[Quốc tế nổi bật] Chính phủ tuyên bố sắp cắt trợ cấp, giá xăng tại Nigeria bất ngờ tăng gấp 3

Ngay sau khi Tổng thống Tinubu tuyên bố trợ cấp nhiên liệu, người dân Nigeria đã xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng, với tâm lý tích trữ nhiên liệu trước khi giá xăng tăng. Tại các trạm bán lẻ của NNPC ở thủ đô Abuja, giá xăng đã được điều chỉnh từ 195 Naira/l lên 537 Naira, gần gấp ba lần so với giá cũ.

Chính phủ tuyên bố sắp cắt trợ cấp, giá xăng tại Nigeria bất ngờ tăng gấp 3

Tân Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên bố ngưng trợ cấp giá xăng. Ảnh: leadership.ng
Tân Tổng thống Nigeria Bola Tinubu. Ảnh: leadership.ng

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 29/5, tân Tổng thống Bola Tinubu tuyên bố trợ cấp nhiên liệu sẽ chấm dứt tại Nigeria. Đây là động thái quyết liệt đối với một quốc gia mà trong nhiều thập kỷ qua, giá xăng luôn rẻ và trở thành cứu cánh cho hàng triệu người Nigeria gặp khó khăn về kinh tế. Ngay sau thông báo của Tổng thống Tinubu, người dân đã xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng, với tâm lý tích trữ nhiên liệu trước khi giá xăng tăng. Văn phòng của Tổng thống Tinubu sau đó đã phải đưa ra tuyên bố khẳng định việc hỗ trợ giá xăng sẽ kết thúc vào ngày 30/6, nhưng điều này không ngăn được một số trạm bán xăng với giá cao hơn. Tại các trạm bán lẻ của NNPC ở thủ đô Abuja, giá xăng đã được điều chỉnh từ 195 Naira/l lên 537 Naira, gần gấp ba lần so với giá xăng cũ.

Nga tạm ngừng bơm khí đốt qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm ít nhất 2 lần lượng khí đốt cung cấp cho EU. Ảnh: AFP
Việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm ít nhất 2 lần lượng khí đốt cung cấp cho EU. Ảnh: AFP

Ngày 2/6, Tập đoàn độc quyền khí đốt của Nga Gazprom thông báo sẽ ngừng bơm khí đốt trên cả hai nhánh của đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) trong vòng 1 tuần, do hoạt động bảo trì đường ống hằng năm diễn ra từ ngày 5-12/6 tới. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt đi qua Biển Đen. Công suất thiết kế của tuyến đường ống này là 31,5 tỷ m3 khí đốt/năm. Thông qua hệ thống này, khí đốt được cung cấp đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước trong khu vực Nam và Đông Nam châu Âu. Việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm ít nhất 2 lần lượng khí đốt cung cấp cho các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Thượng viện thông qua thỏa thuận trần nợ công, nước Mỹ thoát vỡ nợ

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer họp báo sau khi dự luật được thông qua tại Thượng viện. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer họp báo sau khi dự luật được thông qua tại Thượng viện. Ảnh: Reuters

Ngày 2/6 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trần nợ công sau khi dự luật này được Hạ viện thông qua vào cuối ngày 1/6. Sau khi được thông qua cả ở Hạ viện và Thượng viện, dự luật này sẽ được trình Tổng thống Joe Biden, dự kiến ký thành luật vào ngày 2/6 (giờ Mỹ), chỉ ba ngày trước khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Dự luật trần nợ hiện tại của Hạ viện cung cấp 886 tỷ USD chi tiêu quốc phòng cho năm tài chính 2024, tăng 3% so với năm trước. Con số đó tăng lên 895 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tăng 1%. Với việc Thượng viện thông qua dự luật, Mỹ đã tránh được kịch bản vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. 

