Thương mại miền núi
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (thứ hai từ phải) tại Diễn đàn Kinh tế “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”

 

3 điểm đổi mới

Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga cho biết, trong phát triển thương mại miền núi, hải đảo, Vụ Thị trường trong nước là một đầu mối kết nối, không chỉ về cung - cầu mà còn kết nối để xây dựng những mạng lưới cùng nhau hỗ trợ phát triển và tiêu thụ được một dòng hàng hóa nào đó.

Trong đó, sản phẩm đến từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là một trong những nội dung nhận được sự ưu tiên đặc biệt. Trong mạng lưới đồng hành từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có rất nhiều doanh nghiệp chung tay, cũng như các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành đã hỗ trợ, và đặc biệt là sự ủng hộ cũng như hưởng ứng khá mạnh mẽ từ các địa phương,  hệ thống phân phối, và các hệ thống thương mại điện tử lớn.

Với sự kết nối này, từ trước đến nay đã có những hoạt động hỗ trợ cho những dòng hàng khó khăn nhất của các vùng khó khăn nhất, tiếp cận được với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, đưa ra cả những kênh phân phối xuất khẩu.

Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga nhận thấy có một số đổi mới:

Thứ nhất, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, các hệ thống phân phối trong nước đã ưu tiên kết nối online để hỗ trợ và nhận luôn những phần hàng hóa của các địa phương đưa vào quầy kệ của mình, dành một không gian rất đẹp, trân trọng ở phía trước mặt tiền các trung tâm thương mại, siêu thị - nơi người tiêu dùng đến mua sắm tiếp cận đầu tiên - để bán những phần hàng dành riêng cho các tỉnh, địa bàn miền núii, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Thậm chí còn bỏ cả chi phí ra để trang trí, biểu diễn văn nghệ thu hút người tiêu dùng đến. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng này cũng rất tốt.

Thứ hai, với sự đổi mới của các Bộ, ngành và thông qua nhiều chương trình mới được ban hành như Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, trong đó có dòng hàng OCOP đại đa số cũng đến từ những địa bàn khó khăn này và một số vùng nông thôn… đã được hỗ trợ về marketing ở quy mô quốc gia hay cấp tỉnh, để người tiêu dùng biết đến nhiều và đưa vào hệ thống phân phối trong nước, từ hệ thống phân phối lớn cho đến những cửa hàng nhỏ hay những cửa hàng chuyên doanh như Craft Link để mọi người có thể tiếp cận và mua được.

Thứ ba, đặc biệt hơn nữa là sự gắn kết giữa các ngành với nhau và một trong những ngành đã thu hút được khách du lịch đến là  du lịch -  văn hóa với những lễ hội đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại miền núi, hải đảo. Hay là việc mang hàng về miền xuôi thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá, chương trình kích cầu du lịch đã kéo được người tiêu dùng, khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến để mua hàng hóa và được trải nghiệm ngay những hàng hóa đó tại nơi sản xuất.

Ba điểm mới đó rất hay, và được các địa phương hưởng ứng, coi là trọng điểm. Thêm nữa là truyền thông bây giờ rất hữu dụng khi có thêm hình thức đa phương tiện, từ các kênh truyền hình lớn đến tất cả các báo, đài đều có những kênh online, tương tác với cộng đồng xã hội đã giúp lan tỏa, giới thiệu được về văn hóa, về năng lực sản xuất, về những đặc điểm mà mang tính chất vùng miền để giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Thương mại xuyên biên giới của các kênh thương mại điện tử cũng đã được mở rộng, góp phần đưa hàng hóa đi xa. Từ thực tiễn đó, Bộ Công Thương cũng đã điều chỉnh chính sách và trình lên Chính phủ phê duyệt Chương trình mới giai đoạn 2021-2025.

Vụ Thị trường trong nước sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương trong năm tới triển khai một chuỗi các chương trình gắn kết giữa thương mại và du lịch, vì qua thực tiễn, hoạt động này thực sự hiệu quả. Chúng tôi đã bán được hàng ngàn tấn bí xanh của vùng sâu trên Bắc Kạn, một sản phẩm rất khó, nhưng nhờ các chương trình như vậy, các hệ thống phân phối như Central Retail, MM Mega Market, WinMart, Saigon Co.op,… đã hưởng ứng để đưa vào phân phối đến người tiêu dùng. Một sản phẩm ở vùng sâu như vậy vẫn bán được là nhờ vào hoạt động thu hút du lịch tại hồ Ba Bể. Hay là gạo ngon ở vùng Mù Cang Chải trong mùa lúa chín chúng ta cũng sẽ rất dễ bán.

thương mại miền núi

Về chính sách, Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga cho biết, cần phải hoàn thiện rất nhiều trên cơ sở những mô hình thực tiễn đã được chứng minh rất hiệu quả và rất hay khi bảo tồn được nét văn hóa truyền thống. Rất nhiều chương trình khác của nhà nước như xây dựng hạ tầng cơ sở điện đường trường trạm tốt lên, chợ tốt lên qua Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo,… thì thời gian tới đây điều kiện để triển khai được Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thuận lợi hơn giai đoạn trước. Sẽ có nhiều con đường cao tốc lên Sơn La, Điện Biên, chúng ta không phải đi qua những thung khe nguy hiểm nữa, để hàng hóa vận chuyển được nhanh hơn, an toàn hơn.

