Quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Việt Nam

TS. LÊ TRUNG HIẾU (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Bài viết đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Việt Nam, chỉ ra những tồn tại, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Từ khóa: thương mại điện tử, quản lý nhà nước, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và ổn định. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) - một xu thế thương mại hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT, Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật, chính sách về TMĐT, xây dựng khuôn khổ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TMĐT. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về TMĐT vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa hiệu quả, còn có sự chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ; hoạt động thanh kiểm tra chưa được chú trọng, tình trạng hàng giả hàng nhái còn xuất hiện khá phổ biến dẫn tới niềm tin của người tiêu dùng đối với TMĐT thấp. Bài viết sẽ đi sâu đánh giá thực trạng QLNN về TMĐT trong giai đoạn hiện nay, qua đó đưa ra một số khuyến nghị đối với các bên liên quan, nhằm khắc phục được những hạn chế và nâng cao hiệu quả của công tác QLNN về TMĐT.

Để phân tích, đánh giá thực trạng QLNN về TMĐT ở Việt Nam, tác giả chủ yếu sử dụng các nguồn số liệu thứ cấp thu thập được từ các sách, tài liệu, các công trình đã công bố trong các tạp chí, kỷ yếu hội thảo chuyên ngành, các báo cáo của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng như của các tổ chức kinh tế thế giới. Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận hệ thống và so sánh. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, đánh giá, tổng hợp và suy diễn.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Thực trạng quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Để đánh giá về thực trạng QLNN về TMĐT, tác giả tiếp cận từ góc độ quản lý với những nội dung chủ yếu sau: xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT; xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về TMĐT; tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách phát triển TMĐT; kiểm soát TMĐT.

2.1.1. Công tác xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT

Để phát triển TMĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010. Đây là kế hoạch đầu tiên được Chính phủ xây dựng nhằm đưa ra các quan điểm và định hướng cho sự phát triển của TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn đầu mới hình thành thị trường. Trên cơ sở các kết quả phát triển của TMĐT đã đạt được theo kế hoạch trên, trong những thời gian sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt các kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025. Các kế hoạch giai đoạn tiếp theo đã xác định, TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, có vai trò hết sức quan trọng và tỷ trọng đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế của Việt Nam.

Nhằm hiện thực hóa các kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia, hiện nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển TMĐT của địa phương mình.

2.1.2. Xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về TMĐT

- Chính sách TMĐT

Chính sách TMĐT là hệ thống các quy định, biện pháp của Nhà nước nhằm điều chỉnh hoạt động TMĐT trong mỗi giai đoạn phát triển để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong các chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT. Các chính sách TMĐT thường tập trung vào các khía cạnh sau:

+ Chính sách thương nhân. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 đã quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của thương nhân về các hoạt động kinh doanh buôn bán, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cũng theo Nghị định số 85/2021, từ ngày 01/01/2022, ngoài các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT thông qua website chính thống, thương nhân còn được thực hiện hoạt động thương mại trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram,... 

+ Chính sách đối với người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 68, 69, 70, 71, 72 Nghị định 52/2013 đã đưa ra một số quy định cụ thể về trách nhiệm, các chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó đã có một số quy định về các hình thức xử phạt, từ xử phạt hành chính, phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm nặng. Mặc dù Nghị định 52/2013 có quy định về tiến trình thực hiện giao kết hợp đồng trên website nhưng nhìn chung người tiêu dùng thường không có thông tin đầy đủ về sản phẩm, nên rất có thể dẫn tới tình trạng thông tin bất cân xứng, gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng.

+ Chính sách thuế trong TMĐT. Hiện nay, nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, các chính sách thuế đối với TMĐT ở Việt Nam được thực hiện thông qua một số sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn thu thuế từ TMĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về TMĐT, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 quy định rõ trách nhiệm của người quản lý trên sàn TMĐT. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về giao dịch trên sàn TMĐT, qua đó sẽ có các biện pháp thu thuế đúng và đủ theo quy định của pháp luật.

Việc ban hành cách chính sách về thuế kịp thời đã giúp cơ quan QLNN gia tăng hiệu quả trong thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT. Từ năm 2018 đến nay, tổng doanh thu thuế từ các hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt 5.588 tỷ đồng. Đối với TMĐT trong nước, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2022, số tiền thuế từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ TMĐT, cung cấp dịch vụ số đạt 531 tỷ đồng. Mặc dù số tiền thuế thu được từ TMĐT còn tương đối khiêm tốn so với tiềm năng nhưng đã góp phần tăng đáng kể nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Với các chính sách, quy định về thuế ngày càng được hoàn thiện, TMĐT hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách trong thời gian tới.

