Tác động lan tỏa của hoạt động R&D đến năng lực đổi mới sáng tạo của ngành Công nghiệp chế tạo ở Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu nhằm phân tích tác động lan tỏa của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đến năng lực đổi mới sáng tạo của ngành Công nghiệp chế tạo ở Việt Nam. Bằng mô hình hồi quy không gian với dữ liệu của 38 ngành phân theo IO từ năm 2010 đến năm 2014, nghiên cứu khám phá được cả tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động R&D lên năng lực cải tiến đổi mới cấp ngành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác động lan tỏa nội ngành trực tiếp từ hoạt động R&D của doanh nghiệp lên năng lực đổi mới sáng tạo cấp ngành, thay vì tác động lan tỏa liên ngành. Nghiên cứu không chỉ kiểm định được tác động lan tỏa này dưới góc độ lý thuyết, mà còn đưa ra được một số hàm ý chính sách, nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp chế tạo ở Việt Nam.

Từ khóa: cải tiến đổi mới, tác động lan tỏa, R&D, công nghiệp chế tạo.

1. Đặt vấn đề

Dưới góc độ lý thuyết, vai trò của đổi mới sáng tạo luôn được nhấn mạnh trong các lý thuyết về tăng trưởng (Romer, 1986). Trong thực tiễn, sự thành công của các nước công nghiệp mới (NICs) ở châu Á cũng đã khẳng định được vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số xếp hạng về năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn khá thấp. Theo (INSEAD, 2016), Việt Nam xếp thứ 59 nước trên 128 nước được khảo sát về năng lực đổi mới sáng tạo, sau Singapore ở vị trí thứ 7 và cả Malaysia ở vị trí thứ 33 và Thái Lan ở vị trí thứ 48. Vì vậy, các nghiên cứu nhằm thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh của Việt Nam là rất cần thiết.

Nghiên cứu và phát triển (R&D) được xem là hoạt động tạo ra các tác động lan tỏa tích cực, góp phần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo. Theo Aghion and Jaravel (2015), đổi mới sáng tạo ở một doanh nghiệp hay một ngành có thể có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp hay ngành khác. Các nhà kinh tế (Cohen and Levinthal, 1989; Onodera, 2009) cũng đã khẳng định vai trò của hoạt động nghiên cứu và phát triển đối với khả năng hấp thu công nghệ của doanh nghiệp cũng như khả năng lan tỏa đến năng lực đổi mới sáng tạo trong nội bộ ngành (lan tỏa nội ngành) cũng như của các ngành khác (lan tỏa liên ngành).

Tuy vậy, R&D là hoạt động khá tốn kém đối với mỗi doanh nghiệp, nếu không có cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt thì các doanh nghiệp sẽ không thúc đẩy hoạt động quan trọng này. Nghiên cứu này nhằm khám phá tác động lan tỏa nội ngành và liên ngành của hoạt động R&D đối với năng lực đổi mới sáng tạo ở 38 ngành thuộc ngành Công nghiệp chế tạo của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2014. Từ đó, nghiên cứu có thể đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo từ hoạt động R&D.

2. Cơ sở lý thuyết

Đổi mới sáng tạo có nhiều định nghĩa và cách phân loại khác nhau, trong đó định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất là của OECD (2005). Theo OECD (2005), đổi mới sáng tạo có thể được xem là việc giới thiệu mới hoặc cải tiến đáng kể các sản phẩm, quy trình sản xuất, phương thức truyền thông, phương thức tổ chức mới về thực tiễn kinh doanh, hoạt động sản xuất. Đổi mới sáng tạo cũng được phân chia thành nhiều hệ thống cấp độ khác nhau gồm Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia National Innovation System (NIS), hệ thống đổi mới sáng tạo cấp vùng Regional Innovation System (RIS), hệ thống đổi mới sáng tạo cấp ngành Sectoral Innovation System (SIS) (Malerba, 2002) và gần đây là hệ thống đổi mới sáng tạo ngành vùng Regional Open Sectoral Innovation System (ROSIS) ((Porto Gómez, Ortegi, & Zabala-Iturriagagoitiab, 2016).