Các bên tại Sudan tiếp tục đụng độ ở thủ đô Khartoum

Nhiều thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan được đưa ra nhờ vai trò trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, nhưng đều nhanh chóng bị phá vỡ. Ảnh: Anadolu
Nhiều thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan được đưa ra nhờ vai trò trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, nhưng đều nhanh chóng bị phá vỡ. Ảnh: Anadolu

Quân đội Sudan đã nối lại các cuộc không kích và sử dụng thêm pháo binh trong các cuộc đụng độ với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) khi các thành viên của lực lượng này rút lui khỏi các đường phố và những ngôi nhà chiếm đóng trước đó, dẫn đến đụng độ ở thủ đô Khartoum trong suốt đêm 1/6 và kéo dài đến sáng ngày 2/6. Đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra, nhờ vai trò trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, nhưng đều nhanh chóng bị phá vỡ. Hôm 31/5, Mỹ và Saudi Arabia cũng đã buộc phải đình chỉ các cuộc đàm phán đình chiến ở Sudan sau khi thỏa thuận ngừng bắn do hai nước này làm trung gian bị vi phạm. Theo tính toán của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), giao tranh ở Sudan kể từ ngày 15/4 đã gây tổng thiệt hại trên 60 triệu USD.

Trên 1.000 người thương vong trong vụ tàu chở khách trật bánh va chạm với tàu chở hàng ở Ấn Độ

Lực lượng chức năng nỗ lực giải cứu nạn nhân. Ảnh: ANI
Lực lượng chức năng nỗ lực giải cứu nạn nhân. Ảnh: ANI

Tai nạn xảy ra khi đoàn tàu chở khách Coromandel Express chạy từ thành phố Kolkata đến thành phố Chennai trật bánh và bị đổ sau vụ va chạm với một tàu chở hàng ở quận Balasore thuộc bang Odisha, Ấn Độ ngày 2/6. Giới chức địa phương xác nhận đã có gần 50 xe cấp cứu được điều tới chở người bị thương đến bệnh viện, chưa kể một lượng lớn xe buýt cũng được huy động để hỗ trợ công tác cứu nạn. Tính đến 6h00 sáng ngày 3/6, đã có ít nhất 207 người chết và 850 người bị thương trong vụ tai nạn kinh hoàng này.

Trên 420 người tử vong do dịch tả ở Cameroon

Một trạm cấp cứu dành cho những bệnh nhân mắc bệnh tả tại Cameroon. Ảnh: TTXVN
Một trạm cấp cứu dành cho những bệnh nhân mắc bệnh tả tại Cameroon. Ảnh: TTXVN

Ngày 1/6, Bộ Y tế Cameroon cho biết đã có thêm 26 người tử vong trong đợt bùng phát dịch tả đang hoành hành tại nước này trong hai tuần qua, nâng tổng số nạn nhân lên 426 người. Ngoài ra có khoảng 1.868 trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Hơn 79% trường hợp đến các cơ sở y tế khi đã mắc bệnh ở tình trạng trung bình hoặc nghiêm trọng. Một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 1/6 cho thấy kể từ đầu năm nay, đã có 14 quốc gia châu Phi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tả. Tình trạng này là đáng lo ngại, do tỷ lệ tử vong tại nhiều quốc gia hiện cao hơn so với đợt bùng phát dịch những năm trước đó.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực đối với Philippines

Hiệp định RCEP có hiệu lực với Philippines chỉ 60 ngày sau khi nước này nộp Văn kiện phê chuẩn lên ASEAN
Hiệp định RCEP có hiệu lực với Philippines chỉ 60 ngày sau khi nước này nộp Văn kiện phê chuẩn lên ASEAN

Ngày 2/6, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông báo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực đối với Philippines, chỉ 60 ngày sau khi nước này nộp Văn kiện phê chuẩn lên Tổng thư ký ASEAN. Sau 8 năm đàm phán, 15 quốc gia thành viên đã thực hiện ký kết Hiệp định RCEP vào tháng 11/2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. 

