Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ LAN HƯƠNG (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… đã và đang tác động mạnh mẽ đến đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Bài viết đưa ra giải pháp nhằm giúp ngành Kế toán - Kiểm toán vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán, kiểm toán, công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Thành tựu của CMCN 4.0 với các đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử,… đã và đang làm biến đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia. Đối với lĩnh vực tài chính - kế toán, kiểm toán, CMCN 4.0 mở ra cơ hội tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế.

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của CMCN 4.0, quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán, kiểm toán ngày càng phát triển. Đồng thời, việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, tự động hóa giúp cho việc loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu các lỗi kế toán, kiểm toán.

2. Tác động của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực kế toán - kiểm toán

Việc áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain, sẽ thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực kế toán tài chính. Chất lượng thông tin của hệ thống kinh tế khi áp dụng công nghệ sẽ trở nên nhanh hơn, kịp thời hơn và chính xác hơn, với thông tin tổng hợp đa dạng và phong phú, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý có được nhiều thông tin hơn và phong phú hơn khi tiến hành phân tích và ra quyết định trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện đang dựa vào ứng dụng của các cảm biến thông minh, thiết bị truyền thông và các giải pháp quản lý tích hợp, doanh nghiệp có thể số hóa toàn bộ quy trình từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý. Thông tin từ quá trình sản xuất, thông qua các cảm biến, được số hóa thành dữ liệu thời gian thực và truyền tới hệ thống xử lý và hệ thống quản lý. Do đó, tập trung hệ thống quản lý luôn có dữ liệu đầy đủ, cập nhật và chính xác giúp người quản lý kịp thời các quyết định. Số hóa càng đầy đủ, thông tin cập nhật càng chính xác hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra các giải pháp công nghệ thông minh hơn với khả năng xử lý mạnh mẽ hơn. Nó giúp quản trị viên ở mọi nơi, mọi lúc, có đủ thông tin từ việc nắm bắt toàn cảnh doanh nghiệp đến truy vấn những giao dịch nhỏ nhất, thay vì phải nhờ nhiều người tra cứu từ nhiều nguồn, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả của quá trình làm việc.

Quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán, kiểm toán ngày càng được phát triển, đặc biệt dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của CMCN 4.0. Với công nghệ điện toán đám mây, công nghệ blockchain và dữ liệu lớn giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này giúp khả năng xử lý số lượng dữ liệu đạt hiệu quả cao.

Công nghệ sẽ làm thay đổi vai trò của kế toán, kiểm toán viên trong hoạt động nghề nghiệp. Các kế toán, kiểm toán viên có vai trò mới là những nhà tư vấn có các kỹ năng độc đáo trong phân loại và xử lý dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp. Xử lý và phân tích các con số tài chính của những kế toán, kiểm toán viên giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn hoạt động của doanh nghiệp, điều mà giúp cho họ xác định được những khâu, lĩnh vực nào của doanh nghiệp sẽ phải cải thiện để gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và quản lý rủi ro tốt hơn.

Hiện nay, nhiều tập đoàn kiểm toán lớn trên thế giới đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi khác nhau nhằm thích ứng công nghệ 4.0. Họ xây dựng nhiều nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ quá trình kế toán, kiểm toán và trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán; các kỹ thuật phân tích để xác định vấn đề, các phương thức khác nhau để sử dụng dữ liệu lớn và hoạt động kiểm toán đã trở nên hiệu quả hơn và thậm chí có nhiều công cụ kiểm toán mới.

Dưới ảnh hưởng từ các xu hướng phát triển của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán của khu vực và thế giới, đáp ứng những nhu cầu mới của doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khi ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình tổ chức các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam cũng cần phải được thay đổi. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi mô hình tổ chức để ứng dụng các công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo nhằm làm giảm chi phí và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực là một thực tế mà các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải cân nhắc và thay đổi mô hình tổ chức của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi mô hình tổ chức như vậy chưa có tiền lệ và các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán cũng cần phải học tập, thu thập tri thức mới về các mô hình tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình có ứng dụng các công nghệ mới này.

3. Thực trạng áp dụng CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - kế toán

Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán như sau: Về mức độ quan tâm, có hơn ½ Kiểm toán viên (KTV) quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV quan tâm đặc biệt. Điều đáng cảnh báo có đến 5% số người không và ít quan tâm đến CMCN 4.0 là gì? Đồng thời 1/3 KTV cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác. Đa số các KTV không nhận thấy hoặc ít nhận thấy, rất ít bị tác động bởi CMCN 4.0 hoặc đón nhận việc này theo phản ứng “trung lập” xem vấn đề này là bình thường. Còn một số KTV khác chưa hiểu rõ về CMCN 4.0 sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán.

