Quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và Campuchia

Tuy là thị trường không lớn (GDP năm 2021 khoảng 26 tỷ USD, dân số 17 triệu người năm 2021) nhưng thị trường Campuchia có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Vai trò của thị trường Campuchia đối với Việt Nam

Tuy là thị trường không lớn (GDP năm 2021 khoảng 26 tỷ USD, dân số 17 triệu người năm 2021) nhưng thị trường Campuchia có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, Campuchia là thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và dễ tính đối với hàng hóa của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Do năng lực sản xuất hạn chế, Campuchia phải nhập khẩu phần lớn các mặt hàng nhiên liệu, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, một số loại thủy sản và rau quả từ Việt Nam. Campuchia luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan).

Thứ hai, Campuchia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành chế biến xuất khẩu của ta như gạo (khoảng 1 triệu tấn/năm theo đường tiểu ngạch), cao su tự nhiên, hạt điều, chế biến gỗ...

Thứ ba, Campuchia là địa bàn thu hút vốn đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Lào) với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến tháng 10/2022 đạt khoảng 2,84 tỷ USD (trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, trồng cây cao su...).

Tình hình hợp tác thương mại Việt Nam - Campuchia

Kim ngạch thương mại

Trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng - là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia có tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 18,5%/năm. Kim ngạch thương mại đã tăng gần gấp đôi từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên tới 3,35 tỷ USD năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trung bình 15,5%/năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia tăng trung bình 32,7%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, ngay từ năm 2019, hai nước đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD trước thời hạn mà lãnh đạo cấp cao hai Bên đề ra (mục tiêu đề ra cho năm 2020).

Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia vẫn đạt 5,32 tỷ USD, tăng 0,84% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,14 tỷ USD, giảm 5,3%. Kim ngạch nhập khẩu từ Campuchia đạt 1,17 tỷ USD, tăng 30,8% so với năm 2019.

Bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tăng trưởng rất mạnh. Tổng kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,83 tỷ USD, tăng 16,4% và nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,71 tỷ USD tăng 299,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Campuchia đạt gần 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,55 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021; Nhập khẩu đạt 3,89 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9T đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD.

Các mặt hàng XK chính là: Sắt thép các loại (đạt 769 triệu USD, tăng 6,8%); Hàng dệt, may (đạt 705 triệu USD, tăng 43,9%); Xăng dầu các loại (đạt 523,2 triệu USD, tăng 85,6%); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (đạt 268,4 triệu USD, tăng 24,2%); Phân bón các loại (đạt 200 triệu USD, tăng 30,1%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 142,3 triệu USD, tăng 37,2%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 138,2 triệu USD, tăng 21,3%); Sản phẩm từ sắt thép (đạt 126,7 triệu USD, tăng 1,9%);

Các mặt hàng NK chính là: Cao su (đạt 1,17 tỷ USD, tăng 22,3%); Hạt điều (đạt 1,07 tỷ USD, giảm 41,5%); Phế liệu sắt thép (đạt 51,4 triệu USD, tăng 58,1%); Hàng rau quả (đạt 46,1 triệu USD, tăng 44,8%); Vải các loại (đạt 37,6 triệu USD, tăng 48,8%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 22,4 triệu USD, tăng 13,4%); Nguyên phụ liệu thuốc lá (đạt 13,7 triệu USD, tăng 255%).

Đàm phán, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước

Thứ nhất, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia bắt đầu từ năm 2014. Hiện nay, sau nhiều vòng đàm phán và trao đổi, hai Bên đã thống nhất các nội dung của Dự thảo Hiệp định. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Campuchia từ ngày 21-22/12/2021, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Campuchia đã ký Biên bản ghi nhớ về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại biên giới.

Hợp tác thương mại Việt Nam - Campuchia
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia vào ngày 8/11/2022

Ngày 08 tháng 11 năm 2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Lễ ký diễn ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đông đảo Lãnh đạo Bộ, ngành của Việt Nam và Campuchia.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ góp phần thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả hơn nữa cũng như để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thương mại biên giới phù hợp với bối cảnh thực tế; thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước và góp phần tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, gắn bó mật thiết giữa hai nước trên nhiều phương diện.

