Tác động của xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị đến hành vi sử dụng thông tin hệ thống kế toán quản trị và hiệu quả tài chính trong các doanh nghiệp dệt may

VÕ TẤN LIÊM (Trường Đai học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này xem xét đặc điểm tâm lý của các nhà quản lý cấp cao (xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị) tác động như thế nào đến hành vi sử dụng thông tin của hệ thống kế toán quản trị (MAS) và hiệu quả tài chính trong các doanh nghiệp dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Nghiên cứu áp dụng lý thuyết quản trị cấp cao (Upper echelon theory - UET) vào lĩnh vực kế toán quản trị, cho biết ý nghĩa về sự phù hợp giữa đặc điểm tâm lý của nhà quản trị cấp cao và hành vi sử dụng thông tin hệ thống kế toán quản trị sẽ nâng cao hiệu quả tài chính của doanh nghiệp dệt may. Nghiên cứu sử dụng mô hình PLS-SEM để kiểm định các giả thuyết. Phân tích dựa trên mẫu của 167 CEO doanh nghiệp dệt may vừa và lớn tại TP.HCM cho thấy tất cả các giả thuyết đều có ý nghĩa thống kê.

Từ khóa: hệ thống kế toán quản trị, xu hướng chấp nhận rủi ro, hiệu quả tài chính, doanh nghiệp dệt may.

1. Giới thiệu

Nghiên cứu về quản trị chiến lược, xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị đã được đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm (Wangrow và cộng sự, 2015). Tuy nhiên, đặc điểm tâm lý này của nhà quản trị vẫn chưa được đề cập đến nhiều trong lĩnh vực kế toán (Liem & Hien, 2020). Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý (xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị) tác động đến hành vi sử dụng thông tin MAS để thực hiện chiến lược đã được nhà quản trị cấp cao lựa chọn là khoảng trống nghiên cứu cần được xem xét trong nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam.

Lý thuyết quản trị cấp cao (UET) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Hambrick và Mason (1984). Gần đây, lý thuyết này đã dần được sử dụng trong lĩnh vực kế toán quản trị nhưng vẫn còn rất hạn chế (Hiebl, 2014; Zor và cộng sự, 2019). Dựa trên UET, nghiên cứu này sẽ kiểm tra ảnh hưởng của xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị của nhà quản trị cấp cao trong quá trình sử dụng thông tin MAS để thực hiện chiến lược và kết quả về hiệu quả tài chính của các mối quan hệ kết hợp trên.

Đây là nghiên cứu đầu tiên mà tác giả kiểm tra mối quan hệ giữa đặc điểm nhà quản trị (xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị), sử dụng thông tin MAS và hiệu quả tài chính đạt được của các tổ chức trong cùng một mô hình nghiên cứu thực nghiệm để phân tích tại thị trường chuyển đổi như Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết và phát triển giả thuyết

2.1. Cơ sở lý thuyết

2.1.1. Lý thuyết quản trị cấp cao (Upper Echelons Theory - UET)

UET giải thích hành vi của nhà quản trị cấp cao trong quá trình lựa chọn chiến lược, cũng như hành vi sử dụng và thiết kế các hệ thống hành chính phức tạp trong tổ chức (Hình 1). MAS được xem là một hệ thống hành chính phức tạp của tổ chức (Chenhall & Morris, 1986; Hambrick & Mason, 1984).

Hình 1: Mô hình lý thuyết cấp bậc quản trị cao

mo_hinh_ly_thuyet_cap_bac_quan_tri_cao

Nguồn: Điều chỉnh từ Hambrick và Mason (1984, Tr.198) và Hiebl (2014, Tr.225).

2.1.2. Xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị

Xu hướng chấp nhận rủi ro là xu hướng đưa đến thực hiện các hành động trong thực tế mà nhà quản trị đánh giá là mạo hiểm (Sitkin & Weingart, 1995) và sự sẵn sàng của nhà quản trị cấp cao nhằm cam kết các nguồn lực quan trọng hướng tới khai thác các cơ hội hoặc dẫn đến các hành vi có kết quả không chắc chắn (Keh và cộng sự, 2002).

