PMI tháng 5/2023 chưa thể cải thiện, lượng đơn đặt hàng giảm mạnh nhất trong 20 tháng

Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng 5/2023 tiếp tục giảm mạnh hơn, cùng với đó việc làm và hoạt động mua hàng cũng giảm, trong khi chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm.

Đơn đặt hàng giảm mạnh 

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng 5/2023 tiếp tục giảm mạnh hơn, theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global công bố mới đây
Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng 5/2023 tiếp tục giảm mạnh hơn, theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global công bố mới đây

Báo cáo của S&P Global đánh giá, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm.

Tiếp tục có những bằng chứng cho thấy áp lực giá cả giảm trong ngành sản xuất. Chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm, có nghĩa là các nhà sản xuất đã có thể giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu.

Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4, từ đó báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, mức giảm lần này của sức khỏe ngành sản xuất là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2021.

Có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng nhu cầu khách hàng yếu kém trong kỳ khảo sát mới nhất. Ảnh hưởng của điều này có thể cảm nhận rõ ràng nhất với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này đã giảm nhanh thành mức giảm lớn nhất trong 20 tháng. Những khó khăn trong việc duy trì doanh thu cũng được ghi nhận ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty cũng giảm sản lượng vào thời điểm giữa quý 2 của năm. Sản lượng đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và tốc độ giảm là đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 1. Sản lượng đã giảm ở cả ba lĩnh vực sản xuất, với mức giảm mạnh nhất là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với mức 46,7 trong tháng 4
Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với mức 46,7 trong tháng 4

Sự yếu kém của nhu cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trở thành mức yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Bất kỳ sự lạc quan nào còn lại thường là dựa vào hy vọng rằng quá trình hồi phục của ngành sản xuất sẽ diễn ra trong những tháng tới.

Một số công ty giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm. Điều này, cộng với một số trường hợp nghỉ việc tự nguyện, đã khiến việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5, mặc dù mức độ giảm là nhẹ hơn so với kỳ khảo sát trước.

Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng nó cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các công ty đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.

Dù vậy, đại diện S&P Global cho rằng nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giảm những áp lực còn lại với chuỗi cung ứng, nhờ đó thời gian giao hàng đã rút ngắn và chi phí đầu vào giảm. Trong khi niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm trong tháng 5, vẫn có những hy vọng trong các công ty rằng tình trạng phục hồi sẽ diễn ra trong những tháng tới. Do đó, những dữ liệu sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra bất kỳ tín hiệu cải thiện nào.

Tín hiệu mới cho ngành sản xuất

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới.

Điểu này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.

Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

"Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về thuế quan tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu", Bộ Công Thương nhận định.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra ngày 3/6 vừa qua, đánh giá tình hình sắp tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy mạnh các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn; rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác tối đa các FTA đã có và thúc đẩy ký các FTA mới.

Thy Thảo