Thứ hai, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia. Thực hiện Tuyên bố chung ngày 10 tháng 10 năm 2005 giữa Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia về việc hai nước thoả thuận sớm đưa ra chính sách ưu đãi thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia (sau đây gọi tắt là Bản Thỏa thuận) nhằm dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước trong các năm 2006-2007, 2010-2011, 2012-2013, 2014-2015, 2016-2017, 2008-2020 và gia hạn áp dụng trong giai đoạn 2020-2022.

Kể từ khi được ký kết, thực thi, Bản Thỏa thuận đã hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước phát huy tiềm năng và tận dụng lợi thế, thế mạnh của các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia; thúc đẩy giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước; cải thiện đời sống và tạo công ăn việc làm cho nhân dân, đặc biệt là người dân sống ở khu vực biên giới hai nước; thu hút đầu tư trong và ngoài nước, qua đó góp phần nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều; đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Việc ký kết, thực hiện Bản Thỏa thuận không chỉ thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân khu vực hai bên biên giới mà còn tăng cường mối quan hệ giữa các lực lượng tại khu vực cửa khẩu, hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới giữa hai nước.

Thứ ba, Thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Campuchia về cộng gộp xuất xứ các mặt hàng nguyên liệu để được hưởng thuế suất GSP của EU và Vương quốc Anh. Trong thời gian qua, Việt Nam và Campuchia cùng là nước thụ hưởng GSP của EU và UK. Theo Điều 55, Quy định số 2015/2446 ngày 28 tháng 7 năm 2015 của EU về cộng gộp khu vực, Việt Nam và Campuchia nằm trong nhóm I (gồm các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Theo đó, nguyên liệu từ các nước trong nhóm này có thể cộng gộp để tính hàm lượng xuất xứ để hưởng ưu đãi GSP khi xuất khẩu sang EU và UK.

Do Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, sau giai đoạn chuyển tiếp, Việt Nam sẽ không còn là nước thụ hưởng GSP của EU kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Theo đó, quy tắc cộng gộp xuất xứ khu vực giữa Việt Nam và Campuchia sẽ không được áp dụng để hưởng GSP của EU từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Tương tự như vậy, Việt Nam và Campuchia sẽ không được cộng gộp xuất xứ để hưởng ưu đãi GSP của UK từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.

Do đó, Campuchia đưa ra ý tưởng hai Bên cùng ký kết 02 văn kiện cấp Chính phủ về cộng gộp xuất xứ mặt hàng linh kiện và phụ tùng xe đạp gửi EU và UK để đề nghị cho phép được hưởng thuế ưu đãi GSP của EU và UK.

Căn cứ đề nghị của Campuchia, sau khi phân tích, lấy ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, Bộ Công Thương đã báo cáo và được Lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề xuất đàm phán, ký kết các văn kiện cộng gộp linh kiện, phụ tùng xe đạp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia để hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh (công văn số 2713/VPCP-QHQT ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ).

Sau một thời gian đàm phán, thống nhất, 02 văn kiện nói trên đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia ký nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Campuchia từ ngày 08 đến ngày 09 tháng 11 năm 2022.

Công tác phát triển hạ tầng biên giới

Xây dựng Chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia 

Triển khai các nội dung hợp tác được thống nhất tại các Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại Campuchia thực hiện Dự án “Xây dựng Chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia” tại xã Đa, huyện Mê Mốt, tỉnh Tbaung Khmum, Campuchia (gọi tắt là Chợ Đa).

Dự án Chợ Đa được khởi công xây dựng từ ngày 16 tháng 01 năm 2018 và đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao cho phía Campuchia. Lễ bàn giao được tổ chức vào ngày 24 tháng 12 năm 2019 tại tỉnh Tbaung Khmum, Campuchia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng.

Tại Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, hai Bên thống nhất "tiếp tục phối hợp nghiên cứu khả năng xây dựng chợ biên giới theo đề xuất của phía Campuchia".

Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia

Hai Bên đã đàm phán, ký Bản ghi nhớ về Phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia vào ngày 04 tháng 10 năm 2019 tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Ngày 19 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về Phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia (Quyết định số 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3618/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 phê duyệt kế hoạch của Bộ Công Thương để triển khai Quyết định số 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai và hướng dẫn các địa phương liên quan triển khai thực hiện Bản ghi nhớ.

Tường Vy