2.1.3. Hệ thống kế toán quản trị (Management Accounting System - MAS)

Theo Chenhall và Morris (1986), MAS có bốn khía cạnh: phạm vi rộng (broad scope), tính kịp thời (timeliness), tổng hợp (aggregation) và tích hợp (integration). Thông tin phạm vi rộng cung cấp thông tin bên ngoài, phi tài chính và định hướng tương lai; Tính kịp thời đề cập đến khả năng thông tin được cung cấp theo yêu cầu và tần suất báo cáo; Thông tin tổng hợp (aggregation) thể hiện sự tổng hợp thông tin theo các bộ phận chức năng khác nhau trong tổ chức theo thời gian, thông tin tích hợp (integration) liên quan đến thông tin thể hiện sự tương tác giữa các đơn vị phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ thông tin.

2.2. Phát triển giả thuyết        

2.2.1. Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị tác động đến sử dụng thông tin MAS

H1: Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị tác động tích cực đến sử dụng thông tin MAS.

2.2.2. Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị tác động đến hiệu quả tài chính

Một số nhà nghiên cứu đã kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau và thu được kết quả hỗ trợ cho mối quan hệ tích cực giữa rủi ro và hiệu suất (Gilley và cộng sự, 2002). Gupta & Govindarajan, (1984) đã chỉ ra rằng xu hướng chấp nhận rủi ro có tác động tích cực và có ý nghĩa đến hiệu quả của thực hiện chiến lược. Knight và cộng sự (2001) kiểm tra tác động của việc đánh giá mức độ rủi ro quản trị của nhà quản trị tới hiệu suất tổ chức. Kết quả cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa đánh giá mức độ rủi ro quản trị đến hiệu quả của tổ chức.

H2: Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của tổ chức.

2.2.3. Sử dụng thông tin MAS tác động đến hiệu quả tài chính

Thông tin từ MAS có thể được xử lý và chuyển đổi thành kiến ​​thức cho các nhà quản lý để trở thành một nguồn lực mang tính độc đáo cho lợi thế cạnh tranh (Smith, 1998). Mặt khác, dưới góc nhìn của quan điểm dựa trên nguồn lực, sử dụng thông tin MAS tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp (Nguyen, 2018).

H3: Sử dụng thông tin MAS có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Tổng hợp các giả thuyết nghiên cứu thể hiện trong Hình 2.

Hình 2:  Mô hình nghiên cứu

mo_hinh_nghien_cuu

Nguồn: Tác giả xây dựng

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu nghiên cứu và thu thập dữ liệu

Nhà quản trị tham gia khảo sát là các nhà quản trị cấp cao như: CEO, CFO, thành viên hội đồng quản trị và một số nhà quản trị cấp cao khác (tùy thuộc vào mức độ phân quyền của mỗi tổ chức) có ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạch định và thực hiện chiến lược của tổ chức… Mẫu sẽ gồm những nhà quản trị được xem là tham gia và ảnh hưởng đáng kể vào quá trình hoạch định, lựa chọn chiến lược của tổ chức. Đồng thời, họ cũng tham gia vào quá trình giám sát, điều hành một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quá trình thực hiện chiến lược đã được thống nhất lựa chọn. Các nhà quản trị cấp cao trong các doanh nghiệp nhỏ bị loại ra khỏi mẫu nghiên cứu vì loại hình doanh nghiệp này bị hạn chế về nguồn lực cũng như nhu cầu thiết kết và sử dụng một MAS (Liem & Hien, 2020). Do đó, nghiên cứu này chỉ khảo sát các nhà quản trị cấp cao trong các doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và lớn.  

Bảng câu hỏi (gồm một bảng tiếng Anh và một bảng tiếng Việt) được gửi trực tiếp đến nhà quản trị. Trong tổng số 1.116 bảng câu hỏi gửi đi theo tỷ lệ các loại hình doanh nghiệp trong tổng thể, có 422 người quản trị cấp cao đồng ý để tham gia. Kết quả có 237 người trả lời và gửi lại bảng câu hỏi. Sau khi loại bỏ các phiếu lỗi do các nguyên nhân như: điền thiếu thông tin, các bảng câu hỏi trùng lặp nhiều vị trí quản trị cấp cao của một doanh nghiệp, một số bảng câu hỏi không phù hợp do điền sai và loại bỏ một số bảng câu hỏi để đảm bảo tỷ lệ giữa các loại hình doanh nghiệp. Cuối cùng, chúng tôi có được 167 phiếu sử dụng để phân tích dữ liệu.

