Hai sự kiện trái ngược

Cuối năm 2022, những con số được Tổng cục Thống kê công bố tình hình nền kinh tế có sức hút lạ lùng; Tăng trưởng GDP 8,02%, cao nhất trong 12 năm. Trong đó, các động lực cho tăng trưởng tiếp tục gây ấn tượng: Xuất khẩu hàng hóa đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước, cán cân thương mại thặng dư 11,2 tỷ USD đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,1%, đóng góp tới 1/4 vào mức tăng trưởng chung 8,02% của toàn nền kinh tế và chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21% so với 2021, gấp 2,7 lần kế hoạch, nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 15,6%, và so với năm 2019. thời điểm trước dịch - cũng tăng tới 15%.

Mặc dù vậy, điều làm giới chuyên gia bàn tán nhiều hơn cả không phải là kết quả toàn diện nói trên, bởi hai sự kiện trái ngược, cách nhau 3 tháng đã bao trùm lên, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận.

Sự kiện thứ nhất: Ngày 15/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bất ngờ” niêm yết lại tỷ giá mua vào USD tại Sở giao dịch, sau khi dừng mua USD một thời gian. Bên cạnh việc niêm yết lại, giá chào mua USD giao ngay của NHNN cũng tăng mạnh 900 đồng/USD so với thời điểm đầu tháng 9, lên mức 23.450 đồng/USD.

NHNN mua USD nhằm “bơm tiền" VND ra thị trường trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất căng thẳng, nhu cầu tín dụng tăng cao sau đại dịch, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị tắcnghẽn nghiêm trọng dẫn đến tình trạng “khát vốn”. Nhưng đâu là nguồn USD để NHNN có thể mua?

Theo Kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari nguồn USD chảy vào Việt Nam thông qua dòng vốn FDI, thặng dư thương mại và doanh thu từ du lịch lữ hành quốc tế. Nhưng dòng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam năm nay giảm 11%; trong khi Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so mục tiêu đề ra, và doanh thu có khoảng 3 tỷ USD. Rất may là thặng dư thương mại đạt 11,2 tỷ USD, góp phần quan trọng giúp NHNN có thêm nguồn lực điều hành chính sách tiền tệ.

Sự kiện thứ hai: Ở trên nói sự kiện thứ nhất (NHNN mua USD) gây “bất ngờ” là bởi trước đó 3 tháng, tính đến tháng 9/2022, theo Báo cáo của VinaCapital và ACBS, NHNN đã bán ròng (chỉ bán, không mua) khoảng 21 tỷ USD, giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức 90 tỷ USD, tương đương với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tháng. Trước đó, một Báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng cho thấy, đến cuối tháng 6/2022, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt gần 12.037 tỷ USD, trong đó Việt Nam dự trữ 108,24 tỷ USD.

Như vậy, trong 3 tháng, NHNN đã bán hơn 20 tỷ USD. Việc bán USD nhằm nâng đỏ đồng nội tệ, bởi có thời điểm giá USD đã cán mốc 25.000 VND/USD. Đây là điều bất lợi, vì khi đồng USD lên giá, người dân và doanh nghiệp sẽ đổ xô vào “ôm” đô la, ôm vàng như một loại tài sản đảm bảo, thay vì bỏ tiền ra kinh doanh. Chỉ có kinh doanh mới đóng góp cho tăng trưởng và việc làm. Đến lượt việc làm lại tạo ra một lực lượng tiêu dùng hùng hậu, trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng. Nguồn USD mà NHNN bán ra lấy từ dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD từ nhiều nguồn lực, trong đó có việc xuất siêu 7 năm liên tiếp.

usd

“Xuất khẩu - nhập khẩu” lạm phát

Một vấn đề khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm, vì sao giá một số loại năng lượng và vật tư chiến lược nhập khẩu tăng cao mà chỉ số lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát ở mức 3,15%? Có thể coi đây là chuyện “bất bình thường”, bởi lẽ năm 2008, kinh tế nước ta từng chao đảo với siêu lạm phát tới mức 22,97% mà nguyên nhân hàng đầu được định danh “nhập khẩu lạm phát”.

Thời điểm đó, giá dầu đã tăng 72%, sắt thép tăng 114%, phân bón tăng 59,6%, khí hoá lỏng tăng 95%. Cũng kể từ đó, cụm từ mới “nhập khẩu lạm phát” được sử dụng phổ biến và thống nhất cách hiểu là, xảy ra trong trường hợp giá nhập khẩu (tức giá mua hàng từ nước ngoài) và tỷ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh.

Trên thực tế, ở nước ta năm nay, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 10,86%, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,82%; nhóm nhiên liệu tăng 42,2%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 9,53%, xăng dầu tăng 47,65%; phân bón tăng 40,87%; sắt, thép tăng 32,3%; lúa mì tăng 28,67%... Cùng với đó, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, có thời điểm VND mất giá tới 9%, lên mức 25.000 VND/USD.

Như vậy đã hội đủ 2 yếu tố: giá nhập khẩu tăng + tỷ giá tăng, vậy tại sao lạm phát năm 2022 vẫn trong vòng kiểm soát? Nguyên nhân hàng đầu là nội lực sản xuất trong nước đã phát triển mạnh mẽ, khác xa so với năm 2008, và công tác điều hành xuất nhập khẩu đúng hướng. Nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Do đó, mặc dù chúng ta chịu ảnh hưởng bởi “nhập khẩu lạm phát” (do giá nhập khẩu tăng, tỷ giá tăng) nhưng cái tăng giá nhập khẩu, tăng tỷ giá đó lại theo chân hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, nên không mấy tác động đến chỉ số lạm phát. Năm 2008 lạm phát cao là vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (nhập siêu 17,5 tỷ USD), nên số hàng hóa “nhập khẩu lạm phát” ở lại trong nước nhiều hơn là xuất khẩu ra nước ngoài. Ngược lại, năm 2022 xuất khẩu cao hơn nhập khẩu (xuất siêu trên 11 tỷ USD).