Về mức độ tác động, theo khảo sát, có 67% các doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT), KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề kế toán, kiểm toán; 5% nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc đến toàn ngành nghề trong tương lai không xa; Có đến 25% các DNKiT, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán - kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); 3% nhận định CMCN 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng. Qua số liệu đánh giá về việc tiếp cận CMCN 4.0 đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán, có thể thấy Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên, chính vì thế, ngành nghề kế toán kiểm toán cần chủ động thích ứng trong việc ứng dụng công nghệ này.

Đối với ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch hành động về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, trong đó có kế toán, kiểm toán. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung triển khai chiến lược phát triển Kế toán - Kiểm toán Việt Nam tầm nhìn 2030 với các mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đảm bảo ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng, được sự thừa nhận của quốc tế; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

4. Kiến nghị giải pháp

Có thể thấy, với cơ hội và thách thức như hiện nay, để áp dụng CMCN 4.0 hiệu quả trong lĩnh vực tài chính kế toán, kiểm toán, cần quan tâm nghiên cứu xây dựng giải pháp để giải quyết các vần đề sau:

Thứ nhất, về phía quản lý nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể: Sớm áp dụng chuẩn VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

Thứ hai, về hạ tầng công nghệ, cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu. Đặc biệt, cần xây dựng một hệ thống an ninh mạng, đảm bảo tính bảo mật cao của dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Dưới sự tác động của CMCN 4.0, các dữ liệu về hồ sơ, giấy tờ kế toán sẽ dần được chuyển sang dạng số hóa, điều này làm cho các kế toán, kiểm toán viên với những kỹ năng thông thường khó có thể nắm bắt được sự đa dạng về loại hình và hình thức giao dịch số. Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho các kế toán và kiểm toán viên. Do đó, cần nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia kế toán, kiểm toán không chỉ về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán mà còn về công nghệ thông tin.

Theo khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam VACPA, những thách thức lớn nhất mà ngành Tài chính - Kế toán phải đối mặt trong bối cảnh CMCN 4.0 là nhu cầu nhân sự có kỹ năng công nghệ thông tin và các khoản đầu tư tài chính lớn. Trong khi việc kiểm soát số liệu kế toán ngày càng khó khăn hơn thì sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt. Trong vòng 3 – 10 năm tới, các hệ thống và phần mềm thông minh được dự báo sẽ tự động hóa các quy trình phức tạp như hoàn thiện các thỏa thuận tài chính và hỗ trợ xu hướng thuê ngoài. Do đó, cần thay đổi về quan điểm đào tạo. Đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu của thời đại công nghệ số. Chú trọng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần rà soát lại các chương trình đào tạo về kế toán, kiểm toán.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển thị trường kế toán và dịch vụ kiểm toán lành mạnh và bền vững; Phát triển hoạt động dịch vụ kế toán và kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo ra và mở rộng chuyên nghiệp giao lưu. Về phía các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán: Áp dụng đúng chính sách, quy định của Nhà nước. Đồng thời, đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, nghiệp vụ và có khả năng hội nhập. Phát triển hoạt động của các hội nghề nghiệp, tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán và các tổ chức phi chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán và trong việc hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ gắn với ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động.

5. Kết luận

CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi nhận thức về tác động của công nghệ số nói chung và hoạt động lĩnh vực kế toán - kiểm toán nói riêng. Quá trình số hóa lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam là xu thế không thể tránh khỏi, bởi vì các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng và phong phú. Điều quan trọng là những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Cơ hội sẽ ngày càng được mở rộng cho đội ngũ kế toán - kiểm toán viên chuẩn mực quốc tế được công nhận hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới như ACCA, CMA, CIA. Các chứng chỉ này có thể giúp các kế toán viên, kiểm toán viên mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Tất Cường (2020), Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 4/2020.
  2. Trần Thị Ngọc Anh (2019). Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2019.
  3. Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng (2019).Phát triển ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0,Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 8/2019.

 Impacts of the Fourth Industrial Revolution on the field of accounting and auditing

Master. Pham Thi Lan Huong

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) with the Internet of Things, large-scale data storage, cloud computing, artificial intelligence systems, etc. has strongly impacted most fields and professions including the field of accounting and auditing. This paper proposes solutions to help the field of accounting and auditing overcome challenges and take advantage of opportunities brought by the Industry 4.0 to sustainably develop in the coming time.

Keywords: the Fourth Industrial Revolution, accounting, auditing, technology.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]