Phú Thọ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 3036/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống nhân dân; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định, an ninh quốc phòng, UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 3036/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

dân tộc thiểu số
Tỉnh Phú Thọ chú trọng chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020

Giai đoạn 2016-2020 vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội thiết yếu, đồng bào được tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi ngày một nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển chưa thực sự bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều nơi vẫn còn duy trì tập quán canh tác cũ, chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Một số chính sách đối với đồng bào DTTS còn chưa đạt hiệu quả; việc thực hiện một số chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thiếu đồng bộ;

Chính sách huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa hấp dẫn, hiệu quả thấp, nguồn lực đầu tư còn dàn trải; cơ sở hạ tầng đã được phát triển, nhưng ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào DTTS còn hạn chế; Nhân lực y tế tại vùng DTTS còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đầu tư thích hợp.

Tỷ lệ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp; Hoạt động văn hóa thể thao vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thường xuyên; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa thật sự bền vững, sự chênh lệch khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh còn lớn; Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn hạn chế; khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước còn khó khăn…

dân tộc thiểu số
Tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của các huyện miền núi còn khó khăn; địa hình chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, đòi hỏi mức đầu tư lớn…; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo; trình độ sản xuất của đồng bào vẫn còn dựa vào phương thức canh tác giản đơn, một số nơi còn tự cấp, tự túc, dựa vào tự nhiên; ít có cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp; Công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; Ngân sách địa phương còn khó khăn, việc bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự đầy đủ, nghiêm túc đối với công tác dân tộc. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở về chính sách dân tộc và công tác dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc chưa được quan tâm; Một số cơ chế, chính sách còn chưa thực sự phát huy hiệu quả; chưa đủ mạnh và hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Một bộ phận đồng bào khó tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, vẫn còn duy trì tập quán canh tác cũ, năng suất lao động thấp, giá trị sản phẩm chưa cao, thiếu tính ổn định.

Một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng trông chờ ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

dân tộc thiểu số
Kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Phú Thọ ngày càng phát triển

Giải pháp cụ thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025

Từ những hạn chế của giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã đề ra những mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 như:

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn; Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; Ưu tiên sử dụng các cấu kiện xây dựng theo mô-đun (module) lắp ghép bảo đảm thi công nhanh, giảm chi phí phục vụ các công trình;

Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân; Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;

Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng;

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình; Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình;

Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; huy động hợp lý các nguồn vốn ODA và các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng;

Huy động các nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung hỗ trợ thuộc phạm vi đầu tư để triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; đồng thời huy động, thu hút nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ cũng kêu gọi các sở, ban ngành phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".

Tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 là 3.461.567 triệu đồng, trong đó:

Vốn trực tiếp thực hiện chương trình 2.123.944 triệu đồng:

- Vốn ngân sách Trung ương 1.923.944 triệu đồng;

- Vốn ngân sách địa phương 200.000 triệu đồng.

Lồng ghép và huy động vốn hợp pháp khác 1.337.623 triệu đồng.

Nguyên Vỵ