+ Chính sách phát triển nguồn nhân lực TMĐT. TMĐT ngày càng phát triển nhanh chóng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Hiện nay, có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần TMĐT. Tuy vậy, nguồn nhân lực TMĐT hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng 30% nguồn nhân lực, có đến 55% nguồn nhân lực đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin); còn lại là đến từ các ngành nghề khác. 

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, Nghị định 52/2013 đã xác định một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia là “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực TMĐT”. Điều này được cụ thể hóa trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra mục tiêu: “Tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT; 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ QLNN, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT”.

+ Chính sách phát triển hạ tầng công nghệ. Để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 153/QĐ-TTg. Với những chính sách trên đã mang lại kết quả tích cực, tính đến năm 2022, tỷ lệ người dân sử dụng internet ở Việt Nam đạt mức 75%. Mạng 5G được nghiên cứu và đưa vào sử dụng từ ngày 17/01/2020 là một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Cho tới nay, mạng 5G của Viettel đang dần phủ sóng rộng rãi tới mọi tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán trong TMĐT, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 về đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế.

- Xây dựng và ban hành pháp luật về TMĐT

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TMĐT, đảm bảo sự phát triển bền vững của TMĐT và tạo cơ sở cho các hoạt động QLNN, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng. Một số bộ luật quan trọng có thể kể đến như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Viễn thông, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng,... Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành hệ thống các nghị định hướng dẫn luật, các Bộ liên quan ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện, nhằm cụ thể hóa các nội dung của luật và áp dụng luật vào thực tiễn. Việc xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật kịp thời và bám sát với thực tiễn phát triển của nền kinh tế nói chung và đối với TMĐT nói riêng đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của TMĐT trong những năm qua.

2.1.3. Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT

Nhằm nâng cao nhận thức về TMĐT và kêu gọi các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia vào lĩnh vực TMĐT, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã có nhiều hình thức truyền thông khác nhau. Các phương thức truyền thông phổ biến như báo viết, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình đã truyền tải các nội dung liên quan tới chính sách, pháp luật về TMĐT, xu hướng công nghệ, hoạt động của thị trường TMĐT của Việt Nam và trên thế giới. Các buổi trao đổi, tọa đàm, hội thảo khoa học và các buổi chia sẻ về TMĐT được tổ chức đều khắp ở các tỉnh thành phố nhận được sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp, người dân và các nhà quản lý. Qua các hoạt động tuyên truyền, người dân và các doanh nghiệp nhận thức được những lợi ích mà TMĐT mang lại, thu hút đông đảo quần chúng và doanh nghiệp tham gia giao dịch các hàng hóa dịch vụ thông qua các sàn TMĐT.

Để triển khai Kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã tổ chức phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng các chương trình, dự án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển TMĐT. Trong giai đoạn 2021-2025, Cục Thương mại và Kinh tế số tiến hành xây dựng và triển khai 8 nhóm chương trình lớn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Mỗi chương trình được cụ thể hóa bằng các dự án, với các mục tiêu chi tiết và cụ thể.

2.1.4. Kiểm soát TMĐT

Nhằm đảm bảo cho TMĐT phát triển ổn định và hiệu quả và bền vững, định kỳ hàng năm, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định, pháp luật về TMĐT. Trong năm 2021, 140 vụ việc liên quan đến TMĐT được kiểm tra, có 132 vụ việc bị xử lý vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng.

Riêng đối với ngành Thuế đã triển khai nhiều hoạt động thanh, kiểm tra nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT. Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với TMĐT, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT. Trong năm 2021, Tổng cục Thuế đã tăng cường kiểm tra, giám sát chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại. Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng từ giữa tháng 11/2022, Bộ Tài chính đã triển khai đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với TMĐT trong nước và xuyên biên giới, phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước,… thực hiện quản lý thuế đối với TMĐT.

2.2. Một số vấn đề tồn tại trong quản lý hà nước về thương mại điện tử

Trong những năm qua, công tác QLNN về TMĐT đã có bước thay đổi mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh và ổn định của TMĐT. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về TMĐT vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau đây:

Về xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT. Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược phát triển TMĐT quốc gia mà chỉ xây dựng kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn cụ thể (thường là 5 năm). Do vậy, sự phát triển của TMĐT thiếu sự đồng bộ và định hướng trong dài hạn.

