hoa chat
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (24/6/1962)

Hành trình hơn 5 thập kỷ với nhiều mốc son

Ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã hình thành và phát triển từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là giai đoạn khó khăn và đầy thử thách của đất nước nói chung và ngành Hóa chất nói riêng. Các thế hệ CBCNV của ngành Hóa chất vừa lao động, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu trong điều kiện hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhưng với lòng dũng cảm và sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, công nghiệp hóa chất vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Một trong những thành tựu quan trọng là đã xây dựng được các nhà máy lớn như Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Hóa chất Việt Trì, Nhà máy Phân lân Nung chảy Văn Điển và các nhà máy khác.

Sự kiện Tổng cục Hóa chất được thành lập ngày 19/8/1969 là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Công nghiệp hóa chất. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đã được tập trung và phát triển có chiến lược. Trong vòng 10 năm (1965-1975) vừa chiến đấu, vừa sản xuất công nghiệp hóa chất vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể. Giá trị tổng sản lượng năm 1975 bằng 2,25 lần so với năm 1965. Thời kỳ này công nghiệp hóa chất là một trong những ngành thể hiện rõ rệt tính chủ đạo công nghiệp quốc doanh với 24 nhà máy xây dựng mới trong vòng 1 thập kỷ. Các doanh nghiệp nhà nước đã đảm bảo gần 70% giá trị tổng sản lượng toàn ngành.

Giai đoạn 1981-1985, giá trị tổng sản lượng 1985 bằng 2,8 lần so với 1980, đưa công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp có tỷ trọng cao nhất, chiếm 10,6% ngành công nghiệp.

Thực hiện đường lối của Đảng, bước vào kế hoạch 5 năm 1991-1995, ngành Hóa chất đã có chuyển biến căn bản khi chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự chuyển đổi mạnh mẽ, công nghiệp hóa chất đã thực sự chuyển mình về cả lượng và chất, đây là thời kỳ tạo ra tiền đề rất quan trọng để ngành phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 1995, Tổng Công ty Hóa chất được thành lập theo mô hình Tổng công ty 91. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn vì đa số các nhà máy thuộc Tổng công ty có công nghệ thiết bị cũ, cán bộ quản lý không có điều kiện cập nhật kiến thức mới, đầu tư sở hữu công nghệ thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Thiếu thông tin thị trường, thị trường nông sản trong nước chưa phát triển, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của khu vực cũng như xung đột chính trị ở Trung Đông làm Tổng Công ty mất đi một số khách hàng truyền thống, hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Tổng Công ty đã chủ động, sáng tạo đưa tổng công ty vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trong 5 năm 1996-2000 tốc độ tăng trưởng bình quấn đạt 15,6% và là đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trong ngành công nghiệp. Năm 2000 giá trị tổng sản lượng bằng 2,14 lần, doanh thu bằng 2 lần so với năm 1996, nộp ngân sách và lợi nhuận không ngừng tăng lên.

Thực hiện Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 năm 2001-2005 với mục tiêu từng bước xây dựng ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, hình thành các khu công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất cơ bản quy mô lớn, với công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong nước, đáp ứng thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Giai đoạn này đã có nhiều dự án được đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.

ban chap hanh
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025

Thực hiện quyết định số 89/QD-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp lớn cho việc bảo đảm cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giữ vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất phân bón và một số lĩnh vực then chốt cho nền kinh tế, giai đoạn này Tổng Công ty tập trung nghiên cứu triển khai đầu tư một số dự án lớn như dự án DAP Hải Phòng, dự án Nhà máy tuyển Bắc nhạc Sơn...

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tập trung khai thác có hiệu quả các dây chuyền sản xuất hiện có, nhờ đó trong 3 năm 2006-2009 Tổng Công ty đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 tăng 22,5%, doanh thu tăng 54,5%, lợi nhuận tăng 2,78 lần, vốn chủ sở hữu tăng 1,07 lần so với năm 2006. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Ngày 23/12/2009 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2179/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Năm 2010, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, đây là dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của Tập đoàn. tạo ra thế và lực mới để phát triển ngành hóa chất trong thế kỷ mới, Tập đoàn tiếp tục vai trò nòng cốt trong việc phát triển lĩnh vực hóa chất phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước, khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu.

Kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua 3 năm triển khai kế hoạch 2011-2013 sản xuất kinh doanh của Vinachem cơ bản đạt mục tiêu đề ra, các chỉ tiêu chính đạt kế hoạch và có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận đạt khá, đặc biệt mặc dù chịu sự bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Trong điều kiện thị trường còn khó khăn, giá các loại sản phẩm giảm mạnh, chi phí tăng cao, cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của Vinachem giai đoạn 2016-2018 vẫn có tăng trưởng về doanh thu, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, thu nhập bình quân được cải thiện.

Ngày 5/1/2018 Thủ tướng chính Phủ ban hành Quết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Đề án chỉ rõ mục tiêu phát triển: Bảo đảm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính. tập trung sản xuất kinh doanh hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ cho công nghiệp tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn. Hiện nay Tập đoàn đang quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ hướng tới xây dựng Tập đoàn ngày càng chuyên nghiệp và phát triển bền vững.

