rõ việc cho thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN trong trường hợp này.

Hiện nay, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xử lý chuyển giao các CCN do nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang DN làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Mặt khác, việc chủ trì tham mưu phát triển CCN, ngành nghề sản xuất kinh doanh trong CCN trên địa bàn cấp tỉnh (xác định mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành nghề sản xuất kinh doanh,...) thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương, nhưng việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh vào CCN theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về CCN trên địa bàn.

Ngoài ra, một số nội dung, quy định trong quá trình thực hiện, cũng cần có nghiên cứu đề xuất sửa đổi (về phương án phát triển CCN, thành lập, mở rộng, đầu tư, thu hút đầu tư CCN; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển CCN,…) hoặc bổ sung quy định mới (như: điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN, thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo pháp luật đầu tư công, các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo pháp luật xây dựng…) cho phù hợp với thực tiễn quản lý hiện nay.

Sẽ ban hành Nghị định thay thế

Theo Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương, để khắc phục các tồn tại này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, phát triển CCN hiện nay thì việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (tại Văn bản số 1294/VPCP-CN ngày 01/3/2023 của Văn phòng Chính phủ) về việc đồng ý Bộ Công Thương xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, trình Chính phủ vào Quý II/2023. Đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành các bước xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN thay thế Nghị định trước đây.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển CCN nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Thăng Long