Nghiên cứu sẽ phân tích tác động lan tỏa của hoạt động R&D lên năng lực đổi mới sáng tạo cấp ngành dựa trên đề xuất của Cohen and Levinthal (1989) về tích lũy tri thức khoa học công nghệ của doanh nghiệp như sau:

hoạt động nghiên cứu và phát triểnhoạt động nghiên cứu và phát triển

Dựa vào nền tảng này, nghiên cứu kiểm định các giải thuyết về tác động trực tiếp của hoạt động R&D lên cải tiến đổi mới trong nội bộ ngành đó và tác động gián tiếp của R&D từ các ngành khác lên hoạt động cải tiến, đổi mới của một ngành như sau:

H1­: Hoạt động nghiên cứu và phát triển ở ngành i có tác động tích cực đến cải tiến, đổi mới của chính ngành đó.

H2­: Cải tiến, đổi mới ở ngành i có thể nhận được sự lan tỏa tích cực từ hoạt động nghiên cứu và phát triển ở các ngành khác liên quan.

Giả thuyết nghiên cứu H1 có thể được sử dụng để kiểm định lý thuyết Marshall - Arrow - Romer (MAR) như được đề cập bởi Beaudry & Schiffauerova (2009) về giả thuyết về tác động lan tỏa nội ngành. Từ đó gợi mở ra việc hình thành các cụm công nghiệp gồm các doanh nghiệp trong cùng ngành. Giả thuyết nghiên cứu H2­ có thể kiểm định lý thuyết của Jacobs (1969) về tính lan tỏa tích cực của các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau nhưng có liên quan đến nhau.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu áp dụng mô hình hồi quy không gian (Spatial Durbin Model -SDM), một mô hình có hướng tiếp cận thích hợp để phân tích các tác động lan tỏa (Beer và Riedl, 2010) như sau:

hoạt động nghiên cứu và phát triển

Bảng 1. Mô tả các biến trong mô hình

đổi mới sáng tạo Các ngành trong nghiên cứu này được xác định dựa trên phân ngành 4 chữ số của VSIC. Doanh nghiệp được phân theo ngành sản xuất chính ở đây là ngành mà doanh nghiệp có giá trị sản xuất hoặc doanh thu cao nhất hoặc có số lượng lao động cao nhất. Để các nhóm ngành tương thức với các nhóm ngành trong Bảng cân đối liên ngành (Input/Output), nghiên cứu gộp các ngành Công nghiệp chế tạo theo VSIC thành 38 nhóm ngành tương ứng với các ngành trong Bảng Input/Output. Cuối cùng, nghiên cứu tạo được một dữ liệu bảng, với 190 quan sát từ năm 2010 đến năm 2014.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thực trạng đổi mới sáng tạo và hoạt động R&D ở ngành Công nghiệp chế tạo của Việt Nam

Hình 1: Tổng chi đầu tư và phát triển trên GDP ở các nước

đổi mới sáng tạo

Nguồn: Tổng cục Thống kê (http://www.gso.gov.vn)

Hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam mặc dù có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước (Hình 1). Hình 1 cho thấy, các nước phát triển có tỷ lệ chi cho đầu tư và phát triển ở mức cao hơn khá nhiều so với Việt Nam. Tỷ lệ này ở Việt Nam còn thấp hơn một vài nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan.

Hình 2: GERD của một số quốc gia theo nguồn cung ứng vào năm 2011

đổi mới sáng tạo

Nguồn: OECD.stat (http:stats.oecd.org)

Xét về nguồn cung ứng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chỉ Nga và Việt Nam là có nguồn cung ứng chủ yếu từ chính phủ (Hình 2). Trong khi phần lớn các nước khác thì hoạt động này chủ yếu do khối doanh nghiệp chi. Mặc dù là quốc gia rất tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khoản chi cho đầu tư và phát triển của khối nước ngoài thấp ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Hình 3: Cơ cấu phân bổ GERD vào năm 2011 của một số quốc gia

đổi mới sáng tạo

Nguồn: OECD.stat (http:stats.oecd.org)

Xét về cơ cấu phân bổ cho hoạt động đầu tư và phát triển, Việt Nam có sự khác biệt so với các nước khác khi phần lớn khoản chi này được phân bổ cho khối chính phủ thực hiện (Hình 3). Điều này trái ngược hoàn toàn so với một số nước như Hàn Quốc. Nếu như ở Hàn Quốc, 85,78% khoản chi đầu tư và phát triển được khối doanh nghiệp thực hiện thì ở Việt Nam, phần thực hiện của chính phủ chiếm đến 58,3%. Ở hầu hết các nước, việc thực hiện đầu tư và phát triển thuộc về khối doanh nghiệp.

