Quảng Nam: Sự cần thiết có cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết tại Khu kinh tế Mở Chu Lai

Cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho tỉnh tổ chức thực hiện mô hình liên kết cụm ngành thuận lợi, rút ra kinh nghiệm để áp dụng nhân rộng cho các mô hình liên kết cụm ngành khác trên cả nước.
liên kết
Liên kết công nghiệp với hạt nhân THACO sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung có thể xây dựng được ngành công nghiệp thực thụ

Từ thực tế phát triển công nghiệp nước ta nói chung và tại tỉnh Quảng Nam nói riêng, và đặc biệt khi đại dịch Covid 19 xảy ra vừa qua, chúng ta đã nhìn nhận rõ vai trò của chuỗi cung ứng và sự liên kết phát triển theo cụm ngành công nghiệp.

Như vậy, vấn đề đặt ra không mới, đó là chuỗi liên kết, là cụm liên kết ngành công nghiệp, nghĩa là sự phát triển không chỉ gói gọn trong 01 doanh nghiệp, trong 01 khu vực, 01 khu, cụm công nghiệp, một ngành mà là bài toán tổng thể chuỗi đầu cuối cung cầu, đào tạo lao động và tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện khung pháp lý cho các chính sách phát triển cụm liên kết ngành là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững và hội nhập, là nội dung mà trong đề cương dự thảo Luật công nghiệp đặc biệt quan tâm.

Trong những năm qua, các khu công nghiệp phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch ngành, các cụm liên kết ngành hình thành tự phát, rất ít liên kết giữa các doanh nghiệp hạt nhân và các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế khác bên ngoài (chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô nước ta có khoảng 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.

Trong khi đó, Thái Lan có 16 doanh nghiệp nhưng có tới gần 700 nhà máy cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Mô hình tại Việt Nam đến nay được xem là thành công là cụm liên kết ngành cơ điện điện tử do các nhà đầu tư FDI đến từ Nhật bản tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…) .

Quảng Nam xây dựng khu kinh tế mở đầu tiên và Tập đoàn Thaco đầu tư tại đây đã liên tục phát triển. Qua gần 20 năm bền bỉ, kiên trì phát triển, đến nay có thể khẳng định Khu kinh tế mở Chu Lai và nhà đầu tư Thaco đã thành công, góp phần đưa Quảng Nam là tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Chúng ta đã thực hiện hoá Nghị Quyết số 39-NQ/TW của Bộ chính trị khoá IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo, quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung bộ. Nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng được nâng lên. Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng và lợi thế của vùng, từng địa phương từng bước được phát huy. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam đều cao hơn bình quân khu vực, và cao hơn hàng chục lần so với năm 2004.

Trước tình hình thực tế phát triển công nghiệp cơ khí, ô tô tại Quảng Nam, Thaco và khu phức hợp cơ khí ô tô Chu lai – Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã bước đầu hình thành về cụm liên kết ngành trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, sự chủ động về phía nhà nước, nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế về cụm liên kết, đây là công cụ chính sách để tận dụng lợi thế thị trường, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nghề, thu hút đầu tư, tận dụng các FTA, chú trọng các liên kết trong khu vực nội địa….Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Thaco đã có nhiều buổi trao đổi, làm việc, Hội thảo và đã đi đến thống nhất về hợp tác gia công chế tạo, sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp cơ khí và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ về việc Chính phủ cho phép xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai theo Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 06/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Một số điều kiện tiên quyết đảm bảo tính khả thi của Đề án:

Một là, Tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong vùng đang triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đánh giá sát đúng tình hình, đề ra quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp triển vùng, trong đó nhấn mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, coi liên kết vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Hai là, chúng ta có Tập đoàn Thaco đã và đang trở thành hạt nhân trong liên kết, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hình thành và dẫn dắt các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất vệ tinh. Hiện nay, Thaco có 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, là đơn vị sản xuất, lắp ráp hàng đầu Việt Nam và khu vực với máy móc, thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Thaco đã tham gia sâu, rộng trong chuỗi giá trị ngành cơ khí, ô tô tại Việt Nam và thị trường thế giới.

Ba là, Quảng Nam đã quy hoạch và đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng đồng bộ và đa dạng như: cản biển công-ten-nơ gắn với chuỗi kho lạnh, luồng có trọng tải trên 5 vạn tấn; sân bay Chu Lai cấp 4F; hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy đảm bảo kết nối liên vùng, phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây.

Bốn là, Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế và các cụm công nghiệp được quy hoạch, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Hiện nay, Quảng Nam có 13 KCN đang triển khai hoạt động, trong đó có 10 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai và 03 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai. Đã quy hoạch các khu kinh tế ven biển trong đó có Khu phi thuế quan. Có 93 CCN được quy hoạch (trong đó có 59 CCN có quyết định thành lập). Với diện tích quy hoạch các khu công nghiệp là 5.701 ha và các cụm công nghiệp là 2.764,81ha. Trong đó, các khu, cụm công nghiệp đã lấp đầy khoảng 60%.

Năm là, lãnh đạo Quảng Nam đặc biệt quan tâm công tác xúc tiến đầu tư, có nhiều giải pháp tích cực để tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính trong đó chú trọng gắn với công tác chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho tỉnh tổ chức thực hiện mô hình liên kết cụm ngành thuận lợi, rút ra kinh nghiệm để áp dụng nhân rộng cho các mô hình liên kết cụm ngành khác trên cả nước.

Là cơ sở để Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn, không còn dàn trải, khó tiếp cận, hiệu quả thấp như các chính sách đã ban hành. Đề án cũng làm căn cứ để tỉnh Quảng Nam ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền. Nhằm hội tụ các cơ chế chính sách để thúc đẩy hình hành cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí điển hình, mẫu mực của Tỉnh Quảng Nam và các vùng.

Để Đề án triển khai thực hiện các bước tiếp theo cần sự đồng hành vào cuộc của các cơ quan Trung ương sớm trình Thủ tướng phê duyệt đề cương.  Đồng thời, cho phép bổ sung vào quy hoạch quốc gia Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai và thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng lĩnh vực cơ khí ô tô, điện tử tại Khu kinh tế mở Chu Lai

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam

                                                Đặng Bá Dự