Tạo lập “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP; Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2026; Ban hành Thông tư Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP… qua đó, giúp tạo lập một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp Việt Nam.

thị trường xuất khẩu

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

 Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.

Chúng ta đã duy trì, thúc đẩy hợp tác song phương với các nước đối tác lớn, các đối tác truyền thống nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2026; Ban hành Thông tư Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP… qua đó, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả của Hiệp định, giúp tạo lập một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới.

Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

Năm 2023, trước thực trạng đầu quý IV/2022, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá bắt đầu chịu ảnh hưởng khi khó khăn kinh tế ở các nước phát triển ngày càng trầm trọng, lạm phát ở châu Âu ở mức cao, sức mua giảm sút rõ rệt ở hai thị trường lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu khi người dân tập trung cho nhu cầu chi tiêu lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu thay vì các mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh; số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Bộ Công Thương xây dựng các giải pháp tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững; đi đôi với nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện trong hợp tác với các tổ chức quốc tế:

Hợp tác trong ASEAN

 Tiếp tục duy trì vai trò của một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương theo luật lệ thông qua thúc đẩy việc hội nhập kinh tế nội khối ASEAN và đóng góp cho sự hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác. Ngoài ra, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hợp tác nội khối, tham gia tích cực việc triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 nhằm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngày càng vững mạnh trong tương lai, đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA, xây dựng quan điểm của ASEAN về những vấn đề mới trong FTA như lao động, môi trường, bình đẳng giới, v.v... cũng như cách tiếp cận định hướng cho hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác chưa phải là đối tác đối thoại và những đối tác khác có quan hệ đi quá FTA/Đối tác Kinh tế toàn diện đồng thời nâng cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN.

Xây dựng phương án tham dự các Hội nghị cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thường niên. Tiếp tục xây dựng phương án và tham dự các cuộc họp các cấp nhằm tiếp tục thảo luận và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong khuôn khổ hợp tác kinh tế ASEAN như các Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN thường niên; Hội nghị Ủy ban điều phối thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; Hội nghị của Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN và nhiều cuộc họp kỹ thuật, chuyên ngành khác.

Hợp tác trong APEC - ASEM

- Về hợp tác APEC: Tiếp tục thúc đẩy các kết quả quan trọng của APEC 2017, duy trì đà hợp tác và phát huy vai trò của APEC trong việc tiếp tục đi đầu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, ủng hộ MTS dựa trên luật lệ, đảm bảo thương mại, đầu tư tự do và mở, góp phần hỗ trợ các nền kinh tế đối phó với khủng hoảng bao gồm tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với thị trường năng lượng và lương thực toàn cầu, phục hồi kinh tế hậu Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tranh thủ ủng hộ rộng rãi và tăng cường phối hợp với các thành viên APEC để xử lý phù hợp, khéo léo các vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế - thương mại của ta. Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của ta với các thành viên APEC.

- Về hợp tác ASEM: Phối hợp với các thành viên ASEM và thông qua kênh SOM của Ngoại giao thúc đẩy việc sớm tổ chức Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Thương mại và Đầu tư (SOMTI) và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM nhằm kết nối các hoạt động hợp tác kinh tế Á - Âu, góp phần tăng cường và phát triển quan hệ đối tác giữa hai khu vực.

Phối hợp quan điểm với Bộ Ngoại giao về các nội dung tham gia của Việt Nam tại các Hội nghị trong khuôn khổ ASEM năm 2023, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEM 14 sẽ được tổ chức tại Châu Âu.

Hợp tác trong WTO

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và các Bộ, ngành hữu quan chuẩn bị nội dung và tham dự hoặc cung cấp thông tin để đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ tham gia một số phiên họp thường kỳ của WTO.

- Tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai các kết quả sau Hội nghị MC12.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chuẩn bị nội dung, xây dựng phương án tham dự Hội nghị MC13, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chuẩn bị nội dung, xây dựng phương án và tham gia các phiên đàm phán đối với các nội dung còn chưa đạt được đồng thuận trong đàm phán Trợ cấp Thủy sản của WTO.

- Tiếp tục chủ trì theo dõi tình hình thảo luận các nội dung liên quan đến cải cách WTO và xây dựng dự kiến quan điểm của Việt Nam và tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số diễn biến, tình hình thảo luận mới. 

Công tác FTA

- Tiếp tục chủ trì đôn đốc, phối hợp với các đơn vị và Bộ, ngành trong việc sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

- Tiếp tục chủ trì thúc đẩy các Bộ, ngành có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng phương án, quan điểm của Việt Nam liên quan đến việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh; việc gia nhập của các nền kinh tế khác; tham gia các phiên họp của các Ủy ban chuyên môn.

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung, tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

- Đối với các Hiệp định đang đàm phán, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng phương án và tham dự các phiên đàm phán tiếp theo trong khuôn khổ Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA, và FTA giữa Việt Nam và I-xra-en để sớm kết thúc đàm phán trên cơ sở cân bằng lợi ích của các bên.

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, đơn vị có liên quan trong việc nghiên cứu về khả năng đàm phán FTA giữa Việt Nam và UAE.

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị và Bộ, ngành xây dựng phương án của Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada, hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ốt-xtrây-lia - Niu Di-lân (AANZFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và rà soát, nâng cấp các FTA ASEAN + khác theo hướng đảm bảo lợi ích của Việt Nam và ASEAN.

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị và Bộ, ngành xây dựng quan điểm của Việt Nam trong việc thảo luận với các nước ASEAN và Hàn Quốc về Báo cáo rà soát Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).

- Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực thi Hiệp định các FTA trong khuôn khổ ASEAN, các FTA ASEAN+ và Hiệp định RCEP;

- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung, tham dự các phiên họp Ủy ban thực thi Hiệp định RCEP;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, gồm các FTA trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP cho các đối tượng có liên quan (đặc biệt là cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp,...) để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi có hiệu quả hiệp định, tăng cường thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thách thức khi áp dụng Hiệp định.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP, đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch này nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần củng cố chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế ASEAN hậu đại dịch Covid-19.

Cát Căn