4.2. Kết quả nghiên cứu từ mô hình Hồi quy không gian theo không gian ngành

Kết quả nghiên cứu từ Mô hình hồi quy không gian theo mô hình được đề cập ở mục 3 hầu như là thống nhất chặt chẽ với nhau. Bằng mô hình hồi quy không gian, nghiên cứu đã phân tách được tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động R&D lên đổi mới sáng tạo cấp ngành với kết quả được thể hiện ở Mô hình 1 và 2 (Bảng 1). Để kiểm soát những tác động do các cú sốc ở mỗi năm, nghiên cứu đã hồi quy mô hình kiểm soát các tác động cố định theo năm và được kết quả như Bảng 1. Kết quả cho thấy hoạt động R&D có tác động tích cực trực tiếp lên đổi mới sáng tạo cấp ngành ở cả mô hình cố định tác động theo năm với mức ý nghĩa thống kê 1%. Trong khi đó, nghiên cứu chưa tìm thấy tác động gián tiếp của hoạt động R&D đối với đổi mới sáng tạo cấp ngành.

Kết quả này cho thấy, hoạt động R&D của từng doanh nghiệp có thể có những đóng góp tích cực cho đổi mới sáng tạo của ngành mà doanh nghiệp đó hoạt động. Trong khi đó, với trường hợp dữ liệu nghiên cứu này, hoạt động R&D của doanh nghiệp chưa được tìm thấy có tác động đến đổi mới sáng tạo của các ngành khác. Tác động tích cực trực tiếp của R&D lên cả hoạt động đổi mới cũng như hoạt động cải tiến của một ngành đã ủng hộ giả thuyết của Cohen và Levinthal (1989) và Griliches (1992). Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng của tác động gián tiếp từ R&D lên hoạt động đổi mới hay cải tiến của ngành. Kết quả nghiên cứu này ủng hộ khung lý thuyết của Marshall đối với việc hình thành các nhóm doanh nghiệp cùng ngành nhờ những tác động lan tỏa tích cực nội ngành lên hoạt động cải tiến đổi mới của ngành.

Bảng 2. Kết quả mô hình Hồi quy không gian với tác động cố định theo năm (fixed year effects)

đổi mới sáng tạo

            Nguồn: Tính toán của tác giả

5.Kết luận và hàm ý chính sách

Hoạt động R&D của doanh nghiệp có thể có những tác động lan tỏa tích cực lên cải tiến đổi mới trong nội ngành. Ngành có càng nhiều doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D càng nâng cao được năng lực cải tiến, đổi mới. Tuy nhiên, theo phần tổng quan thực trạng ở mục 4.1, hoạt động R&D chủ yếu được đầu tư và thực hiện bởi khu vực nhà nước. Ngoài ra, thực trạng phản ánh tính thiếu kết nối trong hoạt động R&D giữa các bên như doanh nghiệp, trường đại học, chính phủ. Do đó, hoạt động R&D cần được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện ở cấp doanh nghiệp vì sự tham gia hiệu quả vào hoạt động R&D của doanh nghiệp không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp đó phát triển mà còn thúc đẩy được hoạt động cải tiến đổi mới cấp ngành của doanh nghiệp đó. Theo kinh nghiệm của một số nước, các chính sách hỗ trợ phù hợp cho hoạt động R&D trong doanh nghiệp có thể tạo ra những bước nhảy vọt về phát triển công nghệ. Nghiên cứu này tìm thấy tác động lan tỏa tích cực nội ngành của R&D gợi mở ra các chính sách thúc đẩy hoạt động R&D cho các doanh nghiệp hoạt động tốt trong ngành hướng đến bước nhảy vọt về khoa học công nghệ cho các ngành đó.

