PTC1 triển khai ứng dụng thiết bị bay UAV tại khu vực Tây Bắc

Ngày 23/11/2022, đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã kiểm tra và làm việc với Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) về công tác triển khai ứng dụng thí điểm thiết bị bay UAV tại Đội Truyền tải điện (TTĐ) Phù Yên thuộc Truyền tải điện Tây Bắc 2.

Hoạt động trên nhằm cụ thể hóa chủ trương ứng dụng thiết bị bay UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia với mục đích tăng cường ứng dụng KHCN nhằm thay thế một phần phương thức quản lý truyền thống, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả quản lý đặc biệt là tại các khu vực có địa hình đa dạng, phức tạp và khó khăn như khu vực Tây Bắc.

ứng dụng thiết bị bay UAV
TTĐ Tây Bắc 2 triển khai xử dụng UAV tại Vị trí 176 đường dây 500kV Sơn La - Việt Trì - Hiệp Hòa

Theo đó, PTC1 đã đề xuất và triển khai ứng dụng thiết bị bay UAV thí điểm tại Đội Truyền tải điện Phù Yên thuộc TTĐ Tây Bắc 2 bắt đầu từ tháng 11/2022 cho đến hết tháng 01/2023. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc TTĐ Tây Bắc 2 cho biết: "Hiện Truyền tải điện Tây Bắc 2 đang quản lý vận hành khối lượng đường dây 220kV và 500kV là rất lớn, địa bàn quản lý trải rộng khắp 4 tỉnh khu vực Tây Bắc: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Các đường dây đều đi qua địa hình phức tạp, rừng sâu, núi cao, nhiều vị trí dễ bị sạt lở".

Riêng đối với Đội TTĐ Phù Yên thì khối lượng quản lý đường dây 500kV mạch kép là 85,025km, đường dây 220 kV mạch đơm là 87,149km, đường dây 220kV mạch kép là 0,33 km. Các tuyến đường dây này hầu hết đều ở trên núi cao, điều kiện giao thông đi vào các vị trí cột hết sức khó khăn, độ dốc lớn, đặc biệt vào mùa mưa đường trơn trượt làm ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý vận hành. Do vậy việc ứng dụng thiết bị bay UAV sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn hơn cho người lao động, kịp thời phát hiện sớm những sự cố, khiếm khuyết trên đường dây.

TTĐ Tây Bắc 2 triển khai xử dụng UAV
TTĐ Tây Bắc 2 triển khai xử dụng UAV tại Vị trí 176 đường dây 500kV Sơn La - Việt Trì - Hiệp Hòa

Theo đó, tại Đội TTĐ Phù Yên, công tác thí điểm đã được thực hiện với các nội dung công việc như: Hỗ trợ kiểm tra định kỳ phần cột, chuỗi cách điện, phụ kiện, dây dẫn, kiểm tra hành lang, kiểm tra tình trạng móng cột, rãnh thoát nước; Hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật gồm: Kiểm tra phụ kiện mang điện và dây dẫn, giám sát kết quả thực hiện của đội công tác; kiểm tra sau mưa bão gồm: Kiểm tra tình trạng sạt lở móng cột và tình trạng địa chất xung quanh, giảm nguy cơ rủi ro cho đội công tác, các vị trí nằm trong khu vực bị chia cắt; Kiểm tra sự cố gồm: Kiểm tra tình trạng các thiết bị mang điện bị phóng điện khi đường dây đang vận hành.

Kết quả cho thấy, sau một thời gian triển khai, công tác quản lý vận hành đường dây đã được nâng cao, công nghệ thiết bị bay UAV đã phát hiện kịp thời các hư hỏng nằm ở vị trí khó khăn, các vị trí trên dây dẫn, dây chống sét mà khi đi kiểm tra bình thường không phát hiện được. Đảm bảo công tác kiểm tra thiết bị mà không cần phải cắt điện đường dây, đảm bảo ổn định cung cấp điện.

Bên cạnh đó, công nghệ thiết bị bay UAV cũng đã góp phần đảm bảo an toàn hơn, giảm rủi ro cho người công nhân quản lý vận hành và cán bộ quản lý kỹ thuật do không phải di chuyển ra những khu vực, vị trí nguy hiểm để kiểm tra thiết bị (như vùng thung lũng, núi cao, trên cột, ra dây dẫn, dây chống sét, một số hạng mục kiểm tra sẽ không phải cắt điện.

Để có thể ứng dụng được rộng khắp công nghệ thiết bị bay UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây, trước đó từ ngày 14-19/11 Công ty Truyền tải điện 1 đã tổ chức tập huấn cho hơn 200 lao động ngay sau khi tiếp nhận các thiết bị bay UAV được mua sắm theo dự án đầu tư.

Ông Hoàng Xuân Khôi
Ông Hoàng Xuân Khôi - Phó giám đốc PTC1

Ông Hoàng Xuân Khôi - Phó giám đốc PTC1 cho biết: Việc ứng dụng thiết bị bay UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả người lao động. Thiết bị ứng dụng chức năng AI tự phân tích hình ảnh qua đó nhận diện các hư hỏng, khiếm khuyết trên đường dây như cách điện, phụ kiện bị hư hỏng (vỡ, nhiễm bẩn, rỉ sét…) và đưa ra cảnh báo tồn tại cho người quản lý vận hành trực tiếp để có giải pháp xử lý kịp thời từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

"Việc trang bị thiết bị bay UAV phục vụ quản lý vận hành là rất cần thiết để kiểm soát chất lượng vận hành đường dây và trạm biến áp. Đến thời điểm này, PTC1 quản lý đến hơn 10.000km đường dây, trong đó có 7.568,365km đường dây 220kV và 3.050,353km đường dây 500kV", ông Hoàng Xuân Khôi cho biết.

Cũng theo ông Hoàng Xuân Khôi, với khối lượng công việc cùng tần suất kiểm tra định kỳ và đột xuất rất cao thay vì phải kiểm tra theo cách truyền thống thì thiết bị bay UAV sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc quản lý vận hành đường dây, nhất là đối với các đơn vị vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi hiểm trở, giảm bớt công sức cho người lao động.

Ông Lưu Việt Tiến - Phó TGĐ EVNNPT
Ông Lưu Việt Tiến - Phó TGĐ EVNNPT

Tại buổi làm việc, ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT đã khẳng định: "Việc ứng dụng thiết bị bay UAV không chỉ nằm trong lộ trình chuyển đổi số của Tổng Công ty mà còn là giải pháp khoa học công nghệ giúp tăng năng suất lao động, người lao động đỡ vất vả và an toàn hơn nhất là đối với những khu vực có địa hình khó khăn, phức tạp. Hiện lực lượng lao động của chúng ta đang già hóa đi nên chúng ta phải nhanh chóng thay đổi cách thức tổ chức sản xuất cho phù hợp. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý vận hành đường dây đã và đang được Tổng Công ty thực hiện tại tất cả các Công ty Truyền tải điện. Thời gian tới Tổng Công ty tiếp tục đưa cả các dự án đã được phê duyệt quy hoạch vào quản lý bằng công nghệ, đồng thời nâng cấp GIS để hỗ trợ cho người lao động ngày một tốt hơn".

Mạnh Hùng