Sáng tạo của địa phương, doanh nghiệp

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước,  Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga nhấn mạnh, phải triển khai thực thi tám nhóm giải pháp quan trọng trong Quyết định 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bà Nga, qua ý kiến của các diễn giả thấy rằng sự sáng tạo trong và linh hoạt trong cách triển khai của doanh nghiệp, của địa phương hết sức quan trọng. Bộ Công Thương hàng năm đều có hướng dẫn và kêu gọi các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia triển khai các nhóm giải pháp. Thời gian tới sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về tính linh hoạt, sáng tạo ưu tiên cho chuyển đổi số, như ứng dụng những giải pháp về công nghệ số, hay những giải pháp truyền thông mang tính tổng thể hơn và có điểm nhấn hơn, có lượng người tiêu dùng quan tâm hơn đến những sản phẩm của khu vực miền núi, hải đảo sẽ được đánh giá cao và triển khai ở diện rộng.

Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga cũng nhận thấy các doanh nghiệp có những giải pháp mới, ví dụ như One Mount Group có gói giải pháp về tài chính, về nguồn hàng, đào tạo con người và cung cấp trang thiết bị cho các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương trong chợ truyền thống sử dụng được hàng hóa thiết yếu để phân phối với giá cạnh tranh, có thể gọi là giải pháp One-shot. Nếu các doanh nghiệp lớn cùng nhau làm được việc đó thì các hệ thống tạp hóa sẽ không bị các doanh nghiệp đưa hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, bản thân các hệ thống tạp hóa có giới hạn trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật và họ cũng gặp khó khăn trong việc đàm phán với các nhà cung cấp cho họ hàng hóa với giá cả có cạnh tranh.

Việc đưa hàng hóa đến cho các tổ chức sản xuất, đến người tiêu dùng ở khu vực miền núi, hải đảo cần có những sáng tạo hơn nữa và sự kết nối giữa vai trò các cơ quan của Trung ương như là Vụ Thị trường trong nước hay là các Vụ, Cục của Bộ Công Thương, cần vai trò của các Sở Công Thương, chính quyền địa phương trong việc kết thống tổ chức được hệ thống thương mại văn minh, hiện đại và có nguồn gốc xuất xứ bảo vệ được người tiêu dùng.

Thứ hai là sẽ có những phương thức mới hơn nữa trong việc tiêu thụ hàng hóa, đưa vào các phân phối được tổ chức mà ở đây trong giai đoạn này có một nhấn mạnh đấy là sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh của Việt Nam hoặc là doanh nghiệp vốn FDI với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ của người địa phương làm chủ.

Ngoài ra, có một vấn đề rất là quan trọng về hạ tầng thương mại và các dịch vụ đi kèm như: tài chính, các dịch vụ logistics, công nghệ thông tin, nhiều dịch vụ khác... cũng cần sự chung tay của các bộ ngành, rất cần nhiều diễn đàn hoặc hội nghị, diễn đàn kết nối.

thương mại miền núi
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga trao đổi tại phiên thảo luận

 

Nhóm cuối cùng mà Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga hết sức quan tâm là đào tạo nhân lực. Theo bà Nga, trong giai đoạn chống dịch COvid-19, Bộ Công Thương vẫn làm được những dự án, kể cả những dự án hợp tác quốc tế với những đơn vị đào tạo hoàn toàn qua mạng. Hiện đã có hơn 90 giảng viên đã được đào tạo cấp quốc tế về kỹ năng bán lẻ, cả online và offline.

“Mong rằng thời gian tới những chương trình như thế này sẽ đến được các địa phương với chi phí thấp khi chúng ta tận dụng được sức mạnh của internet, có thể đào tạo cho đồng bào ở các địa phương vùng sâu, vùng xa biết cách quảng bá, bán sản phẩm của mình vào các hệ thống.

Mong rằng các hệ thống lớn như: Central Retail, WinMart, Saigon Co.op... sẽ có những chương trình chung tay hỗ trợ cho người dân về sản xuất, kinh doanh ở khu vực khó khăn này tiếp cận với thị trường trong nước và xuất khẩu. Đấy là những nét trọng tâm nhất của chương trình mà Bộ Công Thương nhằm triển khai tám nhóm giải pháp trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra”.

(Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương)