TÓM TẮT:

Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ lâm vào tình trạng mất thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân công, chi phí tăng, không kiểm soát được dòng tiền,… Bài viết tập trung phân tích thực trạng hoạt động quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những thành tựu đạt được và khó khăn của các DNNVV do phụ nữ làm chủ, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm giúp các DNNVV do phụ nữ làm chủ vượt qua thách thức để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ làm chủ, DNNVV do phụ nữ làm chủ, đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Để vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với trong điều kiện bình thường. Sự chủ động thay đổi để thích ứng là tinh thần mà các nữ doanh nhân luôn hướng tới, để không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, kinh doanh thành công, mà còn cùng cộng đồng tham gia giải quyết những vấn đề thách thức của xã hội.

2. Một số lý luận cơ bản về DNNVV do phụ nữ làm chủ

2.1. DNNVV do phụ nữ làm chủ

Tiêu chí xác định DNNVV được quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Tiêu chí xác định DNNVV

Lĩnh vực hoạt động

Doanh nghiệp siêu nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng

 

- Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

- Tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

 

- Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người;

- Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.
- Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 

- Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người.

- Tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.

- Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

- Tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

- Tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người;

- Tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng.

- Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 

- Sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

- Tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.

- Không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

                          Nguồn: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/08/2021

Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan không quy định rõ DNNVV do phụ nữ làm chủ là gì [5]. Để được coi là loại hình doanh nghiệp này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sau:

- Thuộc một trong các loại hình DNNVV như tại Bảng 1.

- Doanh nghiệp do phụ nữ là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị của các loại hình công ty tương ứng.

2.2. Đặc điểm của các DNNVV do phụ nữ làm chủ

- Chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn cao: Có tới 68,6% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, so với 71,9% ở nam. Điều này cho thấy, khoảng cách về giới trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, phụ nữ có đầy đủ năng lực và trình độ để đảm trách các vị trí quản lý.

- Chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh: Có tới 68,6% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từng là hộ kinh doanh. Các loại hình khác (doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước địa phương hoặc trung ương, doanh nghiệp có một số cổ phần/phần vốn do cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước nắm giữ) chiếm tỷ lệ rất nhỏ (dưới 3,5%).

- Quy mô sử dụng lao động nhỏ: Xét về quy mô sử dụng lao động, qua các năm điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu sử dụng dưới 50 lao động. Những con số này và những số liệu về vốn kinh doanh cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

- Quy mô vốn khiêm tốn: Qua các năm, quy mô vốn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thay đổi không đáng kể, chủ yếu ở khoảng 1-5 tỷ đồng. Tính chung thì số doanh nghiệp có vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở xuống là tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 68 - 70% tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong 5 năm trở lại đây).

3. Thực trạng về DNNVV do phụ nữ làm chủ trước đại dịch Covid-19

3.1. Thực trạng của DNNVV do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard năm 2020, Việt Nam xếp hạng 25 trong số 58 nền kinh tế vào năm 2020, giảm 7 bậc so với vị trí 18 vào năm 2019. Ở Việt Nam, gần 80% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 so với khoảng 60% doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Hơn 50% doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh như lưu trú và thực phẩm, bán buôn, bán lẻ, và sản xuất. Điều này cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dễ bị tổn thương hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ.   

Khảo sát doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021 cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch. Trước bối cảnh đó, đã có 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020 (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021).

Nghiên cứu nhanh của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tháng 3/2020 cũng cho thấy, có tới 72,2% doanh nghiệp được hỏi nhận định dịch bệnh sẽ làm mất/thu hẹp thị trường tiêu thụ; 62,9% nhận định doanh nghiệp sẽ thiếu vốn/dòng tiền kinh doanh; 44,4% trả lời doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp lực lượng lao động; 29,6% doanh nghiệp trả lời sẽ không có khả năng trả được khoản nợ vay ngân hàng đến hạn; 25,9% cho biết sẽ bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Một nghiên cứu khác được triển khai dưới sự phối hợp của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UNESCAP. Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Có 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp siêu nhỏ, 35% là doanh nghiệp nhỏ, chỉ 8% là doanh nghiệp vừa. 134 doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương đương 61%) là doanh nghiệp do nữ làm chủ [1].

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DNNVV do nữ làm chủ phần nào nặng nề hơn so với các DNNVV do nam làm chủ - mặc dù lý do của sự khác biệt về giới tính này là không rõ ràng. Có 56% DNNVV do nữ làm chủ không sản xuất - kinh doanh được hoặc gián đoạn do giãn cách xã hội (con số này ở DNNVV do nam làm chủ là 43%). Tình hình hoạt động của doanh nghiệp do nữ làm chủ có phần khó khăn hơn so với mặt bằng chung, 15,7% doanh nghiệp do nữ làm chủ doanh thu quý I/2021 giảm trên 75% so với cùng kỳ năm trước (tỷ lệ này ở doanh nghiệp do nam làm chủ là 7,7%).

3.2. Thành tựu đạt được

Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng số doanh nghiệp do nữ làm chủ không ngừng tăng trưởng hoặc khởi nghiệp trong giai đoạn thách thức này, không chỉ kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và startup do phụ nữ lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc giải quyết các thách thức xã hội.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội. Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.