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen lại gặp khó

Tàu chở ngũ cốc cập cảng tại Ukraine - Ảnh: Getty Images
Tàu chở ngũ cốc cập cảng tại Ukraine - Ảnh: Getty Images

Bộ Cải tạo và Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian một lần nữa đã bị tạm dừng vì Nga tuyên bố hạn chế hoạt động đăng ký đối với các tàu đến cảng Pivdennyi, ở tỉnh Odesa của Ukraine, cho đến khi tất cả các bên đồng ý dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động vận chuyển ammoniac của Nga. Liên Hợp Quốc cho biết, đã có "sự chậm lại liên tục" trong chuyến khởi hành của các tàu theo thỏa thuận Biển Đen từ tháng 4 đến tháng 5/2023 và tỷ lệ kiểm tra trung bình hàng ngày đối với các tàu đã giảm xuống còn 3 chiếc/ngày. Hiện 50 tàu đang neo đậu trong lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ để chờ kiểm tra. Các tàu này đã sẵn sàng vận chuyển 2,4 triệu tấn lương thực từ Ukraine ra nước ngoài, nhưng một số tàu phải chờ kiểm tra trong hơn 3 tháng.

Nga phản ứng với biện pháp đáp trả của Mỹ về hiệp ước New START

Nga cho biết các biện pháp đáp trả của Washington liên quan Hiệp ước New START sẽ không làm thay đổi quan điểm của Moskva. Ảnh: AFP
Nga cho biết các biện pháp đáp trả của Washington liên quan Hiệp ước New START sẽ không làm thay đổi quan điểm của Moskva. Ảnh: AFP

Từ ngày 1/6, Mỹ tuyên bố chấm dứt thực hiện các thông báo cho Nga theo qui định của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới New START - bao gồm việc cập nhật về tình trạng hoặc vị trí của tên lửa và bệ phóng nằm trong danh sách kiểm soát, gồm cả những thông tin từ xa về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Mỹ cũng ngừng tạo điều kiện cho các cuộc thanh sát Hiệp ước New START trên lãnh thổ của mình bằng cách thu hồi thị thực đã cấp cho các thanh sát viên Nga, đồng thời lưu ý rằng các biện pháp đối phó có thể đảo ngược và đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết các biện pháp đáp trả của Washington liên quan Hiệp ước New START sẽ không làm thay đổi quan điểm của Moskva.

Mỹ và NATO thảo luận về một thỏa thuận an ninh kiểu Israel cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao đổi tại Nhà Trắng ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao đổi tại Nhà Trắng ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP

Khi Ukraine bước vào giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột với Nga, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đang thống nhất với nhau về một tầm nhìn củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine và tìm cách đảm bảo tương lai có chủ quyền của nước này. Đó là mô hình an ninh mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Biden, đã so sánh với những gì Israel hiện có. Thỏa thuận an ninh này sẽ liên quan đến quá trình hướng tới tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine, nhưng sẽ không thực sự khiến liên minh Bắc Đại Tây Dương này trở thành một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Nga.

Israel cho phép khai thác mỏ khí đốt 68 tỷ mét khối mới phát hiện

Một tàu hộ tống 6 lớp của Hải quân Israel bảo vệ tàu sản xuất, lưu trữ và dỡ hàng nổi Energean tại mỏ khí Karish. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel
Một tàu hộ tống 6 lớp của Hải quân Israel bảo vệ tàu sản xuất, lưu trữ và dỡ hàng nổi Energean tại mỏ khí Karish. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel

Chính phủ Israel đã cho phép công ty dầu khí Energean, trụ sở tại London, phát triển một mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện ở ngoài khơi Địa Trung Hải, thuộc lãnh hải phía Bắc nước này, với trữ lượng lên tới 68 tỷ mét khối. Mỏ khí Katlan được Energean phát hiện vào năm ngoái với giấy phép thăm dò do Chính phủ Israel cấp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, Israel phát hiện một mỏ khí đốt mới trên vùng biển của nước này. Dự kiến mẻ khí đốt đầu tiên từ mỏ Katlan sẽ được đưa lên mặt đất trong vòng vài năm tới, cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho nền kinh tế Israel và phục vụ xuất khẩu.