Các nước EU sử dụng các ưu đãi về thuế R&D để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động này. Singapore đẩy mạnh hoạt động R&D thông qua sử dụng chính sách tài chính và chính sách sở hữu trí tuệ trong thu hút doanh nghiệp FDI có đầu tư cho R&D. Ireland tạo cơ chế cho phép các cơ quan thuộc khu vực công kết nối với các ý tưởng đổi mới của doanh nghiệp để cung cấp các giải pháp sáng tạo cho nền kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản đã có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp như những ưu đãi về tín dụng, thuế và tài trợ trực tiếp. Nhật Bản còn dành nguồn ngân sách lớn hằng năm để hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao của doanh nghiệp. Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng những chính sách thúc đẩy cho hoạt động R&D ở các doanh nghiệp như trên để tạo tác động lan tỏa tích cực cho đổi mới sáng tạo cấp ngành, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong dài hạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aghion, P., & Jaravel, X (2015). Knowledge spillovers, innovation and growth. Economic Journal, 125(583), 533-573. https://doi.org/10.1111/ecoj.12199.
  2. Beaudry, C. & Schiffauerova, A. (2009). Who’s right, Marshall or Jacobs? The localization versus urbanization debate. Research Policy, 38, 318-337.
  3. Beer, C., & Riedl, A. (2010). Modeling Spatial Externalities: A Panel Data Approach. SSRN Electronic Journal. doi:10.2139/ssrn.1397106.
  4. Cohen W.M. & Levinthal D.A. (1989). Innovation and Learning: The two faces of R&D. The Economic Journal99 (397), 569-596.
  5. Đoàn Vân Hà (2019). Kinh nghiệm của Singapore về cải thiện môi trường đầu tư thu hút FDI vào R&D.  Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 200, 85-91. Truy cập https://hvnh.edu.vn/tapchi/vi/thang-1-19/doan-van-ha-kinh-nghiem-cua-singapore-ve-cai-thien-moi-truong-dau-tu-thu-hut-fdi-vao-rampd-247.html
  6. Griliches, Zvi (1992).  The Search for R&D Spillovers. Scandinavian Journal of Economics, 94 (0), 29-47.
  7. INSEAD (2016). The Global Innovation Index 2016: INSEAD. Rechieved from: www.globalinnovationindex.org.
  8. José Guimón (2010).  Policies to benefit from the globalization of corporate R&D: An exploratory study for EU countries, https://doi.org/10.1016/j. technovation.2010.08.001.
  9. Malerba, F. (2002). Sectoral systems of innovation and production. Research Policy, 31(2), 247-264. https://doi.org/10.1016/S0048-7333 (01)00.9-1
  10. OECD, 2005. Oslo Manual: Guidelines for Collecting and Interpreting Innovation Data, 3rd ed. Paris: OECD Publishing.
  11. Onodera, O. (2009). Trade and Innovation. OECD Journal: General Papers, 2008(4), 7-63. https://doi.org/10.1787/gen_papers-v2008-art24-en
  12. Porto Gómez, I., Ortegi, J. R., & Zabala-Iturriagagoitiab, J. M. (2016). ROSA, ROSAE, ROSIS: Modelling a Regional Open Sectoral Innovation System. Entrepreneurship & Regional Development, 28(1-2), 26-50. https://doi.org/10.1080/08985626.2015.1095946
  13. Romer, P. M. (1986). Increasing Returns and Long-Run Growth. Journal of Political Economy 94(5) World economic forum (2020). These countries spend the most on research and development. Rechieved from: https://www.weforum.org/agenda/2020/11/countries-spending-research-development-gdp.

THE SPILLOVER EFFECTS OF R&D ACTIVITIES ON THE INNOVATION CAPACITY OF VIETNAM’S MANUFACTURING INDUSTRIES

Ph.D. NGUYEN THI HOANG OANH

School of Economics, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This study investigates the spillover effects of research and development (R&D) activities on the innovation capacity of Vietnam’s manufacturing industries. By using the Spatial regression model with data of 38 manufacturing industries from 2010 to 2014, this study explores both direct and indirect impacts of R&D activities on the innovation capacity at sectoral level of manufacturing industries. The study’s results show that the R&D activities have the spillover effects at sectoral level on the intra-industry rather than the inter-industry. This study does not only explore the spillover effects of R&D activities from a theoretical perspective, but also provides some policy implications for promoting the  innovation capacity of Vietnam’s manufacturing industries.

Keywords: R&D, spillover effects, manufacturing industries.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8 năm 2022]