Về xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về TMĐT. Trong những năm qua, các cơ quan QLNN đã ban hành nhiều chính sách và pháp luật về TMĐT nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật tuy nhiều nhưng có sự chồng chéo nên khi áp dụng trong thực tiễn gặp nhiều vướng mắc. Sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số khiến cho một số quy định pháp luật không theo kịp. Ví dụ như: vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là các hoạt động xuyên biên giới; vấn đề bảo vệ người tiêu dùng; việc xử lý các tranh chấp, xung đột trong các hoạt động kinh doanh trên môi trường số. Các chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được như cầu thực tiễn.

Về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT. Các hoạt động truyền thông về TMĐT được triển khai khá đa dạng nhưng hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ các quy định cũng như yêu cầu khi tham gia vào giao dịch trên sàn TMĐT, dẫn tới gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi tham gia giao dịch. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Do vậy, khi triển khai các chương trình, dự án về TMĐT còn có sự chồng chéo và kém hiệu quả.

Về kiểm soát TMĐT. Các quy định, cơ chế thanh tra đối với TMĐT còn khá lỏng lẻo. Số lượng cũng như năng lực đội ngũ thanh tra còn hạn chế. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn theo định kỳ và tần suất còn thấp, còn thiếu cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên môi trường điện tử; mức độ xử lý vi phạm còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp tham gia TMĐT.

3. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Để nâng cao hiệu quả QLNN về TMĐT, cần chú trọng một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng Chiến lược Phát triển TMĐT quốc gia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Chiến lược cần có tính định hướng trong dài hạn, trong 10 năm, 20 năm và mang tính tổng quát, đưa ra những dự báo dài hạn về triển vọng phát triển của TMĐT trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Chiến lược cần bám sát thực tiễn, sử dụng các phương pháp khoa học, đảm bảo tính khả thi cao và có sự tham khảo của các quốc gia phát triển về TMĐT.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách và pháp luật về TMĐT.

Tập trung hoàn thiện hơn các quy định về công bố thông tin trên website TMĐT, quy định quản lý thông tin và chất lượng hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa dịch vụ trên sàn TMĐT.

Nhằm thực hiện thu thuế đúng và đủ, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hoạt động TMĐT trên thị trường. Đối với TMĐT liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức thuế về TMĐT và công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Tiếp tục có các chính sách đầu tư dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo về TMĐT. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo chính quy ở các bậc đại học, cao đẳng về TMĐT nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TMĐT. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và mở các lớp tập huấn về TMĐT, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền và phổ biến các kiến thức TMĐT cơ bản nhất cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT, đặc biệt chú trọng đến các khía cạnh như: trách nhiệm của thương nhân; bảo vệ người tiêu dùng; kiểm soát TMĐT; các quy định về giá trị pháp lý chứng cứ điện tử, các quy định về cung cấp và quản lý dịch vụ xuyên biên giới.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT. Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và phổ biến về TMĐT tới người tiêu dùng và doanh nghiệp; đào tạo, hỗ trợ nâng cao trình độ, khả năng triển khai TMĐT đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình phát triển TMĐT phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xu hướng phát triển kinh tế số, Việt Nam cần tăng cường đẩy mạnh các kênh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TMĐT, cụ thể như: tham gia xây dựng khung khổ pháp lý quốc tế về TMĐT, nghiên cứu pháp luật, kinh nghiệm các quốc gia có TMĐT phát triển. Cần có cơ chế trong phối hợp tổ chức thực hiện của cá đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.

Thứ tư, hoàn thiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát TMĐT. Cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về các nội dung: việc cung cấp thông tin điện tử bán hàng; giao kết hợp đồng trên sàn; vấn đề thu thập, bảo vệ và sử dụng thông tin cá nhân; các vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ thanh tra. Xây dựng và ban hành các quy chế, hình thức xử phạt nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2022). Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam. Truy cập tại: https://idea.gov.vn/?page=document
  2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022). Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Truy cập tại: https://vecom.vn/bao-cao-chi-so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2022
  3. Đào Thị Hạnh (2021). Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp cho việc quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam.Tạp chí Công Thương số 6, tháng 3.
  4. Florian, H., Aadash, B. (2019). E-conomy SEA 2019, Google, Temasek and Bain & Company, 20/5/2019. Truy cập tại: https://www.bain.com/insights/e-conomy-sea-2019/

State management of e-commerce in Vietnam

Ph.D Le Trung Hieu

Faculty of Economics, University of Economics, Da Nang University

Abstract:

Over the years, e-commerce has had a strong development and has made an important contribution to the economic development of Vietnam. However, it is necessary for the state to strictly manage the development of e-commerce sector in order to help this sector grow sustainably. This paper reviews the current state management of e-commerce in Vietnam, points out the limitations, and then proposes some solutions to improve the state management of e-commerce.

Keywords: e-commerce, state management, policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]