Những thương hiệu mạnh khẳng định vị thế ngành Hóa chất

pin con o
Pin Con Ó và Ắc quy Đồng Nai - sản phẩm của Pianco đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước suốt 45 năm qua

Với vai trò nòng cốt trong ngành công nghiệp Hoá chất, Vinachem đã tạo thuận lợi cho việc chủ động đầu tư, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, xây dựng nên các thương hiệu mạnh. Những cái tên như Pin Văn Điển, Phân Lân Văn Điển, Supe Phốt phát Lâm Thao, Phân bón Đầu trâu (Bình Điền); Pin Con Ó (Pinaco); Săm lốp CASUMINA, DRC, SRC; các sản phẩm tẩy rửa mang thương hiệu Bột giặt LIX, Bột giặt NET, các sản phẩm thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ dại, bảo quản kho tàng mang thương hiệu VIPESCO ngày càng có sức lan tỏa trên thị trường và đi sâu vào lòng người tiêu dùng.

Những năm qua, việc cơ cấu lại và đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên; kinh doanh tập trung vào ngành nghề chính; huy động được các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trọng điểm, các chiến lược phát triển quan trọng; tích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, tay nghề của đội ngũ công nhân kỹ thuật và người lao động trong các doanh nghiệp đã giúp những thương hiệu trong Tập đoàn không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường nội địa, mà còn có chỗ đứng vững chắc ở nhiều thị trường nước ngoài.

thap hoa chat
Tháp axit sunfuric tại Nhà máy Hóa chất Tân Bình 2, Công ty CP Hóa chất Cơ bản Miền Nam

Có thể nói, một trong những thành tựu nổi bật suốt 52 năm qua là công tác ứng dụng, làm chủ khoa học công nghệ triển khai mạnh mẽ và liên tục trong toàn Tập đoàn đã góp phần tích cực đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động… Các doanh nghiệp của Vinachem đã tích cực đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị đồng thời chủ động tham gia các chương trình, đề án trọng điểm về khoa học công nghệ; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong sản xuất.

Nhiều công nghệ tiên tiến đã được đầu tư và khai thác có hiệu quả tại Tập đoàn

Trong lĩnh vực sản xuất săm lốp, công nghệ sản xuất lốp ô tô radial đã được đầu tư áp dụng tại các nhà máy sản xuất cao su của Tập đoàn (Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Miền Nam) với dây chuyền thiết bị hiện đại, cho phép tạo ra sản phẩm lốp radial bán thép và toàn thép đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

san xuat lop cao su
Nhà máy sản xuất lốp radial, Công ty CP Cao su Đà Nẵng với trang thiết bị và dây chuyền hiện đại thuộc hàng bậc nhất thế giới

Trong lĩnh vực khai thác quặng apatit, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ lọc quặng tinh tuyển đồng thời sử dụng thiết bị công nghệ mới trong công tác khai thác quặng 1, quặng 2 giúp tăng sản lượng khai thác, tăng hệ số thu hồi tài nguyên và đảm bảo chất lượng quặng khai thác. Trong 5 năm trở lại đây, hệ số thu hồi tài nguyên trong khai thác quặng 1, quặng 2 tăng khoảng 7-8%, tương ứng với tăng sản lượng quặng khai thác được từ 80.000 đến 100.000 tấn/năm trên cùng trữ lượng địa chất.

Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã đầu tư, ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón NPK một hạt trên nền tảng urea hóa lỏng giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng; tăng độ tan của phân bón, cho phép đa dạng hóa công thức phối liệu, giảm chi phí sản xuất và giá thành. Nhờ các sản phẩm NPK được tạo ra từ công nghệ sản xuất mới, người nông dân có thể sử dụng phù hợp với từng điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

phan bon binh dien
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân bón Bình Điền

Trong lĩnh vực sản xuất xút - clo, các công ty của Tập đoàn (Hóa chất Việt Trì, Hóa chất Cơ bản Miền Nam) đã áp dụng công nghệ, thiết bị điện phân hiện đại, được điều khiển tự động (công nghệ Màng trao đổi ion – Membrane) cho phép tạo sản phẩm có chất lượng cao, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, đảm bảo môi trường và đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Công nghệ mới cho phép tiết kiệm khoảng hơn 14% lượng điện năng tiêu thụ (vốn chiếm tỷ trọng cao 40% trong cơ cấu chi phí sản xuất của sản phẩm).

Một số công nghệ điều khiển tự động, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp của Tập đoàn.

Với bề dày truyền thống gắn bó, những thành tích đã đạt được, cùng với những bài học kinh nghiệm được kế thừa trong suốt 52 năm xây dựng và phát triển của Vinachem, các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn luôn nỗ lực trở thành những thương hiệu mạnh, đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm vừa thân thiện môi trường vừa có tính cạnh tranh cao.

Trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam luôn phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, nắm bắt thời cơ, vận hội, thi đua phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành hoá chất Việt Nam, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội ; đảm bảo những cân đối lớn về hàng hoá cho nhu cầu của nền kinh tế.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu thi đua và nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2004, 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1999, 2014); nhiều Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và danh hiệu Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân; cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ban ngành Trung ương…

52 năm qua ngành Hóa chất Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn của một chặng đường đầy thử thách cũng như đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận để đến hôm nay ngành hóa chất Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ công nghiệp Hóa chất đang đứng trước những thử thách gay gắt trong quá trình đổi mới phát triển chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ tiếp tục chú trọng công tác phát triển nguồn lực chất lượng cao, tăng cường công tác quản trị, đưa ra cơ chế đúng đắn trong phát triển khoa học công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh với các công ty trong khu vực và trên thế giới.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam sẽ luôn nỗ lực giữ vững vai trò nòng cốt trong lĩnh vực Hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khai thác triệt để thế mạnh các tài nguyên, chủ động được nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Vinachem ra thị trường thế giới.