3.2. Đo lường các biến

Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị cấp cao được đo lường trên bốn biến quan sát dựa trên nghiên cứu của Kraiczy và cộng sự (2015). Mức độ sử dụng thông tin MAS dựa trên nghiên cứu của Agbejule (2005), Chenhall và Morris (1986). Thang đo hiệu quả tài chính dựa trên thang đo của Jaworski và Kohli (1993) và Calantone & cộng sự (2002). Chúng tôi sử dụng thang đo liker 5 điểm để xem xét các chỉ số tài chính của tổ chức được khảo sát so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.

4. Kết quả nghiên cứu

Việc phân tích gồm 2 bước, đánh giá mô hình đo lường và đánh giá mô hình cấu trúc (Hair và cộng sự, 2016).

4.1. Mô hình đo lường

Độ tin cậy được đánh giá bởi hệ số Cronbach’s Alpha, độ tin cậy tổng hợp (Hair, 1998; Nunnally & Bernstein, 1994) và hệ số rhoA (Dijkstra & Henseler, 2015). Giá trị hội tụ được đánh giá thông qua hệ số tải (outer loading) của các biến quan sát và tổng phương sai trích (AVE). 

Bảng 1. Hệ số đánh giá độ tin cậy và giá trị hội tụ của thang đo

he_so_danh_gia_do_tin_cay_va_gia_tri_hoi_tu_cua_thang_do

Nguồn: Tác giả tính toán từ phần mềm SmartPLS 3.2.9

Kết quả Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha và độ tin cậy tổng hợp có giá trị trong khoảng [0,7; 0,95] và hệ số rhoA có giá trị lớn hơn 0,5, như vậy các thang đo lường các khái niệm trong mô hình đạt độ tin cậy (Hair và cộng sự, 2016; Nunnally & Bernstein, 1994). Kết quả kiểm định giá trị hội tụ cho thấy, hệ số tải của các biến đều lớn hơn 0,7, do đó nghiên cứu này đạt tất cả các tiêu chuẩn về giá trị hội tụ (Hình 3).

          Hệ số tải chéo (cross-loading), tiêu chí Fornell-Larker và hệ số HTMT (Heterotrait-monotrait ratio) dùng để đánh giá giá trị phân biệt (Dijkstra & Henseler, 2015; Hair và cộng sự, 2016). Kết quả kiểm tra hệ số tải chéo cho thấy, hệ số tải chéo trong cấu trúc của nó lớn hơn hẳn trong cấu trúc khác. Kết quả tiêu chí Fornell-Larcker cho thấy căn bậc 2 của AVE của từng cấu trúc lớn hơn hệ số tương quan giữa các cấu trúc. Ngoài ra, giá trị HTMT nhỏ hơn 1 cho thấy thang đo đảm bảo giá trị phân biệt (Dijkstra & Henseler, 2015).

Kết quả chạy bootstrap 2.000 lần cho thấy, khoảng tin cậy giá trị HTMT từ 2,5% đến 97,5% không bao gồm giá trị 1. Như vậy, thang đo lường đạt giá trị phân biệt.

4.2. Mô hình cấu trúc

Hiện tượng đa cộng tuyến được đánh giá thông qua hệ số phóng đại phương sai (VIF). Kết quả phân tích cho thấy, hệ số VIF của tất cả các khái niệm nghiên cứu trên đều nhỏ hơn 2, như vậy thang đo hoàn toàn không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Hệ số xác định R2 được sử dụng để đo lường mức độ dự đoán của các biến độc lập. Mức độ dự đoán của các khái niệm thông tin MAS, hiệu quả tài chính được xem là vừa phải (hệ số R2 lần lượt là 0,374 VÀ 0,473) (Hair và cộng sự, 2016).

Độ phù hợp dự đoán (predictive relevance) (Q2) cũng được sử dụng để đánh giá năng lực dự báo ngoài mẫu, các hệ số Q2 của các biến phụ thuộc đều lớn hơn 0,15, như vậy năng lực dự báo ngoài mẫu của mô hình ở mức vừa phải (Hair và cộng sự, 2016). 

