Tăng cường kết nối, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo

Hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022” được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, có lợi thế và tiềm năng tại các địa bàn miền núi và hải đảo.

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại và Vụ Thị Trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022”.

Đây là hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này.

Quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo

Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được của Chương trình trong giai đoạn 2015 - 2020, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, kết nối bám sát mục tiêu và nội dung của Chương trình, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, hình thành đội ngũ doanh thương nhân, các loại hình doanh nghiệp và bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng hiện đại, bền vững.

Hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022” được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, có lợi thế và tiềm năng tại các địa bàn miền núi và hải đảo; cung cấp các thông tin về thực trạng và tiềm năng sản xuất - kinh doanh các sản phẩm của các huyện miền núi, huyện đảo, làm tăng hiệu ứng lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm miền núi và hải đảo và thu hút đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các huyện miền núi, huyện đảo.

hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là những địa bàn tập trung nhiều vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao.

Các chính sách này bước đầu mang lại những kết quả tích cực; diện mạo khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã từng bước thay đổi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đáng kể. Kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, các ngành kinh tế địa phương như thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đều phát triển so với trước đây.

“Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã giảm đáng kể, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực” - ông Hoàng Văn Dự cho hay.

hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng trên thực tế, tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo rất lớn bởi diện tích, vị trí địa lý trải dài từ Bắc tới Nam, từ miền núi đến hải đảo với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng.

Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

“Đáng chú ý, nhờ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo ra cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây” - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Hội nghị đã được xem clip phóng sự về thực trạng, tiềm năng sản xuất kinh doanh sản phẩm của các huyện miền núi và huyện đảo và các báo cáo tham luận: “Một số giải pháp để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước” của đại diện Cục Công Thương Địa phương - Bộ Công Thương; tham luận “Nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm truyền thống nhằm góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân miền núi” của đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tham luận “Thực trạng phát triển sản phẩm hàng hóa tại xã miền núi Ngọc Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc và những định hướng trong thời gian tới”của đại diện tỉnh Vĩnh Phúc.

hội nghị phát triển thương mại miền núi, hải đảo
 Ông Phạm Nguyên Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương phát biểu kết luận tại Hội nghị

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Phạm Nguyên Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhấn mạnh: “Hội nghị đã cho cái nhìn tổng quan về tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vùng miền tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy phát triển thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, những đề xuất và định hướng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tiếp theo”

Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực này.

hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo
Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai Chương trình

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu cụ thể của chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%.

hội nghị quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo

Chương trình được triển khai thực hiện trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những khu vực có đặc thù địa lý xa xôi, mật độ dân cư thưa thớt, hạ tầng chưa phát triển và nội lực còn hạn chế, gây nhiều trở ngại cho việc thu hút đầu tư và phát triển thương mại.

Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai Chương trình; đề xuất các hình thức tuyên truyền, quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời kiến nghị một số giải pháp, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.

Huyền My