Phụ nữ có năng lực trong việc phát hiện cả các vấn đề nhỏ để giải quyết, tính linh hoạt cao, khả năng khéo léo trong giao tiếp, tinh thần đổi mới sáng tạo và chỉn chu trong từng việc mình làm.

3.3. Khó khăn phải đối mặt

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới các chủ doanh nghiệp là phụ nữ không đồng đều. Các doanh nghiệp này có xu hướng tập trung vào các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, có vùng đệm tài chính tương đối nhỏ và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau bị hạn chế. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trung bình nhỏ hơn và trẻ hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Họ có nhiều khả năng là người tự tài trợ, hoặc được tài trợ bởi bạn bè và gia đình, và có ít tài sản tài chính hơn. Ngoài ra, phụ nữ có ít khả năng tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài và trình độ kỹ năng tài chính thấp hơn so với nam giới. (Hình 2)

Hiện chỉ có 1/4 số DNNVV tại Việt Nam do phụ nữ làm chủ. Họ có ít khả năng hơn để tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đồng thời, các sản phẩm tài chính khó có thể được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ.

Việc chăm sóc con cái cũng ảnh hưởng đến thời gian và nguồn lực của các nữ doanh nhân. Một báo cáo của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) năm 2020 cho thấy, trung bình mỗi ngày, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn 105 phút cho công việc chăm sóc không được trả công so với nam giới. Con số này sẽ tăng lên trong đại dịch Covid-19, khi họ vừa phải quản lý doanh nghiệp, vừa giúp con học từ xa, trong bối cảnh nhiều dịch vụ trông trẻ, gia sư và dịch vụ tại nhà bị đóng cửa hoặc cắt giảm.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị DNNVV do phụ nữ làm chủ trước đại dịch Covid-19

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, để các DNNVV do phụ nữ làm chủ vượt qua được những khó khăn trước mắt, đồng thời phát triển mạnh mẽ, vững chắc và lâu dài, một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được triển khai. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp: Mặc dù dịch bệnh đã gây nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp trong thời gian qua nhưng chính nó cũng tạo sức ép khiến các doanh nghiệp nhìn lại chính mình, để rà soát lại các khâu, mắt xích trong quy trình hoạt động để tái cấu trúc doanh nghiệp trên cơ sở thích ứng với hoàn cảnh mới. Doanh nghiệp nên xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh, chuẩn bị bước phát triển mới sau khi đại dịch đi qua.

Thứ hai, thời gian tới, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; tăng cường kết nối, phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu; chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý; tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một hoặc một vài thị trường.

Thứ ba, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp để tối đa hóa những ưu thế của công nghệ vào tất cả các khâu của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Áp dụng công nghệ hiện đại và công nghệ số trong các hoạt động quản lý, vận hành của doanh nghiệp.

Thứ tư, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí: Doanh nghiệp cần xem xét lại các khoản chi phí kèm theo các biện pháp bảo mật hiệu quả để cắt bỏ bớt các khâu trung gian không cần thiết, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, đây là biện pháp bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường, đặc biệt là các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Thứ năm, đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai - công việc mà do hạn chế về thời gian doanh nghiệp chưa thực hiện được. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo để tìm ra các giải pháp, hướng đi phù hợp với điều kiện và thực trạng nguồn lực của doanh nghiệp thời kỳ hậu đại dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần sử dụng có hiệu quả các hỗ trợ của Chính phủ để ổn định sản xuất và quan tâm đến người lao động.

5. Kết luận

Tóm lại, đại dịch Covid-19 đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV do nữ làm chủ. Phụ nữ ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân Việt Nam còn được đánh giá ngày càng chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều DNNVV do phụ nữ làm chủ cần sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, Hiệp hội, Nhà nước và Chính phủ; nhưng cũng nhiều doanh nghiệp mà nữ lãnh đạo đã kịp thời thay đổi, thích ứng để trụ vững và đạt mức tăng trưởng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UNESCAP (2021). Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV do nữ làm chủ.

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2019). Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021). Báo cáo môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

4. Nguyễn Thành Hiếu, Trương Tuấn Anh, Đỗ Thị Đông, Hà Sơn Tùng (2020). Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp: Nghiên cứu thực tiễn ở miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 274, 54-63.

5. Chính phủ (2021). Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 của Chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV”.

6. Thục San (2021). Đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs đi qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Truy cập tại: https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc-su-kien/dong-hanh-cung-tam-nong/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-smes-di-qua-kho-khan-do-dich-benh-covid-19.

The business management at women-owned small and medium-sized enterprises during the COVID-19 pandemic

Master. Nguyen Thi Thanh Tam

Thuongmai University

ABSTRACT:

Vietnamese businesses, including women-owned enterprises, have been severely impacted by th COVID-19 pandemic. Businesses are facing the loss of market share, supply chain disruptions, labor shortage, increase in costs, lack of resources, uncontrolled cash flow, etc. This paper focuses on analyzing the current situation of women-owned small and medium-sized enterprises (SMEs) during the COVID-19 pandemic. The paper highlights achievements and difficulties for women-owned SMEs. Based on the paper’s findings, the paper proposes some solutions to help women-owned SMEs overcome challenges to sustainably grow in the coming time.

Keywords: small and medium-sized enterprises, women-owned, women-owned small and medium-sized enterprises, COVID-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]