Bảng 2. Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu

ket_qua_kiem_dinh_gia_thuyet_nghien_cuu Nguồn: Tác giả kiểm định từ phần mềm SmartPLS 3.2.9

Bảng 2 thể hiện kết quả các mối quan hệ trực tiếp trong mô hình. Xu hướng chấp nhận rủi ro của nhà quản trị ảnh hưởng có ý nghĩa đến hành vi sử dụng thông tin MAS (p < 0,01). Đặc điểm tâm lý xu hướng chấp nhận rủi ro quản trị và sử dụng thông tin MAS có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính (p < 0,01).

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra giả thuyết H1, H2, H3 được chấp nhận, cho thấy nhà quản trị cấp cao với xu hướng chấp nhận rủi ro càng cao thì càng tác động mạnh đến hành vi sử dụng thông tin MAS và hiệu quả tài chính. Kết quả hoàn toàn hợp lý, để đối phó với môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhà quản trị với tâm lý chấp nhận rủi ro quản trị cao thì có nhiều khả năng tìm kiếm thấy cơ hội ở thị trường mới và cần có thông tin MAS để hỗ trợ họ có những quyết định mạo hiểm nhưng có cơ sở và khả năng thành công cao hơn (Liem & Hien, 2020). Từ đó, có thể thấy rằng, với những đặc điểm nêu trên, doanh thu tăng thêm là rất tiềm năng, đồng thời chi phí lại có khả năng cao được kiểm soát tốt, là nền tảng để tâm lý xu hướng chấp nhận rủi ro và hành vi sử dụng thông tin MAS tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp (giả thuyết H2 và H3 được chấp nhận). 

Hình 3: Kết quả phân tích mô hình lý thuyết bằng PLS-SEM

ket_qua_phan_tich_mo_hinh_ly_thuyet_bang_pls-sem

Nguồn: Tác giả xử lý từ phần mềm SmartPLS 3.2.9

5. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Nghiên cứu này bao hàm một số hàm ý quản trị.

Thứ nhất, đóng góp thêm lý thuyết dòng nghiên cứu về mối quan hệ giữa đặc điểm nhà quản trị cấp cao tác động trực tiếp đến hành vi sử dụng MAS (Hambrick & Mason, 1984; Hiebl, 2014), hiệu quả tài chính của doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Hambrick & Mason, 1984). Kết quả nghiên cứu một lần nữa khẳng định sự phù hợp của đặc điểm nhà quản trị cấp cao và hành vi sử dụng thông tin MAS sẽ có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp dệt may. Kết quả trên phù hợp với giả định đưa ra ban đầu của Hambrick và Mason (1984) về UET.

Thứ hai, cùng kết quả nghiên cứu với Rasid và cộng sự (2014), khi hoạt động trong môi trường nhiều rủi ro nhà quản trị càng nên sử dụng thông tin MAS để có thể giảm được rủi ro của chiến lược đang thực hiện.

Thứ ba, nghiên cứu này với sự kết hợp của tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà quản trị cấp cao, hành vi sử dụng thông tin MAS (một biến kế toán) và hiệu quả tài chính trong cùng một mô hình nghiên cứu. Điều này rất có ích cho doanh nghiệp dệt may và nhà quản trị khi thiết kế một MAS trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

5.2. Hàm ý quản trị

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp ban lãnh đạo cao nhất của một doanh nghiệp dệt may hiểu rõ hơn về các ứng dụng tiềm năng của MAS để cải thiện hiệu quả tài chính của tổ chức, chủ yếu liên quan đến việc sử dụng MAS để hỗ trợ thực hiện chiến lược đã được lựa chọn. Do đó, họ có thể điều chỉnh tốt hơn việc sử dụng MAS cho phù hợp với một chiến lược cụ thể. Nghiên cứu này cũng có ý nghĩa thực hành cao, vì nó cung cấp một số hàm ý giúp nhà quản trị cấp cao biết được cách phát triển lợi thế cạnh tranh thông qua thiết kế và sử dụng thông tin MAS phù hợp với đặc điểm của họ.

5.3. Hướng nghiên cứu tiếp theo

Nghiên cứu tồn tại một số giới hạn.

Thứ nhất, hiệu quả của tổ chức nên quan tâm đến các chỉ số khác như phi tài chính (thị phần, khách hàng…).

