Sao Vàng - Đại Nguyệt: Động lực gia tăng nguồn khí thiên nhiên của PV GAS

Năm 2020 đánh dấu năm khởi đầu thập niên mới nhiều khó khăn và thách thức, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã khẳng định năng lực và sự nỗ lực vượt bậc, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động SXKD, đạt kết quả tích cực.

Giá dầu Brent trung bình năm 2020 là 41 USD/thùng, giảm 36% yoy; giá CP của LPG trung bình năm là 395 USD/thùng, giảm -10% yoy. Doanh thu hợp nhất năm 2020 của PV GAS đạt 64.150 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch năm, chủ yếu do tác động kép của đại dịch Covid-19 khiến giá dầu trượt dốc và nhu cầu tiêu thụ khí không ổn định. Tuy nhiên, LNST đã vượt 19% kế hoạch năm, ghi nhận 7.928 tỷ đồng.

Sản lượng khí ẩm vào bờ đạt hơn 9 tỷ m3 (-11% yoy), hoàn thành 96% kế hoạch năm 2020. Mảng kinh doanh LPG tăng trưởng tích cực, vượt xa kế hoạch với sản lượng kinh doanh LPG đạt khoảng 1.900 nghìn tấn (+7,9% yoy) và gấp gần 1,5 lần kế hoạch năm 2020.

pv gas 2

Trong đó, tính riêng sản lượng sản xuất năm 2020 tăng 44,8% so với năm trước, chủ yếu do sản lượng khí ẩm (từ khí Thiên Ứng) về bờ tăng 8% so với năm 2019 và sản lượng sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất gấp 6 lần năm trước. Tuy nhiên, giá CP trung bình năm 2020 thấp hơn 94% kế hoạch nên doanh thu mảng LPG chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 139% kế hoạch năm, đạt 21.775 tỷ đồng.

 

Đầu tư xây dựng có thể nói là một điểm sáng nổi bật của PV GAS. Trong năm qua, hầu như  toàn bộ các nước trên thế giới đã ban hành lệnh hạn chế đi lại (đặc biệt là các nước Châu Âu - nơi sản xuất các vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án) và Việt Nam, Malaysia (nơi đặt trụ sở của tổng thầu EPC đường ống biển NCS2, nhà thầu thi công đường ống biển của dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt  nhưng PV GAS đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả để bù đắp, hạn chế, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến tiến độ của các dự án,...

Kết quả PV GAS đã hoàn thành dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt đón dòng khí đầu tiên vào tháng 11/2020, đưa vào vận hành toàn bộ chuỗi Dự án khí Nam Côn Sơn 2 trong tháng 12/2020 và Dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải.

Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng Công ty mẹ đạt 6.752 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch năm (nếu chỉ tính dự án do PV GAS trực tiếp thực hiện/điều hành, tức không bao gồm dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn thì PV GAS giải ngân vốn đầu tư đạt 128% kế hoạch); toàn PV GAS 6.842 tỷ đồng. Là năm có giá trị giải ngân lớn nhất từ trước đến nay.

 PV GAS

Triển vọng năm 2021

Triển vọng năm 2021 của PVGAS tươi sáng nhờ giá dầu hồi phục và nguồn khí mới từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt. Khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ bù đắp trữ lượng suy giảm từ các bể cũ của Nam Côn Sơn (Lô 06.1, White Orchid) giúp giảm rủi ro thiếu khí giai đoạn 2021 - 2023 trong lúc chờ đợi LNG.

Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt (SV-ĐN) thuộc Lô 05-1 bể Nam Côn Sơn với tổng trữ lượng khí khai thác dự kiến là 16 tỷ m3. Theo phương án phát triển mỏ, mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt có thể đạt sản lượng cao nhất khoảng 1,7 tỷ m3 khí/năm trong 10 năm đầu đời mỏ.

Khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ là nguồn bổ sung quan trọng, góp phần cung cấp và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó, các nhà máy điện khí khu vực này chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước, và nhà máy đạm khu vực này (Đạm Phú Mỹ) cung cấp khoảng 35% sản lượng ure toàn quốc.

Sao Vàng - Đại Nguyệt ước tính sẽ bổ sung 1,8 tỷ m3 khí (15% sản lượng hiện tại) cho PV GAS trong năm 2021,  tổng sản lượng khí ẩm về bờ năm 2021 tăng 9,5% so với năm 2020, ước tính sẽ đem lại khoảng 8.550 tỷ đồng doanh thu và 1.710 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho GAS.

Bên cạnh đó với việc tiêm vắc xin Covid 19 được triển khai rộng khắp, các đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ hoạt động trở lại trong năm 2021, kéo theo sự phục hổi của giá dầu.

Theo Citigroup, giá dầu Brent năm 2021 dự báo sẽ ở mức trung bình 54 USD/thùng, tăng 31,7% so với mức trung bình 41 USD/thùng năm 2020. Giá dầu hồi phục sẽ tác động tích cực đến hoạt động SXKD của PVGas, ước tính với mỗi 10 USD giá dầu tăng, doanh thu PVGAS sẽ tăng trưởng khoảng 4,2%.

Hà Anh