Thứ hai, nghiên cứu tiếp theo nên quan tâm đến các đặc điểm nhân khẩu và đặc điểm tâm lý khác của nhà quản trị cấp cao (tính đồng nhất trong nhóm nhà quản trị, tâm lý tự tin…).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abernethy, M. A., & Guthrie, C. H. (1994). An empirical assessment of the “fit” between strategy and management. Accounting & Finance,34(2), 49-66.
  2. Agbejule, A. (2005). The relationship between management accounting systems and perceived environmental uncertainty on managerial performance: a research note. Accounting and Business Research, 35(4), 295-305.
  3. Calantone, R. J., Cavusgil, S. T., & Zhao, Y. (2002). Learning orientation, firm innovation capability, and firm performance. Industrial Marketing Management, 31(6), 515-524.
  4. Chenhall, R. H., & Morris, D. (1986). The impact of structure, environment, and interdependence on the perceived usefulness of management accounting systems. Accounting Review, 16–35.
  5. Gilley, K. M., Walters, B. A., & Olson, B. J. (2002). Top management team risk taking propensities and firm. Journal of Business Strategies, 19 (2), 95.
  6. Hair, A. (1998). Tatham, and Black. Multivariate data analysis. Multivariate data analysis. Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
  7. Hair Jr, J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C., & Sarstedt, M. (2016). A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM). USA: Sage publications.
  8. Hambrick, D. C., & Mason, P. A. (1984). Upper echelons: The organization as a reflection of its top managers. Academy of Management Review, 9(2), 193–206.
  9. Hiebl, M. R. W. (2014). Upper echelons theory in management accounting and control research. Journal of Management Control, 24(3), 223–240.
  10. Jaworski, B. J., & Kohli, A. K. (1993). Market orientation: antecedents and consequences. Journal of Marketing, 57(3), 53-70.
  11. Kraiczy, N. D., Hack, A., & Kellermanns, F. W. (2015). What makes a family firm innovative? CEO risk‐taking propensity and the organizational context of family firms. Journal of Product Innovation Management, 32(3), 334–348.
  12. Liem, V. T., & Hien, N. N. (2020). Exploring the impact of dynamic environment and ceo’s psychology characteristics on using management accounting system. Cogent Business & Management, just-accepted, 1712768.
  13. March, J. G., & Shapira, Z. (1987). Managerial perspectives on risk and risk taking. Management Science, 33(11), 1404-1418.
  14. Nguyen, N. P. (2018). Performance implication of market orientation and use of management accounting systems. Journal of Asian Business and Economic Studies.
  15. Nunnally, J. C., & Bernstein, I. H. (1994). Psychological theory. New York: McGraw-Hill.
  16. Otley, D. T. (1980). The contingency theory of management accounting: achievement and prognosis. In Readings in accounting for management control (pp. 83–106). Germany: Springer.
  17. Rasid, S. Z. A., Isa, C. R., & Ismail, W. K. W. (2014). Management accounting systems, enterprise risk management and organizational performance in financial institutions. Asian Review of Accounting, 22(2), 128-144.
  18. Sitkin, S. B., & Weingart, L. R. (1995). Determinants of risky decision-making behavior: A test of the mediating role of risk perceptions and propensity. Academy of Management Journal, 38(6), 1573-1592.
  19. Wei, L.-Q., Lau, C.-M., Young, M. N., & Wang, Z. (2005). The impact of top management team demography on firm performance in China. Asian Business & Management, 4(3), 227-250.

 

THE IMPACTS OF UPPER MANAGERS’S RISK TAKING PROPENSITY

ON THE USE OF INFORMATION FROM MANAGEMENT ACCOUNTING

SYSTEM INFORMATION (MAS) AND FINANCIAL PERFORMANCE

AT TEXTILE ENTERPRISES

VO TAN LIEM

Van Hien University

ABSTRACT:

This study examines the impact of the psychological characteristics of upper managers (risk taking propensity) at Ho Chi Minh City’s textile enterprises on the use of information from management accounting system information (MAS) and financial performance. In this study, the upper echelons theory was applied in the field of management accounting to present the importance of the association between the psychological characteristics of upper managers and the use of information from management accounting system information and financial performance at textile enterprises. The PLS-SEM model was used to test the study’s hypotheses. The study’s analysis of 167 CEOs from large and medium-sized textile enterprises in Ho Chi Minh City indicates that all the study’s hypotheses are statistically significant.

Keywords: management accounting system, risk taking propensity, financial performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]